NHỮNG CHUYỆN KHÔI HÀI

MÕT NGÀY DÀI NHƯ THẾ KỶ

– Truyện phiếm : Uyên Sồ

Một ngày bắt đầu bằng một buổi sáng.

Buổi sáng bắt đầu từ thời điểm nào thì còn tùy thuộc vào hoàn cảnh địa lý, hoàn cảnh kinh tế, hoàn cảnh sức khỏe và tuổi tác… Ở thôn quê, buổi sáng bắt đầu bằng tiếng gà gáy. Đó là tiếng chuông đồng hồ báo thức chưa hề sai chạy và đã có từ hàng nghìn năm.

Khi gà cất tiếng gáy thì lần lượt ánh đèn từng nhà được thắp sáng. Trong thứ ánh sáng lù mù đó, sinh hoạt của ngày mới bắt đầu. Không tiếng kêu ca, không lời phiền trách. Người ta chấp nhận như một lẽ tất nhiên là phải thế; như một định luật tuần hoàn không thể đảo ngược.

Ở chốn kẻ chợ thì buổi sáng bắt đầu không bằng một dấu chỉ cố định như nơi thôn dã. Nó đa dạng như vốn dĩ bản chất đa tạp của nó. Đó có thể là tiếng rao hàng của một chị bán hàng rong luồn lỏi trong từng ngõ ngách của các khu chúng cư. Đó có thể là tiếng xe ba gác máy nổ sình sịch của một người đàn ông chuyên chở mối cho mấy bà bán rau, bán cá. Đó cũng có thể là tiếng lịch kịch mở cửa của một quán cà- phê đầu một con hẻm trong xóm lao động… Thôi thì hằng hà sa số tiếng động báo hiệu một ngày mới bắt đầu.

Còn đối với những người “thất thập cổ lai hy” thì ngày mới đã bắt đầu từ sớm lắm. Sớm hơn hết mọi người. Sau một đêm dài, mở mắt ra, nhìn thấy mọi người mọi vật chung quanh thì lúc ấy mới biết là mình hãy còn sống. Buổi tối, sau khi đã nằm trên giường cũng mới biết mình đã an toàn thoát khỏi mọi biến loạn của kiếp nhơn sanh.

Cho dù là đôi mươi phơi phới hay lụ khụ vật vờ thì ngày mới đến vẫn đem lại một niềm hy vọng. Hy vọng là viên thuốc dưỡng sinh tối cần thiết cho con người. Thiếu nó, người ta sẽ héo hon như cây thiếu nước.

Hôm nay, theo đúng quy luật tuần hoàn của tạo hóa, một ngày mới lại bắt đầu. Mặt trời lên đem theo hy vọng ngút ngàn trong mọi con tim. Và thế là người ta hăm hở lên đường. Thế nhưng, những bước chân hăm hở kia bỗng chốc chựng lại. Những cặp mắt đầy ắp niềm tin yêu thoáng chốc tối sầm. Nụ cười tắt ngấm. Hình như đang có một sự bất thường xảy ra.

Không phải là hình như mà là sự thật. Một sự bất thường đã thực sự xảy ra. Nỗi hãi sợ bao phủ lên muôn người muôn vật. Càng lúc nỗi hãi sợ càng tăng… tăng… tăng… để trở thành sự kinh hoàng. Không ai tin vào mắt mình nữa. Tất cả đều đảo lộn. Mọi thứ đã thay đổi. Một sự đổi thay đến chóng mặt. Một sự thay đổi không ngờ. Người ta có cảm giác như đang đứng trước một thửa đất vừa được cày xới. Cày xới vội vã. Cày xới cẩu thả. Những nhát cày tàn nhẫn phá nát mảnh đất màu mỡ và hứa hẹn.

Trời không mưa, không bão mà con người lạnh cóng run rẩy. Những ánh mắt hoảng loạn đẩy xô những bước chân vô hồn. Đi về đâu ? Đi đến đâu ? Chẳng ai hình dung được. Vô trật tự hoàn toàn. Tất cả như đang bị chụp vào trong một cái lưới.

Những cái bảng tên đường thường ngày không còn nữa. Thay vào đó là những tấm bảng lạ hoắc lạ hươ. Không ai hiểu được những dòng chữ viết trên đó. Có phải là chữ không ? Chữ nước nào ?

– Faq Dìn’ Fùq – Fan C’u C’in’- Quye64q Wi Min’ Xai- Qô Wi N’iệm….

Tên các cơ quan nhà nước cũng vậy.

– Ủy Baq N’aq Zâq  Wan’ Fo- Bện’ Việq N’i Dồq 2- Sâq Bay Tâq Sơq N’ất- C’ườq  C’uq Họk  Ko Sở Fam Văq C’iêu….

Những tiếng “Trời  ơi!” thống thiết kèm theo nước mắt giàn giụa. Thế nhưng, Trời ở xa quá nên con người chỉ còn biết trút giận lên những đồ vật vô tri tội nghiệp.

Tại trường học, trong tiết Sử, học sinh thấy trên bảng ghi hàng “ chữ” :

– Kuok xáq c’iến c’ốq quân Quyêq sâm lượk

Và trong tiết văn học, các em cũng thấy trên bảng ghi :

– Qam Kuok Sơq  Hà:

Qam kuok sơq hà Qam Dế Ku

Tiệt qiên dịn’ fận tại wien wu

N’ư hà qịk  lỗ lai sâm fam

N’ữ dản’ hành xan wu bại hư

Học sinh nhốn nháo. Các em hỏi thầy cô giáo :

– Chữ gì vậy, thưa thầy cô ?

– Chữ nước nào thế, thưa thầy cô ?

Thầy cô lúng túng mãi mới lắp bắp trả lời :

– Chữ nước ta đó, các em ạ.

Tức thời học sinh la ó :

–  Không phải. Không phải. Không phải chữ Việt Nam.

– Không phải bất cứ một thứ chũ nào trên thế giới này.

Thầy cô đỏ mặt và lại càng lúng túng hơn :

– Chữ nước mình thật mà, nhưng là tiếng Việt cải cách.

Tiếng Việt cải cách ! Tiếng Việt cải cách ! Tiếng Việt cải cách ! Hahahahaha… Những cái cặp sách được tung lên… Và học sinh ùn ùn kéo nhau ra khỏi lớp, rồi ra khỏi trường. Vừa đi vừa la hét : “Tiếng Việt cải cách ! Tiếng Việt cải cách! Tiếng Việt cải cách ! Hahahahahaha…”.  Và thế là các trường đều phải đóng cửa.

Tại các bệnh viện thì tình hình lại gay go và tồi tệ hơn. Các bênh nhân và người nhà bệnh nhân vây kín các bác sĩ, các y tá và các văn phòng để hỏi về bệnh tình của họ : “Tôi bị bệnh gì thế ? Tôi bị bệnh gì thế ? Người nhà tôi bị bệnh gì vậy ? Thuốc này uống như thế nào ? …”

Cảnh tượng chẳng khác nào cái chợ trời khổng lồ. Bác sĩ, y tá và nhân viên bệnh viện phải chui vào các phòng và đóng chặt cửa lại. Thế là la hét. Thế là đập phá. Cuối cùng bệnh viện phải đóng cửa. Tất cả những giao dịch xã hội khác cũng chịu chung số phận..

Đường phố lúc này càng lúc càng kẹt cứng. Người và xe cộ chen chúc. Ngược xuôi lẫn lộn vì chẳng ai biết đường mà đi mà về. Tiếng la, tiếng thét, tiếng khóc… kết thành một mớ bòng bong khổng lồ. Âm thanh của chúng làm nên sức mạnh của một quả bom tấn, mạnh hơn tiếng sấm tiếng sét.

Bỗng chốc xuất hiện những tấm biểu ngữ với hàng chữ : “Tiếng ta còn, nước ta còn”. Đủ mọi kích cỡ. Đủ mọi màu sắc. Có tấm được viết bằng hàng chữ in đậm ngay ngắn. Có tấm chữ viết nguệch ngoạc, chứng tỏ nó được hoàn tất một cách vội vã và chủ nhân có thể còn rất nhỏ tuổi..

Tiếng la thét, khóc lóc không còn nữa. Thay vào đó là là tiếng vỗ tay đồng loạt cùng với tiếng hô long trời lở đất : “Tiếng ta còn, nước ta còn”.

Mặt trời bắt đầu đi vào giấc ngủ mà đường phố vẫn người đông như kiến. Đường  cũ lối xưa  tìm hoài chẳng thấy. Nhà cửa  quê quán nơi mô lần mãi không ra. Bất ưng thành chim mất tổ thành kẻ lưu dân. Oái oăm kể sao cho xiết. “ Vì ai gây dựng cho nên nỗi này ?”.

Những tấm biểu ngữ càng lúc càng tăng thêm. Và hầu như trên tay mỗi người đều có một tấm. Biểu ngữ được giương cao nhất như có thể. Và tiếng hô vẫn dõng dạc, vẫn mạnh mẽ, vẫn cứng cỏi : “Tiếng ta còn, nước ta còn”.

Rồi mặt trời đi ngủ thật sự.

Đám lưu dân vẫn bập bềnh như loài lục bình trên dòng sông vô định. Rồi mặt trời thức giấc. Có lẽ đêm qua mặt trời không thể yên giấc vì tiếng thét gào của gần một trăm triệu con tim : “Tiếng ta còn, nước ta còn”. Gần một trăm triệu cánh tay không ngừng mạnh mẽ và dứt khoát vung lên. Trong bầu khí ngùn ngụt lửa ấy thì hỏi ai có thể làm ngơ ? Và vì thế mặt trời đành phải trở mình thức dậy.

Một ngày mới lại bắt đầu. Hy vọng gì chăng ? Một chút như hạt cát cũng chẳng ma nào dám mơ.

Thế nhưng, khi mặt trời đủng đỉnh lên cao thì người ta bỗng la lớn : ”Nhìn kìa ! Nhìn kìa !” Sự gì đã xảy ra thế nhỉ ? Lạ lùng làm sao ! Gần một trăm triệu con mắt đều sửng sốt. Mơ chăng ? Người nọ đánh vào người kia để thử xem có phải là đang chìm đắm trong mộng không. Những cái véo, cái tát mạnh đã xác định rằng đó chính là sự thật một trăm phần trăm. Và thế là, cứ như thể đang trong tiết tập đọc của lớp Một, gần một trăm triệu cái miệng đồng thanh :

– Phan Chu Trinh Nguyễn Công Trứ Chu Mạnh Trinh Trân Nhật Duật… Lạng Sơn Hòa Bình Lai Châu Quảng Bình Quảng Trị Phan Thiết Biên Hòa Bình Dương Châu Đốc Long Xuyên Cà Mau…

Khi tiếng thước gõ nhịp trên bảng của cô giáo vừa ngưng thì một cơn địa chấn mạnh hàng trăm độ Richter nổi lên : “Nhà tôi kìa !” “Phố tôi kìa !” “Làng tôi kìa !”… Và thế là rùng rùng chim bay về tổ. Đàn chim miệt mài sải cánh mà bên tai vẫn nghe rõ mồn một tiếng vó ngựa dồn vang của đạo quân Lý Thường Kiệt :

Nam quốc sơn hà Nam Đế cư,

Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.

Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,

Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư

Nương theo tiếng vó ngựa kiêu hùng đó, trên bầu trời xanh lơ lững thững những áng mây trắng, hằng hà sa số con diều đang ra sức đua tài khoe sắc. Tiếng sáo diều vi vu quấn quyện với tiếng hát vượt thời gian của nữ danh ca Thái Thanh

Tôi yêu tiếng ngang trời

Những câu hò giận hờn không nguôi

Nhớ nhung hoài mảnh tình xa xôi

Vững tin vào mộng đẹp ngày mai…”

Trong tổ ấm vừa giành lại được, đàn chim nghe lòng bồi hồi  xao xuyến. Từng chữ, từng câu, từng nốt nhạc là ngọn lửa ấm áp tình người, là ánh sáng soi đường cho những bước chân đi tới. Tự nhiên, những giọt lệ nóng hổi lăm dài  trên má…

Uyên Sồ Sài Gòn trong cơn bão số 16

NHỮNG CHUYỆN KHÔI HÀI

VỚI CHIẾC ĐIỆN THOẠI

Một hãng sản xuất đồ chơi đã thiết kế chiếc quần chip thời trang cho smartphone trong khi đó một tên trộm lại hì hụi chép tay hơn 1000 số điện thoại để trả khổ chủ.

1/. Quần chip cho smartphone : Bạn có thể dễ dàng mua các miếng dán bảo vệ màn hình hay ốp lưng chống xước cho điện thoại ở bất kỳ cửa hàng nào. Thế nhưng loại quần chip bảo vệ nút “home” của smartphone thì không phải ở đâu cũng bán.

Món phụ kiện táo bạo này là sản phẩm của hãng sản xuất đồ chơi Bandai, Nhật Bản. Thực tế, khi đeo nó, chiếc điện thoại của bạn còn khó sử dụng hơn nhưng nhờ vào thiết kế bắt mắt món đồ này vẫn thu hút rất nhiều bạn trẻ. Giá cho một chiếc quần chip đặc biệt này là 200 yên (khoảng 42.000 đồng)

H1-2: Chiếc quần chip này làm bằng silicon và có nhiều màu sắc với thiết kế dễ thương

H3-4: Nhờ vậy, rất nhiều người đã mua chiếc quần chip này cho điện thoại của mình 

2/. Cô gái đổi trinh tiết lấy điện thoại Iphone Theo thông tin từ trang mạng Biznews China, một thiếu nữ có tên Jiu Ling Hou, thuộc thế hệ 9x đã đăng tải lên trang mạng xã hội Weibo thông điệp cho biết cô mơ ước được sở hữu một chiếc iPhone 4 nhưng cha không cho phép nên đã quyết định sẽ “ngủ với ai có thể tặng mình một chiếc iPhone 4”.

Để chứng tỏ là mình không đùa, cô gái còn đăng một bức ảnh kèm những thông tin cá nhân cơ bản và số điện thoại liên lạc.

Hành động của cô gái này đã vấp phải sự phản đối của rất nhiều cư dân mạng, mọi người cho rằng một chiếc điện thoại không đáng để đánh đổi trinh tiết của người con gái. Có người thì cho rằng có thể cô gái đã bị ăn cắp mật khẩu trang mạng xã hội và là nạn nhân của một trò đùa độc ác.

H5: Cô gái sẵn sàng đổi trinh tiết để lấy một chiếc Iphone 4 

3/. Tên trộm chép tay danh bạ gửi trả khổ chủ sau khi ăn cắp điện thoại : Mới đây, anh Zou Bin ở Hồ Nam, Trung Quốc bị mất cắp chiếc điện thoại Iphone trong một lần đi chung taxi với một người đàn ông lạ để tiết kiệm chi phí.

Ngay sau đó, anh Zou đã liên tục nhắn tin vào chiếc Iphone bị mất với nội dung anh biết kẻ trộm là người đàn ông ngồi cạnh trên xe taxi và anh chắc chắn sẽ tìm thấy anh ta. Zou Bin còn nhắn địa chỉ của mình để tên trộm gửi trả chiếc điện thoại.

Những tưởng mọi nỗ lực của anh là vô vọng khi tên trộm không một lời hồi đáp thì vài ngày sau, anh Zou nhận được một bức thư, bên trong là 11 trang giấy ghi chép đầy đủ hơn 1.000 số điện thoại liên lạc của anh. Tuy nhiên, tên trộm vẫn kiên quyết không gửi trả chiếc Iphone bị đánh cắp. (theo Datviet)

H6: Tên trộm kỳ quặc đã chép tay 11 trang danh bạ để gửi trả chủ nhân chiếc điện thoại mà mình ăn cắp.

Quế Phượng chuyển tiếp

Ô SIN VÀ NHỮNG CHUYỆN

KHÔI HÀI KHÓ ĐỠ

Chuyện về “ô sin” (người giúp việc) cũng lắm… khôi hài ! Nhiều khi chính vì “ô sin”, một nhân vật chẳng dây mơ rễ má gì trong gia đình, mà lại khiến cho không ít gia đình lục đục, thiệt hại cả về vật chất lẫn tình cảm !

Chín bỏ làm mười

Cô bạn tôi “một chồng hai con nhỏ”, công việc kinh doanh túi bụi bất kể giờ giấc, ông bà thì ở xa, rước một cô “ô sin” đang tuổi ăn tuổi nhớn ở quê ra đảm đương việc nấu nướng, dọn dẹp và bế trẻ con.

Có “ô sin” cũng thấy ổn ổn, hằng ngày đi làm về nhìn nhà cửa không lung bung, bừa bãi như trước kia khi anh xã làm “quản gia”. Chiều ở công ty về muộn cũng không phải sấp sấp ngửa ngửa ghé tạt vào chợ rau rau dưa dưa, về đến nhà lại tay năm, tay mười chuẩn bị cơm nước cho ba bố con. Hai đứa bé đi học tiểu học và gửi nhà trẻ cũng có người đón thay những hôm vợ chồng cô bận việc về muộn.

Ổn nhất là vợ chồng cô bạn tôi đỡ hẳn việc vừa hát, vừa múa, vừa dỗ dành, vừa nghiêm mặt, vừa bón cháo cho thằng bé con mới hai tuổi. Lạ cái là con bé “ô sin” này tài ghê. Nó chỉ nhong nhong bế thằng bé ra vườn hoa cạnh nhà, nhoáng cái 15 – 20 phút là cả chị cả em mặt mũi hớn hở vào nhà, giơ cao cái bát sạch bách.

Sau mấy tháng hí hửng với những “lợi ích” do “ô sin” mang lại, cô bạn bất ngờ “tá hỏa” khi chứng kiến một tình huống không biết nên cười hay nên… mếu. Một trưa ngày nghỉ nọ, anh xã đang thiu thiu ngủ cạnh thằng bé còn đang ngó ngoáy, ngọ ngoạy như “sâu trong kén”, hai mắt mở thao láo, miệng thì ê a…

Cô vợ đang mải chúi vào máy tính, sai “ô sin” vào ru em ngủ. “Ô sin” vừa vào, chợt nhớ ra có việc, cô bạn cũng đi theo vào, ớ người ra khi thấy “con bé nửa trẻ con, nửa người lớn” đang lấy tay đẩy ông chú : “Chú nằm xích ra để chỗ cho cháu nằm ru em ngủ” !

Dở cười dở mếu, nhưng vì nó lại có họ hàng xa “bảy phát đại bác” ở quê nên cô “chín bỏ làm mười”, bởi thấy nó “dở dở ương ương”, trẻ con không ra trẻ con, người lớn không ra người lớn, vô ý vô tứ chứ không “âm mưu” gì, hơn nữa nó đỡ cho mình bao việc nhà, nó lại “chăm cơm chăm cháo” cho con mình tài thế. Ai dè, vụ này cô cũng bị… hố to.

Chăm con nhưng ô sin béo

Chẳng là cứ chắc mẩm được ăn uống bồi dưỡng, tẩm bổ, con mình cứ là “lớn nhanh như thổi”, hằng tháng cô lại kiểm tra cân nặng của con. Tháng đầu nó cũng tăng lên… mấy lạng thật. Cô bạn tôi hớn hở lắm, hy vọng cứ đà này thằng bé tăng cân từ từ tháng đầu rồi mấy tháng sau sẽ tăng vù vù cho mà xem.

Tháng thứ hai, mũi kim trên cân chẳng thấy nhúc nhích tẹo nào. Tháng thứ ba, hình như mũi kim còn đuối đuối xuống. Đến tháng thứ tư thì cô thấy cân nặng thằng bé tụt đi mất… 3 lạng ! Xót con, cô hỏi “ô sin”: “Dạo này em có chịu ăn không ?”. Nó dõng dạc : “Em ăn rào rào như tằm ăn rỗi ý chứ ! Ngày nào cháu chả bón hết bát cháo sạch sành sanh”.

Nửa tin nửa ngờ. Chiều hôm sau, chờ “ô sin” bưng bát cháo, bế thằng bé ra vườn hoa như mọi khi, cô cũng đi theo ra đứng nấp theo dõi. Vẫn i sì như trước kia, bón cho thằng bé 10 thìa cháo thì nó nhè ra đến 8 thìa rưỡi. Thế là coi như đã… nỗ lực hết mình, hết trách nhiệm, “ô sin”… đàng hoàng tự bón cháo cho… mình, loáng cái, cái thìa nhựa vét quèn quẹt, bát cháo sạch bách.

Trời ơi, thảo nào dạo này con bé cứ tròn quay như con cun cút. Hóa ra bao nhiêu đồ ăn bổ béo mình dốc tiền dốc sức ra bồi dưỡng cho con thì lại vào hết con bé “ô sin”. Thế này thì công mình là “công dã tràng” à ? Cô chạy ra “bắt quả tang” tại trận khiến con bé “ô sin”… chín vía còn có… tám.

Chưa kịp mắng câu nào, nó đã mếu máo, khóc lóc đổ tại rằng “bón, dỗ thế nào em cũng không ăn, chẳng nhẽ cháu đổ bát cháo đi? Còn nếu mang bát cháo về, cô không nuôi cháu nữa thì cháu lại phải về quê cày ruộng mất”.

Cô “giận thì giận, mà thương lại thương” nên đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”, vẫn để nó tiếp tục ở lại. Gần tết, cô hì hụi lôi trong tủ bếp ra lọ trứng gà ngâm mật ong để bồi bổ cho chồng con. Mở nắp ra, thấy lọ vơi hết nửa. Hỏi chồng thì chồng nói có bao giờ biết ở nhà có cái lọ trứng ấy đâu, hỏi con bé lớn 6 tuổi thì nó ngơ ngác, chẳng nhẽ hỏi thằng bé con mới hai tuổi.

Đành hỏi đến “ô sin” thì cô nàng ấp úng mãi mới thú nhận “vì ăn thử một lần thấy ngon quá nên thỉnh thoảng lại… ăn thử một tí. Không ngờ mấy cái… một tí ấy mà vơi đi nửa lọ”.

Thế này thì làm sao mà chịu được nữa. Có “ô sin” tưởng có lợi, đằng này… hại chồng, thiệt con, khổ mình. “Ô sin” ơi là “ô sin” ! (theo Bùi Thúy Hạnh – Thanh niên)

NHỮNG CHUYỆN HÀI HƯỚC CHỈ CÓ Ở VIỆT NAM

Cùng tận hưởng với những chuyện hài hước, hiếm có khó tìm chỉ có ở nước ta !

Bước chân ra đường, bạn có thể gặp vô số chuyện hài hước, những tấm ảnh dưới đây sẽ giúp bạn nhớ lại những tình huống “cười vỡ bụng” ấy:

H1: Món mới đó nha ! H2: Không còn phân biệt “nông thôn” và “thành thị” nữa. H3: Trên này mới có song ? H4: Mũ bảo hiểm siêu độc làm từ vỏ bưởi

H5: Ai bảo phụ nữ mới được quyền sexy. H6: Cực kỳ ấn tượng. H7: 1, 2, 3… chụp ! H8: Dạy chồng ngay lúc “bơ vơ” mới về

Lan caysu chuyển tiếp