NHỮNG CA KHÚC “VANG BÓNG MỘT THỜI” (2)

NHỮNG CA KHÚC

“VANG BÓNG MỘT THỜI” (2)

Xuất xứ những bài nhạc việt  vang bóng một thời

Những ca khúc : “vang bóng một thời” (2:42’)

https://youtu.be/BUOyCFFYnvo

List nhạc : 1/- Biệt ly,  2- Giọt mưa thu,  3- Áo lụa Hà Đông,  4- Nửa hồn thương đau,  5- Gửi gió cho mây ngàn bay,  6- Nỗi lòng,  7- Em ơi Hà Nội phố,  8- Hàn Mạc Tử,  9- Diễm xưa,  10- Gợi giấc mơ xưa,  11- Chiều mưa biên giới,  12- Lời buồn thánh,  13- Cô gái xuân,  14- Ướt mi,  15- Em đi chùa Hương,  16- Nắng chiều,  17- Mộng dưới hoa,  18- Cát bụi,  19- Chuyện tình Mộng Thường,  20- Thói đời,  21- Ảo ảnh,  22- Mùa thu chết.

– Tiếp theo kỳ 1

7- XUẤT XỨ BÀI

EM ƠI HÀ NỘI PHỐ

– Ca khúc “Em ơi Hà Nội Phố” : nhạc Phú Quang, trình bày Cẩm Vân

https://youtu.be/mfeAbMyvvqs

Cứ độ tháng 11, 12 thì trời Sài Gòn dẫu đang là nắng chói chang nhưng trong tôi cồn cào lên nỗi nhớ rét mùa đông. Còn cả ngàn nỗi nhớ cỏn con mà quay quắt như vậy…

Cái se lạnh cuối thu và gió heo may với ly cà phê đen nghi ngút khói trong quán nhỏ sớm mai. Căn phòng chật cùng những ly “quốc lủi” ? và những thoáng say với vẻ mặt trầm ngâm của những bạn bè nghệ sĩ nghèo. Nụ hôn lạnh mùa đông, vòng tay bồi hồi ướt giá dưới một tri mưa bụi của những ngày tháng tình yêu còn nồng ấm.

Rồi nỗi nhớ về căn nhà tôi đã sống ở Hà Nội qua suốt tuổi ấu thơ mà mùa đông năm 1972 khi những cành bàng trụi lá thì căn nhà ấy, và người bạn thân thiết nhất của tôi cũng vĩnh viễn bị bom B52 dập vùi. Thay vào đó là tượng đài về những người đã chết như một vết sẹo dẫu đã phủ kín rêu xanh mà chẳng bao giờ nguôi rát bỏng mỗi lần tôi nghĩ tới.

Rồi một ngày ngẫu nhiên gặp Phan Vũ trên đường Sài Gòn. Anh đưa tôi một bài thơ thật dài “Em ơi, Hà Nội phố”. Tôi đọc lần đầu tiên mà như đã đọc từ rất lâu, như chính tôi vẫn thường nghĩ thế : “Em ơi, Hà Nội phố ta còn em mùi hoàng lan, ta còn em mùi hoa sữa… Ta còn em… Ta còn em… Chiều Hồ Tây lao xao hoài con sóng… Chợt hoàng hôn về từ bao giờ… Đọc xong bài thơ linh cảm mách bảo cho tôi đó sẽ là bài ca mà tôi yêu thích. Tôi tin vào linh cảm ấy và bài thơ dài hàng trăm câu sang bài ca chỉ còn lại vài câu.

Vẫn biết một bài ca có đáng là bao để trả cho món nợ ra đi. Nhưng, bài ca được viết ra tôi đã được giải thoát dù chỉ là phần nào và dẫu ít ỏi tôi cũng đã xây được chút gì cho kỷ niệm (một lần hành hương về dĩ vãng). Một chút gì nhỏ nhoi cho Hà Nội, nơi chứng kiến bao buồn vui của tôi trong suốt nửa cuộc đời. (Ns. Phú Quang)  

8/- XUẤT XỨ BÀI HÀN MẶC TỬ 

– Ca khúc “Hàn Mặc Tử” : nhạc Trần Thiên Thanh, trình bày Lệ Quyên

https://youtu.be/q6iTa9BhF9Q

Đứng từ con đường mới mở chạy ngang sườn núi ven thành phố Quy Nhơn (Bình Định), vào những ngày trời ít sương mù, người ta có thể nhìn thấy những mái nhà của làng phong Quy Hoà lô xô ven biển. Con đường dốc đổ xuống nơi thi sỹ Hàn Mặc Tử sống những ngày cuối đời hơn nửa thế kỷ trước, lượn quanh co, vắng heo hút.

Ông được chôn trong nghĩa địa của làng phong.một nấm đất nhỏ như kích cỡ của hàng trăm ngôi mộ khác, xếp theo dãy thứ tự, nằm lặng lẽ trong muôn vàn cái chết lặng lẽ của người mắc bệnh cùi – vốn không có gia đình, hay nhiều bè bạn khi cuối đời.

Suốt 19 năm Hàn nằm lại trong nghĩa địa làng phong. Theo lời kể của nhiều nhà nghiên cứu về cuộc đời và thơ Hàn, trong thời gian đó, do hoàn cảnh chiến tranh, đường giao thông không thuận lợi và điều kiện khó khăn, nên mãi đến ngày 13/01/1959, gia đình và bạn bè mới cải táng sang địa điểm mới cho người đã chết. Buổi lễ cải táng cho nhà thơ được tiến hành khá đơn giản: chỉ có hai người chị, hai người em, ba người bạn và một vị linh mục tham dự.

Đến năm 1991, nhạc sỹ Trần Thiện Thanh cùng một số nhạc sỹ khác yêu mến tài năng thơ trẻ này đã đóng góp tiền để xây dựng một ngôi mộ – đài tưởng niệm, trên nền mộ cũ của Hàn.

Cảm động vì số phận của một nhà thơ lớn suốt hàng chục năm phải nằm nhỏ nhoi, quạnh quẽ, sau một lần viếng thăm mộ Hàn Mặc Tử, nhạc sỹ đã sáng tác bài hát về Hàn Mặc Tử và đau đáu nuôi ý định: “Nơi một thi sỹ lớn đã sống những ngày cuối đời và nằm cô quạnh suốt hai mươi năm, chẳng lẽ không có một dấu vết gì để nhớ?”.

9/- XUẤT XỨ BÀI DIỄM XƯA

– Ca khúc “Diễm xưa” : nhạc Trịnh Công Sơn, trình bày Khánh Ly

https://youtu.be/n-wyVoW9Fbg

Sơn bắt đầu câu chuyện. Hai chị em đều đẹp và quí phái. Tôi theo cô Diễm. Mối tình học trò, có lẽ đơn phương, kéo dài từ khi tôi còn ở Huế cho đến lúc vào Sài Gòn trọ học. Cha mẹ Diễm khó và không thích tôi. Nhưng tôi vẫn cứ đeo đuổi hình bóng của Diễm, bởi Diễm cũng chưa có biểu hiện nào xa lánh tôi và cũng không có lời lẽ cự tuyệt.

Năm đó tôi thi trượt Bac II. Diễm đậu và vào Sài Gòn để vào đại học Văn Khoa. Còn tôi thì về lại Huế, bỏ ngang việc học vì gia đình đang lâm cảnh sa sút. Phần buồn, phần tự ái, tôi không còn tìm cách liên lạc với Diễm nữa. Có lẽ vì vậy mà Diễm cũng lơ luôn.

Diễm đâu biết rằng trong thời gian này tôi đau khổ nhất. Tôi đã cố nén mọi khổ đau trong im lặng. Sự khổ đau và nhớ nhung dày vò tôi từng đêm, tôi đã phải viết nên bài “Diễm Xưa” để trút bớt nỗi khổ đau trong lòng. Nhưng có điều lạ là khi tôi viết xong bản nhạc này, tôi lại thấy lòng mình thanh thản, nhẹ nhàng. Tôi cảm thấy vơi đi rất nhiều nỗi nhớ và tình yêu.

Trong lòng tôi bấy giờ chỉ còn một chút tình mong manh như sương, như khói. Nó không còn nồng nàn, mãnh liệt như trước kia. Một dịp tôi vào Sài Gòn, tìm đến cư xá nơi Diễm đang nội trú với ý định tặng nàng bản nhạc để làm kỷ niệm một thời tuổi trẻ, rồi thôi. Nhưng không gặp được Diễm. Tôi nhờ mấy cô bạn gái đang đứng ngoài cổng trao lại dùm. Khi tôi quay lưng đi được một quãng thì nghe tiếng Diễm từ trên “ban công” gọi theo :

– Anh Sơn! Anh Sơn ! Anh Sơn ơi !

Nhưng tôi không ngoái lại. Tôi cắm đầu đi thẳng. Tiếng gọi tên tôi vẫn còn văng vẳng sau lưng. Từ ấy đến nay, tôi tự nhủ lòng, sẽ không bao giờ tìm gặp lại Diễm nữa.

10/- XUẤT XỨ BÀI

GỢI GIẤC MƠ XƯA 

– Ca khúc “Gợi giấc mơ xưa” : nhạc Lê Hoàng Long, trình bày Khánh Hà

https://youtu.be/L-XEz7shn5I

Năm 1954, ông quen cô gái có cái tên khá dễ thương: Lê Thu Hiền. Gia đình cô gái này vốn là người Bắc định cư tại Sài Gòn. Tình cảm hai người ngày càng đằm thắm, và ông luôn tin rằng cuộc tình ấy sẽ mang đến những điều như ông hằng mong ước. Bỗng một ngày, cô nói với ông rằng có người đang hỏi cưới cô.

Ông liền liều đến nhà cô để gặp người bố và thưa chuyện hai đứa, nào ngờ chẳng ngăn được số phận, thời gian sau cô thật sự đi lấy chồng, lấy anh giám đốc trường dạy lái xe Auto Ecole Mayer.

Đó là thời điểm giáp tết Ất Mùi (1955), ngày cô lên xe hoa, ông ngồi ở quán cà phê cạnh nhà cô, nhìn thấy cô mặc lễ phục cô dâu, ôm bó hoa trắng. Đám cưới ấy to lắm, đoàn rước dâu đi một vòng rồi mới về nhà chú rể. Mỗi vòng bánh xe quay là mỗi lần nghiền nát tim ông. Nỗi buồn, sự đau đớn dâng ngập trong lòng ông.

Đoàn xe cưới qua đi, ông bần thần trở về căn gác trên đường Lý Thái Tổ, vùi mình trầm tư và lúc ấy dường như bao nhiêu nỗi đau lại tuôn ra. Bài Gợi giấc mơ xưa được ra đời trong trạng thái đó. Thương em thì thương rất nhiều mà duyên kiếp lỡ làng rồi… Cả phần nhạc lẫn phần lời chỉ hoàn thành trong vòng khoảng 10 phút!

Ông đưa bài hát này cho Mạnh Phát, và được phát đầu tiên trên đài phát thanh Pháp Á. Bài hát trở nên nổi tiếng, và câu chuyện tình trong bài hát được nhiều người quan tâm. Vì sao ông đang ở Sài Gòn mà bài hát được bắt đầu bằng Ngày mai lênh đênh trên sông Hương ? Vì ngay từ cái lúc nhìn người yêu đi lấy chồng, ông đã quyết tâm từ bỏ Sài Gòn để chạy trốn nỗi đau.

Ông ra Huế, dù bao nhiêu người ngăn cản. Trong khoảng thời gian này, ông lao vào nhiều mối tình để tìm quên. Ca sĩ có, diễn viên cũng có. Hầu hết đều cảm mến ông từ bài hát Gợi giấc mơ xưa. Nhưng 2 năm sống ở Huế ông đau xót nhận ra một điều rằng, ông chẳng thể nào quên mà ngược lại, càng nhớ nhung nhiều hơn.

Mối tình ấy trong ông quá sâu đậm, mỗi con đường, mỗi âm thanh đều gợi cho ông nhớ về ngày xưa Ngày mai lênh đênh trên sông Hương, Theo gió mơ hồ hồn về đâu? Sóng sầu dâng theo bao năm tháng, ngóng về đường lối cũ tìm em! Thương em thì thương rất nhiều mà duyên kiếp lỡ làng rồi Xa em ! lòng anh muốn nói bao lời gió buông lả lơi. Hình bóng đã quá xa mờ dần theo thời gian. Kiếp sau xin chắp lời thề cùng sống bước lang thang.

Em ơi ! tình duyên lỡ làng rồi còn đâu nữa mà chờ, Anh đi lòng vương vấn lời thề nhớ kiếp sau chờ nhau. Tha hương lòng thương nhớ ngày nào cùng tắm nắng vườn đào. Gió xuân sang anh buồn vì vắng bóng người yêu. Rồi mai khi anh xa kinh đô. Em khóc cho tàn một mùa thơ. Nhớ người em nương theo cơn gió. Ru hồn về dĩ vãng mộng mơ. Thương anh thì thương rất nhiều mà ván đã đóng thuyền rồi.

Đa đoan trời xanh cắt cánh lìa cành khiến chim lìa đôi Chiều xuống mưa gió tiêu điều reo trên dòng Hương. Tháng năm chưa xóa niềm sầu vì đứt khúc tơ vương. Anh ơi, đời đã lỡ hẹn thề thì đâu có ngày về. Xa anh đời em tắt nụ cười héo hắt đôi làn môi. Đêm đêm đèn le lói một mình ngồi ôm giấc mộng tình. Kiếp sau đôi tim hòa chào đón ánh bình minh.

11/- XUẤT XỨ BÀI

CHIỀU MƯA BIÊN GIỚI 

– Ca khúc “Chiều mưa biên giới” : nhạc Nguyễn Văn Đông, trình bày Thanh Tuyền

https://youtu.be/jyHcHfmwUFs

“Bản nhạc Chiều Mưa Biên Giới được viết vào năm 1956. Khi ấy tôi là trung úy trưởng phòng hành quân của chiến khu Đồng Tháp Mười là người có trách nhiệm đề ra những phương án tác chiến.

Lần đó tôi dẫn đầu một nhóm biệt kích bí mật đi điều nghiên chiến trường dọc theo biên giới Miên-Việt và Đồng Tháp Mười. Trên đường về, anh em chúng tôi lâm vào cảnh trời chiều gió lộng, mưa gào như vuốt mặt. Giữa cánh đồng hoang vắng tiêu sơ, lối vào tiền đồn thì xa xôi, thoáng ẩn hiện những nóc tháp canh mờ nhạt ở cuối chân trời. Và từng chập gió buốt kéo về như muới sát vào thịt da.

Từ trong cảnh ấy, tận đáy lòng mình đã nghe nẩy lên những cung bậc rung cảm, những trường canh đầu tiên buồn bã cho bài Chiều Mưa Biên Giới anh đi về đâu…”

Tuy được phổ biến trong chiến khu Đồng Tháp Mười, nhưng phải đợi đến năm 1960, nhạc phẩm “Chiều Mưa Biên Giới” mới được đài Phát thanh Sài Gòn phổ biến, trong khi nhạc phẩm “Sắc Hoa Mầu Nhớ” sáng tác sau, nhưng lại được phổ biến trước.

Sau đó nhạc phẩm “Chiều Mưa Biên Giới” đã được quái kiệt Trần Văn Trạch cất cao tiếng hát giữa thành phố Paris với một hơp đồng thu thanh Pháp-Việt lần đầu tiên vào hãng đĩa của Pháp. Khi Trần Văn Trạch qua Pháp, ông có nhờ nhiều nhạc sĩ danh tiềng ở Paris như Đan Trường, Nguyễn Thông, vv… giúp về việc dịch thuật từ lời Việt ra lời Pháp để trình bầy bằng cả hai ngôn ngữ.

12/- XUẤT XỨ BÀI LỜI BUỒN THÁNH

– Ca khúc “Lời buồn thánh” : nhạc Trịnh Công Sơn, trình bày Lệ Thu

https://youtu.be/Fy0BCEaxfEY

Từ ngày Nguyễn Văn Ba chết, chúng tôi buồn vì thiếu vắng một người bạn, nên không còn hứng thú trong những buổi lang thang nữa.

Những ngày bó gối nằm nhà, Sơn thường ngồi tư lự trước bàn viết duy nhất dành cho cả hai soạn bài, nhìn đăm đắm ra con đường đất đỏ. Mùa này bông lau nở trắng khắp nơi. Lau trắng dọc theo con đường dốc chạy dài từ trong buôn ra tới quốc lộ, băng ngang trước nhà chúng tôi. Buổi chiều, gió nồm thổi nhẹ từng cơn, lướt qua rừng lau, xô chúng ngã nghiêng xuống, rồi chúng bật dậy, tạo thành những âm thanh xào xạc nhè nhẹ, đều đều, buồn buồn.

Chiều xuống dần. Những vạt nắng cuối cùng chiếu xiên trên những ngọn bông lau, lấp lánh sáng ngời. Gió lắng dần. Không gian trở nên im ắng, tĩnh mịch. Chợt tiếng kèn đồng xa xa vẳng lại, lúc nghe, lúc mất. Thật hắt hiu buồn. Đó là lúc cô nữ sinh hàng xóm, cô Ngà, đúng giờ đi lễ chiều. Chuông nhà thờ đang vang vang, dồn dập từng hồi, thúc dục con chiên đến giáo đường.

Thật đúng như tên đặt, da cô trắng ngà. Người mãnh mai với mái tóc thề chấm ngang vai, với khuôn mặt phảng phất nhiều nét như Đức mẹ Maria. Rất dịu dàng trong dáng đi. Mỗi buổi chiều cô đi lễ, đều đi ngang nhà chúng tôi. Hai tay ấp quyển Thánh Kinh trước ngực, đầu hơi cuối xuống, lặng lẽ, khoan thai bước. Đã bao lâu rồi ?

Cái hình ảnh rất đẹp ấy, cái màu áo dài trắng nổi bật trên nền đất đỏ, thấp thoáng ẩn hiện trong đám lau trắng, đã đi ngang nhà chúng tôi bao nhiêu chiều rồi mà chúng tôi không hề hay biết. Thật uổng phí ! Chẳng là, cứ ba giờ chiều, chúng tôi đã túc trực quanh mấy cái bàn bi da để dành chỗ rồi chơi cho đến khi tắt điện mới mò về, thì làm sao có thì giờ để biết bên hàng xóm có người đẹp. Cái tên Ngà, mãi về sau, theo dõi, lắng nghe mấy đứa em cô gọi, mới biết.

Với tâm hồn nhạy cảm của người nghệ sĩ, Sơn đã thành công khi đưa tất cả những âm thanh mơ hồ của ngàn lau, của tiếng kèn đồng, tiếng chuông nhà thờ cùng dáng yểu điệu của cô Ngà, hòa nhập với gió chiều nhè nhẹ, để cấu thành chất liệu tuyệt vời tạo nên nhạc phẩm Lời Buồn Thánh.

13/-  XUẤT XỨ BÀI GÁI XUÂN 

– Ca khúc “Gái xuân” : thơ Nguyễn Bính – nhạc Từ Vũ, trình bày Ánh Tuyết

https://youtu.be/Z1G6RYPMyAA

Mỗi dịp Tết đến, những giai điệu quen thuộc của bài hát Gái Xuân lại vang lên: “Em như cô gái hãy còn xuận Trong trắng thân chưa lấm bụi trần…”

“Xuân Quý Tỵ (1953), tôi đang học lớp điện tử trong khuôn viên trường Petrus Ký. Lúc ấy tôi 21 tuổi sống xa gia đình, không bạn bè giữa Sài Gòn phồn hoa, đô hội. Buồn, chỉ biết lục sách báo ra đọc. Tình cờ mớ sách gối đầu giường có tập thơ Mây Tần của Nguyễn Bính. Tôi đọc thấy bài Gái Xuân, một bài thơ ngắn (chỉ hai khổ thơ) nhưng lại có hấp lực dẫn dắt tâm trí tôi quay về với cố hương ở Thường Tín (Hà Đông).

Hà Đông là quê lụa nên câu Gái Xuân giũ lụa trên sông Vân như đưa tôi về trong hoài nie^.m…Ro^`i những câu “Lòng Xuân lơ đãng, ý xuân nồng. Cô gái xuân mơ chuyện vợ chồng. Đôi tám xuân đi trên mái tóc. Đêm xuân cô ngủ có buồn khổng. Tài tính nét thơ Nguyễn Bính diễn tả tâm trạng cô gái mới lớn. Tôi cũng là thằng trai 21 tuổi. Thấm nhau lắm anh ạ. Tôi đọc bài thơ dăm lần là đã ngấm, cầm bút giấy viết luôn một mạch”. PV hỏi : Với cây đàn guitar ? Ông lắc đầu và nói : Ồ không, giấy bút và solfe’ cho đến lúc bản nhạc hoàn tất, sau đó mới dùng guitar để thẩm âm lại.

Cho đến bây giờ tôi cũng tự thấy mình là kẻ ngoại đạo trong lĩnh vực sáng tác và ca nhạc, nhưng tôi vẫn còn đó một niềm đam mệ Số là năm 1950 tôi theo gia đình vào Sài Gòn, một lần ghé vô tiệm nhạc trên đường Catinat tôi mua được cuốn Lárt de Composition Musicale. Cuốn sách đã cho tôi những căn bản về sáng tác.

Tôi viết Gái Xuân trong giai đoạn này. Viết, nhưng bài thơ quá ngắn, tôi mạn phép tác giả (đến nay tôi vẫn chưa từng gặp Nguyễn Bính lần nào), thêm vô hai câu của tôi: “Xuân đi, xuân đến hãy còn xuận Cô gái trông Xuân biết bao lần” để đủ độ dài thích hợp. Viết xong, cũng không nghĩ bài hát sẽ được phổ biến.” Nhạc sĩ Từ Vũ kể tiếp :

Dạo đó, tôi quen với ca sĩ Linh Sơn bèn nhờ cô ấy hát nhưng do cô ấy quá bận rộn, chúng tôi không có dịp trao đổi nên ngày ra mắt Gái Xuân, thú thật tôi vẫn chưa ưng ý lắm. Sau đó, tình cờ tôi gặp nữ ca sĩ Tâm Vấn ở Đài phát thanh Sài Gòn, Tâm Vấn trách: Sao anh không tặng tôi bài hát của ạnh Tôi đã chép tặng Tâm Vấn trên một tờ giấy.

Sau đó tôi phải theo bố ra Phan Thiết nên cũng chẳng biết Tâm Vấn “xử lý” như thế nào với bài hát của tôi, chỉ thấy bạn bè viết thư ra cho biết Tâm Vấn hát bài Gái Xuân rất hay và hát thường xuyên ở đài phát thạnh Ở Phan Thiết, trong một đêm lang thang ngoài phố, tình cờ tôi nghe Đài Phát thanh Huế phát bài hát này qua tiếng hát của cô Diệu Hượng Tôi không biết Diệu Hương là ai nhưng tiếng hát ấy đã làm tôi đứng tựa cột đèn, ngây ngất, đến bây giờ cảm giác ấy vẫn còn.

14/- XUẤT XỨ BÀI ƯỚT MI

– Ca khúc “Ướt mi” : nhạc Trịnh Công Sơn, trình bày Ngọc Lan

https://youtu.be/fck5zwitLc4

Thuở còn trọ học ở Sài Gòn, năm đó tôi mười bảy tuổi – Sơn kể – đêm nào tôi cũng lò dò đến phòng trà ca nhạc để nghe Thanh Thúy hát. Dần dần hình bóng Thanh Thúy đã ăn sâu vào trong tôi lúc nào không biết. Nói yêu Thanh Thúy thì cũng chưa hẳn. Vì tôi nhỏ tuổi hơn, lại nhiều mặc cảm nghèo và vô danh. Trong khi đó Thanh Thúy là một ca sĩ đang lên, kẻ đón người đưa tấp nập.

Biết vậy, nhưng tôi không thể không đêm nào thiếu hình ảnh và tiếng hát của nàng. Có đêm tôi chỉ đủ tiền để mua một ly nước chanh. Đêm đêm tôi thao thức với những khát khao, mơ ước là phải làm một cái gì đó để tỏ cho Thanh Thúy biết là tôi đang rất ngưỡng mộ nàng. Cái khát vọng đó đã giúp tôi viết nên bản nhạc “Ướt Mi” đầu tiên trong đời.

Khi hoàn thành, tôi nắn nót chép lại thật kỹ càng và luôn mang theo bên mình chờ có dịp tặng nàng. Với sự nhút nhát của tuổi trẻ, tôi không dám đưa tặng ngay mà phải chờ khá lâu mới có cơ hội. Một hôm tôi đánh bạo, tìm một chỗ sát bục sân khấu, dự định khi nàng vừa dứt tiếng hát là tôi sẽ đứng lên đưa luôn. Đã mấy lần định làm vẫn không kịp. Nàng vừa cúi đầu chào khán thính giả là đã có người chực sẵn rước đi ngay.

Cái đêm định mệnh mà tôi quyết tâm an bài đã thành công. Khi cầm bản nhạc trong tay, nghe mấy lời lí nhí của tôi, nàng chỉ thoáng nhìn tôi một chút rồi quay gót về hậu trường. Đêm đó tôi nôn nao không ngủ được. Trong lòng nổi dậy biết bao là mộng mơ, thắc mắc. Những câu hỏi cứ hiện ra trong đầu, nhưng tôi không dám trả lời dễ dàng cho mình thỏa mãn.

Nhưng câu hỏi cứ trở đi, trở lại trong tôi là: – Liệu nàng có để ý gì đến bản nhạc mà tôi đã thao thức bao đêm để làm nên vì nàng không ? Hay nàng chỉ khách sáo cầm hờ rồi vứt bỏ nó ở đâu đó! Vứt đi! Tim tôi đau nhói khi nghĩ đến hai chữ ấy.

Suốt gần một tuần, tôi hồi hộp theo dõi nàng mỗi đêm, đón từng ánh mắt nàng nhìn xuống khán giả thử xem nàng có dừng lại nơi tôi không, để tôi hy vọng. Nhưng không, vẫn như mọi lần. Một cái nhìn chung để gây cảm tình chung. Mãi đến hai tuần sau, khi tôi sắp tuyệt vọng vì mỏi mòn chờ đợi thì một đêm kia, khi bước lên bục diễn, dàn nhạc dạo khúc mở đầu thì nàng ra dấu cho ban nhạc tạm im tiếng cho nàng nói vài lời.

– Thưa quí vị! – Nàng bắt đầu nói và tôi hồi hộp chờ đợi.- Đêm nay Thúy sẽ trình bày một tác phẩm mới của một nhạc sĩ rất lạ, tặng cho Thúy. Đó là nhạc phẩm “Ướt Mi” của tác giả Trịnh Công Sơn. Hy vọng rằng đêm nay sẽ có sự hiện diện của tác giả để Thúy được nói vài lời cám ơn.

Nói xong, nàng quay sang ban nhạc, đưa bản nhạc của tôi cho họ dạo nhạc bắt đầu. Nàng cất tiếng hát. Tôi run lên trong lòng vì sung sướng và xúc động. Khi dứt tiếng hát, nàng dừng lại khá lâu, có ý chờ người tặng nhạc. Tôi thu hết can đảm, bước tới bục, ngước lên và nói :

– Xin cám ơn Thanh Thúy đã hát bài nhạc của tôi. Nàng a lên một tiếng ra vẻ bất ngờ rồi nói tiếp : – Thúy rất cám ơn anh đã tặng cho bản nhạc. Thúy muốn nói chuyện riêng với anh được không ? Tôi luống cuống gật đầu. Lúc ấy tôi sung sướng quá, hạnh phúc quá nên không tìm ra được lời nào để đáp lại. Tôi cùng nàng đón taxi về nhà nàng.

Nhà nàng ở sâu trong một ngõ hẽm. Căn nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi: tủ lạnh, quạt máy. Mọi vật dụng trong nhà đều sang trọng, đắt tiền. Tối hôm ấy nàng cùng tôi nói đủ thứ chuyện. Tôi không còn nhớ chuyện gì ra chuyện gì. Tôi kể cho nàng nghe hoàn cảnh của tôi từ Huế vào trọ học. Nàng kể cho tôi nghe cuộc đời nàng từ Phan Thiết lớn lên… (Về Một Quãng Đời Trịnh Công Sơn  của Nguyễn Thanh Ty) (Xem tiếp kỳ sau)

Yên Huỳnh tổng hợp chuyển tiếp

Kỳ sau : các nhạc phẩm : 15/- Đi chùa Hương – 16/- Nắng chiều – 17/- Mộng dưới hoa – 18/- Cát bụi – 19/- Chuyện tình Mộng Thường – 20/- Thói đời – 21/- Ảo ảnh

2 bình luận

  1. […] + https://cafevannghe.wordpress.com/ (Những ca khúc ‘Vang bóng một […]

  2. […] ẩn bài Hoa trinh nữ: Ẩn tình Hoa trinh nữ được phơi bày) + https://cafevannghe.wordpress.com/ (Những ca khúc vang bóng một thời) + https://nhacvang-nguyen.blogspot.com/ (Nhạc Vàng […]

Bình luận về bài viết này