“BỎ QUA ĐI TÁM !”

CHUYỆN THÀNH NGỮ

“BỎ QUA ĐI TÁM !”

Người Sài Gòn xưa có cách xưng hô thứ bậc thú vị : công chức, người có học là thầy Hai, người Hoa buôn bán là chú Ba, đại ca giang hồ là anh Tư, lưu manh là anh Năm… người lao động nghèo xếp thứ Tám. Sao lại xưng hô vậy?

Chiều muộn hôm qua có cậu bạn đi công việc ghé ngang nhà rủ làm ly cà phê tán dóc. Nói chuyện lan man một hồi, tự nhiên anh chàng kể công ty em có ông già gác cửa rất hay nói câu “bỏ qua đi Tám”

“Em không hiểu, có lần hỏi thì ổng nói đại khái là dùng khi can ngăn ai bỏ qua chuyện gì đó, nhưng sao không phải là Sáu hay Chín mà lại là Tám thì ổng cũng không biết”, cậu bạn thắc mắc.

Dựa vào những câu chuyện xưa cũ, những giai thoại, nên kể ra đây chút nguyên cớ của câu thành ngữ có lẽ sắp “thất truyền” này…

Trước hết, phải biết là câu này phát sinh ở khu vực Sài Gòn – Chợ Lớn từ thời Pháp thuộc, khoảng đầu thế kỷ 20. Thời đó, cách xưng hô thứ bậc trong xã hội rất phổ biến và phần nào phản ánh vị trí xã hội, giai cấp… một cách khá suồng sã và dễ chấp nhận.

Thứ Nhất : Đứng trên hết là các “Quan Lớn” người Pháp hoặc các quan triều nhà Nguyễn, thành phần này thì không “được” xếp thứ bậc vì giới bình dân hầu như không có cơ hội tiếp xúc đặng xưng hô hay bàn luận thường xuyên.

Thứ Hai : Kế đến là các công chức làm việc cho chính quyền, họ ít nhiều là dân có học và dân thường hay có dịp tiếp xúc ngoài đời, là cầu nối giữa họ với các thủ tục với chính quyền, hoặc đó là thành phần trí thức, đó là các “thầy Hai thông ngôn”, hay “thầy Hai thơ ký”…

Thứ Ba : Là các thương gia Hoa Kiều, với tiềm lực tài chính hùng hậu và truyền thống “bang hội” tương trợ, liên kết chặt chẽ trong kinh doanh, các “chú Ba Tàu” nghiễm nhiên là thế lực đáng vị nể trong mắt xã hội bình dân Sài Gòn – Chợ Lớn thời đó.

Thứ Tư : Là các “đại ca” giang hồ, những tay chuyên sống bằng nghề đâm chém và hành xử theo luật riêng, tuy tàn khốc và “vô thiên vô pháp” nhưng khá “tôn ti trật tự (riêng)” và “có đạo nghĩa” chứ không tạp nhạp và thiếu nghĩa khí như các băng nhóm “trẻ trâu” hiện đại. Các “anh Tư dao búa” vừa là hung thần, vừa ít nhiều lấy được sự ngưỡng mộ của giới bình dân (và cũng không ít tiểu thư khuê các) thời đó.

Thứ Năm : Là vị trí của giới lưu manh hạ cấp hơn: các anh Năm đá cá lăn dưa, móc túi giật giỏ, hay làm cò mồi mại dâm…

Thứ Sáu : Bị giới bình dân ghét hơn đám lưu manh côn đồ là các “thầy Sáu phú-lít (police)”, “thầy Sáu mã tà”, “thầy Sáu lèo”. Chức trách là giữ an ninh trật tự, chuyên thổi còi đánh đuổi giới buôn gánh bán bưng bình dân, nhưng các “thầy Sáu” này cũng không từ cơ hội vơ vét ít tiền mọn “hối lộ” của họ để “nhẩm xà” (uống trà).

Thứ Bảy : Và trong giới buôn bán thì không thể thiếu chuyện vay vốn làm ăn, mặc dù Tàu hay Việt cũng đều có tổ chức cho vay. Nhưng phổ biến và “quy củ” nhất ở cấp độ trung – cao khu vực Sài Gòn – Chợ Lớn thời đó là các “anh Bảy Chà và”, các anh này là các nhà tài phiệt người Ấn, vừa giàu vừa ít bị “ghét”, vừa ít nhiều có quan hệ qua lại với giới chức người Pháp, lại làm ăn đúng luật lệ, ít thừa cơ bắt chẹt lãi suất nên khá được giới kinh doanh tín nhiệm.

Thứ Tám : Xếp thứ Tám chính là lực lượng đông đảo nhất xã hội bình dân bấy giờ: họ là giới lao động nghèo chỉ có sức lực làm vốn nuôi miệng, từ bốc vác, gánh nước bồng em, đến “sang” hơn chút xíu là phu xe kéo…

Tuy đông nhưng lại yếu thế nhất vì thất học, không có tiền như thầy Hai, anh Ba, cũng hiền lành chứ không bặm trợn phản kháng bạt mạng như các anh Tư anh Năm nên họ thường xuyên chịu sự áp bức, bắt nạt từ mọi phía. Cách để yên thân khả dĩ nhất với họ là khuyên nhau cắn răng nhẫn nhịn, quên đi để sống: “Bỏ qua đi Tám”, bây giờ chắc là đã dễ hiểu rồi.

Thứ Chín : Không còn liên quan nữa, nhưng nhân tiện sẵn nói luôn về thứ bậc chót cùng trong xã hội thời đó : các cô, các chị Chín xóm Bình Khang chuyên “kinh doanh” bằng “vốn tự có”.

Dài dòng tí để trình bày chút kiến giải về một câu thành ngữ đang dần bị quên lãng dùng để bày tỏ thái độ khuyên người hoặc tự an ủi mình hãy đừng để ý những chuyện không vui, hay bị ai đó “chơi không đẹp”. Nếu lỡ đọc thấy không có gì thú vị thì thôi, “bỏ qua đi Tám”.

“Anh Hai Sài Gòn” thì là cách gọi vui, thân mật, nhưng cũng thể hiện tính cách phóng khoáng, dám làm dám chịu của dân Sài Gòn nói riêng và miền Nam nói chung. Vì sao lại là “Anh Hai” chứ không là “Anh Cả” ?

Năm 1558, Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa, bắt đầu gây dựng chính quyền Chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Đây là cái mốc quan trọng của quá trình “Nam tiến” trong lịch sử Việt Nam, cũng là quá trình hình thành văn hóa vùng đất phía Nam trong xu thế mang theo và gìn giữ văn hóa cội nguồn, đồng thời tiếp nhận những yếu tố văn hóa của cư dân vùng đất mới.

Đến năm 1698, Phủ Gia Định được thành lập, Sài Gòn – Gia Định hình thành từ đó. Chỉ hơn 300 năm nhưng người Sài Gòn đã kịp định hình một bản sắc riêng dễ nhận biết giữa những người của vùng miền khác. Điều này hình thành từ nguồn gốc lưu dân và hoàn cảnh lịch sử xã hội của miền Nam /Sài Gòn.

Lưu dân người Việt vào Nam trước hết và đông nhất là những người “Tha phương cầu thực” vì không có đất đai, không có phương kế sinh sống ở quê hương. Thành phần thứ hai là những người chống đối triều đình, quan lại địa phương bị truy bức nên phải tìm đường trốn tránh. Thứ ba là những tội đồ bị buộc phải ly hương (một hình phạt nặng của thời phong kiến). Ngoài ra, còn có số ít người tương đối giàu có, muốn mở rộng và phát triển việc làm ăn trên vùng đất mới nên nhập vào hàng ngũ lưu dân tới miền Nam…

Khi Sài Gòn được hình thành như một trung tâm của vùng đất phía Nam thời chúa Nguyễn, một đô thị lớn thời thuộc Pháp thì nơi đây cũng là nơi dân tứ xứ tiếp tục đổ về. Người nhập cư là thành phần hữu cơ của bất cứ đô thị nào, Sài Gòn vốn hình thành từ những lớp “người nhập cư” rồi trở thành “người Sài Gòn”, rồi lại tiếp tục thu nhận và chia sẻ cho những lớp người nhập cư mới.

Sống trong những điều kiện lịch sử luôn biến động, người dân miền Nam /Sài Gòn đã tạo dựng một nếp sống tinh thần ấm áp, bình đẳng, lấy tình nghĩa, nghĩa khí làm trọng…

Người Sài Gòn không phân biệt “quê”, “tỉnh”, “đồng hương” hay không…

Có thể nói, tính cách người Sài Gòn bắt nguồn từ yếu tố, điều kiện thực tế nhất ở Sài Gòn là “Làm” : “Làm ăn”, “Làm chơi ăn thiệt”, “Làm đại”, “Dám làm dám chịu”… được thể hiện một cách giản dị, thiết thực, “liều lĩnh” nhưng cũng đầy trách nhiệm

Ở Sài Gòn, “dư luận xã hội” không nặng nề khe khắt với những cái khác, cái mới. Người Nam khá dân chủ trong các mối quan hệ xã hội và cả trong gia đình, từ cách xưng hô (người Nam thường xưng “tui”) đến việc cá nhân ít lệ thuộc, phụ thuộc vào cộng đồng.

Chỉ vậy thôi, bất kể người tỉnh nào vùng miền nào, miễn là sống ở Sài Gòn, rồi có tính cách như vậy, thì đó là Người Sài Gòn… Có lẽ vì vậy mà người ta thường gọi người Sài Gòn một cách trìu mến là “Anh Hai Sài Gòn”.

Ở miền Bắc con trai trưởng trong nhà gọi là Anh Cả nhưng miền Nam lại gọi Anh Hai. Vì sao là Anh Hai mà không phải là Anh Cả ? Có thể từ vài giả thuyết sau : Chúa Nguyễn Hoàng là người con trai thứ hai của Nguyễn Kim, mở đường vào Nam khai phá nên để tôn trọng ông, người dân gọi người con lớn của mình, trai hay gái, cũng chỉ là (thứ) Hai.

Hoặc, có ý kiến cho rằng, khi có phong trào lưu dân vào Nam khai khẩn, trong gia đình thường để con trai thứ ra đi vì người con trai trưởng có vai trò ở lại quê nhà phụng dưỡng cha mẹ và thờ cúng tổ tiên. Cũng có người cho rằng, trong làng quê miền Nam xưa có ông Cả (Hương Cả) là người đứng đầu, vì vậy trong các gia đình chỉ có người thứ Hai…

Tuy khác nhau về nguồn gốc “thứ Hai” của “anh Hai Sài Gòn” hay “anh Hai Nam Kỳ” nhưng có thể nhận thấy có chung một điểm: Đó là người con thứ không bị ràng buộc trách nhiệm nặng nề “giữ hương hỏa, nền nếp” như người con trưởng nên có thể “rộng chân” ra đi, tự do hơn khi tiếp nhận cái mới, thay đổi cái cũ lạc hậu, dễ thích nghi, có khi thử, liều. Nhưng vì không có gia đình họ hàng bên cạnh để mà dựa dẫm “tại, vì, bởi…” nên phải có trách nhiệm “dám chịu” nếu lỡ sai lầm. (theo Nguyễn Thị Hậu)

Yên Huỳnh chuyển tiếp

NGHỆ THUẬT ĐỂ GIỮ NÀNG

Minh Đức Hoài Trinh

NẾU NÀNG THUỘC LOẠI ĐẠO ĐỨC HAY VÔ THẦN cũng phải chia ba bậc : sùng đạo hạng nhẹ, vừa vừa và “pha na” hay loại chỉ thích “sống hôm nay” mà đối phó

Vấn đề này ngày trước chẳng bao giờ được đặt ra vì người đàn bà nào mà chẳng có một chút đạo đức, không đạo Phật thì đạo Khổng, đạo thờ ông bà cha mẹ ? Từ khi người Pháp xâm nhập vào thì xứ ta còn có thêm Thiên Chúa giáo. Đạo nào cũng có một đấng tối cao đã từng hy sinh suốt đời để cứu muôn dân, dạy mọi người phải làm lành tránh dữ. Mấy năm về sau nầy mới có những nhân vật vô thần, học theo những quyển sách của Camus với Sartre.

Hiện ở xứ ta, tôn giáo đóng một vai trò quan trọng nên chúng ta không thể bỏ qua, vì thế phải dành một chương để trình bày cho đầy đủ. Đạo nào cũng được chia ra nhiều bậc, từ cao xuống thấp ta phải tùy đó mà liệu bề ăn ở. Nếu ta ở khéo thì tình càngthêm thắm thiết, nếu ta vụng về thì có ngày sẽ bị ra rìa, đừng có ngồi đó mà than thở.

Hiện tại đối với những thiếu nữ ngoan đạo sự ảnh hưởng của cha và thầy không phải ít ta “sức mấy” mà dám không nghiên cứu cho rõ ràng Nàng đạo gì ? Bậc thứ mấy.

Ở đây đạo gì cũng được chia ra ba bậc, bậc một tức là nhà có treo ảnh treo tượng vậy thôi, đại lễ mới thấy đi nhà thờ đi chùa một lần, ai hỏi đạo gì thì khai chứ không chuyên cần. Bậc hai biết lo sợ hơn, siêng năng hơn, lên đến bậc ba thì sẵn sàng tung hô khẩu hiệu “thà mất nước chớ không thà mất đạo”.

NẾU NÀNG ĐẠO PHẬT

Bậc một – Ta chỉ cần cũng là phật tử bậc một như nàng, tức là khỏi phải kiêng thịt. Ngày rằm mùng một có hứng thì mời nàng đi ăn chay cho vui không thì thôi. Không cần phải biết chuyện Phật đi bốn cửa thành vì chính nàng cũng chưa chắc đã biết.

Đạo nào cũng thế, ở bậc một là bậc dễ chịu nhất vì nàng không đòi hỏi, ta khỏi phải đóng kịch, phải cố gắng theo cho kịp, lắm khi rất bực mình.

Bậc hai – Chỉ cần nói chuyện nửa giờ đặt vài câu hỏi cho khéo là biết nàng ở bậc nào. Có người sẽ ngây thơ không biết hỏi câu gì ? Chẳng hạn nếu nàng thuộc loại trí thức thì ta sẽ hỏi:

Cô có đọc mấy bài phỏng vấn Thượng tọa Thích trí Quang của các báo Time, Newsweek, Express vừa rồi không ? Cô nghĩ sao ?

Nàng sẽ trả lời và ta dựa theo đó mà đoán biết. Nếu nàng cứ giả vờ trí thức hoặc không có gì thì ta sẽ đặt ngay vấn đề : Ngày mai Viện Hóa Đạo có cuộc thuyết pháp cô có đi không?

Nếu nàng trả lời : “Đi chớ sao không !” bằng một giọng nghiêm trang đứng đắn thì mình biết nàng ở bậc ba nếu nàng trả lời : “Để xem thử ai giảng và giảng về vấn đề gì, nếu có thì giờ thì sẽ đi” ấy là nàng ở bậc nhì, nếu ở bậc một thì nàng sẽ lắc đầu bảo : “Em ngại những đám đông lắm”, thế tức là không đi, ai diễn thuyết cũng chẳng đi và diễn về vấn đề gì Cô cũng chẳng đi.

Nếu nàng ở bậc hai, mà ta muốn nàng dành cho nhiều thiện cảm thì phải tự ra Viện xem ai giảng và giảng về vấn đề gì ? Ta sẽ đến xin ăn chay nhà nàng vào ngày rằm, mùng một hoặc những ngày vía lớn. Ta ra hiệu sách tìm những quyển về giáo lý mua tặng nếu có dịp đi Nhật đừng quên ghé Kyoto mua cho nàng một chuỗi tràng hạt hoặc một tượng Phật nhỏ, sang xứ Ấn Độ, Miến Điện cũng nên nhớ lấy món quà tinh thần cao cả ấy.

Nói chuyện với nàng phải tỏ ra mình có căn bản đạo đức, kể những kỷ niệm ngày bé theo mẹ đi chùa thế nào, lễ quy y ra sao v..v… Nàng sẽ cảm động lắm, nghĩ rằng anh chàng có căn bản đạo đức không phải phường lưu manh nếu ta mà được “sửa túi nâng khăn” cho anh chàng thì chắc sẽ không phải đau khổ vì người có đạo, vì ai nỡ để vợ con phải khổ.

Bậc ba – Gặp các cô ở bậc ba ta nên tâm niệm câu “mất nước hơn mất đạo”. Nghe có biểu tình, xuống đường, hội thảo, cũng phải phóng xe đi ngay đến cho kịp hoan hô đả đảo.

Phải biết vanh vách những tiểu sử của các thượng tọa và cái quá trình tranh đấu của mỗi ông. Phải hiểu rõ thế nào là Nam Tông, Bắc Tông, là Đại Thừa, Tiểu Thừa. Muốn cho nàng thương nhiều khi có biểu tình ta phải xin giữ một chân trật tự hoặc leo lên xe có ống loa mà ngồi hò hét, tệ lắm cũng phải cầm biểu ngữ căng thẳng chứ đi khơi khơi tay không chưa đủ cho nàng kính phục. Cố nhiên là rằm, mùng một phải lên chùa, lên viện xin ăn chay, làm công quả.

Nói tóm lại phải tỏ ra mình xứng đáng với nàng, nàng sao thì mình vậy, hai người mà cưới nhau thì ăn xong đóng cửa đi làm việc phước thiện mà thôi. Ngày sau con đẻ ra cho học vỡ lòng bằng tiếng Phạn, thuộc làu kinh vedas.

Về cách đối xử thường ngày với ta phải để cho nàng đi lên chùa luôn, nếu ta bận việc không đưa đi và ở lại được thì chiều đi làm về ta phải đến đón. Có như thế thì nàng mới yêu ta và không bị quáng mắt vì những Phật tử khác ngoan ngoãn hơn.

NÀNG ĐẠO THIÊN CHÚA

Vì tình trạng nước nhà, chứ ngày xưa vấn đề nầy không đặt ra bao giờ, dù nàng là đạo Phật hay đạo Chúa cũng chẳng có gì khác biệt ngoài sự ngủ sớm đêm thứ bảy, ăn cá ngày thứ sáu của các cô gái theo đạo Chúa và sự ăn chay ngày rằm, mùng một của đạo Phật.

Ngày nay không biết lý do vì đâu mà sự cách biệt càng ngày càng sâu xa, dân cùng một nước, ở cùng một nhà nhưng nếu khác đạo thì lắm khi như hai kẻ thù nghịch. Nếu ta không có cái ý định muốn dung hòa, muốn lấp hố để đưa nước nhà đến chỗ thoát khỏi sự chia rẽ thì ta đành cũng phải theo nàng vậy.

Cũng như với những người đẹp bên Phật Giáo, ở đây ta cũng phải chia ra ba bậc – Nàng ở bậc nào thì ta cũng phải theo cùng một đạo là việc trước nhất. Vì khác đạo khó mà đóng kịch.

Bậc một – Phận sự của ta sẽ dễ dàng hơn, ta chỉ có ăn cá ngày thứ sáu và đêm thứ bảy liệu đi chơi đâu cũng phải đưa nàng về ngủ sớm, mặc dù lễ nhất để cho bồi bếp, lễ nhì để cho ông già bà cả và lễ ba mới để dành cho trai thanh gái lịch đi để liếc nhau lúc vào và lúc ra, biết thế nhưng cũng phải nhắc nàng nên về sớm. Nàng sẽ cảm động nhận thấy ở ta một chàng trai có ý thức, có đạo đức và sau này nhất định phải là một người chồng lý tưởng, vì đồng thời với sự ý tứ ấy, ta lại còn đọc hai bài trước để áp dụng nếu nàng là con nhà giàu, nếu nàng là kẻ trí thức v.v..

Bậc hai – Bắt đầu khó khăn hơn, mất nhiều thì giờ hơn một tí, ngoài sự ăn chay ngày thứ sáu, ngủ sớm đêm thứ bảy ta còn phải đưa nàng đi viếng những nhà thờ lạ để đốt đèn cầu nguyện. Có dịp ra Trung phải nhớ mang theo cái be để xin nước ở nhà thờ Đức mẹ La Vang.

Nhớ trong câu chuyện thỉnh thoảng phải nhắc lại những lời của cha giảng ở nhà thờ (nếu nàng thuộc loại ít trí thức) hoặc đọc những đoạn thánh kinh của các thánh Mathieu, thánh Luc. (Nếu nàng học cao).

Phải biết rõ lúc nào nên ví mình với ông thánh Pierre hay thánh Augustin v…v… Ban đêm thỉnh thoảng có đến thăm nàng thì mở máy phát thanh, đừng có tìm nghe Minh Hiếu với Hà Thanh mà hãy nghe cha giảng. Nàng sẽ yêu ta hết mình, thấy ta ở một tâm hồn đức độ, đáng kính đáng phục.

Món quà tặng lúc nào cũng phải kèm tượng ảnh, tràng hạt, sách về đời của Chúa, của Đức Mẹ, của các Thánh. Hẹn với nàng sau nầy: “Nếu được ơn trên ban phước chúng ta có thể du lịch ở Pháp thì anh sẽ đưa em về Lourdes để chiêm ngưỡng cái hang đá nơi Đức Mẹ hiện ra”. Ta hẹn sẽ sang Ý cho nàng được viếng Tòa Thánh, Vatican.

Bậc ba – Ta phải ăn ở giống hệt như đối với những nàng bậc ba phật giáo. Bỏ hết, dẹp sang một bên, dẫu cho bát tiên có xuống tuýt ở rạp Hưng Đạo cũng không thèm khi đã có lệnh biểu tình của cha triệu tập.

Ta phải luôn luôn có mặt trong các buổi kiệu, buổi lễ. Trước khi ăn, khi ngủ phải nhớ lẩm bẩm đọc kinh. Có một chàng trai thú nhận rằng nhờ sự đọc kinh lầm thầm đó mà chàng ta cưới được vợ mặc dầu không thuộc câu kinh nào mà trước khi ăn chàng cũng chấp tay đọc thầm: “Nay ăn ở đây mai ăn ở đâu, nay ăn ở đây mai ăn ở đâu”. Đến lúc đi ngủ cũng thế: “Nay ngủ đây mai ngủ ở đâu”. Nhà cô gái thấy chàng ngoan đạo quá nên đã chấp thuận cho làm rể. Cố nhiên là sau đó anh chàng phải học gấp mấy bài kinh lạy cha, kính mừng.

Ta cứ làm y như thế nếu nàng ở những đạo khác, chia ra ba bậc mà điều khiển thì thế nào cũng ăn đứt những kẻ “to bằng cấp, dài xe hơi” hơn ta. Vì khi đã có đạo thì cô nào cũng “pha na” hơn tất cả.

NẾU NÀNG VÔ THẦN

Vô thần cũng phải chia ra hai loại. Vô thần mà lại vô tình cảm – Đối với những nàng này ta cũng phải tỏ ra sắt đá. Thấy ai khóc thì cho là nước mắt cá sấu, thấy ai buồn thì cho rằng mất thì giờ. Thầy xây chùa, đền thì phê bình là tốn tiền vô ích. Giỗ cha giỗ tổ gì cũng không nhớ chỉ nhớ chuyện ăn chơi, giảng cho nàng cái lợi của những người chỉ sống hôm nay.

Nếu nàng được tự do không bị gò bó gia đình thì ngày nào ta cũng đến đèo xe “vét-ba” nàng đi ăn, đi chơi, đi nhảy.

Những thiếu nữ nầy xứ ta mới bắt đầu xuất hiện chứ các nước Âu Châu đã có mặt khá nhiều. Có bao nhiêu tiền thì ăn chơi trong một lúc, mua thuốc lá thơm, hút vài hơi rồi vứt đi. Trong nhà có từng cái gạt tàn thuốc to lớn, khi hết tiền lại đi nhặt tàn ra mà hút nữa.

Dùng chữ vô thần cho có vẻ văn hoa chứ đúng nghĩa ra phải gọi là sa đọa, ở dưới hỏa ngục đã có một căn phòng đợi sẵn.

Các cô này chỉ thích tìm bạn với những kẻ nào có tâm hồn thích hợp với mình. Hiện giờ thế giới đang đi đến chỗ “kỳ quái”, càng kỳ quái chừng nào lại càng được hoan nghênh chừng ấy.

Muốn giữ các nàng này, ta cũng phải “hú với đầu sói” hệt như đàn sói. Tôi xin phép phỏng theo cái quan niệm kỳ quái để cống hiến cho các bạn trai. Chẳng hạn ta mời nàng về nhà, lấy một chiếc giày cũ banh ra đội lên đầu làm cái mũ, lấy cái áo len mặc ngược lại tay xỏ vào chân.

Mở máy ghi âm ra cho nàng nghe nhạc, một thứ nhạc do ta tạo ra nên. Lấy một bản jazz họa thêm tiếng son nồi đập xủng xoẻng vào, thỉnh thoảng ngừng nhạc, thì tiếng giảng kinh của một vị Cha ở nhà thờ hoặc một vị thượng tọa. Tiếp sau đó ta đóng một màn tra tấn, cho máy điện chạy rè rè và những tiếng thét rú lên đau đớn. Xong rồi lại nhạc, tiếng bom, tiếng súng, tiếng máy bay, giọng cười khàn khàn vật chất của cô thương nữ, giọng khóc oe oe của trẻ con v..v…

Ta sẽ làm bộ thành kính như nghe một bản nhạc lễ của Bach hay của Mozart.

Câu chuyện của nàng với ta, nếu nàng không có học thức thì chỉ có nằm gác chân lên tường hút thuốc, nếu nàng có học thức thì ta sẽ kể cho nàng nghe những câu chuyện sa đoạ ta đã đọc được ở thế giới chẳng hạn như tác phẩm “Justine” của Sade, rồi ta phân tích và hoan nghinh tác giả.

Ta sẽ giúp nàng cởi bỏ những thành kiến cổ hủ cho rằng xiềng xích cản lối tiến bộ của con người.

Vô thần mà có tình cảm – chút xíu – với những cô nàng này ta khỏi cần đóng vai kỳ quái chỉ cần tỏ vẻ khinh bạc, kể cho nàng nghe những sự ràng buộc về con cái, nếu ta có con thì sẽ theo lối giáo dục của mấy chú bé thời Hitler. Không bao giờ đưa nàng đi đền chùa, chỉ đưa đến mộ là quá lắm. Nàng thương cha mẹ hơn loại trên thì ta cũng phải giả vờ hỏi thăm chút đỉnh, trong câu chuyện không nói đến một sự tin tưởng gì, trong cuộc sống cũng vậy.

Lấy quyển Etranger của Camus làm đúng thánh kinh, đại loại như thế, nếu nàng thông minh, nếu nàng chỉ có cái vỏ bên ngoài mà đầu óc rỗng tuếch thì rất dễ, chỉ có mấy vấn đề ăn, ngủ, đi chơi, đi nhảy.

Câu chuyện dồn trong những vấn đề hiệu ăn nào ngon nhất, tiệm nhảy nào đèn mờ, du dương dễ nhất. Cô ca sĩ nào xinh, kiểu áo nào xét-xi.

Với loại nàng nầy cuộc sống rất dễ dãi, hợp với đa số người chỉ thích ăn chơi, không có ý định xây dựng thì gặp loại này là đúng nhất, hợp nhất.

Đối với đàn bà, nhất là đàn bà Việt Nam nổi tiếng là thông minh, các bậc nam giới hãy liệu bề mà ăn ở. Vì càng ngày cuộc sống càng được cởi mở, không phải như ngày xưa mà “chồng giận thì vợ làm lành” nữa đâu. Ngày nay “chồng giận thì vợ thây kệ”.

Các bạn trai có thấy đúng như thế không? Huống nữa là ở thời đại mà đàn bà dễ làm giàu hơn đàn ông. Chỉ cần đi một buổi dạ hội gặp một cấp chỉ huy chưa vợ mà cô đẹp nhất đám là vài tháng sau một bước cô lên đệ nhị, đệ tam, nếu không là đệ nhất phu nhân.

Các ông liệu đó mà ăn ở giữ gìn đừng có tưởng cưới rồi là thuộc quyền sở hữu hoàn toàn về mình, còn lâu ! (theo Thời Nay số 162/1966)

Nguyễn Văn Danh chuyển tiếp

Bình luận về bài viết này