Tiếng sáo NGUYỄN ĐÌNH NGHĨA

NGUYỄN ĐÌNH NGHĨA

MỘT ĐỜI VỚI CÂY SÁO

(1940 – 2005)

Nhạc sĩ Nguyễn Đình Nghĩa  sinh năm 5/10/1940. Thuở nhỏ học trường Lycée Yersin Dalat, và là môn đồ Thiếu Lâm, lò ông Tư Cụng, lực sĩ điền kinh Á Châu thập niên 60 về môn nhảy cao, nhảy sào và đánh võ đài. Mặc dù được học trường Tây, ông yêu nhạc Việt Nam từ nhỏ, biết đến sáo từ một nghệ nhân người Tàu. Năm 1958-1960 đã nổi tiếng và mệnh danh là Tiếng Sáo Thần. Ông chuyên sử dụng động tiêu, sáo trúc, đàn bầu, đàn tranh, đàn T’rưng.

– Dạy trường Quốc Gia Âm Nhạc và môn Quốc Nhạc trường Đại Học Vạn Hạnh

– Hoạt động trong Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung Ương và phụ trách nhiều chương trình thơ nhạc của các đài phát thanh Saigon

– Đại diện phái đoàn âm nhạc Việt Nam trình diễn tại các nước Á Châu và Âu Châu : Singapore năm 1964, Thailand năm 1966, và trình diễn tại Kulalam (Malaysia), 1969 trình diễn vòng quanh Pháp : Toulouse, Nice, Marseille, Bordeau, Pesencon, Lille, và Sweaden (Suisse). 1972 tại Phillipines, tại Cambodia, 1973 được Quốc Vương Lào mời trình diễn tại That Luong

– Sản xuất sáo trúc và sáo gỗ

– Sản xuất băng nhạc, băng sáo, cải lương

– Viết sách Tự Học Thổi Sáo, tái bản nhiều lần, dịch sách Tự Học Harmonica

Sau năm 1975 vì là thành phần miền Nam, Ông không được trình diễn, nên chuyển sang nghiên cứu, ông lên vùng Cao nguyên tìm tòi các nhạc cụ dân tộc. Cải tiến đàn T’rưng một cột hơi ra hai cột hơi, mở rộng từ 1 bát độ nguyên thủy thành 4 bát độ, đàn T’rưng bass, mở 3 âm vực, 3 bát độ. Cải tiến sáo trúc từ 6 lỗ bấm ra 11 lỗ, 16 lỗ, có thể trình tấu nhạc cổ điển, note thăng giáng, đồng thời vẫn thổi được nhạc ngũ cung mà không mất âm sắc của cây sáo nguyên thủy.

Sang Mỹ tháng 7 năm 1984, giới truyền thông đã giới thiệu trên NBC News, CBS News. Cùng gia đình biểu diễn và giảng dạy nhiều niên khoá học của Visual Arts Program thuộc Arlington County và Fairfax County, Virginia. Trình diễn nhiều show trên đài số 26, 33, 50, 54. Nhận 4 giải thưởng của Maryland State Council dành riêng cho Nghệ Sĩ Cá Nhân Xuất Sắc năm 1994, 1998, 2000, 2002

Lập gia đình với nhà văn Trịnh Thị Diệu Tân, có 5 người con :

– Nguyễn Diệu Đoan Trang, sử dụng sáo, đàn T’rưng, đàn Tam Thập Lục, trống

– Nguyễn Diệu Nam Phương: sử dụng đàn bầu, đàn tranh

– Nguyễn Đình Nghị: sáo, guitar, bass

– Cặp sinh đôi Nguyễn Đình Chiến: trống, guitar & Nguyễn Đình Hoà: bass, guitar, đàn T’rưng, Cello

Cùng gia đình trình diễn tại hàng trăm hý viện trên nhiều tiểu bang tại Mỹ, Canada.

Về sau Ông chuyển qua sáng tác nhạc Thiền : Cầu Vồng Ngũ Sắc, Hành Vân, Lời Của Một Giòng Sông (bài thiền của vua Lý Thái Tôn), Tiếng Kệ Bên Trời, Lời Hát Kệ.

Nghiên cứu để làm lại đàn đá, đàn lửa đã thất truyền của người Vân Kiều.

Chuyển hướng nhạc Thiền, dự định làm CD Thiền và những bài nhạc Tiền Chiến, “Mozzart on Bamboo”, “Christmas on Bamboo”, Thánh Ca qua nhạc cụ Dân Tộc.

Rất tiếc Ông bị đột quỵ ngay trên sân khấu American History of Nature Museum tại New York ngày 11/5/2003. Nằm bệnh viện cho đến khi  ra đi ngày 22/12/2005, hưởng thọ 65 tuổi.

Mời nghe tiếng sáo Nguyễn Đình Nghĩa (Click chuôt vào đường dẫn) :

Hoa_Thuy_Tien_tieng_sao_Nguyen_Dinh_Nghia

NHỮNG KÝ ỨC TRƯỚC NGÀY

TIẾNG SÁO QUA ĐỜI

… “Tôi sinh hoạt âm nhạc ở Việt Nam chưa từng nghe ai thổi sáo hay như Nguyễn Đình Nghĩa. Anh là người thổi sáo hay nhất, kể cả đến bây giờ. Nghe Nghĩa thổi Phượng Vũ, hệt như xem một con chim bay múa trên trời,” nhạc sĩ Phạm Duy, 83 tuổi, người kỳ cựu trong làng nhạc Việt Nam phát biểu khi hay tin Nguyễn Đình Nghĩa bị tai biến mạch máu não.

Tiếng sáo đã hôn mê.

Biến cố xẩy ra hôm 11 tháng Năm, 2003, trong lúc gia đình Nguyễn Đình Nghĩa trình diễn trên sân khấu của American History of Nature Museum, New York. Chương trình khai mạc lúc 11 giờ trưa với bài sáo “Lý Qua Đèo” của Nguyễn Đình Nghĩa. Con gái lớn, Đoan Trang đệm tam thập lục. Con gái thứ, Nam Phương đệm đàn tranh. Các con trai Nguyễn Đình Nghị đệm ghi ta, Nguyễn Đình Hòa đệm bass. Trong mục mở màn này, Đoan Trang, 40 tuổi, nhớ lại tiếng sáo của bố, 61 tuổi, dường như “có vẻ mệt, không tròn đầy như bình thường.” Sau khi Nam Phương độc tấu “Hành Vân” bằng đàn bầu, Đoan Trang độc tấu bài “Trở Về Cao Nguyên” bằng đàn T’rưng, “thì nghe có tiếng xôn xao ở cánh gà.” Đoan Trang nói lúc ấy nhạc sĩ Nguyễn Đình Nghĩa đã “trợn mắt té xỉu trong phòng nghỉ của đàn ông.” Buổi trình diễn huỷ bỏ. Cây sáo đột quị vì stroke. Đoan Trang cho biết nhạc sĩ Nguyễn Đình Nghĩa “bị tiểu đường cả chục năm nay, trước khi trình diễn cũng đã chích insulin.”

Tiếng sáo thần

Ở miền Nam Việt Nam, báo chí thời thập niên 1960 thường mệnh danh Nguyễn Đình Nghĩa là “Tiếng Sáo Thần.” Nhạc sĩ Phạm Duy cũng ân cần nhắc nhở đến danh hiệu ấy khi nhớ lại những ngày “58-60, lúc tôi giới thiệu Nghĩa ra thổi ở quán Anh Vũ của kiến trúc sư Võ Đức Diên, đường Bùi Viện. Sau đó Nghĩa đã có mặt ở tất cả các ban ngâm thơ trên các đài phát thanh … Người ta gọi Nghĩa là Tiếng Sáo Thần.”

Tại Mỹ, ký giả Stella Dawson cuả tờ Northern Virginia Sun so ông với Jean-Pierre Rampal – người Pháp, một trong vài người thổi sáo cổ điển hay nhất thế giới đương đại : “Nguyễn Đình Nghĩa là Jean-Pierre Rampal của âm nhạc truyền thống Việt Nam.” Gia đình Nguyễn Đình Nghĩa đến Mỹ trong tháng 7, 1984. Sau những buổi trình diễn đầu tiên, rất mau chóng, giới truyền thông đã giới thiệu ông trên các đài truyền hình NBC News, CBS News… với phần phỏng vấn của các ký giả Connie Chung, Jack Reynolds.

Miền Đông nước Mỹ nhìn nhận tài năng Nguyễn Đình Nghĩa qua bốn giải thưởng của Maryland State Council, dành riêng cho các nghệ sĩ cá nhân xuất sắc, vào những năm 1994, 1998, 2000 và 2002. Nguyễn Đình Nghĩa chuyên về sáo ngang, nhưng cũng sử dụng động tiêu (sáo dọc, ống lớn, nốt trầm), đàn bầu, đàn tranh và đàn T’rưng (một loại xylophone của vùng cao nguyên Việt Nam). Với cây sáo trúc nguyên thủy 6 lỗ, ông sáng tạo ra cây sáo 11 lỗ, rồi 16 lỗ, để có thể tấu được nhạc cổ điển, thổi được những nốt thăng giáng, đồng thời vẫn thổi ngũ cung mà không mất đi âm sắc của cây sáo trúc nguyên thủy. Ông cũng sáng tạo nên toàn bộ cây đàn T’rưng cải tiến: từ một cột hơi ra hai cột hơi, mở rộng từ một bát độ nguyên thuỷ của đàn T’rưng thành bốn bát độ, để trình tấu được các tấu khúc cổ điển tây phương và hiện đại.

Những công trình ấy, Nguyễn Đình Nghĩa thực hiện trong thời gian kẹt lại Việt Nam sau biến cố 1975, với chín năm lặn lội đi lại trình diễn và nghiên cứu nhạc trên vùng cao nguyên. Về việc này, nhà văn Phan Nhật Nam, người bạn từ thơ ấu của Nguyễn Đình Nghĩa, ghi nhận rằng “anh đã gọt không phá hàng chục, hàng trăm, hàng ngàn, mà hàng chục ngàn ống tre… Chọn lọc, nấu luộc, phơi nắng, cất giữ để có những ống tre tối ưu… Căn nhà anh trở nên một rừng tre nhân tạo tua tủa những ống tre. Từng ngày, từng ống tre được gọt theo từng 1/5, 1/10 milimetre một… Vào năm 1981, Nghĩa hoàn tất chiếc đàn T’rưng đồ sộ gồm 26 ống có khả năng tiết tấu bốn bát độ. Ngoài ra Nghĩa cũng cậy đến một sáng kiến khác của người Nhật Watanabé, nhạc sĩ này đã tìm ra một ‘gam vô tình’ cũng có thể gọi là ‘gam mềm’ sau khi gắn vào thêm hai ống, và chiếc đàn 29 ống đã hoàn chỉnh.”

Trong những cuộc trình diễn tại Mỹ, bộ đàn T’rưng này thường có lúc xếp đến 52 ống.

Gia đình nghệ sĩ

Trước 1975, Nguyễn Đình Nghĩa thường trình diễn một mình một sáo. Nhưng sang đến Mỹ năm 1984, hình ảnh trình diễn của ông, là hình ảnh ấm cúng của một gia đình. Trên sân khấu, tiếng sáo của ông quyện vào giọng ngâm thơ cuả vợ, bà Trịnh Thị Diệu Tân, (yêu nhau từ thuở còn thơ dại, ăn ở với nhau hơn bốn thập niên qua) và các con gái : Nguyễn Diệu Đoan Trang (sinh năm 1963, sử dụng đàn T’rưng, đàn tam thập lục, trống đông phương, sáo), Nguyễn Diệu Nam Phương (sinh năm 1964, đàn bầu, đàn tranh), con trai Nguyễn Đình Nghị (sinh năm 1967, guitar), hai con trai song sinh : Chiến và Hòa, sinh ngày 1 tháng 10, 1975, năm tháng sau khi chiến tranh kết thúc.

Nguyễn Đình Chiến chơi trống tây phương và guitar. Nguyễn Đình Hòa chơi bass. Gia đình nghệ sĩ này đã trình diễn tại hàng trăm hí viện nhiều tiểu bang Mỹ và Gia Nã Đại, trong đó có những hí viện mà các nghệ sĩ cảm thấy vinh dự khi xuất hiện, như Carnegie Hall (New York,) Kennedy Center, Constitution Hall, Smithsonian Institution, Library of Congress (Washington D.C.) Về những buổi trình diễn ấy, nhạc sĩ Phạm Duy nói Nguyễn Đình Nghĩa và gia đình ông “là những người có công đem được nhạc thật thuần túy của Việt Nam ra giới thiệu với đất nước Hoa Kỳ và rất được tán thưởng. Họ cũng dự phần vào việc phát huy nhạc dân tộc Việt Nam, nhất là nhạc cao nguyên” mà ông giải thích là một loại nhạc phong phú nhất trong các loại nhạc miền núi Việt Nam.

Ngày xưa, ngày nay

Là cựu học sinh Lyceé Yersin, cựu giáo sư trường Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn, Đại Học Vạn Hạnh, ông Nguyễn Đình Nghĩa từng hoạt động trong Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung Ương, và phụ trách nhiều chương trình thơ nhạc trên các đài phát thanh Sài Gòn. Nhớ lại những ngày xưa ấy, Phan Nhật Nam viết trong cuốn “Mùa Đông Giữ Lửa” (xuất bản tại Mỹ, 1997), kể lại Nguyễn Đình Nghĩa trong những năm ấu thơ ở Đà Nẵng, thời thập niên 50 “vốn là môn đồ Thiếu Lâm, vô địch điền kinh học sinh, nét mặt tươi vui đều đặn. Bạn có thể trở nên một tay hào hoa ăn chơi không âu lo với cung cách quen thuộc của dân học trường Tây, gia đình tài sản lớn. Nhưng đời bạn đã không theo con đường dễ dàng thuận lợi đó. Bạn chọn ngã chông chênh, nguy biến hơn… đó là Nghệ Thuật. Và bạn đã chọn hướng Nghệ Thuật hàng đầu là Âm Nhạc.”

Nguyễn Bá Trạc ghi

Nguyễn Đình Nghĩa:

Tiếng Sáo Lên Trời

Gục ngã trên sân khấu trình diễn !

Những ngày trong bệnh viện…

Tiếng sáo mê đắm lòng người !

Hỏi đời còn nhớ ta chăng ?

Đối với giới văn nghệ sĩ, tôi là người ít có cơ hội gặp gỡ tiếp xúc nên ít được ai biết đến. Lại nữa, tôi chẳng có cái tài cán gì để thi thố cùng bàn dân thiên hạ thì làm sao có ai nhớ mặt nhớ tên ?

Tôi rất mê các danh ca nghệ sĩ nên biết khá nhiều đến những tên tuổi lẫy lừng trong giới văn học nghệ thuật. Tất nhiên là tôi rất ái mộ các nhân tài!
Một trong những nhân tài, phải kể đến tiếng sáo Nguyễn đình Nghĩa.

Tôi phục sát đất về tài nghệ của chàng cũng như những đóng góp của cả một gia đình. Tôi cũng chưa bao giờ được dịp gặp mặt trò chuyện làm quen hay có được chút thân tình bằng hữu để làm vui đẹp cuộc đời. Mới đây thôi, tôi được tin anh Nguyễn đình Nghĩa đang lâm trọng bệnh, hiện nằm trong bệnh viện, khu cấp cứu.

Tôi bỗng thấy thương anh, muốn cùng bạn bè đi thăm nên rủ hai nhà thơ Vương Đức Lệ và Hoàng Song Liêm đi cùng. Chúng tôi nói chuyện với nhau xong, buông điện thoại là đón bạn lên xe đi Maryland vào một buổi trưa Thứ Bẩy cuối tháng Hai.

Địa điểm chúng tôi tìm đến chẳng lấy gì làm vui: Nơi ấy là một bệnh viện !

Anh Nguyễn đình Nghĩa đang nằm đó.

Chúng tôi được cháu gái lớn Đoan Trang chờ sẵn tại cửa chính, dẫn lên thang máy. Chị Diệu Tân – vợ anh Nghĩa – đứng trước phòng. Anh Nghĩa nằm chìm trong chăn nệm trắng của nhà thương, gối đầu hơi cao, tóc muối tiêu, da dẻ vẫn còn hồng hào, không nói được lời nào. Mắt anh mở, như nhìn vào cõi hư không. Một ống truyền dưỡng khí gắn vào cổ họng để thở. Tay chân anh mềm yếu, rũ liệt.

Theo chị Diệu Tần cho biết, anh nằm trong một Nursing home nhưng khi lâm trọng bệnh thì được gửi vào bệnh viện cứu cấp. Thoát khỏi tình trạng nguy nan, họ lại chở anh về Nursing home.

Theo nhân viên bệnh viện cho biết thì vài ngày nữa, anh sẽ rời bệnh viện… Sức khỏe của anh không ổn định, nóng sốt bất thường, những móng tay khô lại như có máu bầm đen. Đôi chân nhỏ hẳn lại. Toàn thân bất động. Có lẽ vì máu bầm trong óc lan rộng đè lên mạch máu, không tan đi nên xẩy ra tình trạng này…

Chúng tôi không biết nói gì hơn là an ủi chị hãy bình tâm, lo ăn uống đầy đủ để có sức săn sóc người bệnh, cầu nguyện hàng ngày, đọc kinh Phật giảng. Và cầu mong một ngày nào đó anh hồi phục. Sự tận tâm lo lắng, chăm nom cho người chồng cũng là niềm an ủi vô cùng cho anh Nguyễn đình Nghĩa. Biết đâu nhờ tình thương yêu vô cùng ấy sẽ như một phép lạ để giúp anh mau lành bệnh!
Sau gần một tiếng đồng hồ trò chuyện thăm hỏi anh Nghĩa, chị Diệu Tân và vợ chồng cháu Đoan Trang, chúng tôi ra về, lòng đầy u buồn, thương sót một tài danh…

GỤC NGÃ TRONG KHI TRÌNH DIỄN

Ngày 11-05-2003, gia đình anh trình diễn tại Nữu Ước, trên sân khấu của American History of Nature Museum.

Chương trình khai mạc lúc 11 giờ trưa với bài Lý qua đèo qua tiếng sáo Nguyễn đình Nghĩa. Con gái lớn Đoan Trang đệm tam thập lục, con gái thứ Nam Phương đệm đàn tranh. Các con trai Nguyễn đình Nghị đệm ttay ban cầm, Nguyễn đình Hòa đệm bass. Đoan Trang thấy tiếng sáo của bố dường như có vẻ mệt mỏi, không tròn, không được bình thường.

Sau khi Nam Phương độc tấu Hành vân bằng đàn bầu, Đoan trang độc tấu Trở về cao nguyên bằng đàn T’rưng thì nghe có tiếng xôn xao ở bên cánh gà. Lúc ấy, nhạc sĩ Nguyễn đình Nghĩa đã té xỉu trong phòng nghỉ của nghệ sĩ.
Buổi trình diễn phải hủy bỏ.

Anh được đưa vào bệnh viện cấp cứu Lenoxill ở Nữu Ước và nằm đó suốt 9 tuần lễ, một nơi xô bồ, xa lạ, không thân nhân, không bằng hữu, lúc tỉnh lúc mê. Chị Nghĩa chầu trực bên anh suốt thời gian này, cũng như nửa mê nửa tỉnh. Mỗi lúc nắm bàn tay anh, thấy còn ấm, chị mới biết chính mình cũng còn đang sống !

Khi xe cứu thương chở anh về Nursing home ở Maryland, chị mới biết rằng anh đã trải qua những phút giây hãi hùng, nguy hiểm nhất.
Giữa đám khăn trắng xoá, anh mở mắt nhìn chị, chị mới chợt hiểu là phải đứng vững trong hoàn cảnh ngặt nghèo này để nâng đỡ, khuyến khích anh hồi phục…
Vài lần, nursing home đã chở anh vào bệnh viện vì căn bệnh tiểu đường lâu năm sinh biến chứng đã làm anh suy nhược nhiều, kháng thể yếu kém đi nên phải vào khu cấp cứu.

Anh vẫn còn hiểu biết nhưng phải nói bằng dấu. Mỗi khi hỏi, anh muốn trả lời Có thì làm dấu bằng cách chớp chớp đôi mắt. Trả lời Không thì anh ngọ nguậy ngón chân hay ngón tay.

Phương cách truyền thông cổ điển ấy, chưa có máy móc truyền thông hiện đại nào thay thế được ! Khi có bạn đến thăm, anh nhận biết được người đó.
Rồi anh khóc. Những giọt nước mắt chẩy dài trên gò má… Một con người năng động, say mê nghệ thuật như thế, bây giờ nằm đó bất động.
Và trong anh bây giờ còn lại là nửa hồn thương đau, nửa đời đứt gánh !

ĐỜI NGHỆ SĨ

Nguyễn đình Nghĩa sinh năm 1940 tại Saigon. Thời trẻ, anh là một thể tháo gia, từng là lực sĩ điền kinh các môn nhẩy cao, nhẩy sào. Cựu học sinh trường trung học Yersin.

Anh là môn đồ của võ phái Thiếu Lâm, xuất thân từ lò Tư Cung.
Năm 20 tuổi, anh lập gia đình với chị Trịnh Diệu Tân. Một mối tình đầy thơ và mộng. Chị học luật khoa, cao học Vạn Hạnh, còn anh dấn thân vào bước đường âm nhạc. Được Phạm Duy nâng đỡ và giới thiệu, anh làm ở phòng trà Anh Vũ, sau đó qua đài phát thanh cộng tác trong các chương trình thi ca như Tao Đàn của Đinh Hùng, Mây Tần của Kiên Giang, thi nhạc giao duyên của Duy Khánh, Vĩnh Phan, Hồ Điệp, Bửu Lộc, Ngô nhật Thanh v.v…

Rồi anh sang Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung Ương, trình diễn trên khắp bốn vùng chiến thuật. Anh cũng được đi trình diễn ở ngoại quốc trong các nhóm nghệ sĩ đại diện quốc gia, như tại Thái Lan, Mã Lai, Phi luật Tân, Pháp… Anh nghiên cứu một loại đàn của miền Thượng, tấu lên những khúc nhạc Tây phương. Chính vì lối trình diễn độc đáo này mà các nghệ sĩ ở hải ngoại để ý đến anh và thường xuyên mời anh cùng gia đình tham gia trong các buổi văn nghệ đặc biệt trên đất Mỹ.

Anh rất thành công với hai bài sáo tự sáng tác là Phượng vũ và Thần triều. Và bài nhạc do anh viết, bản Đoạn trường khúc là một tâm khúc làm xúc động lòng người.

Anh chuyên về sáo ngang nhưng cũng xử dụng cả ống tiêu (sáo dọc, ống lớn, nốt trầm), đàn bầu, đàn tranh và đàn T’rưng. Với cây sáo nguyên thủy 6 lỗ, anh sáng tạo ra cây sáo 11 lỗ rồi 16 lỗ, hoàn chỉnh để loại nhạc cụ này có khả năng trình tấu các ca khúc ngoại quốc.

Anh còn viết nhiều nhạc phẩm khác, cũng như xuất bản cuốn dậy thổi sáo, tái bản cả chục lần. Anh dịch 2 tập Tự học khẩu cầm của Pháp. Và khi anh đóng phim Đời võ sĩ và Đời phóng viên thì tên tuổi của anh được báo chí nhắc đến nhiều.

Anh sản xuất băng nhạc, nhất là những băng có tiếng sáo trúc hoà điệu cùng các nhạc cụ khác. Đầu thập niên 1970, anh dậy Quốc Nhạc tại Viện Đại Học Vạn Hạnh.

Sau biến cố năm 1975, anh ít có cơ hội đi trình diễn nên dành thời giờ để nghiên cứu về nhạc cụ. Như Phan Nhật nam là bạn từ thời thơ ấu với anh kể lại, cả khu nhà nhỏ bé của vợ chồng Nguyễn đình Nghĩa biến thành một rừng tre trúc. Anh đã gọt hàng chục, hàng trăm, hàng ngàn ống tre. Anh chọn lọc, nấu luộc, phơi nắng, cất giữ những ống tre đắc ý nhất. Anh Nghĩa bỏ ra 10 năm để tạo những nhạc cụ cải tiến. Đó là sáo trúc 11 lỗ, tấu được tất cả nhạc thế giới. Năm 1981, anh hoàn tất chiếc đàn T’rưng đồ sộ gồm 27 ống, có khả năng tiết tấu 4 bát độ.

Với những nhạc cụ bằng trúc, bằng tre, gia đình anh đã trình tấu những nhạc khúc cổ điển tây phương và tấu khúc Trận mưa trong rừng nhiệt đới với âm thanh trầm bổng mới lạ đã khiến cho người ngoại quốc từø ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác và họ hết sức thán phục.

Gia đình Nguyễn đình Nghĩa đến Hoa Kỳ vào tháng 7 năm 1984 và định cư tại tiểu bang Virginia.

Hồi còn ở trong nước, qua làn sóng điện và các buổi trình diễn, chúng ta đã được nghe tiếng sáo tuyệt vời của Nguyễn đình Nghĩa qua những chương trình văn nghệ.

Tại hải ngoại, sống xa quê hương, khi nghe tiếng sáo Nguyễn đình Nghĩa, chúng ta lại càng nhớ thương về nơi quê hương yêu dấu, hồi tưởng cả đến những khung cảnh cao nguyên núi rừng âm u bát ngát, có tiếng khèn vang trong đêm vắng, có tiếng đàn tiếng trống vang trong xứ Thượng miền Banmethuot, Pleiku, Kontum của các sắc dân Rhadé, Jarai, Sedang, Bahnar…

MỘT GIA ĐÌNH NGHỆ SĨ !

Để đào tạo được 5 người con trở thành 5 nghệ sĩ tài hoa như thế, Nguyễn đình Nghĩa phải là người cha làm việc hăng say, một ông thầy chăm chỉ kiên nhẫn, một người cha có kỷ luật nghiêm túc. Và trên hết, Nguyễn đình Nghĩa phải là người say mê nghệ thuật.

Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến vai trò của người vợ, người mẹ cũng có tấm lòng yêu thích âm nhạc, nghệ thuật thì mới có được một gia đình dành cả cuộc đời cho lý tưởng như thế.

Được biết chị Trịnh Diệu Tân, vợ anh Nguyễn đình Nghĩa cũng là người làm thơ, viết văn với những truyện ngắn trong Mảnh Vụn và Một Đời Lang Thang.

Trong các buổi trình diễn tải hải ngoại, gia đình Nguyễn đình Nghĩa đã khiến cho quan khách ngoại quốc phải sửng sốt, gây được sự ngạc nhiên thích thú khi nghe gia đình này xử dụng những thanh tre, ống trúc, và trống thay giây đàn và phím đàn để trình tấu những bản nhạc Tây phương như Serenade của Schubert và nhiều bản khác.

Gia đình Nguyễn đình Nghĩa đã có mặt trong nhiều đại nhạc hội ở các viện âm nhạc cổ điển, âm nhạc đồng quê, các đại hí viện lớn, các trung tâm giáo dục, cộng đồng, các viện đại học… Tới đâu, gia đình Nguyễn đình Nghĩa cũng gây được sự chú ý đặc biệt và được mọi giới tán thưởng nhiệt liệt cũng như ca ngợi về thành tích và tài năng của mọi người trong gia đình họ Nguyễn.
Lần trình diễn gần nhất là gia đình anh được mời tới Nữu Ước tại thính đường Carnegie Hall nhân ngày lễ ra trường của các sinh viên đại học kỹ thuật. Đây là thính đường nổi tếng và sang trọng hàng đầu ở Nữu Ước. Những nghệ sĩ trình diễn ở đây đều được chọn lựa kỹ lưỡng.

Điều đáng khích lệ với gia đình anh là khán giả hôm đó lên tới 2,000 người , hội trường không còn một chỗ trống ! Nguyễn đình Nghĩa đã nhận được những giải thưởng cao quý của Hội Đồng Các Nghệ Sĩ Trình Diễn Aâm Nhạc thuộc tiểu bang Maryland trong các năm 1994, 1998, 2000 và 2002 !

GÓP MỘT BÀN TAY !

Khi anh lâm trọng bệnh, chị Diệu Tân đã phải xin nghỉ nơi chị làm việc 18 năm để dành trọn thời giờ săn sóc anh trong bệnh viện. Có nhiều khi nhìn anh, chị chỉ mơ ước có được nhữõng ngày tháng cũ gia đình đầm ấm quây quần bên nhau trong bữa cơm chiều. Chị thèm được nghe tiếng sáo mượt mà trầm bổng như ru hồn trong cõi mộng mơ. Tiếng sáo âm vang thanh thoát ấy, đang dần dần trút bỏ cung bậc chốn nhân gian để trong một giây phút phù du nào đó lặng lẽ ra đi, bay vút về trời !

Trước hoàn cảnh khó khăn và đầy nghiệt ngã ấy, một số anh chị em hằng yêu mến gia đình Nguyễn đình Nghĩa đã bàn thảo với nhau để tổ chức một buổi văn nghệ vinh danh Nguyễn đình Nghĩa. Địa điểm tổ chức là nhà hàng Saigon House vào ngày 20/3/2004. Rất đông thân hữu, những người từng ái mộ danh tài của gia đình Nguyễn đình Nghĩa đã hoan nghênh ý kiến trên và hứa tham dự cũng như cổ động để mời đồng hương góp mặt.

Từ bên Cali., Ý Lan đã tự nguyện lên DC để hát trong buổi trình diễn trên. Ý Lan còn hứa bán CD, dành một khoản tiền nữa để trợ giúp gia đình anh Nguyễn đình Nghĩa. Đó là Đêm Ý Lan với chủ đề Tình nghệ sĩ. Cùng với Ý Lan, các con của gia đình Nguyễn đình Nghĩa và các nghệ sĩ tại địa phương đóng góp trong chương trình đặc biệt này.

Lê văn Phúc (Virginia 02-2004)