SÀI GÒN QUA GÓC ẢNH XƯA

CON NGƯỜI, CẢNH VẬT SÀI GÒN

QUA GÓC ẢNH XƯA

Hoa hậu Sài Gòn năm 1925 đoan trang, e ấp trong tà áo dài. Những con đườngrợp bóng cây xanh, thưa thớt người… là hình ảnh đầy hoài niệm về một Hòn ngọc Viễn Đông xưa, nay đang phát triển năng động.

Tại Hội sách lần thứ 7 tổ chức tại công viên Lê Văn Tám ở Sài Gòn trong tháng ba năm 2012, triển lãm 100 bức ảnh đen trắng ghi nhận phong cảnh, sinh hoạt, chân dung người Sài Gòn xưa đã thu hút hàng chục nghìn lượt người tham quan.

Xin giới thiệu lại các bức ảnh tư liệu quý:

H1/-  nhạc Sài Gòn năm 1900. H2/- Đoàn hát Sài Gòn tham dự hội chợ Marseille năm 1906. H3/- Trang phục phụ nữ Sài Gòn đầu thế kỷ 20.

H4/- Xích lô Sài Gòn xuất hiện vào khoảng năm 1939. Chiếc đầu tiên do một người dân Pháp tên Coupeaud phát kiến ra. Thành phố đầu tiên được cấp phép sử dụng loại phương tiện này là Phnompenh. Từ Phnompenh, Coupeaud đã tổ chức một hành trình đến Sài Gòn. Hai người đạp thuê đã thay phiên nhau đạp gần 200 km, hết 17 giờ 23 phút. Số liệu thống kê cho biết, cuối năm 1939, Sài Gòn chỉ có 40 chiếc xích lô thì qua năm 1940, con số này đã là 200 chiếc. H5/- Cảnh sinh hoạt bên bờ sông Sài Gòn năm 1880. H6/- Những cô gái Sài Gòn chơi bài 3 lá.

H7/- Hoa hậu Sài Gòn năm 1925. H8/- Vườn Bách thảo Sài Gòn được xây dựng năm 1864 trên diện tích 12 ha vùng thuộc vùng đất hoang ở phía Đông Bắc rạch Thị Nghè. Năm 1865 vườn Bách Thảo được nới rộng diện tích đến 20 ha và đặt dưới sự quản lý của Hội đồng thành phố Sài Gòn. Ông Jean Baptiste Louis Pierre là người sáng lập và là giám đốc đầu tiên của Thảo Cầm Viên Sài Gòn. Trong vườn Bách Thảo tồn tại hai công trình kiến trúc đặc sắc là đền thờ Vua Hùng (xây dựng năm 1926) và Bảo tàng lịch sử mở cửa từ năm 1929. H9/- Tuyến xe đò từ Sài Gòn đi Vũng Tàu năm 1925.

H10/- Một sứ đoàn Trung Hoa từ tàu thủy xuống bến cảng Sài Gòn năm 1920. H11/- Bệnh viện Gia Định trong những thập niên đầu thế kỷ 20. Bệnh viện Gia Định sơ khai do người Pháp xây dựng với bảng hiệu Hopital de GiaDinh. Năm 1945, Hopital de GiaDinh được đổi tên thành bệnh viện Nguyễn Văn Học. Đến năm 1968 được xây dựng mới và đổi tên thành Trung tâm thực tập Y khoa Gia Định. Sau năm 1975, Bệnh viện Nguyễn Văn Học được đổi tên thành Bệnh viện Nhân Dân Gia Định. H12/- Một xe ngựa chở khách ở Sài Gòn.

H13/- Một đường phố xưa ở Trung tâm Sài Gòn năm 1915. H14/- Tàu neo đậu trên sông Sài Gòn năm 1920. H15/- Chợ Bến Thành đã có từ trước khi người Pháp chiếm Gia Định. Đầu tiên, chợ được đặt dọc theo bờ sông Bến Nghé, sau đó được xây dựng bên bờ nam một con kinh được gọi là Kinh Lớn. Năm 1887, người lấp con kinh này, chợ được dời về nằm gần ga xe lửa Mỹ Tho (tức địa điểm chợ Bến Thành ngày nay). Chợ được khởi công xây dựng từ năm 1912, đến cuối tháng 3/1914 thì hoàn thành. Lễ ăn mừng chợ Bến Thành được gọi là “Tân Vương hội”. Khu chợ mới này vẫn mang tên chợ Bến Thành. Tuy nhiên, nhiều người Sài Gòn thường gọi đây là chợ Sài Gòn hay chợ Mới để phân biệt với chợ Cũ.

H16/- Thương xá Tax được xây dựng từ năm 1880. Một thời gian dài Thương xá Tax mang tên Les Grands Magazins Charner, chuyên bán các mặt hàng bazar của các nước trên thế giới, chủ yếu là Pháp, Anh. Thời bấy giờ chỉ có giới thượng lưu ở Sài Gòn hoặc các đại điền chủ ở miền quê đến đây mua sắm mặt hàng vải, đồng hồ, máy hát. Năm 1942, Thương xá đập bỏ phần tháp đồng hồ ở bên trên xây thêm một tầng nữa. Năm 1960, Charner được giao lại cho Hội mậu dịch, đổi tên là Thương xá Tax với hoạt động chủ yếu là cho thương nhân thuê mặt bằng để kinh doanh.

H17/- Quán cà phê đầu tiên ở Trung tâm Sài Gòn năm 1915. H18/- Dinh Xã Tây được xây dựng từ năm 1898-1909, theo đồ án của kiến trúc sư Gardès, mô phỏng kiểu những lầu chuông ở miền Bắc nước Pháp. Mặt tiền của tòa nhà được trang trí bằng hình người, mặt nạ và vòng hoa theo các điển tích phương Tây. Thời Pháp nơi đây là Dinh Xã Tây, thời chế độ Sài Gòn là Tòa Đô Chính. Sau năm 1975, nơi đây trở thành trụ sở của UBND Thành phố.

H19/- Hãng buôn Boy-Landry, một trong những hãng buôn nổi tiếng của người Pháp nằm ở trung tâm thành phố Sài Gòn những năm đầu thế kỷ 20. H20/- Khách sạn Grand (Grand Hotel Saigon) cổ kính được xây dựng năm 1930 với lối kiến trúc của Pháp. Tọa lạc tại khu vực trung tâm Sài Gòn. Khách sạn này là nơi đón tiếp các doanh nhân và du khách quốc tế. Từ đây chỉ cần tản bộ một đoạn đường là có thể ngắm khung cảnh tuyệt vời của con sông Sài Gòn. H21/- Tòa hòa giải Sài Gòn (nay là tòa nhà Sunwah ở quận 1).

H22/- Đường Huyền Trân Công Chúa nằm bên hông dinh Norodom, thời Pháp mang tên đường MissCavell. Từ năm 1955, chính quyền Sài Gòn đổi tên là đường Huyền Trân Công Chúa. H23/- Đường L’Avenue Jaccareo năm 1925 nay là đường Tản Đà. H24/- Quảng trường trước nhà thờ, nhìn từ hướng Nhà thờ Đức Bà. Năm 1958 nơi đây có tên là Quảng trường Hòa Bình, hiện nay là Quảng trường Công xã Paris.

Tranh Ben ThanhSÀIGÒN CỦA TÔI

Một bài viết hay về Sài gòn trên Trang “Sài Gòn xưa & nay”, rất tiếc chưa tìm ra được tác giả.

“Hồi 54, cả trăm ngàn dân di cư mang theo đủ loại kiểu sống bó trong luỹ tre làng đem nhét hết vô mảnh đất nhỏ xíu này, cũng gây xáo trộn cho người ta chứ. Phong tục, tập quán, ở đất người ta mà cứ như là ở đất mình. Nhưng người Sài Gòn chỉ hiếu kỳ một chút, khó chịu một chút, rồi cũng xuề xoà đón nhận.

Lúc đầu tụi bạn ghẹo tôi là “thằng Bắc kỳ rau muống”. Con nít đổi giọng nhanh mà, trong nhà giọng Bắc, ra ngoài giọng Nam. Thế là huề hết. Rủ nhau đi oánh lộn phe nhóm là chuyện thường. Khỏi cần biết đúng sai, mày đánh bạn tao, thì tao đánh lại, oánh lộn tưng bừng. Vài ngày sau lại rủ nhau đi xem xinê cọp. Dễ giận dễ quên.

Hè, tụi bạn về quê, Bến Lức, Vĩnh Long, Kiến Hoà… Cũng chia tay hứa hẹn, tình cảm ra rít : “Tao về quê sẽ mang lên cho mày ổi xá lỵ, xoài tượng…” Tôi ngóng cổ chờ bạn, 9 Sai gon 1chờ quà. Thực ra, tôi thèm có quê để về.

Tết đến, thầy cô, bạn bè về quê, nhiều người Sài Gòn xôn xao về quê. Tôi ở lại Sài Gòn mà thấy mình vẫn không phải dân Sài Gòn. Vậy ai là dân Sài Gòn chính hiệu đây ? Chẳng lẽ phải tính từ thời mấy ông Pétrus Ký hay Paulus Của ?

Sài Gòn trẻ măng, mới chừng hơn 300 tuổi tính từ thời Chúa Nguyễn xác lập chủ quyền ở đây. Sài Gòn khi cắt ra khi nhập vào, to nhỏ tuỳ lúc. To nhất khi nó là huyện Tân Bình, kéo dài đến tận Biên Hoà. Nhỏ nhất là vào thời Pháp mang tên Sài Gòn. Ngay trước 1975, Sài Gòn rộng chừng 70km2, có 11 quận, từ số 1 – 11. Hồi đó Phú Nhuận, Tân Bình, Thủ Đức… còn được xem là nhà quê (tỉnh Gia Định). Bây giờ Sài Gòn rộng tới 2.000km2.

Sài Gòn đắc địa, có cảng nối biển, là đầu mối giao thương quốc tế, tiếp cận văn minh Tây phương sớm. Dân Sài Gòn không có địa giới rõ rệt. Nói tới họ có vẻ như là nói tới phong cách của dân miền Nam. Họ là những lưu dân khai phá, hành trang không có bờ rào luỹ tre nên tính tình phóng khoáng, trọng nghĩa khinh tài, nói năng bộc trực… Ai thành đại gia thì cứ là đại gia, ai bán hàng rong thì cứ bán.

Sài Gòn không tự hào mình là người thanh lịch, không khách sáo, không mời lơi. Họ lấy bụng đãi nhau. Sài Gòn có mua bán chém chặt ? Có, đúng hơn là nói thách. Cứ vô chợ Bến Thành xem mấy bà bán mỹ phẩm, hột xoàn hét giá mát trời ông Địa. Không cứ khách tỉnh, dân Sài Gòn lơ mơ cũng mua hớ như thường.

9 Sai gon 2Ít nơi nào nhiều hội ái hữu, hội tương tế, hội đồng hương như Sài Gòn. Có máu lưu dân trong người, dân Sài Gòn thông cảm đón nhận hết, không ganh tị, không thắc mắc, không kỳ thị. Người ta kỳ thị Sài Gòn, chứ Sài Gòn chẳng kỳ thị ai.

Nhiều gia đình người Bắc người Trung ngại dâu ngại rể Sài Gòn, chứ dân Sài Gòn chấp hết, miễn sao ăn ở biết phải quấy là được.

Dân Sài Gòn làm giàu bằng năng lực hơn là quyền lực. Người ta nói “dân chơi Sài Gòn”. Trời đất ! Sài Gòn mà “tay chơi” cái nỗi gì. Tay chơi dành cho những đại gia giàu lên đột xuất từ đâu đó đến. Sài Gòn a dua thì có, nhưng a dua biết chọn lọc. Coi vậy chứ dân Sài Gòn đâu đó còn chút máu “kiến nghĩa bất vi vô dõng giả”. Cứ xem dân Sài Gòn làm công tác xã hội thì biết, cứu trợ lũ lụt thấy người ta lạnh quá, cởi áo len đang mặc tặng luôn. Họ làm vì cái bụng nó thế, chứ không phải vì PR, đánh bóng bộ mặt.

Biết bao văn nghệ sĩ miền Bắc, miền Trung vào đất này “quậy” tưng, tạo ra cái gọi là văn học miền Nam hậu 54 coi cũng được quá chứ ? Nhạc sĩ Lam Phương, quê Rạch Giá, mười tuổi đã lưu lạc lên Sài Gòn kiếm sống. Năm 17 tuổi nổi danh với bản Kiếp nghèo và khá giả từ đó.

Tiếp cận văn minh phương Tây sớm, nên dân Sài Gòn có thói quen ngả mũ chào khi gặp đám ma, xe hơi không ép xe máy, xe máy không ép người đi bộ, chạy xe lỡ va quẹt nhau, giơ tay chào ngỏ ý xin lỗi là huề. Những thói quen này giờ đây đang mất dần, nhưng dân Sài Gòn không đổ thừa cho dân nhập cư. Họ cố gắng duy trì (dù hơi tuyệt vọng) để người mới đến bắt chước. 9 Sai gon 3Chợ hoa là một chút văn hoá của Sài Gòn, có cả nửa thế kỷ nay rồi, có dân nhập cư nào “yêu” hoa mà ra đó cướp giựt hoa đâu.

Sài Gòn nhỏ tuổi nhiều tên, nhưng dù thế nào Sài Gòn vẫn là Sài Gòn. Nhiều người thành danh từ mảnh đất này. Sài Gòn nhớ không hết, nhưng mấy ai nhớ đến chút tình của Sài Gòn ? May ra những người xa Sài Gòn còn chút gì nhức nhối. Tôi có người bạn Bắc kỳ chín nút, xa Việt Nam cũng gần 40 năm. Tên này một đi không trở lại, vừa rồi phone về nói chuyện lăn tăn, rồi chợt hỏi : “Sài Gòn còn mưa không ?” – “Đang mưa”. Đầu phone bên kia thở dài : “Tao nhớ Sài Gòn chết… mẹ !” Sài Gòn nay buồn mai quên, nhưng cũng có nỗi buồn chẳng dễ gì quên.

Mới đây đi trong con hẻm lầy lội ở Khánh Hội, chợt nghe bài Kiếp nghèo vọng ra từ quán cóc ven đường. Tôi ghé vào gọi ly càphê. Giọng Thanh Thuý sao da diết quá: “Thương cho kiếp sống tha hương, thân gầy gò gởi theo gió sương…” Chủ quán, ngoài 60 cầm chồng báo cũ thẩy nhẹ lên bàn “Thầy Hai đọc báo…” Hai tiếng “thầy Hai” nghe quen quen… Tự nhiên tôi thấy Sài Gòn như máu chảy từ tâm, Sài Gòn bao dung. Tôi chợt hiểu ra, mình đã là người Sài Gòn từ thuở bào thai rồi, cần gì xin nhập tịch.”

Xuân Mai chuyển tiếp


HỌA MI – LÊ TẤN QUỐC

GẶP NHAU TRONG

ÂM NHẠC VÀ TÂM HỒN

Đối với sinh hoạt về đêm ở Sài Gòn trước cũng như sau năm 75 và cho đến hiện nay, Lê Tấn Quốc là một nhạc sĩ sử dụng kèn được nhiều người biết tới. Một phần vì khả năng nhuần nhuyễn của anh qua các loại kèn saxo, nổi bật hơn cả là Tenor sax. Phần khác, anh là một nhạc sĩ khiếm thị, nhưng tài nghệ đã khiến nhiều người trong nghề cảm phục.

Lê Tấn Quốc sinh tại Sài Gòn năm 1953. Song thân anh có 7 người con, không kể một số con riêng của cha anh với 2 đời vợ trước. Lê Tấn Quốc còn có hai người anh cũng là những nhạc sĩ quen thuộc của các vũ trường Sài Gòn từ rất lâu, biệt danh là Paul và Jacques.

Lê Tấn Quốc lập gia đình

với ca sĩ Họa Mi 1976.

Đến tháng giêng năm 88, Họa Mi sang Pháp trình diễn. Sau đó, Họa Mi đã quyết định ở lại và không hề báo cho Quốc biết trước quyết định này. Lê Tấn Quốc tâm sự thêm là sau khi Họa Mi ra đi, anh biết là cuộc sống hôn nhân của anh đã chấm dứt :

– “Khi Họa Mi đi coi như xong rồi, coi như tan vỡ rồi. Đó là định mệnh”. Và khi biết Họa Mi không trở lại Việt Nam : “Lúc đó mình thấy cũng hụt hẫng lắm. Đi làm về thấy 3 đứa con nằm ngủ lăn lóc rất tội nghiệp.” Lê Tấn Quốc cho rằng Họa Mi đi Pháp ở là do tình trạng kinh tế khó khăn của gia đình chứ không có lý do gì khác. Vì sau đó vợ anh cũng đã hoàn tất thủ tục cho chồng con cùng sang đoàn tụ tại Pháp.

Năm 1990, Lê Tấn Quốc cùng 3 con sang Pháp với Họa Mi. Vấn đề đầu tiên là hai người tìm cách chữa trị bệnh mắt của anh. Tuy nhiên, các bác sĩ điều trị cho biết họ cũng bó tay.

Sau vài tháng ở Pháp, Họa Mi đề nghị làm thủ tục để Quốc được hưởng qui chế tỵ nạn, nhưng Quốc nhất định từ chối, anh quyết định quay trở lại Việt Nam. Anh cũng không giấu diếm những mặc cảm của mình. Anh cho biết sẽ chỉ ở lại nếu mắt của mình có thể chữa được. Anh nói :

– “Tới bây giờ em chưa bao giờ ân hận vì đã trở về. Em để các con ở lại với mẹ chúng, cho chúng nó ăn học”.

Lê Tấn Quốc quay trở lại Sài Gòn vào cuối năm 1990, để lại 3 con sống với Họa Mi. Con trai lớn của 2 người năm nay 31 tuổi và đã có gia đình, người con trai kế 27 tuổi và cô con gái út năm nay 24.

Lê Tấn Quốc cũng cho biết Họa Mi đã không giấu diếm khi tâm sự với anh là có cảm tình với một người Việt lớn hơn chị 12 tuổi trong thời gian sống ở Pháp. Người này là giám đốc một công ty sản xuất kem và bánh ngọt. Anh mừng cho Họa Mi đã gặp được một người tốt. Nguyên nhân khiến họ chia tay không phải đến từ sự đổ vỡ hạnh phúc. Và cũng chẳng phải do lỗi lầm của một ai hoặc do một sự xung đột nào đó. Mà chỉ do đầu óc thực tế của cả đôi bên. Vì thật sự cho đến lúc quyết định như vậy, cả hai đều vẫn dành cho nhau những tình cảm rất tốt đẹp sau khi đã có với nhau 3 người con.

Chuyện tình giữa ca sĩ Họa Mi

và nhạc sĩ Lê Tấn Quốc

Cuộc tình này có tất cả tính chất bi tráng, oan khiên và hệ lụy của những cặp tình nhân, đã gặp nhau, yêu nhau, cưới nhau và xa nhau trong hoàn cảnh nghiệt ngã của một giai đoạn lịch sử đầy thảm khốc. Chàng nhạc sĩ khiếm thị ngày nay có thể không còn nhìn rõ mặt người yêu như những ngày đầu còn mặn nồng 1976 và cô ca sĩ ngày nay trên chiếc thuyền mới của cuộc đời với tất cả trách nhiệm gia đình trên đôi vai bé nhỏ.Thế nhưng trong tâm hồn họ vẫn còn một góc dành cho nhau, và góc riêng tư đó không cần nhìn bằng đôi mắt, góc riêng tư đó không có thời gian và không có không gian, góc riêng tư đó chỉ có tiếng chim Họa Mi hót bên dòng suối Saxo ngọt ngào mãi mãi.

Họa Mi yêu ca hát từ nhỏ và rất được sự khuyến khích của mẹ : “Nếu sợ ba con rầy thì con cứ hát nhỏ nhỏ cho má nghe cũng được”, đó là lời Họa Mi tâm tình trên video Paris By Night Thúy Nga.

Sinh ngày 1 tháng 5 năm 1955, Họa Mi tốt nghiệp trường Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn và được sự hướng dẫn về nghệ thuật của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ. Bấy giờ nữ ca sĩ Sơn Ca là giọng ca nữ chính bên cạnh nam ca sĩ Bùi Thiện, nên Họa Mi chưa thật sự nổi bật trên sân khấu Maxim’s của Đoàn Văn Nghệ Hoàng Thi Thơ, cũng như những sân khấu phòng trà hay khiêu vũ trường khác. Đến khi Họa Mi được Ngọc Chánh và Thanh Thúy ký hợp đồng thu âm cho băng nhạc của cơ sở Nguồn Sống (các nhãn băng như Shotguns, Thanh Thúy v.v…) và một lý do khách quan khác, báo chí bấy giờ (khoảng năm 1972) đã “dập” cô  ca sĩ Sơn Ca khiến phải thân bại danh liệt, để từ đó tiếng hát của Họa Mi cất cánh lên cao trên bầu trời ca nhạc Sài Gòn và miền Nam lúc đó.

Rời Việt Nam năm 1988, Hoạ Mi được nhiều cơ hội tham gia tích cực vào những sinh hoạt văn nghệ hải ngoại và đã từng trình diễn ở rất nhiều quốc gia : Pháp, Đức, Bỉ, Thụy Sĩ, Đan Mạch, Hòa Lan, Na Uy, Úc, Nhật Bản, Anh, Hoa Kỳ và ngay cả Liên Sô (trước 1988).

Trong phong thái trình diễn rất nhẹ nhàng thoải mái, với tiếng hát ấm và trong, Họa Mi đã từng làm say mê khán thính giả trong những ca khúc trữ tình lãng mạn. Nhạc phẩm “Đưa Em Xuống Thuyền” của Nhạc Sĩ Hoàng Thi Thơ đã được Họa Mi lựa chọn để trình diễn trong lần đầu tiên ra mắt khán thính giả tại nhà hàng Maxim’s Sài Gòn. Những ai đã từng ái mộ tiếng hát Họa Mi chắc không thể quên được nhạc phẩm “Em Đi Rồi” của nhạc sĩ Lam Phương đã được Họa Mi trình bày một cách xuất sắc, chừng như tiéng nức nở nghẹn ngào của từng âm thanh rung động trên vành môi, người ca sĩ đáng yêu kia đã gởi gấm đâu đây một phần đời của chính mình ? Họa Mi yêu màu trắng và thích nhấn con số 8 (đây là con số “Phát tài” theo sự tin tưởng của người Trung Hoa). Cho đến nay, Họa Mi đã xuất hiện rất nhiều trên băng Paris By Night cũng như đã thâu băng và CD. Ngoài ra, cô còn cộng tác với 1 số vũ trường tại Paris. Đối với Họa Mi, trong tình yêu, sự thành thật là yếu tố quan trọng hàng đầụ Họa Mi cho rằng được có một mái ấm gia đình là cả một hạnh phúc lớn, còn về cuộc đời, Họa Mi thấy rất ngắn ngủi và mong manh.

Nhiều người có nhận xét rằng Họa Mi rất đẹp không những trên sân khấu mà kể cả ở ngoài đời và cô có một giọng hát trong, thánh thót ở những nốt nhạc cao và ấm áp, tình cảm ỡ những nốt nhạc thấp hơn.

Yêu nhau một thời, xa nhau một đời

Hơn hai mươi năm rời sân khấu, rời Sài Gòn, Họa Mi đã có một cuộc đời khác. Hai mươi năm nhiều biến động, có thể nói là những biến động nghiệt ngã nhất của đời người, đã làm Họa Mi bình tĩnh hơn, nhẹ nhàng hơn vào những tháng năm này Nữ danh ca thập niên 70 của Sài Gòn, giọng ca quen thuộc của đoàn Kim Cương những năm đầu giải phóng, phát hành album đầu tay “Một thời yêu nhau” khi bước vào tuổi 54. Khi số phận bắt chị phải lựa chọn, chị đã lựa chọn gia đình và những đứa con. Phía sau cuộc ra đi nhiều sóng gió của Họa Mi năm 1988 tới Pháp, ít ai biết, đó là cả một sự hy sinh thầm lặng đến quên mình…

Sài Gòn là một ký ức đẹp, mà ở đó chị đã có tất cả. 18 tuổi, khi đang học Trường Quốc gia âm nhạc, Họa Mi được nhạc sỹ Hoàng Thi Thơ mời đến hát tại nhà hàng Maxim’s, một trong những nhà hàng nổi tiếng nhất Sài Gòn khi ấy. Và ngay từ những bài hát đầu tiên “Đưa em xuống thuyền”, “Đưa em qua cánh đồng vàng”, Họa Mi đã là một hiện tượng không trộn lẫn.

Họa Mi được đánh giá là một trong những ca sỹ hiếm hoi được học thanh nhạc bài bản, có nền tảng tốt. Chị nhớ lại, tên chị là Trịnh Thị Mỹ, khi bắt đầu được đi hát, chị lấy tên là Trường My, nhưng ngay buổi đầu tiên đi hát, chị được ông bầu Hoàng Thi Thơ giới thiệu là Họa Mi, và đó chính là cái tên theo chị suốt cuộc đời ca hát.

Sau khi 1975, Họa Mi nghĩ mình sẽ không còn cơ hội để ca hát nữa. Khi ấy chị hai mươi tuổi và bắt đầu theo học ngành Luật. Cho đến một ngày, nhạc sỹ Ngọc Chánh đến tìm chị. Anh nói, thành phố thành lập một đoàn ca nhạc hát chung với đoàn Kim Cương. Và anh muốn chị đi hát lại. Khi ấy, đoàn ca nhạc gồm hầu hết những gương mặt quen thuộc trong giới ca nhạc sau này, như Thanh Phong, Phương Đại, Thái Châu, Lệ Thu, Thanh Tuyền, Sơn Ca… Và chị đã tiếp tục con đường ca hát, với một phong cách mới. Bài hát đầu tiên trên sân khấu là “Bóng cây Kơ nia”, Họa Mi đã hát với tình yêu say đắm của tuổi hai mươi khi ấy.

Năm 1976, Họa Mi lập gia đình với nghệ sỹ saxophone Lê Tấn Quốc. Họa Mi nói, khi ấy cả anh và chị đều có hoàn cảnh giống nhau, nên rất dễ thương nhau. Họa Mi mất ba từ năm 11 tuổi và năm 18 tuổi mẹ chị cũng rời trần thế, bỏ lại chị một mình trong thành phố những ngày nhiều biến động. Hai người yêu nhau 6 tháng thì cưới. Anh vẫn thổi kèn cho chị hát. Và họ đã là một biểu tượng của hạnh phúc.

Hình ảnh vợ chồng Họa Mi – Lê Tấn Quốc thể hiện được rất rõ khí chất và tình nghệ sỹ lâu bền… Họ đã sống với nhau hơn 10 năm và có với nhau 3 đứa con.

Lê Tấn Quốc với chứng bệnh mắt bẩm sinh, mắt ngày càng kém hơn. Cuộc sống thành phố những năm 80 của thế kỷ trước bộn bề gian khó. Cặp vợ chồng nghệ sỹ vật lộn tìm đường sống để nuôi ba con nhỏ. Hạnh phúc tưởng như trọn vẹn, nhưng lại không dễ dàng. Và năm 1988, Họa Mi có chuyến đi biểu diễn tại Pháp. Chuyến đi ấy chị đã không trở về. Sự không trở về của Họa Mi gây ra những sóng gió lớn. Những chuyện sau này, có rất nhiều sự thêu dệt về sự ra đi của chị. Và người ta từng nghĩ, chị sẽ bị… cấm vận vĩnh viễn. Và việc chị ra đi, bỏ lại người chồng mắt bị lòa là một việc làm nhẫn tâm, vô tình vô nghĩa.

Nhà văn Nguyễn Đông Thức, một trong những người bạn của Họa Mi nhớ lại, khi ấy Họa Mi rất yêu chồng. Và việc chị tìm cách ở lại Pháp, không phải để mưu cầu hạnh phúc riêng tư, cũng không phải vì mục đích chính trị hay bất cứ ham muốn nào khác, mà chỉ vì mục đích là tìm đường chữa đôi mắt cho chồng. Khi ấy, VN chấp nhận cho chị đưa nhạc sỹ Lê Tấn Quốc và ba con sang Pháp để anh có điều kiện chữa mắt. Nhưng, đôi mắt ấy không bao giờ có thể chữa lành. Ngay cả những bác sỹ giỏi nhất tại Pháp cũng đành ngậm ngùi lắc đầu.

Và, người nghệ sỹ từ nhỏ đã sống với cây kèn, quen với những đêm diễn, bỗng chốc phải thay đổi đột ngột, không còn không gian cho âm nhạc nữa, khiến Lê Tấn Quốc trở nên tuyệt vọng. Và anh trở về Việt Nam… Cuộc chia tay ấy mang nhiều nước mắt. Bởi, họ vẫn còn rất yêu nhau. Nhưng cá tính nghệ sỹ mạnh mẽ hơn rất nhiều. Câu chuyện tình yêu của Họa Mi – Lê Tấn Quốc đã thành giai thoại trong giới âm nhạc Sài Gòn. Bao nhiêu năm qua đi, câu chuyện ấy vẫn là một minh chứng sống của tình nghệ sỹ.

Chia tay nhau, xa cách đầy giông bão. Số phận đã buộc họ phải lựa chọn. Nhưng Họa Mi không còn cách nào khác, không thể quay về, buộc phải tiếp tục hành trình sống nơi xứ người, tìm cách mưu sinh và nuôi con. Họ vẫn quan tâm đến nhau, như những người bạn tri kỷ. Mỗi khi chị về nước, đều tìm đến thăm anh. Và khi Họa Mi làm đám cưới với người chồng mới tại nhà hàng Maxim’s, cả gia đình và người vợ mới của Lê Tấn Quốc cũng đến dự.

Phía sau sự xa cách định mệnh lại là những tháng ngày thái bình. Bởi hơn ai hết, cả hai người từng yêu nhau đắm say, hiểu được cái giá của mất mát. Và, đến lúc này, họ vẫn thường xuyên quan tâm tới nhau. Trong đĩa nhạc mới sắp phát hành của Họa Mi,

Lê Tấn Quốc vẫn thổi kèn đệm cho chị hát. Trong âm nhạc, họ chưa bao giờ xa nhau.

Họa Mi nhớ lại, khi qua Pháp chị phải tìm mọi cách để được sống tốt và nuôi các con. Khi ấy, chị đi hát vì mưu sinh trong một nhà hàng của người Hoa. Thực khách của nhà hàng rất đa dạng, nhưng những người nghe chị hát không nhiều. Đó là những ngày rất buồn. Khi phải gắn đời nghệ sỹ vào với cơm áo, là khi người nghệ sỹ phải thỏa hiệp và chấp nhận nhiều thua thiệt. Khi ấy, cũng có những lời mời từ các trung tâm biểu diễn tại hải ngoại, nhưng Họa Mi không thể để bỏ các con lại, với những chuyến lưu diễn dài ngày. Thật lâu, chị tham gia vài chương trình ghi hình rồi vội vã trở về Pháp.

Năm 1995, Họa Mi lập gia đình với một kỹ sư gốc Sa Đéc. Anh đã sống nhiều năm ở Pháp và hoàn toàn không biết chị… hát gì. Nhưng họ đã yêu nhau thành thật. Cô con gái của họ đã bước vào tuổi 14 và anh cũng không còn làm kỹ sư nữa. Hai vợ chồng chị mở một xưởng sản xuất bánh ngọt giao cho những nhà hàng tại Paris.

Họa Mi nói, thực ra suốt nhiều năm tôi không đi hát chỉ vì nghĩ mình buộc phải lựa chọn gia đình. Tôi hiểu rất rõ cuộc sống của những đứa trẻ trong những gia đình thiếu hụt. Tôi đã không giữ được cho con tôi một mái ấm khi qua Pháp, thì phải ráng giữ sao cho con khỏi thiệt thòi. Khi tôi lập gia đình với người chồng mới cũng vì một điều, anh thực sự biết chia sẻ và nâng đỡ các con tôi.

Họa Mi, ở tuổi 54, đã tìm đường trở về Việt Nam, bắt đầu cho những dự định ca hát dang dở. Kể như là một kế hoạch đã muộn. Nhưng chị vẫn làm. Làm cho mình và tri ân những người vẫn còn lưu nhớ giọng hát chị. Một đĩa nhạc tình quen thuộc, nhưng lần đầu tiên chị hát.

Trong lời đề từ đĩa nhạc “Một thời yêu nhau”, Họa Mi viết : “Ngày thàng đã qua đi trong chớp mắt, tóc đã điểm bạc. Có chăng là kỷ niệm, là hạnh phúc, là khổ đau. Tôi muốn giữ mãi những phút giây quý giá của hạnh phúc. Tôi muốn tôi quên đi những chuỗi ngày của buồn đau, của những vết thương lòng đã chôn chặt từ lâu”…

Chị đã không lựa chọn cộng đồng người Việt tại Mỹ để xuất hiện, dù biết những khán giả đó mới là khán giả chính yêu thích những bản nhạc tình xa xưa. Chị nói, chị đã có những ngày tháng đẹp ở thành phố này. Chị ra đi và chị trở về, như một sự trở lại, tìm đến những ân tình cũ. Chị không có ý định gì to lớn, ngoài việc lưu giữ lại những kỷ niệm đẹp đẽ của đời mình. Họa Mi cười, chị đang tìm cách thuyết phục chồng chị về định cư tại Việt Nam. Vì năm tháng xa xôi đã đủ để chị biết, nơi này vẫn là nơi chị đáng sống nhất, trong những ngày còn lại của đời mình…

Quế Phượng (tổng hợp)