NÓI VỀ TÊN CA SĨ “MÍT-TỜ”

NÓI HAY ĐỪNG

Các bạn,

Câu chuyện tên ca sĩ khỉ gió họ Đàm “hôn môi” nhà tu Pháp Định diễn ra vào tối 4/11, tức đã qua 2 tuần, các báo chữ báo mạng nói đến rất nhiều, nhưng trang nhà không hề nhắc đến, vì rằng có thể đây là một vấn đề nhạy cảm đối với tôn giáo, ma96c dù cả hai đều có hình thức bị kỷ luật : nhà tu bị “biệt chúng” 3 tháng (đúng nghĩa là “cấm nhà tu” không gặp một ai – không khác như ở tù), còn tên khỉ gió bị phạt 5 triệu (giá quá bèo chưa bằng cát sê tham gia một show ca nhạc).

Nay thì sự thể rõ ràng, vì thế Cao Bồi Già có thể post lên tin tức này, lý do như thế nào xin mời các bạn đọc 2 đoạn tin sau đây.

Cao Bồi Già xưa nay rất “dị ứng” với cái ông “mít-tơ” này, thứ nhất “ông” ta loại hỉ mũi chưa sạch mà đã xưng ông xưng bà với mọi người, thứ hai “ông” ta là một con người không chút liêm sĩ, bản chất của “ông” là một tên phó cạo, con của một bà tham ô nổi tiếng lấy của công phải đi tù; tiền đó “ông” ta làm PR để thành ca sĩ chuyên hát nhạc lá cải, nhưng khi đi thăm mẹ ở Hàm Tân “ông” ta  không dám nhận người đàn bà ấy là mẹ của mình ?! Vì sĩ diện của một “mít-tờ” chăng ? nhưng nên nhớ phải có cội nguồn, mới có tên “mít-tơ” Khỉ Gió này.

Nói như thế mới thấy trên đời lắm chuyện khỉ gió với tên ca sĩ khỉ gió này.

Cao Bồi Già

CHUYỆN VỀ NHÀ SƯ

BỊ CA SĨ KHỈ GIÓ “KHÓA MÔI”

Sau khi bức thư của Đàm Vĩnh Hưng bị rò rỉ tiết lộ sự thật khiến nam ca sĩ phải “khóa môi” thầy Thích Pháp Định, những hình ảnh có thể nói là vô cùng phàm tục của sư thầy Pháp Định cũng bị lộ ra.

Chiều qua, 16/11, cư dân mạng lại “dậy sóng” khi xuất hiện bức thư nói lên sự thật lý do khiến ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng phải “khoá môi” sư thầy Thích Pháp Định. Mặc dù chưa thể xác định được sự thật mà Mr.Đàm đã nói chính xác bao nhiêu phần trăm, thế nhưng những hình ảnh sau đây có thể sẽ khiến độc giả phần nào hình dung được “hình ảnh” chân thật nhất của sư thầy Thích Pháp Định.

Đây là những hình ảnh được cho là chụp từ facebook hiện tại của sư thầy này vào chiều 16/11 (trong thời gian biệt chúng) cũng như những hình ảnh trước đây đã được sư thầy đăng tải công khai sau đó xóa đi khi sự việc trên xảy ra.

thụyvi post

“Nhà sư khóa môi” Mr. Đàm

đã hoàn tục

Nhà sư “khóa môi” Thích Pháp Định đã xin hoàn tục và đươc Thượng tọa Thích Bửu Chánh cùng chư tăng Thiền viện Phước Sơn (xã Phước Tân, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) chấp thuận.

Hôn nhà sư, Đàm Vĩnh Hưng bị phạt 5 triệu “Mức phạt Đàm Vĩnh Hưng nghe buồn cười quá” Hôn môi sư, 5 triệu đồng và sự ức chế lớn Nụ hôn “ước lệ” vẽ chân dung văn hóa “lùn”

Sáng ngày 17/11, Thượng tọa Thích Bửu Chánh, Phó trưởng ban trị sự Tỉnh hội Phật giáo Đồng Nai (THPGĐN) phụ trách Phật giáo Nam tông, trụ trì Thiền viện Phước Sơn cho biết: “Chiều ngày 15/11, tôi nhận được đơn xin hoàn tục của Pháp Định (thế danh Phan Văn Triển). Lý do xin hoàn tục mà Pháp Định viết trong đơn là vì hoàn cảnh gia đình. Thực tế thì hoàn cảnh hiện tại của gia đình Pháp Định cũng rất neo đơn nên đã nhiều lần ngỏ ý muốn Pháp Định hoàn tục về phụ giúp gia đình.

Vì vậy, 9 giờ sáng ngày 16/11, tại chánh điện của thiền viện, chư tăng chúng tôi đã cử hành lễ tác pháp Yết-ma xả 227 giới tỳ-kheo theo Phật giáo Nam tông cho Pháp Định và Pháp Định đã trả tam y tỳ kheo và bình bát cho chúng tôi rồi (Theo luật chế, người xuất gia trước khi hoàn tục phải được chư tăng tác pháp Yết-ma xả giới tỳ kheo/ tỳ kheo ni hay sa-di/ sadi-ni và phải trao trả y bát lại cho nhà chùa).

Hiện tại Pháp Định không còn là tu sĩ Phật giáo nữa, mà chỉ là một cư sĩ thọ trì Tam quy Ngũ giới bình thường như bao cư sỹ khác. Từ nay trở đi, tôi xin mọi người đừng gọi Pháp Định là nhà sư, là đại đức, là tỳ kheo mà làm tổn phước đức của Pháp Định cũng như làm ảnh hưởng đến uy tín của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và hình ảnh của các tu sỹ phật giáo khác.”

Về việc sau này Pháp Định có nguyện vọng xin xuất gia trở lại, thiền viện Phước Sơn có chấp thuận hay không, theo TT. Bửu Chánh thì giới luật nhà Phật cho phép một người có thể xuất gia và hoàn tục được 7 lần.

Trong cuộc đấu giá  từ thiện để ủng hộ cho ca sỹ WanBi Tuấn Anh chữa bệnh được tổ chức tại phòng trà Không Tên (quận 1) tối ngày 4/11, Pháp Định, trong mầu áo nhà Phật, được Mr Đàm “khóa môi”. Hình ảnh phản cảm này sau đó bị dư luận “ném đá” dữ dội. (Theo Kienthuc – Vietnam Net)

BUỒN CHO THỊ HIẾU

Nghệ sĩ là người của công chúng, đã hẳn là thế. Nhưng công chúng nào, nghệ sĩ nào ?

Cách đây chừng năm năm, tại sân Nhạc viện TPHCM, tôi hỏi một nghệ sĩ ưu tú ngành thanh nhạc vốn được đào tạo ở châu Âu những năm sáu mươi thế kỷ trước, lúc ấy đang giảng dạy tại nhạc viện, rằng tại sao có quá nhiều “ngôi sao” ca nhạc hát dở như thể đang phá nát tác phẩm, họ có học ở nhạc viện không vậy ?

Ông nghệ sĩ ưu tú nói ngay : “Tại các anh ! Các anh tâng họ lên, làm cho dân chúng cứ ngỡ họ là “sao” thật nên mê, có người giả vờ mê để khỏi bị chê là dốt! Nhà báo ca ngợi họ là “sao” thì đương nhiên công chúng phải tin. Mấy “sao” mà anh vừa nói là những người có năng khiếu, nhưng chẳng ai được đào tạo có hệ thống cả”.

Rồi ông bảo, nghề hát cũng giống như luyện thể hình, phải được đào tạo và tập luyện hàng ngày, suốt đời luyện hàng ngày.

Hơn nghề nào hết, nghề hát đòi hỏi những kỹ năng chuyên biệt, cho nên chỉ có khát vọng làm ca sĩ thôi chưa đủ. Ca sĩ được đào tạo căn bản trình bày ca khúc khác hẳn người tay ngang.

Về phần mình, thính giả phải có tâm hồn, có kỹ thuật nghe thì mới nhận ra ca sĩ có nghề hay không. Ca sĩ không được đào tạo thì chỉ dăm năm là “đứt hơi”.

Những kỹ năng lấy hơi, nhả chữ, luyện âm vực, rèn sắc thái biểu cảm và hóa thân vào tác phẩm… phải tốn khá nhiều cơm gạo mới học được cho hẳn hoi, chưa nói đến chuyện duy trì hàng ngày.

Trong những năm qua, có khá nhiều “ngôi sao” ca nhạc trẻ tuổi đã nổi đình nổi đám, tạo được sự mê đắm của thính giả trẻ. Họ nổi không phải nhờ trình độ chuyên môn cao mà là công nghệ lăng xê cực kỳ siêu việt.

Nghe họ hát giống như nghe đọc bài chính tả, nhưng biểu diễn hình thể, trang phục rất cuốn hút. Nếu hình dung việc trình diễn một ca khúc giống như đọc một bài thơ thì người nghệ sĩ có nghề sẽ “đọc diễn cảm”, thổi hồn vào tác phẩm, còn người thiếu kỹ năng sẽ “đọc chính tả” mà nhiều khi đọc không rõ chữ.

Thông thường, một người phải mất nhiều năm học trong trường mới có thể thành nghệ sĩ thực thụ, có đầy đủ kỹ năng cần thiết để làm nghề. Họ phải được học nhiều phân môn bổ trợ khác ngoài kỹ thuật thanh nhạc để có đủ tri thức văn hóa đảm bảo hoạt động lâu dài.

Thính giả là những người góp phần quan trọng “nuôi sống” ca sĩ. Nhưng ai trong số họ sẽ phân biệt được sự “đọc diễn cảm” và “đọc chính tả” không tròn vành rõ chữ, như vừa nói trên đây ? Mỗi giọng hát, mỗi phong cách hát có thính giả riêng của nó.

Người nghệ sĩ có chiều sâu sẽ biết nên hạnh phúc hay buồn trước số lượng thính giả không đông đúc, không cuồng nộ của mình…

Chúng tôi vừa nghe tin Đàm Vĩnh Hưng có thể bị phạt 5 triệu đồng. Nhiều người phì cười khi nghe mức phạt này. Trộm nghĩ, may cho Đàm Vĩnh Hưng vì đạo Phật vốn rộng lòng hỷ xả, giới luật cũng không hà khắc, cho nên sau sự cố này, Giáo hội chỉ phạt nặng nhà sư thôi. Có những tôn giáo qui định giới luật rất khắt khe, kẻ xúc phạm nhà tu hoặc tôn giáo của họ có thể bị phạt vạ nguy hiểm đến tính mạng.

Nguyễn Văn Danh post (TheoKhương Hồng Minh)

TIẾNG HÁT VƯỢT THỜI GIAN

THAI THANH… ĐÃ BỊ ALZHEIMER 

Gửi những ai yêu tiếng hát Thái Thanh để “vĩnh biệt linh hồn” người ca sĩ tài danh này : tuy bà chưa chết nhưng linh hồn bà đã bị gã Alzheimer (là bệnh thoái hóa cả não bộ không hồi phục) cướp đi rồi. Bà hiện sống trong nursing home. 

Không chỉ một người, tiếp cận “hiện tượng” Thái Thanh từ góc độ “tiểu sử” (một tiểu sử “trải dài” vài thời kỳ lịch sử thăng trầm của đất nước, mà chủ yếu là “đất nước” VNCH trước 1975) cùng toàn bộ gia tài đồ sộ (năm bẩy trăm) các ca khúc bà đã hát (từ dân ca, tình ca, tâm ca, bi ca, hoan ca, hùng ca, đạo ca, …), đã gọi bà là tiếng “khóc cười theo mệnh nước nổi trôi“. Cũng không chỉ một người, từ góc độ “thưởng thức ca nhạc”, mệnh danh bà là “tiếng hát vượt thời gian“, “giọng ca vàng không tuổi” – chính xác là “The Ageless Golden Voice“, như được in trên bìa một băng nhạc SG xưa. (Chưa kể đến năm 1998 tôi được nghe một danh xưng nữa dành cho danh ca, từ miệng một giáo viên mới ở Hà Nội vào Sài Gòn : “Ở ngoài ấy người ta gọi Thái Thanh là Tiếng Hát Lên Đồng” !)

Những danh xưng ấy dành cho Thái Thanh tất nhiên không thuyết phục tất cả mọi người (Việt Nam), mà chỉ đúng đối với những ai yêu mến bà. Vì sao ? Giọng hát của nữ danh ca này không dành cho những đôi tai (1) không chuộng các “âm tần cao“, và/hay (2) không chuộng các “cường độ biểu cảm – đặc biệt là bi cảm – quá lớn” (gọi nôm na là “quá mùi“). Tuy nhiên con số những kẻ yêu (giọng hát) Thái Thanh là không nhỏ, và trong số ấy cũng không hề thiếu những tên tuổi lớn các nhà làm văn học nghệ thuật (như nhạc sĩ Phạm Đình Chương, nhạc sĩ Phạm Duy, nhạc sĩ Cung Tiến, danh cầm Nghiêm Phú Phi, nhà văn kiêm nhà thơ Thanh Tâm Tuyền, nhà văn Mai Thảo, nhà thơ Nguyên Sa, …),cho nên những lời xưng tụng dành cho người ca sĩ ấy không thể “hàm hồ” được; chúng tất yếu phải “chính xác” và “xứng đáng”. Trong chủ quan hạn hẹp của người viết bài này, tiếng hát Thái Thanh có thể ví như một “đặc sản”, chỉ dành cho những kẻ “sành điệu”, đồng thời cũng từ chối quyết liệt những ai không là “đồng điệu”.

Bạn sẽ nhăn mặt : “Làm gì có một đặc sản như thế” ? Xin thưa rằng có : Quả sầu riêng ! Đúng vậy, mặc ai có thể “bịt mũi xua tay”, vẫn không hiếm người lõi đời “nghiện” nó, xem nó là “số Một“, và nó luôn là một trong những loại quả “quí và đắt nhất”. Vậy thì, vâng, có nhiều người tôi quen biết “nghiện” Thái Thanh (và nghiện cả sầu riêng) ! Thậm chí đối với họ chỉ có mỗi một mình Thái Thanh biết “hát”, còn những ca sĩ khác chỉ là “phát âm một cách khổ sở”. (Tôi nhớ đến truyên biếm “Tiếng hát” khi nghe ai phát biểu về Thái Thanh tương tự như vậy.)

Nói về “ngôi vị” của Thái Thanh trong giới ca sĩ Sài Gòn trước 75 có lẽ không ai chính xác bằng “người trong giới”, đặc biệt là một trong các danh ca hàng đầu thủa ấy – Lệ Thu. Năm 1970, nhân chuyến tham dự khai mạc Hội Chợ Osaka, Nhật Bản, Lệ Thu đã trả lời phỏng vấn của báo chí : “Nếu chị Thái Thanh có mặt ở đây và hát, mọi người sẽ cúi đầu khâm phục !“. Cũng chính Lệ Thu, trong một ca khúc hải ngoại nhớ về Sài Gòn, đã “sửa” ca từ của một câu khi hát “Đâu rộn ràng tiếng hát Thái Thanh ?” Kiêu ngạo và đắt giá nhất trong giới ca sĩ ngày đó, Lệ Thu chỉ chấp nhận “nghiêng đầu” trước Thái Thanh.

Sự thật thì sao ? Mặc dầu Thái Thanh đi trước cả về tuổi đời lẫn tuổi nghề so với hai diva Lệ Thu và Khánh Ly (cũng như với hầu hết các ca sĩ khác), giọng lẫn cách hát của bà vẫn “trẻ trung”, “hiện đại” và “độc đáo” nhất, đặc biệt với những ca khúc này :

1) CHUYỆN TÌNH BUỒN

2) ĐẠO CA 8 – GIỌT CHUÔNG CAM LỘ

3) ĐẠO CA 9 – CHẮP TAY HOA

4) ĐÊM MÀU HỒNG

5) NGÀY XƯA HOÀNG THỊ

6) RU TA NGẬM NGÙI

7) TẠ ƠN ĐỜI

8) TIẾNG HÁT TO

9) TÌNH SẦU DU TỬ LÊ

Tôi vẫn tin là bạn không cần nhìn các ca sĩ (Việt Nam) “làm trò” khi họ hát, mà chỉ cần nghe cách phát âm cũng đủ để phân biệt và xếp hạng họ là loại ca sĩ nào. Nhưng đối với Thái Thanh thì khác, bạn nên ngắm “khẩu hình” của bà lúc bà hát – cái cách bà cấu âm (articulate) từng “âm”, từng “chữ” – chuyển động của má, môi, cơ miệng, lưỡi, hàm (răng) trên, hàm (răng) dưới, xương quai hàm; điều đó tác động đến cả cặp lông mày, cũng như vầng trán, và tất nhiên rồi, cả đôi mắt nữa. Mà không chỉ thế, hãy nhìn thanh quản ở cổ, nhìn hai vai, và tay,.., của người hát.

Cách “phát âm” / “cấu âm” của Thái Thanh, bắt đầu từ “bộ máy phát âm”, đã tác động hoàn toàn tự nhiên đến các cơ trên mặt, rồi lan tỏa toàn thân. Khi hát, Thái Thanh như “đang bơi”, hay “đang bay”, (theo nghĩa đen) trong âm nhạc, và toàn bộ ngôn ngữ cơ thể của người ca sĩ ấy toát lên thông điệp này: Được cất tiếng hát, đối với bà, là Tất Cả – là Sự Sống, là Hạnh Phúc vô bờ.

Để thấy/hiểu phần nào niềm hạnh phúc của “Người Đàn Bà Hát” Thái Thanh, bạn có thể xem các clip này (và đừng quên rằng lúc ấy bà đã U70) :

1) TÌNH HOÀI HƯƠNG

2) CỎ HỒNG

3) NGÀY XƯA HOÀNG THỊ

4) DÒNG SÔNG XANH

5) TÌNH CA

6) HOÀI CẢM 

Và nếu muốn nghe đầy đủ hơn các bài hát của Thái Thanh, mời bạn click vào đây . Trang này được mở ra không với mục đích nào khác hơn là để dành tặng cho những ai yêu mến tiếng hát Thái Thanh. (Rất tiếc là chúng tôi không thể gửi tặng nó cho người ca sĩ ấy, vì bà đã vào ở hẳn một Viện Dưỡng Lão (ở Hoa Kỳ) từ mấy năm nay rồi.)

Yên Huỳnh post (theo Con Cò)

Đọc thêm

Mời đọc thêm về nữ ca sĩ Thái Thanh, trên trang“Một thời Sài Gòn” được post vào ngày 19/03/2011. Xin click vào đường dẫn :

Nữ ca sĩ THÁI THANH

Clip Tiếng hát Thái Thanh

Nhiều bài nghe Thái Thanh ca không thể nào chán được “

http://chuvanan.free.fr/ThaiThanh/

Cột bên trái liệt kê một số tên những bản nhạc mà Thái Thanh đã trình diễn. Nếu bấm vào tên một bản nhạc thì lời ca bản nhạc đó sẽ hiện lên cùng với hình Thái Thanh chụp hồi đó. Nếu bấm vào cái loa nằm trước tên bản nhạc thỉ sẽ được nghe Thái Thanh hát dưới dạng Windows Media Player. Mời thưởng thức.

Quế Phượng post

HÉ LỘ TÁC GIẢ BÀI THƠ

‘KHÔNG ĐI KHÔNG BIẾT ĐỒ SƠN

Nhiều người tưởng bài thơ trên là thơ… dân gian, khuyết danh. Kỳ thực, tác giả của bài thơ nổi tiếng này là nhạc sĩ, nhà giáo Hà Giang. Bài thơ “Không đi không biết Đồ Sơn” chỉ có bốn câu lục bát :

“Không đi, không biết Đồ Sơn,

Đi thì mới thấy không hơn… đồ nhà!

Đồ nhà tuy có hơi già,

Suy đi tính lại, đồ nhà vẫn hơn”.

Bài thơ nôm na mà ý nhị ấy ra đời đến nay đã hai mươi mấy năm. Đây là bài thơ hay, được rất nhiều người ưa thích. Hay, vì nó độc đáo, dí dỏm, lại nồng ấm nghĩa tình ?

Hà Giang tên thật là Phạm Tiến Giang, quê thôn Đẩu Sơn, xã Bắc Hà thị xã Kiến An tỉnh Kiến An (cũ); hiện nay gia đình ở phường Phù Liễn, quận Kiến An, TP. Hải Phòng.

Anh là hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, hội viên Hội Văn học – nghệ thuật Hải Phòng từ những năm 70 của thế kỷ trước, là giáo viên âm nhạc Trường Sư phạm 10 + 3 Hải Phòng, tiền thân của Trường Đại học Hải Phòng (công lập) ngày nay – nơi tôi giảng dạy suốt 32 năm.

Khoá Sư phạm 1972 – 1975, tôi là giáo viên chủ nhiệm lớp C. Văn – Sử, Ban Giám hiệu nhà trường phân công anh Hà Giang làm phó chủ nhiệm lớp của tôi. Anh hơn tôi đến chục tuổi. Anh dạy nhạc rất hay, lúc nào cũng nồng nhiệt, cuốn hút, ca hát rất say sưa, lại sáng tác được nhiều bài hát cho quê hương và cho nhà trường, được mọi người yêu thích.

Trong khi anh bị nhiều căn bệnh hiểm nghèo như áp xe gan, áp xe thành bụng, phải đại phẫu tới 7- 8 lần mà vẫn sống lạc quan; và trong điều kiện gia cảnh anh rất nghèo, vợ làm nông nghiệp, anh chị lại đông con.

Tôi không nhớ rõ lắm, nhưng vào khoảng cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, khi anh đã “về hưu non” vì lý do sức khỏe, một lần Hà Giang gặp tôi, anh cười giòn tan và bảo : “Tớ mới làm bài thơ như thế này, cậu nghe có được không nhé”. Rồi anh vừa cười như nắc nẻ, vừa đọc rất hồn nhiên : “Không đi, không biết Đồ Sơn,/ Đi thì mới thấy không hơn đồ nhà/ Đồ nhà tuy có hơi già/ Suy đi tính lại, đồ nhà vẫn hơn” ! Nghe anh đọc xong, tôi cũng cười rũ rượi và ôm chầm lấy anh: “Hay lắm ! Tuyệt vời !”.

Nhưng anh nói thêm : “Tớ hơi lưỡng lự câu cuối : Suy đi tính lại, đồ nhà vẫn hơn, hay là thay bằng : “Nhưng là đồ thật, không là đồ sơn”. Cậu thấy thế nào”. Tôi nói : “Mỗi câu đều có ý hay riêng. Tùy anh”.

Anh lại cười, bảo : “Thôi cứ để câu cuối “Suy đi tính lại, đồ nhà vẫn hơn”, xem ra nó thật hơn và có vẻ đấu tranh tư tưởng đấy chứ nhỉ”. Từ đấy, trong những câu chuyện vui với bạn bè, Hà Giang lại đọc cho họ nghe bài thơ ấy.

Tôi cũng thuộc loại “tội đồ” truyền miệng bài thơ của anh. Thế rồi bài thơ cứ được truyền từ người này sang người kia và vượt qua lãnh địa Hải Phòng, lan ra các tỉnh và thành phố từ Bắc đến Nam. “Không đi, không biết Đồ Sơn”. Nói thêm, nhà anh Hà Giang chỉ cách Đồ Sơn khoảng 18 km đường nhựa to rộng.

Đồ Sơn là bãi biển của Hải Phòng, phong cảnh sơn thuỷ hữu tình, đẹp nổi tiếng cả nước; có nhiều rừng thông, bãi tắm cuốn hút du khách thập phương; có những biệt thự, khách sạn to đẹp và nhan nhản các nhà hàng, nhà nghỉ, các quán ăn uống, quán cà phê, nhà vườn… Đặc biệt, Đồ Sơn là một khu “ăn chơi” lừng danh, vì có rất nhiều món hải sản quý, mà tôi từng viết : “Ăn một lại muốn ăn hai/ Ăn ba ăn bốn lại đòi ăn năm”.

Nói rộng ra, Đồ Sơn là núi non thơ mộng, là các nhà nghỉ, khách sạn, quán ăn và không thể thiếu các tiếp viên trẻ trung, xinh đẹp, đầy sức quyến rũ, như đã nói ở trên. Còn “đồ nhà”, là cách nói vui chỉ các bà vợ.

Hà Giang đã khuất núi sau một vài năm anh đọc cho tôi nghe bài thơ độc đáo của mình (anh mất năm 1989, khi mới 53 tuổi dương !); nhưng bài thơ thì vẫn còn đó, vẫn tươi mới, hấp dẫn. Anh để lại cho đời một tiếng cười vui sảng khoái và hồn hậu, dí dỏm mà sâu sắc nghĩa tình.

Nguyễn Văn Danh post (theo Đào Ngọc Đệ)