3 KHUÔN MẶT VĂN THƠ NHẠC QUA ĐỜI

NHÀ THƠ

NGUYỄN TÔN NHAN

QUA ĐỜI…!

Nhận được tin dịch giả – nhà thơ – nhà biên khảo Nguyễn Tôn Nhan đã qua đời lúc 16:30 ngày 31/1/2011 vì tại nạn giao thông. Hưởng thọ 63 tuổi. Và được hỏa thiêu vào ngày 2/2 /2011 (nhằm 30 tháng Chạp năm Canh Dần, tức 30 tết)…

Nguyễn Tôn Nhan, sinh năm Đinh Hợi ngày 01/02/1948 nhằm ngày 22 tháng chạp năm Đinh Hợi) tại Cẩm Giàng, Hải Dương. Trưởng thành tại miền nam Việt Nam. Có thơ, văn đang tãi trên hầu hết các báo Văn học ở Miền Nam Việt Nam trước năm 1975.

Những tác phẩm chủ yếu đã xuất bản như sau :

– Từ điển thành ngữ điển tích Trung Quốc – Từ điển văn học cổ điển Trung Quốc – Từ điển Hán Việt văn ngôn dẫn chứng – 100 tác phẩm nổi tiếng nhất của Văn Hóa Trung Hoa – 100 nhân vật nổi tiếng nhất Văn Hóa Trung Hoa. – Những vụ án Văn Chương trong lịch sử Trung Hoa. – Dịch Đạo Đức kinh – Dịch Nam Hoa Kinh – Dịch Xung Hư Chân Kinh. – Lục bát 3 câu (Thơ) – Tự Điển Văn Hóa Bách Khoa Trung Quốc – Nho giáo Trung Quốc. – Hoài Nam Tử.

– Và trên 30 quyển sưu khảo khác….

Nguyễn Tôn Nhan tên thật là Nguyễn Hữu Thành, là một dịch giả và là một văn nghệ sĩ làm việc cần mẫn và nghiêm túc,. Làm việc miệt mài trong mọi tình huống, mọi lảnh vực như nghiên cứu, phê bình, sưu khảo hay trên bình diện thơ ca. Lãnh vực nào anh cũng chu đáo.

Sự ra đi đột ngột của anh để lại trong tâm hồn bằng hữu, anh em văn nghệ sĩ nhiều nỗi thương tiếc. Xin cầu nguyện cho hương hồn anh bình an trong cõi vĩnh hằng.

KHÓC TIẾC NHỚ

NGUYỄN TÔN NHAN

– Triệu Từ Truyền

Nguyễn Tôn Nhan và tôi cùng sống ở Sài Gòn từ năm lên bảy, bố mẹ Nhan và ba má tôi đều là người Việt Nam lương thiện bị cuốn vào dòng chảy khắc nghiệt của chiến tranh, của vòng xoáy lịch sử với những lực đẩy ngoại lai từ nhiều phía trên hành tinh.

Sau năm 1954, đất nước bị chia cắt. Bố mẹ Nhan từ bình nguyên sông Hồng vào định cư tại Sài Gòn, ba má tôi từ miền sông nước Cửu long cũng lên sinh sống tại Sài Gòn. Chúng tôi may mắn được nuôi dạy trong một thành phố văn minh và xinh đẹp bậc nhất Đông Nam Á lúc bấy giờ.

Hơn nữa không khí văn nghệ ở Sài Gòn trong trẻo và hấp dẫn, người cầm bút khuynh hướng khác nhau đều được tự do sáng tác, và có đất để dụng võ. Những cây bút từ bưng biền kháng chiến, những cây bút vừa di cư vào Nam, kể cả nhiều người ở phương Tây về nước,… Theo tôi, trong thế kỷ 20 văn học Việt Nam ở đây là phong phú, kết nối tinh hoa của dân dộc và nhân loại hài hòa nhất. Phải chăng Sài Gòn không thua kém bất kỳ thành phố nào ở Châu Á về văn học và văn hóa kể cả nghiên cứu triết học? Điều đó khá dể hiểu, ở đâu bộ máy cầm quyền, (dù do dân của dân vì dân hay không, bù nhìn hay không, nhưng đừng vội can thiệp sâu vào văn nhệ, kinh tế chưa lệ thuộc tuyệt đối vào hàng hóa – tiền tệ), nghĩa là ở đó văn học chưa bị quyền lực và đồng tiền dẫn dắt, thì sáng tác văn học thật sự tự do, tự do ngay lúc động não để hình thành câu chữ.

Sài Gòn với môi trường xanh biếc, hào phóng nêu trên sẽ tạo khí hậu tươi mát và vùng đất phì nhiêu cho những mầm non mang nghiệp văn chương. Nguyễn Tôn Nhan viết về thuở ấy : “Triệu Từ Truyền và tôi là bạn với nhau từ những năm của thập niên 60 thế kỷ trước, khi ấy chúng tôi còn là những thiếu niên 15, 16 tuổi vừa mới bị “trúng bùa” của văn chương thi ca.

Thời trẻ dại ấy ở miền Nam Việt nam (hay có lẽ ở bất cứ một miền cõi nào có bụi cát trên thế giới loài người) đẹp một cách kỳ lạ. Tôi vừa nhắc đến chữ “bụi cát”. Vâng, chính bụi cát của những chuyến xe buýt về muộn dọc đường Sài Gòn – Gia Định đã làm dấy lên biết bao tư duy ngôn ngữ không có thật (hoặc có thật cũng chẳng sao) của vũ trụ Lão Trang, Khổng, Phật trong những tấm thân non nớt đang sẵn sàng run lên lẩy bẩy dưới mấy tàn cây keo, hay một loại cây gì đó mọc bên đường Nguyễn Văn Học (nay là Nơ Trang Long) và Chi Lăng (Phan Đăng Lưu). Ồ, nhựa loài cây ấy thơm quá, hình như nó có ẩn cả mùi thi ca của các lãng tử thi nhân như Rimbaud, A.M.Rilke ở trời Tây phương mắt xanh nào đó. Tôi và cả Triệu Từ Truyền rung lên bần bật. Đâu còn con đường nào nữa, chúng tôi làm thơ. …(Đoạn ngắn về thời gian Đêm lên cơn dài- Ngu Cốc cuối tháng một, năm Sửu 2009 )”

Lúc ấy tôi ký bút danh Triệu Cung Tinh, bạn tôi còn dùng tên Trần Hồng Nhan với tâm thức tự mình hấp thu hết bao truân chuyên, bi đát của “thuở trời đất nổi cơn gió bụi”, song đánh dấu bước trưởng thành Nhan đã lấy lại họ thật của mình và bút danh được viết lại Nguyễn Tôn Nhan ngay sau đó ít lâu. (hơn 30 năm sau má tôi trên giường bệnh vẫn còn hỏi tôi “Nhan đâu sao không ghé chơi ?”). Có lẽ vì mang bùa văn học như Nhan đã viết nên tình bạn của chúng tôi không bị ô nhiễm thái độ chính trị hoặc tín ngưỡng.

Nhiều năm, ngày nào chúng tôi cũng gặp nhau, thậm chí sáng uống cà phê ở La Pagode quận I Sài Gòn, chiều về Bà Chiểu Gia Định dùng cơm ở nhà mẹ hay nhà má. Luôn bàn chuyện thơ văn, đôi khi trộn vào triết học. Nhan ngày ấy ít nói hơn các bạn khác, thường thường tôi và ai đó nói nhiều hơn. Các bạn cầm bút của tôi chưa bao giờ có một lời cản ngăn tôi tham gia cách mạng. Chúng tôi thân nhau đúng vào thời kỳ đầy xáo trộn, nội các liên tiếp lên xuống, biểu tình liên miên, hai tôn giáo lớn có lúc đối đầu bằng gậy gộc, quân đội Mỹ đổ bộ, quân giải phóng bám sát ven đô… Không hiểu sao trong tôi chưa bao giờ xung khắc giữa đam mê văn học và hoạt động cách mạng. Sáng, bàn với Nhan và các bạn khác về việc in tập thơ, trưa và chiều tôi cầm đầu xuống đường đụng độ ác liệt với cảnh sát dã chiến.

Tôi còn nhớ rất rõ, 1965 dù tên tôi bị đọc trên đài phát thanh theo lệnh truy nã của nội các chiến tranh vì tôi ký tên đề nghị Nhà cầm quyền Sài gòn thương lượng với Mặt trận dân tộc giải phóng, Nhan vẫn tìm gặp tôi ở một thiền viện vùng Cây Quéo, Gò Vấp (Quận Bình Thạnh) ngày ấy vùng này còn vườn cây um tùm, rậm rạp như cánh rừng thưa. Chúng tôi trao đổi về xuất bản tập thơ Đêm lên cơn dài của Triệu Cung Tinh và tuyên ngôn của Bộ Lạc Mới, do tôi dự thảo trước để vài tháng sau sẽ in trên báo văn học Bộ Lạc Mới, với dòng chữ ngay dưới tên báo: văn học của vùng người xanh biếc – số đắp nền.

Đối với Nhan có lẽ nhân tính của con người bộc lộ trong văn chương, chứ không phải qua hành vi chính trị hay nghi lễ tôn giáo, nên Nhan không quan tâm hoạt động khác của tôi. Xin phép Nhan, buộc lòng mình phải kể việc này để đọc giả hiểu ra thái độ trung dung ấy của người bạn mà không ai bù đắp nổi cho tôi, nếu phải vĩnh viễn xa nhau. Có lần Nhan kể với mình bố theo đạo Phật (thuộc dòng dõi Nho gia nổi tiếng ở Hải Dương, ông nội và bác ruột đều đỗ đạt dưới triều Nguyễn). Mẹ là con chiên của đạo Thiên Chúa, tần tảo nuôi các con, một người mẹ rất mẫu mực. Nhiều lần mẹ thuê nhà chỗ khác để được thờ kính Chúa trang trọng nhất, vì ở ngôi nhà của cả gia đình, bàn thờ đã có Đức Phật do bố thờ cúng. Phải chăng Nhan đồng thuận với R.Tagore, thơ là tôn giáo của tôi?

Thời gian này tôi thường dùng cơm với gia đình bố mẹ Nhan, Nhan hay nhắc mẹ cho vài lát chanh, vì Nhan biêt tôi trong bữa ăn rất thích vị chua. Ba mươi năm sau, Nhan cũng nhắc chị Quỳnh Hương (phu nhân Nguyễn Tôn Nhan) như thế.

Vào khoảng năm 1990, Mịch La Phong có lần nói với tôi: “Nhan rất thương Truyền, nó dặn tôi khi gặp Truyền nói năng phải nhẹ nhàng vì Truyền bạn chí thân của tôi nhạy cảm, tâm hồn mịn màng, tế nhị, không nên bạo quá!”. Nhan đã xử sự với người bạn như vậy, mà người bạn ấy đã có lúc sống chết với một học thuyết chính trị mà Nhan nhận thấy còn nhiều khiếm khuyết.

Năm 1991, Nhan viết đầy ưu ái : “Triệu Cung Tinh sớm có những hoạt động cách mạng từ những ngày còn học Trung học. Anh luôn băn khoăn về số phận của đất nước lúc ấy đầy tràn những bóng lính Mỹ. Có lẽ từ lòng yêu thơ, yêu cái đẹp mà càng ngày Triệu Cung Tinh càng tiến đến gần cách mạng giải phóng dân tộc chăng ? (chút kỷ niệm thơ với Triệu Cung Tinh – Sài gòn 7/1991).

Vì nhớ và thương bạn mà Nhan đã bất chấp nguy hiểm, giấu tờ tuần báo Nghệ Thuật (chủ bút Mai Thảo – thư ký tòa soạn Viên Linh) vào giỏ tiếp tế thức ăn của gia đình gửi vào khám Chí Hòa cho tôi, tôi mở báo đọc lướt thật sung sướng thấy dòng chữ viết tay của Nhan “Bộ Lạc Mới số dựng lều sẽ in, Thánh Ca đã xuất bản”, đấy là món quà vô giá của tôi ở tuổi 20 (1967), lúc đang bị tù với tội danh phá rối cuộc trị an.

Tháng 5 năm 1969, tôi được các bên ở Hội Đàm Paris can thiệp để trả tự do vì bị bại liệt ở chuồng cọp Côn Đảo. Về lại khu vực Thành Gia Định, Nhan đến thăm tôi thường xuyên ở nhiều nơi khác nhau, vì tôi vẫn hoạt động bí mật. Vào một buổi học sáng, Nhan chở tôi bằng Honda đến Hội Việt Mỹ (trường học tiếng Anh) ở đường Mạc Đĩnh Chi để “coi mắt” một cô gái Huế, cô gái xinh đẹp, đài các ấy sau này chính là phu nhân của Nguyễn Tôn Than.

Những ký ức không phai của chúng tôi không thể nào kể hết được. Thương quý nhau vì tâm huyết với văn chương, cảm thông nhau vì cùng một lứa gian nan trong chinh chiến, hơn nữa trong sâu thẳm tâm thức của chúng tôi biết rằng mình thuộc về tâm hồn Việt Nam, tính linh Việt Nam nên dù có bao nhiêu tác động ngọai lai, mê hoặc đến đâu, khoa học đến đâu, duy lý đến đâu cũng không phá vỡ nổi tâm thức Việt Nam, trở thành bản năng gốc trong chúng tôi.

“Một hôm tôi đang ngồi trong tòa soạn tờ Diễn Đàn ở đường Nguyễn An Ninh với Đặng Tấn Tới thì Triệu Cung Tinh lù lù lên thang lầu. Người anh gầy hơn khi còn ở Sài Gòn, anh rủ tôi ra La Pagode uống càphê. Lúc ấy tôi đang trong tình trạng bất hợp lệ quân dịch và cũng biết rất rõ anh vừa ở “trong Bưng ra” nhưng vì tình bạn, tôi vui vẻ theo anh lang thang trên các nẻo phố Sài Gòn. Chúng tôi bàn với nhau về văn chương, về cả viễn ảnh hòa bình tương lai của đất nước (là điều tôi chỉ có một ý niệm rất mơ hồ). Năm ấy đặc san mùa xuân “Sinh Viên” (của Tổng Hội Sinh Viên Sài Gòn) có nhờ tôi lấy bài giúp và tôi đề nghị luôn anh viết truyện ngắn. Cái truyện ấy tôi đã đăng và đến bây giờ tôi còn nhớ tựa của nó “Nhánh tay xanh” (Chút kỷ niệm thơ với Triệu Cung Tinh -1991)

Không phải chỉ có thế, Nhan giữ nhiều bài thơ của tôi trước khi tôi bị lưu đày, và lần lượt cho đăng trên các tờ báo văn nghệ trong suốt những năm tôi bị giam cầm. Phải chăng chúng tôi xứng đáng được gọi là bạn chí thân, tâm giao, tri âm, tri kỷ của nhau ?

Từ năm 1971 đến 1975, chúng tôi lại phải xa nhau, vì tôi bị lưu đày Côn Đảo lần thứ hai. Nhan viết : “Tôi vẫn tiếc sao anh không ở lại Sài Gòn để cùng làm văn nghệ với chúng tôi, mặc dù có thể lý tưởng giải phóng đất nước của anh là chính đáng. Sau đó là thời gian liên tiếp anh bị giải từ nhà tù này đến nhà tù khác, tôi chỉ còn biết thỉnh thoảng ghé thăm người mẹ già của anh (khi anh ở tù thân phụ anh đã qua đời) và an ủi bà những câu có lẽ cũng trở thành vô nghĩa. Chúng tôi xa nhau đến ngày 30/4/1975. Trung ơi, chúng ta đã có với nhau quá nhiều kỷ nịệm. Từ thuở 20, đến nay đứa nào cũng trên 40 cả rồi nhưng sao tôi thấy tôi vẫn trẻ dại như ngày nào, và những mộng ước thơ ca của tôi vẫn còn tươi rói. Nó sẽ còn tươi rói đến bao giờ ? (như trên).
Đúng như Nhan nói, ngày đầu tháng 5/1975 từ bưng biền tôi về thăm má và các em rồi đi ngay qua nhà Nhan, vừa nhớ bạn vừa lo bạn gặp rắc rối vì những ngày ấy, tôi lại gặp Nguyễn Đức Sơn đang đọc sách và ăn cơm ở đó. Trước và sau 1975, từ Đất Đứng (1965), Bộ Lạc Mới (1966) cho đến Bông Trang (1990) và Gieo & Mở (1995),…

Nhan luôn là người sát cánh cùng tôi để thực hiện những tờ báo văn chương ấy. Cho đến nay đã tập họp trên 200 bài thơ lục bát ba câu của Nguyễn Tôn Nhan, một thể cách súc tích, cô đọng nhất của thơ. Tôi còn nhớ trước hai tập thơ Thánh ca (1967) và Lục bát ba câu, Nhan có in chung với một người khác (con trai của một chủ Nhà Sách) trong một tập thơ, rất tiếc tôi không nhớ tên người đồng tác giả với Trần Hồng Nhan và cả tên tập thơ. Cùng với những bài thơ trước đó, Nguyễn Tôn Nhan trước hết và đích thực là một thi sĩ. Đồng thời, Nhan đã nghiên cứu có hệ thống nền văn học chữ Hán cổ, vì đó cũng là một nhánh suối bắt nguồn của dòng sông văn hiến Việt Nam, trên 60 đầu sách được được xuất bản đã minh chứng sức làm việc của Nhan, cật lực và bền bỉ, vừa vì lợi ích trong lãnh vực văn hóa, vừa có thu nhâp để bảo bọc gia đình, giúp con học hành đến nơi đến chốn, làm tròn bổn phận làm cha.
Nhan ơi, chúng ta bất chấp một thứ lịch sử do những kẻ mạnh áp đặt, làm đau khổ triền miên dân tộc và gia đình chúng ta từ hai thế kỷ qua (với chúng tôi lịch sử cũng có nhiều khả năng của xác suất như cơ học lượng tử đã lý giải). Những chủ nghĩa, học thuyết núp sau súng đạn lần lượt đổ bộ vào quê hương thân yêu của chúng ta, làm gãy đổ biết bao mộng ước lành mạnh của con người Việt Nam thuần khiết. Chúng ta đã sống đầm ấm với nhau, nương tựa nhau, kiên trì bên nhau góp phần làm phong phú văn học và văn hóa Việt Nam, mà không thế lực đen tối nào phủ nhận nổi. Chúng ta không quá tự tôn để nói với con cháu rằng Nguyễn Tôn Nhan tự hào đã đi theo con đường của Huỳnh Tịnh Của, Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Văn Vĩnh,… trong điều kiện khác theo yêu cầu của văn hóa.

Nhan ơi ! Mỗi lần găp lại sau một thời gian nào đó mình phải xa nhau Nhan nói “tôi nhớ Trung quá…”. Bây giờ tôi biết nói gì hơn: “tôi thương nhớ Nhan vô cùng!”.

Gia Định thành, tháng giêng, Tân Mẹo – 2011 (10/02/2011)

Triệu Từ Truyền

NHÀ VĂN PHẠM CÔNG THIỆN

QUA ĐỜI (1941 – 2011)

Nhà văn, Giáo sư Phạm Công Thiện, Pháp danh: Nguyên Tánh. Sinh ngày : 01/06/1941 tại Mỹ Tho – Mất ngày : 08/03/2011 tại Houston, Texas. Theo Cáo bạch ngày 9/3/2011 của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tại Hoa Kỳ cũng như sự xác nhận của gia đình là ông đã vĩnh viễn rời xa nhân thế.

Tiểu sử :

Theo tin từ Houston, Texas, nhà văn, nhà thơ, nhà tư tưởng, dịch giả, giáo sư, cư sĩ Phật giáo Phạm Công Thiện vừa qua đời vào ngày 8/3,2011 tại Houston, hưởng thọ 71 tuổi. Theo lời một thành viên trong gia đình nói với thân hữu, ông Phạm Công Thiện dường như biết trước thời điểm “sẽ đi,” và trong ngày cuối cùng của cuộc đời, ông dặn gia đình “không làm tang lễ rườm rà, mà chỉ hỏa thiêu”. Chiều cùng ngày, vẫn theo lời gia đình, ông Thiện thấy “mệt dần, bắt đầu nhập định, và ra đi nhẹ nhàng.”

Ông tên thật là Phạm Công Thiện, thời trẻ còn có bút hiệu Hoàng Thu Uyên cho các tác phẩm dịch, sinh ngày 1/6/1941 tại Mỹ Tho trong một gia đình Thiên Chúa giáo. Từ tuổi thiếu niên ông đã nổi tiếng thần đồng về ngôn ngữ, năm 15 tuổi đã đọc thông viết thạo năm ngoại ngữ Anh, Pháp, Nhật, Hoa, Tây Ban Nha, ngoài ra còn biết tiếng Sancrit và tiếng La Tinh.

Năm 1957, 16 tuổi, ông xuất bản cuốn tự điển Anh Ngữ Tinh Âm, nhưng từ vài năm trước đó cho đến khi rời Việt Nam vào năm 1970, ông đã cộng tác với các báo Bông Lúa, Phổ Thông, Bách Khoa, Văn, Giữ Thơm Quê Mẹ. Từ những năm cuối thập niên 1950 ông đi dạy Anh ngữ tại một số trường tại Sài Gòn.

Ðầu năm 1964, ông chuyển ra Nha Trang sống để an dưỡng sau một cuộc “khủng hoảng tinh thần.” Tại đây ông quy y ở chùa Hải Ðức, lấy pháp danh Nguyên Tánh. Một thời gian sau ông lại về Sài Gòn.

Từ năm 1966-1968, ông là giám đốc soạn thảo tất cả chương trình giảng dạy cho tất cả phân khoa viện Ðại Học Vạn Hạnh. Từ năm 1968-1970, giữ chức trưởng khoa Văn học và Khoa học Nhân văn của viện. Tại đây ông cũng là sáng lập viên và chủ trương biên tập của tạp chí Tư Tưởng.

Ông rời Việt Nam từ năm 1970, sang sống ở Israel, Ðức, rồi sống lâu dài tại Pháp. Tại đây ông trút áo cà sa để lấy vợ và sau đó làm giáo sư Triết học Tây phương của viện Ðại Học Toulouse.

Năm 1983, ông sang Hoa Kỳ, định cư ở Los Angeles, giữ chức giáo sư viện Phật Giáo College of Buddhist Studies. Từ khoảng năm 2005, ông sang cư ngụ tại Houston, tiểu bang Texas cho đến ngày ông qua đời.

Tác phẩm :

Giữa thập niên 1960, Giáo Sư Phạm Công Thiện bắt đầu nổi tiếng với các tác phẩm xuất bản tại Sài Gòn, mà cuốn đầu tiên gây chú ý nhiều cho giới văn nghệ và thanh niên sinh viên là Ý Thức Mới Trong Văn nghệ và Triết Học (1965), rồi đến Yên Lặng Hố Thẳm (1967), Hố Thẳm Của Tư Tưởng (1967), Mặt Trời Không Bao Giờ Có Thực (1967). Về tôn giáo có “Tiểu luận về Bồ Ðề Ðạt Ma, Tổ sư Thiền Tông” (1964), thơ thì có “Ngày sinh của rắn” (1967), các tác phẩm văn học thiên về tư tưởng: “Trời tháng Tư” (1966), “Bay đi những cơn mưa phùn” (1970). Tất cả các tác phẩm này đều do hai nhà An Tiêm và Lá Bối tại Sài Gòn ấn hành.

Tại hải ngoại ông đã xuất bản khoảng mười tác phẩm, hầu hết trong thập niên 1990, như Ði Cho Hết Một Ðêm Hoang Vu Trên Mặt Ðất (1988), Sự Chuyển Ðộng Toàn Diện Của Tâm Thức Trong Tư Tưởng Phật Giáo (1994), Triết Lý Việt Nam Về Sự Vượt Biên (1995), Tinh Túy Trong Sáng Của Ðạo Lý Phật Giáo (1998), v.v…Ông cũng đóng góp nhiều cho báo chí, chẳng hạn viết cho tạp chí Thế Kỷ 21, nhật báo Người Việt.
Thượng Tọa Thích Viên Lý, viện chủ Chùa Ðiều Ngự, California, người từng nhiều năm cư ngụ cùng Phạm Công Thiện tại chùa Diệu Pháp, nói rằng cư sĩ Phạm Công Thiện đã “đóng góp rất lớn về mặt văn hóa đối với Việt Nam,” và luôn “mong Phật Giáo Việt Nam được xiển dương một cách đúng mức.”

Từ khi còn rất trẻ cho đến cuối đời, Phạm Công Thiện đã đóng góp rất nhiều cho văn hóa Việt Nam về các phương diện ngôn ngữ, thơ, văn và đặc biệt về tư tưởng triết học. Ðối với Phật Giáo ông cũng là người có công lớn với các công trình nghiên cứu Phật học, và đặc biệt, đã góp nhiều công sức xây dựng viện Ðại Học Phật Giáo Việt Nam đầu tiên Vạn Hạnh tại Sài Gòn từ năm 1966, trong đó có tập san Tư Tưởng là cơ quan phát huy tư tưởng Phật Giáo quan trọng nhất của Việt Nam trong thời cận đại.

NGÀY GIỖ NS TRƯỜNG KỲ

Ngày thứ tư 23/3/2011 vừa qua là ngày Trường Kỳ chết đã  2 năm. Gởi bài viết về Trường Kỳ đã in trong sách “Rong chơi cuối đời quên lãng” do bạn bè viết – nhân  giỗ đầu năm 2010.

Trường  Kỳ và Tuyển Tập Nghệ  sĩ

Tin Trường Kỳ qua đời đến với tôi vào lúc 2 giờ trưa  ngày thứ hai 23/3/2009   theo giờ Đông bộ Sydney – Australia tức chiều tối chủ nhật 22/ 3 ở Toronto – Canada.

Tự dưng tôi không tin vào thư Email mà tôi nhận được. Tôi bèn viết thư mail  hỏi  lại bạn bè bên Cali. Và  chỉ 15 phút sau, tôi  được tin chính thức bạn tôi Trường Kỳ thực sự đã qua đời khoảng trưa chủ nhật 22/3 sau khi được chở đi Cứu Cấp tại một bệnh viện ở Toronto.

Theo lời thuật lại mà tôi đọc được trên Mail của các thân hữu Trường Kỳ, thì được biết ngày thứ bẩy  21/3 Trường Kỳ từ Montreal sang Toronto để dự buổi ra  mắt   phát hành một  CD mới mà Trường Kỳ đã nhận lời. Trước  khi đi Toronto, sức khoẻ của bạn tôi không đến nỗi gì, áp huyết  hơi thấp. Như vậy chứng tỏ bạn tôi vẫn yêu nghề viết lách nên nhất quyết  lên đường.

Và như số mênh đã an bài, bạn tôi đã được Chúa gọi về trưa  chủ nhật  22/3 mà   không có  Vợ, Con bên cạnh.

Quen biết  Trường Kỳ

Vào  đầu thập niên 70, qua  sự giới  thiệu của nhà báo Ngọc Hoài Phương (tuần báo Kịch Ảnh – hiện nay là chủ nhiệm tạp chí  Hồn Việt), tôi quen biết Trường Kỳ  trong   dịp tôi ghé tuần báo  Kịch Ảnh. Và  sau đôi lần gặp  gỡ nhau ở các phòng trà ca nhạc   Queenbee hay Rizt, tôi và Kỳ quen thân nhau. Chúng tôi có những tin tức về Văn nghệ  hay  trao đổi lẫn nhau.

Khi  nền Điện ảnh Việt nam phát  triển. Nam ca  sĩ kiêm  ông bầu phòng trà Rizt   Jo Marcel cũng tự thực hiện một  phim truyện 16 ly, mà truyện phim lại  là  của Trường Kỳ “Vết  chân hoang”. Đây là  một cuốn phim hoàn toàn do các  bạn Trẻ  thực hiện. Nữ  tài tử  chính trong phim là  Diễn viên Minh Lý. Một khám phá mới của Jo Marcel. Trong buổi ra mắt phim “Vết chân hoang“ rất đông anh em  ký giả Tân nhạc – Điện ảnh của các báo đã đến phòng trà Rizt để xem. Và bạn tôi mặc dù là tác gỉa của “Vết chân hoang “ vẫn đứng tận ngoài  cửa để đón anh em  ký gỉa  chúng tôi. Một điều hiếm có  trong buổi ra mắt phim. Chứng tỏ bạn tôi cũng đóng góp  một phần nhỏ nhoi trong việc thực hiện phim “Vết chân hoang“

Sau lần ra mắt phim đó, Trường Kỳ thường rủ tôi  ghé chốn “Bồng Lai“ ở đường  Nguyễn Trung Trực nơi cư ngụ của bạn tôi để ăn uống hay đấu láo. Nhưng vì binh  nghiệp nên  thỉnh thoảng tôi mới ghé  thăm và ngủ lại qua  đêm sau khi uống cạn vài  chai bia 33 với các món ăn Bắc Kỳ được mua về từ Quán Cơm Bà  Cả Đọi  trên  đường Nguyễn Huệ.

Trường  Kỳ  và Cây Mùa  Xuân Chiến sĩ

Mặc dù suốt cuộc  đời trai trẻ, tTrai độc nhất và  cận thị nặng, tuy vậy Kỳ vẫn  luôn luôn  sát  cánh  cùng Tổng Cục CTCT để tổ chức Đại hội Nhạc Trẻ gây qũy Muà  Xuân cho các  Chiến sĩ   mỗi dịp Tết  đến, từ năm  1964 đến  đầu năm 1975. Phải  nói   với bộ 3 Trường Kỳ, Nam Lộc, Tùng Giang các buổi  Đại nhạc hội gây qũy Mùa  Xuân   Chiến sĩ đã thu hút rất đông hàng chục ngàn bạn Trẻ đến tham dự, lúc tổ chức ở Sở Thú, Sân Vận động Hoa Lư hay sân Trường Taberd nơi Kỳ đã  theo học  thời niên thiếu.

Trường Kỳ  và  Tuyển tập Nghệ sĩ

Sau  ngày 30/4/1975, tôi và Kỳ không còn liên lạc với nhau, vì mỗi người mỗi ngả. Đến năm 1980, trong một lần nghe lén đài VOA, tôi được biết bạn tôi đã đến được bến bờ Tự Do, định cư ở Nhật bản một thời gian sau đó qua Canada định cư.

Sau  khi nghỉ làm ở Bưu điện năm 1995, Trường kỳ  dành nhiều thời giờ để bắt đầu viết sách “Tuyển tập Nghệ sĩ “, cùng cộng tác với một số báo chí ở Canada, Cali  và Đài phát thanh VOA trong mục “Nghệ sĩ  và Đời Sống” phát thanh mỗi tuần 1 lần.

Năm 1996, tôi mới liên lạc lại với Trường Kỳ. Và nhận lời bán sách Tuyển tập  Nghệ sĩ ở Sydney, và cộng tác với Kỳ viết  giới thiệu một số Nam nữ ca sĩ và các ban  nhạc  ở Sydney. Tuyển tập nghệ sĩ cuối cùng tôi bán  giúp cho Kỳ là Tuyển  tập Nghệ sĩ  số 6. Ngoài ra Tuyển tập Nghệ sĩ viết về các  Nghệ sĩ Cải lương đã bán hết nên  không có sách bán ở Sydney.

Khi  nghe tin Trường Kỳ viết và phát hành Sách “Tuyển tập Nghệ sĩ “Bác TTH   (bạn thân với  bố cuả  Kỳ) đã  có nhắn với tôi rủ Kỳ đến Sydney để ra mắt sách và Bác  cháu gặp nhau. Nhưng Kỳ vẫn lưỡng lự vì ngại đường xa, từ Bắc bán cầu xuống  Nam bán  cầu.

Nghe đâu vào đầu năm 2009, Kỳ đã dự tính Úc du với sự bảo trợ của Tuần báo Tivi Tuần san ở Melbourne, nhưng vì bà  già vợ của Kỳ ở VN bị đau, nên Kỳ đã hủy bỏ  chuyến Úc du và trở về VN cùng lúc ghé Thái Lan. (xem ảnh trên : hàng đứng : bà Kim Yến – chị Khánh Ly – Ngọc An – vợ nhà thơ Thiên Hà – hàng ngồi : Quỳnh Như, nhà văn Văn Quang, Trường Kỳ và Thiên Hà).

Trên đây là những kỷ niệm của tôi với Trường Kỳ. Tôi ghi lại để tưởng nhớ  người bạn hiền mang tên Vũ trường Kỳ  .

Nguyễn Toàn (Sydney/Australia)