NHÌN LẠI MINH TINH SÀI GÒN

PHẬN MÁ HỒNG CỦA

“ĐÀO” HUYỀN THOẠI

SÀI GÒN

Họ đều là người đẹp nổi tiếng đất Sài Gòn và là những diễn viên điện ảnh gặt hái nhiều thành công trong thập niên 50, 60, 70 của thế kỷ 20. Thẩm Thúy Hằng, Kiều Chinh đã tạo được tiếng vang và trở thành gương mặt nữ hiếm hoi của Việt Nam đứng vào “top” minh tinh của châu Á một thời.

THẨM THÚY HẰNG : Tài sắc vẹn toàn

Không chỉ là biểu tượng sắc đẹp miền Nam, Thẩm Thúy Hằng còn là gương mặt diễn viên nữ được “tổ đãi” và danh tiếng nhất trong làng giải trí Việt Nam bấy giờ.

Thẩm Thúy Hằng là nghệ danh do ông bà chủ hãng phim Mỹ Vân đặt cho cô bé Nguyễn Kim Phụng, sinh năm 1941 tại Hải Phòng, nhưng lớn lên tại An Giang. Năm 16 tuổi, do khao khát gắn mình với nghệ thuật, Kim Phụng đã lén cha mẹ ghi danh trong cuộc thi tuyển diễn viên điện ảnh và thật bất ngờ, chị đã vượt qua hơn 2.000 gương mặt khả ái để giành giải nhất.

Thời hoàng kim đã đem về cho Thẩm Thúy Hằng những giải thưởng điện ảnh quốc tếnhư : Hai lần đạt giải Diễn viên xuất sắc Á châu tại Liên hoan phim Đài Bắc, Ảnh hậu Á châu trong liên hoan phim Á Châu tổ chức tại Hồng Kông và Đài Loan (1972, 1974); Nữ diễn viên khả ái nhất vượt qua các đối thủ là những diễn viên xinh đẹp đến từ Đông Âu, Nhật bản, Trung quốc, Mông cổ vào năm 1982.

Thành công của vai diễn đầu tiên Tam nương trong phim Người đẹp Bình Dương đã đưa Thẩm Thúy Hằng bước lên ngôi vị diễn viên khả ái nhất của màn ảnh Sài Gòn. Những hợp đồng đóng phim thi nhau mời gọi và nhan sắc, tài năng của Thúy Hằng ngày càng lên đỉnh cao của nghệ thuật.

Cát xê của chị cao nhất, như năm 1974, chỉ cần xuất hiện một số phân đoạn trong một bộ phim hài chiếu tết, chị đã nhận được hơn 1 triệu đồng (khoảng 1 ký lô vàng 9999). Chị đồng thời lập kỷ đóng nhiều phim nhất của thập niên 50 – 60, với 60 phim truyện nhựa, như : Trà hoa nữ, Tấm cám, Sự tích trầu cau, Bạch viên tôn cát, Nửa hồn thương đau, Mười năm giông tố, Sóng tình, Xin đừng bỏ em…

Năm 1969, chị đứng ra lập nhóm làm phim mang tên Thẩm Thúy Hằng và đây là tiền thân của Vilifilms nổi tiếng ở Sài Gòn. Phim đầu tay Chiều kỷ niệm đã thành công ngoài sức tưởng tượng. Danh tiếng của Thẩm Thúy Hằng được nâng cao hơn khi chị xuất hiện tại Hồng Kông, Đài Loan, Hàn Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Singapore, Indonesia… tham dự các cuộc liên hoan phim. Đối với các diễn viên điện ảnh quốc tế Creg Moris, Wen Tao, Địch Long, Khương Đại Vệ… chị là bạn.

Không dừng ở điện ảnh, Thẩm Thúy Hằng còn thử sức mình ở kịch nghệ, cải lương, tân nhạc… Thời những năm 1960, miền Nam xuất hiện nhiều ban kịch như Dân Nam, Tân Dân Nam, ban kịch Kim Cương, ban kịch Túy Hồng, rồi chị lập ban kịch Thẩm Thúy Hằng… đảm nhận vai trò làm trưởng ban, viết kịch bản và dĩ nhiên là diễn viên chính.

Ban kịch của Thẩm Thúy Hằng được xếp vào một trong mười ban kịch tiêu biểu của kịch nghệ miền Nam, riêng chị nhiều lần được bầu chọn là một trong 12 diễn viên vững chắc của ngành kịch. Vở kịch của Thẩm Thúy Hằng rất được yêu thích là Đôi Mắt. Vai diễn cuối cùng trước khi từ giã lĩnh vực nghệ thuật là Phồn Y trong vỡ Lôi Vũ của đoàn kịch Kim Cương.

Hiện, Thẩm Thúy Hằng không còn tham gia hoạt động nghệ thuật, một phần do sức khoẻ, phần khác là muốn khán giả luôn giữ kỷ niệm đẹp quá khứ… Chị sống giản dị và lặng lẽ. Mọi thông tin về chị hầu như đóng chặt, cho tới khi trên một diễn đàn hải ngoại, bức ảnh chụp Thẩm Thúy Hằng của ngày nay đã khiến ai nấy phải giật mình.

Ban đầu, một số người quả quyết đó chỉ là một sản phẩm của công nghệ photoshop, bởi thời gian dù có ghê gớm đến mấy cũng không thể hủy hoại sắc đẹp nhanh đến vậy. Tuy nhiên, sau đó, họ đành phải ngậm ngùi khi nhiều người trong giới xác nhận, người phụ nữ có khuôn mặt xấu xí trong bức hình chính là kiều nữ họ Thẩm.

KIỀU CHINH : Tài tử Quốc tế

Kiều Chinh tên thật là Nguyễn Thị Chinh, là một nữ minh tinh nổi tiếng ở miền Nam trước năm 1975. Chị mở đầu sự nghiệp điện ảnh với vai chính trong phim Hồi Chuông Thiên Mụ bằng sự tình cờ như có một xếp đặt vô hình. Và tính đến nay, chị đã tham gia diễn xuất cho khoảng 120 bộ phim từ thời trước 1975, cho đến các phim của Hollywood và bây giờ là những bộ phim do chính các nhà sản xuất, đạo diễn người Mỹ gốc Việt thực hiện.

Sau 50 năm góp mặt với điện ảnh, Kiều Chinh đã được nhận nhiều giải thưởng cao quý. Khởi đầu là Ðệ nhất diễn viên Nam Việt Nam năm 1969, và của Ðại Hội điện ảnh Á châu năm 1973. Năm 1996, Viện Khoa học và Nghệ thuật truyền hình Mỹ (Academy of Television Arts and Sciences) đã trao giải Emmy cho phim tài liệu Kieu Chinh : A Journey Home của đạo diễn Patrick Perez/KTTV.

Năm 2003, tại Liên hoan Phim Việt Nam quốc tế, Kiều Chinh được trao giải thưởng Thành tựu suốt đời (Lifetime Achievement Award); và tại Liên hoan phim phụ nữ ở Turin (Ý), chị được trao giải Diễn xuất đặc biệt (Special Acting Award). Và gần đây nhất, tại mạc Ðại hội điện ảnh Á châu San Diego, ngày 14/10/2006, nữ tài tử lại nhận được giải Thành tựu suốt đời .

“Điện ảnh tìm tới tôi, chứ không phải tôi đi tìm điện ảnh. Tình cờ hôm đó tôi đang đi ngoài đường, thì có một người Mỹ tới vỗ vai và hỏi tôi có biết nói tiếng Anh không. Tôi quay lại nhìn và nghĩ rằng ông ta nhầm người”, nữ minh tinh chia sẻ.

Kiều Chinh sinh năm 1937. Năm 16 tuổi, chị đã lập gia đình. Năm 18 tuổi, chị bắt đầu chạm ngõ làng điện ảnh. Phong cách diễn của chị được đánh giá rất bình dị và đơn giản. Chị đã đem vào điện ảnh những suy nghĩ, những quan sát từ cuộc đời.

Với Hollywood, chị là nữ diễn viên đầu tiên của Việt Nam bước chân vào ngôi làng điện ảnh nổi tiếng này và chị đã đóng góp cho Hollywood hàng chục bộ phim, kể cả phim nhựa lẫn phim truyền hình, như A Yank in Vietnam, Devil Within, The Letter, Catfish in Black Bean Sauce, What’s Cooking, Face, Returning Lyly…

Với vai diễn trong phim The Joy Luck Club, Kiều Chinh là diễn viên gốc Á duy nhất có tên trong danh sách 50 diễn viên làm khán giả rơi lệ nhiều nhất trong lịch sử điện ảnh, do Entertainment Weekly số ra ngày 28/11/2003 đưa tin. Trong cuộc bình bầu này, Kiều Chinh xếp thứ 22/50, đứng đầu là “Terms of Endearment” (với Shirley McLaine), thứ 15 là Titanic, thứ 17 là Love Story, thứ 30 là “Romeo and Juliette”, thứ 47 là “Moulin Rouge”…

Tên tuổi Kiều Chinh còn được biết đến trong nhiều vai trò khác như công tác nhân đạo (xây trường học cho trẻ em ở Quảng Trị); diễn giả chuyên nghiệp của nhiều trường đại học và nhiều công việc khác phục vụ cho cộng đồng Việt Nam tại Mỹ.
Hiện, kiều nữ kỳ cựu Sài Gòn sống cùng gia đình ở thành phố Garden Grove (Mỹ). Trong ngôi nhà thân thương xứ người, chị trưng bày một trống đồng lớn, ý muốn nhắc nhở với con cháu, mình là người Việt Nam, con cháu của Vua Hùng.

Yên Huỳnh post (Theo Đất Việt)

BÌNH NGUYÊN LỘC

QUA TRÍ NHỚ

Năm 1965 khi làm tờ Nghệ Thuật, tôi có dịp gặp nhà văn Bình Nguyên Lộc thường xuyên, vì Nghệ Thuật là một tờ tuần báo văn chương, khác với những năm về trước, Sài Gòn có những tạp chí văn học, thường là ra hàng tháng.

Làm báo tuần các nhà văn gặp nhau có nhiều thì giờ trò chuyện hơn, nói về một chuyện gì đó cũng có thể nói lâu hơn là khi làm báo ngày. Viết báo ngày, cầm được bài vở bạn đưa rồi là đi ngay, trở về tòa báo đưa sắp chữ, ít khi ngồi lại dông dài.

Nghệ Thuật số 1 ra ngày 1/10/1965, Bình Nguyên Lộc gửi cho truyện ngắn Con Nai Vàng, đăng hai kỳ báo mới hết. Tới số 5 anh đưa cho truyện ngắn khác, Bệnh Thành Phố. Quen biết nhau từ hồi anh có mặt trên các tờ Nhân Loại của các nhà văn miền Nam, tòa soạn ở Bến Chương Dương, và quanh các nhật báo thời ấy, song từ nhật báo tới tuần báo, không khí môi trường lại khác. Một bên ào ào, một bên thong thả.

Từ tòa soạn ở đường Phạm Ngũ Lão tới tư gia tác giả Ký Thác, Ðò Dọc, ở bên kia đường Trần Hưng Ðạo, chỉ khoảng mười phút. Còn nhớ, nhà anh ở trong một con ngõ, lối đi phẳng phiu, tương đối rộng, khác hẳn những con ngõ ngoằn ngoèo khu Phan Ðình Phùng, hay Nancy. Anh thường đi bộ từ nhà tới các tòa báo ở đường Phạm Ngũ Lão : Văn, Kịch Ảnh, Màn Ảnh, Phổ Thông, Thời Nay, Sài Gòn Mới, Nghệ Thuật, Khởi Hành,… góc Phạm Ngũ Lão – Ðề Thám – Bùi Viện là “Ngã Tư Quốc Tế,” nơi đặt tổng hành dinh của một nhà phát hành báo (nhà phát hành Đồng Nai).

Căn phòng “con nai đồng bằng” ngồi viết chật ních sách vở, không phải trên kệ sách, mà xếp chồng chất trên các mặt bàn mặt ghế. Anh thường mặc pyjama màu nhạt, hay màu xanh thật nhạt. Lúc ra mở cửa tiếp khách, nụ cười đã sẵn sàng, tay phải luôn luôn cầm một cái bút nguyên tử. Anh đang viết dở một cái gì đó. Còn bài cho bạn, anh hẹn tới lấy, thì đã xong rồi, ở góc xấp bài đóng ghim cẩn thận. Phòng anh không được sáng lắm, lại càng không sáng vì những tấm song sắt mỏng che các mặt kính, như nếu kính có vỡ, người ngoài cũng không thể xâm phạm tới bên trong. Ðó là những hình ảnh giờ này nhớ lại, sự thực có thể là khác hơn.

Bản thảo Bình-nguyên Lộc là xấp giấy có kẻ dòng, xé ra từ tập vở học trò, nét chữ nghiêng, rõ ràng. Nét bút bi nhỏ sắc, dễ đọc. Ðọc bài anh viết cũng như nói chuyện với anh, là tiếp xúc với một người viết nhà nghề, khác hẳn cung cách của mấy anh cầm bút tài tử, vừa văn hoa lên bổng xuống trầm, vừa đọc vừa đoán, tuy thế đôi khi con chữ của Bình-nguyên Lộc nhỏ quá, dễ đọc lộn. Anh hay khôi hài dí dỏm, trong câu chuyện với anh, dù là chuyện gì, cũng vang lên tiếng cười. Ðặt các nhà văn gốc miền Nam khác bên cạnh anh, như Tam Ích, Sơn Nam, Ngọc Linh, Tùng Long, Minh Quân, Thụy Vũ, Sĩ Trung, Hoài Điệp Tử,… Bình-nguyên Lộc có tâm hồn thi sĩ hơn cả. Nhà văn ấy từng có những câu thơ vô cùng cảm xúc :

Kẽo kẹt xà nhà tiếng võng đưa

Ðâu đây đồng vọng cõi xa xưa

Thổ ngơi thơm phức, hồn ma cũ

Lòng rộn vui mà mắt lệ mờ.

(BNL Dâng má thương)

Bình-nguyên Lộc tên thật là Tô Văn Tuấn, sinh ngày 7/3/1914 tại làng Tân Uyên, tỉnh Biên Hòa, mất ngày 7/3/1987 tại San Jose. Ông học chữ Pháp ở nhà, tới bậc trung học thì lên Sài Gòn học trường Pétrus Ký, năm 1936 làm công chức ở Kho Bạc Sài Gòn. Trong thời gian này ông bắt đầu viết văn, tác phẩm đầu tay của ông nhan đề Phù Sa, đăng trên tạp chí Thanh Niên ở Sài Gòn năm 1943. Năm 1952, chủ trương tuần báo Vui Sống, chuyên về y học phổ thông. Năm 1956, ông cùng bạn hữu ra tuần báo Bến Nghé, có khuynh hướng khơi dậy không khí Gia Ðịnh xưa.

Tác phẩm để lại gồm nhiều thể loại, có chú giải các tác phẩm cổ điển như Văn Tế Chiêu Hồn (Nguyễn Du), Tự Tình Khúc (Cao Bá Nhạ)… Cuốn biên khảo đồ sộ Nguồn Gốc Mã Lai của Dân Tộc Việt Nam (1971), Lột Trần Việt Ngữ (1972), Tự Vựng Ðối Chiếu 10.000 từ (1971)…

Phần chính trong sự nghiệp của ông là sáng tác, ít ra là còn tìm được 30 cuốn : Nhốt Gió (1950), Ðò Dọc (1958), Gieo Gió Gặt Bão, Tân Liêu Trai (1959), Ký Thác (1960), Nhện Chờ Mối Ai (1962), Nửa Ðêm Trăng Sụp, Xô Ngã Bức Tường Rêu, Mối Tình Cuối Cùng, Ái Ân Thâu Ngắn Cho Dài Tiếc Thương, Tâm Trạng Hồng, Hoa Hậu Bồ Ðào, Bóng Ai Qua Ngoài Song Cửa, Bí Mật Của Nàng (1963), Mưa Thu Nhớ Tằm, Ðừng Hỏi Tại Sao? (1965), Tình Ðất, Những Bước Lang Thang Trên Hè Phố Của Gã Bình-nguyên Lộc (1966), Thầm Lặng, Một Nàng Hai Chàng,…(1967), Ðèn Cần Giờ, Sau Ðêm Bố Ráp…(1968), Cuống Rún Chưa Lìa, Nhìn Xuân Người Khác…(1969). Sau 75 vào giữa thập niên ’80 rời bỏ quê hương mà ông yêu mến nhất, qua Hoa Kỳ.

Trong tuần báo Khởi Hành số 24 (bộ cũ) đề ngày Thứ Năm, 9/10/1969, xuất bản tại Sài Gòn, nhà văn Bình Nguyên Lộc có tham dự cuộc phỏng vấn có chủ đề nhà văn, truyện dài, truyện ngắn với khoảng 20 nhà văn tên tuổi khác. Ông đã trả lời Tổng Thư Ký Tòa Soạn Viên Linh tất cả các câu hỏi. Sau đây là một vài đoạn trích dẫn.

– Ông viết văn như thế nào ? Một ngày ông viết được bao nhiêu trang ? Ông có đọc lại những gì ông viết ra không ?

– Tôi đoán rằng quí báo muốn thỏa mãn tánh tò mò của bạn đọc vì những cái tật lạ của mỗi nhà văn chăng ? Tôi không có tật lạ nào hết, chỉ thắc mắc một chứng bịnh mà thôi, là không thể viết ra chữ trên loại giấy nào khác hơn là giấy học trò. Tôi mắc bịnh này sau năm 1953 mà tôi bắt đầu làm nghề thư ký tòa soạn. Tới phút chót, các ông thợ báo tin rằng thiếu nửa cột chữ 8, không tít. Là lối 500 tiếng, lại phải biết mình nên cung cấp cho thợ bao nhiêu trang bản thảo của mình. Giấy tập học trò giúp tôi biết rằng tôi phải đưa hai trang bản thảo. Như vậy trong một phút đồng hồ, tôi đủ thì giờ phân bố ý tứ cho 2 trang đó và viết được ngay, kẻo thợ họ không nghe cho mình. Tôi thấy loại giấy đó có lợi quá, nên dùng nó để cung cấp tiểu thuyết cho các báo đăng hàng ngày, họ đăng không giống nhau, có báo đăng ba trang, có báo đăng ba trang rưỡi, có báo đăng bốn trang chữ viết của tôi. Chỉ dùng giấy tập tôi mới cung cấp được, không thiếu cũng không dư. Làm như vậy suốt 16 năm trời thì nó thành thói.

Xin thú thật rằng không có thì giờ đọc lại. Nhưng nếu có thì giờ đọc thì chắc mỗi ngày không viết tới 5 trang được, bởi hễ đọc lại thì muốn sửa chữa, sửa chữa rồi, đọc lại nữa, và cứ như vậy hoài thì biết bao giờ mới có bài. Ðôi khi sửa chữa mãi hóa ra dở hơn lần phóng bút ban đầu.

– Ông nghĩ gì về nghề văn ở VN ?

– Nghề văn VN hơi buồn. Mình viết văn ngoài các mục đích thiển cận, có một mục đích là muốn thiên hạ biết ý và lòng mình ra sao. Nhưng trung bình chỉ có lối ba ngàn người tìm biết thì thất vọng lắm. Dân ta đông tới 30 triệu, còn 29 triệu 9 trăm 97 ngàn người khác không thèm biết mình gì thì tủi thân quá… (Cuộc phỏng vấn năm 1969). Nhưng bạn hữu tôi an ủi tôi rằng tuy vậy mà số người đọc báo cọp và sách cọp đông lắm, nên tôi cũng hả dạ phần nào. Những ông cọp chỉ giết chủ báo và chủ nhà xuất bản, chớ tôi thì có lợi về tinh thần. Tôi cũng bị thiệt hại lây, vì các ông chủ báo, chủ nhà xuất bản kiếm tiền không được, không nuôi tôi no ấm lắm, nhưng dầu sao cũng có một tí lợi tinh thần đã nói.

Lê Hoàng Nguyễn (Trích trong : Viên Linh “Hồi Ký Văn Học”, chưa hoàn tất)