“KINH ĐÔ THỊT CHÓ” BIẾN MẤT !

MỘT “KINH ĐÔ” VANG BÓNG MỘT THỜI

NGUYÊN NHÂN MẤT TÍCH ĐẦY BÍ ẨN

CỦA “KINH ĐÔ THỊT CHÓ NHẬT TÂN”

Vài năm trước đây, hễ nhắc tới món thịt chó “quốc hồn quốc túy” ngon, bổ, rẻ là người dân Thủ đô Hà Nội lại nhớ ngay tới khu phố nổi tiếng Nhật Tân, nơi được mệnh danh là “kinh đô thịt chó” huy hoàng với 50 nhà hàng mọc lên san sát và hàng vạn thực khách từ khắp nơi đổ về tấp nập ăn nhậu suốt ngày đêm.

Nhưng giờ đây, thương hiệu “thịt chó Nhật Tân” đã lùi vào dĩ vãng. Và cho đến tận bây giờ, người ta vẫn không thể hiểu được vì sao phố thịt chó nổi tiếng ấy bỗng dưng lại biến mất một cách đầy bí ẩn như vậy ? Trong hành trình đi tìm nguyên nhân mất tích bí ẩn này, chúng tôi đã khám phá ra những sự thật kinh hoàng.

“Kinh đô thỊt chó” vang bóng một thời

Có thể nói, “ông tổ” khai sinh ra phố chó Nhật Tân nức tiếng là Anh Tú, chủ quán thịt chó đầu tiên mang tên chính anh. Anh Tú vốn làm nghề bốc vác cho cửa hàng lương thực. Đời phu khuân vác cực nhọc trong khi đồng lương ít ỏi, chưa dáo mồ hôi đã cạn tiền nên làm được vài năm, anh quyết định bỏ nghề, về nhà mở quán thịt chó gia truyền. Đó là năm 1991, vùng đất ngoài đê sông Hồng còn hoang vu, dân cư thưa thớt, cỏ lau ngút ngàn.

Dựng một mái lều tranh ven đê, viết nguệch ngoạc tên mình lên trên cái mẹt cắm triền đê, ông chủ quán thịt chó Anh Tú chỉ dám mơ ngày bán được vài ký, kiếm đủ tiền nuôi vợ con. Ai dè, chừng nửa năm, khách đến nhà hàng đông nườm nượp.

Người ta đồn rằng: dồi chó và mắm tôm Anh Tú là số 1. Dồi của Anh Tú thơm, vị đậm, ngon, chắc và giòn. Nhai đến đâu, vị ngọt ngọt, bùi bùi lan tỏa tới đó. Dồi nóng chấm mắm tôm ngon càng thêm phần đậm đà, ấn tượng. Nhiều thực khách sành ăn thì bảo: “Cày tơ bảy món Anh Tú, món nào chẳng ngon. Chứng cớ là vài chục con chó thịt ra, ngày nào chẳng hết veo.

Tay nghề anh Tú quá siêu, nhất là quy trình gia giảm, tẩm ướp khiến món nào nổi vị món ấy. Món chả chín nục, giòn thơm. Món dựa mận ngọt, mềm, khi dùng đũa gắp tiết đọng thành tơ như níu miếng thịt nằm lại dưới bát. Thịt luộc ráo, không dai, mát. Món hấp thì nục mà không nhừ. Món xào lăn thơm ngào ngạt, nhai miếng thịt nghe sừn sựt. Và trên hết, nghệ thuật đỉnh nhất của quán chó Anh Tú là nghệ thuật “vừa miệng, vừa lòng” thực khách, kể cả khách khó tính

Vài năm sau, từ mái lều gianh chật hẹp, quán thịt chó Anh Tú nâng cấp thành khu nhà sàn 2 tầng rộng vài trăm mét vuông.. Mỗi ngày, quán đón hàng ngàn thực khách. Anh Tú phải thuê tới 30 nhân viên, làm việc quần quật từ tờ mờ sáng đến tận khuya.

Ai cũng nhìn thấy khoản lợi nhuận khổng lồ chảy vào túi Anh Tú mỗi ngày. Và thế là, như nấm mọc sau mưa, hàng loạt quán thịt chó khác mọc lên san sát dọc triền đê : Trần Mục, Hồ Kiếm, A Trang, Anh Vinh, Anh Kiên… Một số ông chủ ranh mãnh đã nhái thương hiệu Anh Tú như Anh Tú Xịn, Anh Tú Nhà Kính, Anh Tú Nhà Lá…

Trên đoạn đường dài chừng 1km mà mọc tới ngót 50 quán thịt chó biến phố Nhật Tân trở thành “kinh đô thịt chó”, “liên hiệp các xí nghiệp thịt chó Hà Nội”. Quán thì lợp mái gianh bốn bề trống hoác. Quán thì lợp lá cọ, sàn gỗ, vách tre, treo rèm thoáng mát. Quán lợp ngói khang trang. Có quán trên mặt đê là lán nứa cho khách để xe, thụt xuống chân đê là ngôi nhà 2 tầng thênh thếnh chứa hàng trăm thực khách.

Quán nào cũng dành lấy cảnh quan bên trái là mặt nước Hồ Tây mênh mang, bên phải là bãi sông Hồng lồng lộng gió.. Cảnh sắc vừa hữu tình, vừa đắc địa cho khách ẩm tửu nhậu với thịt cầy. Chen chúc thế mà quán nào cũng nghìn nghịt khách. Ngày nào cũng tấp nập ồn ã từ 10h sáng đến nửa đêm. Vào những ngày cuối tháng hay mùa đông giá rét, nhiều nhà hàng không đủ chỗ ngồi.

Xe máy, ô tô, xe lớn, xe bé biển số mang đủ ký hiệu các tỉnh xếp hàng dài dằng dặc dọc triền đê. Nhưng đông nhất có lẽ là quán Trần Mục. Ông chủ Trần Mục vốn là lái xe cho ngoại giao đoàn, bặt thiệp, quan biết rộng, được đi đây đó nhiều nên tinh thông thương trường.

Mỗi ngày, quán phục vụ chừng 600-1.000 khách nên giết mổ cả trăm con chó. 50 nhân viên lao động cật lực từ 4h sáng đến 11h đêm. Những ngày cuối tháng, quán chỉ nhận phục vụ khách quen, đặt trước. Nhiều hôm, chuông điện thoại đặt hàng reo inh ỏi đau đầu nhức óc, bà chủ nhà hàng phải rút điện thoại ra để khỏi phải nghe.

Đã từng có nhà kinh tế học nhẩm tính rằng : “Kinh đô thịt chó Nhật Tân” có chừng 50 quán. Trung bình mỗi quán giết thịt 30 con chó mỗi ngày. Trung bình mỗi con nặng 10kg. Như vậy, tính sơ sơ, mỗi ngày, 1.500 con chó được hóa kiếp tại đây. Nghĩa là hàng ngày, cánh RTC (rượu thịt chó) đã xơi hết chừng 15 tấn thịt chó. Quá khủng khiếp.

Phép tính ấy đã khiến nhiều nhà khuyển học hốt hoảng: cứ đà này, một ngày nào đó, giống khuyển sẽ tuyệt tự mất thôi. Nỗi lo sợ ấy quả là có lý. Nhưng những người yêu khuyển cũng chẳng phải lo lâu. Năm 2006, kinh đô thịt chó Nhật Tân đang sầm uất, nhộn nhịp, ăn nên làm ra là vậy, bỗng dưng, đóng cửa một loạt.

Các nhà khuyển học mừng rú. Cánh mê thịt cầy thì tiếc hùi hụi vì mất chỗ xơi. Song tất cả đều giật mình băn khoăn tự hỏi : tại sao kinh đô thịt chó đột nhiên lại mất tích một cách bí ẩn như vậy ? Vì mất khách ư ? Không ! Quán nào cũng đông nườm nượp cơ mà. Vì kinh doanh thua lỗ ư ? Càng không. Vì kinh doanh thịt chó rất lãi, một vốn bốn lời.. Bằng chứng là chủ quán nào cũng rất giàu. Vậy thì tại sao ?

Có phải bỏ nghề vì sợ báo oán ?

Theo sự giới thiệu của ông Lê Tiến Đ., cán bộ quận Hoàn Kiếm, chúng tôi tìm đến nhà ông H., thượng tá công an đã nghỉ hưu, người đã sống trên 40 năm ở làng Nhật Tân. Tôi hỏi : “Chú có biết vì sao các quán thịt chó Nhật Tân lại đồng loạt đóng cửa hết không ?”.

Ông H. bảo : “Trời ạ ! Làm cái nghề giết chóc ghê rợn ấy thì làm sao mà có hậu được hả cháu ? Mấy gia đình kinh doanh thịt chó không gặp chuyện nọ thì cũng vướng chuyện kia. Dù họ có nhiều tiền như nước thì cuối cùng cũng hết sạch thôi. Của thiên trả địa mà. Cũng có nhiều gia đình giàu lên nhanh chóng nhưng lục đục lắm, nát be nát bét, vợ chồng đánh lộn, con cái hư hỏng. Đó là chưa kể có những cái chết rùng rợn lắm”.

Nói đoạn, ông H. giơ ngón tay nhẩm tính. Nhà anh T., người mở quán thịt chó đầu tiên ở Nhật Tân. Bốn anh em trai đều hành nghề giết mổ chó, đều vâm váp khỏe mạnh, vậy mà đều chết bất đắc kỳ tử khi tuổi đời mới trên dưới 50. Người thì chết gục trong phòng tắm. Người thì đi dự tiệc đám cưới hàng xóm, vừa bước ra đến cổng ngã lăn đùng xuống đất, chết tươi. Người thì đang ngồi nhậu thịt chó với mấy chiến hữu, vừa xúc miệng được vài ly rượu thì vục mặt xuống mâm bất tỉnh.

Hay như gia đình ông M., chủ quán T.M nức tiếng nhất phố chó. Khi quán hoạt động được vài năm, khách đông kìn kìn, đúng lúc thịnh vượng nhất thì ông đòi đóng cửa quán. Ông bảo : “Không ai làm giàu nhờ sát sinh được, nhất là làm giàu trên sự chết chóc của loài chó”. Tuy nhiên, bà X., vợ ông vẫn kiên quyết mở cửa. Bà bảo : Ngày ngày, tiền lợi nhuận chảy vào nhà bà như nước, có họa điên mới đóng cửa. Không thuyết phục được vợ, ông M. bỏ mặc quán cho bà X. quản lý, ở nhà trông cháu, chăm sóc cây cối vui tuổi già.

Một thời gian sau, chứng kiến nhiều bi kịch đau lòng xảy ra với những người giết mổ, bà X. cũng hoang mang. Bà không dám tự tay giết chó nữa mà sai nhân viên làm việc đó. Để giải bớt nghiệp cho mình và gia đình, bà đi lễ rất nhiều nơi. Cúng lễ rất chu đáo, đốt vô số vàng mã, cầu siêu cho linh hồn loài chó.

Cho đến năm 2005, sau một loạt hiểm họa dồn dập ập đến với bà : hai lần ngã gãy chân, gãy tay. Viêm xương khớp, đầu gối sưng to như chân trâu. Mỗi lúc trái gió trở giời là nhức buốt tận óc, bò lê bò càng, không thể đi lại được. Rồi cao huyết áp, tháng nào cũng phải vào viện cấp cứu vài lần, bà X. mới giật mình tỉnh ngộ.

Nghiệp oán sát sinh mà nhiều lần chồng bà đay đi đay lại khiến bà hoảng sợ thực sự. Bà quyết định đóng cửa quán thịt chó T.M mà không một chút tiếc nuối, mở văn phòng kinh doanh bất động sản. Song vận đen vẫn không chịu buông tha bà. Con cái bà, đứa lô đề cờ bạc, đứa nghiện hút chích choác, đứa đâm thuê chém mướn. Bà nhiều lần bật khóc với hàng xóm: “Tôi chẳng thể ngờ hậu vận đời tôi lại bi thảm như thế. Âu cũng là ông giời bắt tôi đền tội đây”.

Số phận của gia đình ông S., chủ quán thịt chó A.X cũng chẳng hơn gì. Ông S. vốn là người làng Trung Hòa, trước kinh doanh cá sông, gà đồi. Thấy mấy nhà hàng thịt chó ở Nhật Tân làm ăn phát đạt, ông bèn đóng cửa nhà hàng ở Trung Hòa, lên Nhật Tân, thuê địa điểm, mở quán thịt chó A.X.

Do có nhiều kinh nghiệm kinh doanh nhà hàng, lại cầu kỳ trong vấn đề chọn chó ngon (Ông chỉ mua chó dé, lông vàng, nặng trên dưới 10kg. Thịt loại chó này nạc, ngọt, mềm, thơm), vị thế quán lại đẹp nên quán thịt chó A.X. nhanh chóng thu hút thực khách. Quán quá đông, không đủ chỗ, ông S. bèn mở quán thứ hai cũng với thương hiệu đó. Đúng lúc công việc kinh doanh thịt chó phất lên như diều gặp gió thì bão tố bắt đầu giáng xuống gia đình ông.

Năm 2000, khi thò tay vào lồng tóm con chó lôi ra để đập chết làm thịt, cậu con trai độc nhất vô tình bị cắn vào tay. Vết cắn xước nhẹ nên cậu chẳng thèm để tâm. Bởi xưa nay, chuyện nhân viên giết mổ bị chó cắn ở phố chó Nhật Tân này thường như cơm bữa, có ai đi tiêm phòng đâu. Chừng một tháng sau, đang ngồi thui chó, cậu bỗng rùng mình kêu rét. Sợ nước, sợ lửa. Người lên cơn co giật, bọt sùi trắng hai mép.

Gia đình đưa cậu đến Bệnh viện Sant Paul cấp cứu. Bác sĩ lắc đầu, thở dài. “Em nó bị lên cơn chó dại rồi”. Chứng kiến cảnh con mình mỗi khi lên cơn dại, toàn thân co quắp, la hét cầu xin bác sĩ hãy cứu mình, ông X. ôm mặt, khóc òa lên: “Sao ông giời nỡ lòng nào bắt con tôi phải đền tội sớm thế hả giời? Sao ông không bắt tôi đi?”. Quá đau khổ trước cái chết bất ngờ, đau đớn của con, bà vợ ông bị đột quỵ, nằm liệt giường liệt chiếu. Biết là bị quả báo do nghiệp sát sinh, ông S. đã đóng cửa vĩnh viễn cả hai quán thịt chó.. Từ bấy, ông lặng lẽ như một bóng ma, hỏi chẳng nói, gọi chẳng thưa.

Thượng tá công an H. bảo : “Những chuyện báo oán như thế, ở làng chó Nhật Tân nhiều lắm. Kể cả ngày chẳng hết. Nhưng có hai chuyện rùng rợn nhất, ám ảnh nhất. Và có lẽ vì chứng kiến những cảnh tượng kinh hoàng này, các chủ quán thịt chó giật mình tỉnh ngộ sợ hãi mà không ai bảo ai, đồng loạt đóng cửa”.

Ngừng lời, nhấp một ngụm trà, ông H. chậm rãi kể, giọng rờn rợn. Một đêm khuya nọ. Con phố yên tĩnh bảng lảng sương đêm, rả rích tiếng côn trùng bỗng dội lên tiếng kêu thét kinh hoàng của chị Kh. “Ối làng nước ơi. Chồng cháu giết người. Chồng cháu giết con rồi”. Mọi người hốt hoảng chạy đến căn nhà trọ của chị.

Một cảnh tượng kinh hoàng đập vào mắt. Trong ánh đèn điện vàng vọt mờ tỏ, trên chiếc giường cũ kỹ, hai đứa con gái chị Kh. nằm chồng lên nhau. Đầu vỡ toác. Máu lênh láng. Óc bắn tứ tung. Mắt mở thao láo. Anh chồng chị Kh., một tay giết chó siêu đẳng quê ở Nghệ An, chuyên giết mổ thuê cho các nhà hàng, đứng trân trân giữa nhà, mắt đỏ vằn, tay lăm lăm cầm cái vồ vẫn đập giết chó hàng ngày, máu vẫn còn nhơ nhớp. Cho đến lúc bị công an tra hỏi, anh vẫn khăng khăng quả quyết là mình vừa đập chết hai con chó để giết thịt chứ không giết hai cô con gái. 49 ngày sau, anh treo cổ tự tử.

Chuyện nữa, ám ảnh hơn. Anh Ch. hành nghề giết mổ chó được gần 10 năm. Một ngày, ông bố của anh bị mắc bệnh lạ. Toàn thân da mẩn đỏ, sần sùi, đóng vẩy ốc, vẩy cá.. Ông cụ kêu ngứa, gãi sồn sột suốt ngày đêm. Nhiều lúc ngứa quá, không chịu được, ông dùng lưỡi dao mà anh Ch. chuyên mổ chó, cào cho toạc da, bong vẩy, máu chảy đầm đìa.

Đi khám bệnh viện da liễu, bác sĩ nói ông bị bệnh vảy nến rồi cấp thuốc. Thuốc uống, thuốc bôi đủ kiểu mà bệnh càng nặng hơn. Chuyển sang uống thuốc Nam bệnh cũng chẳng thuyên giảm. Da bong ra từng mảng. Trời nóng là nứt toác ra, máu mủ ri rỉ chảy. Tắm không được, mặc quần áo cũng không xong, suốt ngày phải quấn xô màn chống ruồi nhặng.

Ông cụ đau đớn vô cùng. Thâu đêm suốt sáng kêu rên. Thịt da lở loét từng ngày. Cho đến khi chân tay trơ cả gân, xương, trông chẳng khác gì cái chân chó bị ninh nhừ. Ai trông cũng kinh khiếp. Nhiều người lần đầu tiên nhìn thấy, không kịp chạy ra sân, nôn thốc nôn tháo tại phòng. Lúc đầu, ông còn đủ sức kêu. Sau, người kiệt quệ, chỉ rên. Tiếng rên yếu ớt nghe như tiếng chó bị chọc tiết lúc sắp chết.

Một nhóm Phật tử phát tâm đến nhà Ch. lập đàn sám hối, giải nghiệp, cầu cho ông cụ ra đi thanh thản. Vợ Ch. cũng thành kính chắp tay tụng kinh cầu nguyện sám hối, hồi hướng công đức cho ông.

Bỗng dưng chị lăn đùng ra ra đất. Mắt trợn ngược. Dớt dãi trào ra. Miệng tru lên những tiếng kêu ai oán, xót xa như tiếng chó sắp bị giết hại. Bà trưởng nhóm Phật tử hộ niệm biết là cô con dâu bị vong hồn chó báo oán nhập vào, đã làm lễ khai khẩu cho chị. Con chó kể (nói qua vợ anh Ch.) :

Nó là con chó vện, bị anh Ch. giết hại lúc đang mang thai. Mặc dầu trước lúc bị làm thịt, bị nhốt trong lồng, nó đã cố đứng bằng hai chân sau, hai chân trước chắp tay lạy anh Ch. nhưng anh vẫn tàn nhẫn túm cổ nó, lôi khỏi lồng, phang một vồ vào thẳng đầu nó khiến đàn con nó chết theo. Nó hận oán nên đã báo thù. Bố của anh Ch. phải chết trong đau đớn, khổ sở.

Câu chuyện con chó báo oán ly kỳ, rùng rợn đã được một Phật tử quay phim lại, in thành đĩa, phát tán rộng rãi. Cuối phim, có đoạn một Phật tử nói: “Theo Phật giáo nguyên thủy, thế gian có 2 loại nhân. Một là nhân thiện, hai là nhân ác. Khi mình trồng nhân thiện thì sẽ gặt quả thiện. Khi trồng nhân ác sẽ gặt quả ác. Nếu mình tạo ra oan nghiệt, phạm đủ thứ lỗi lầm thì tương lai sẽ thọ quả báo địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh.

Trong các loại tội, tội nặng nhất là sát sinh. Một khi đã đọa lạc thì khó mà tiến lên được”. Ai xem cũng thấy sởn da gà. “Có thể, vì tin, vì nỗi sợ hãi vô hình liên quan đến nghiệp báo, sát sinh trong thuyết giáo nhà Phật mà mấy chục quán thịt chó Nhật Tân bỗng dưng biến mất chăng ?”. Ông H. bảo.

Yên Huỳnh chuyển tiếp

CHOÁNG NGỢP VỚI TRANH HÁT BỘI

CỦA CÁC HỌA SĨ TRẺ

Hát bội đang chết dần vì không còn thế hệ tiếp nối’ – chia sẻ từ đáy lòng của một nghệ sĩ hơn 80 tuổi, gần 60 năm gắn bó cùng nghệ thuật hát bội phía Nam đã khiến họa sĩ vẽ minh họa bìa Huỳnh Kim Liên (sinh năm 1991) xúc động mạnh.

Các họa sĩ trẻ tham gia những dự án cộng đồng để lan tỏa và truyền cảm hứng cho mọi người như thế này có tác động rất tốt. Các bạn sẽ thấy nghệ thuật tuyệt vời như thế nào khi không chỉ dừng lại ở việc vẽ tranh để thỏa mãn chính mình, mà còn giúp thúc đẩy văn hóa cộng đồng

NS Đinh Bằng Phi – người được giới làm nghề mệnh danh là “Nhà hát bội học đất phương Nam” – trong một talkshow nghệ thuật Huỳnh Kim Liên tình cờ tham dự. Câu nói chứa đựng tâm tư, nỗi lòng và thực trạng buồn về một bộ môn nghệ thuật truyền thống lâu đời như hát bội ấy khiến Liên bị thôi thúc mạnh mẽ: cần làm điều gì đó cho hát bội.

Và đó cũng là tiền đề cho dự án của một chương trình triển lãm, talkshow, nghệ thuật đầy cảm xúc mang tên Vẽ về hát bội.

“Nếu chúng tôi không làm gì…”

Dự án Vẽ về hát bội (từ ngày 1 đến 10/2) có sự tham gia của hàng loạt họa sĩ trẻ và giới làm sáng tạo tại Sài Gòn như Huỳnh Kim Liên, Nhựt Nguyễn, Phạm Quang Phúc, Sith Hiếu Châu, Phùng Nguyên Quang, Diễm Nguyễn, Cao Lê Diệu Phúc, Trần Nguyễn Trung Tín…

Chương trình diễn ra tại Nhà hát Chợ Lớn (190 Hồng Bàng, Q.5), mở cửa miễn phí. Ngoài việc triển lãm các tác phẩm vẽ tay, vẽ kỹ thuật số, búp bê mô hình hát bội, chương trình còn có những buổi talkshow về nghệ thuật hát bội, biểu diễn các tuồng cổ, workshop vẽ mặt nạ tuồng…

Đây có lẽ là một trong những dịp hiếm hoi khán giả có cơ hội “nhìn ngắm” hát bội trong hình hài trẻ trung, gần gũi và giàu cảm xúc.

“Khi đến xem chương trình, ngắm nhìn những mặt nạ tuồng ngày xưa, những bộ trang phục được thiết kế riêng cho các vai diễn đã được dày công sưu tầm qua nhiều năm, tôi thấy nó quá đẹp! Tôi nghĩ nếu chúng tôi không làm gì và để hát bội mất đi, trách nhiệm đó thuộc về chúng tôi” họa sĩ Huỳnh Kim Liên chia sẻ.

Liên chia sẻ ý tưởng thực hiện cuộc triển lãm nhỏ cùng với khoảng 20 họa sĩ trẻ, nhằm thể hiện góc nhìn của họ về hát bội thông qua lăng kính của những người trẻ.  Nhưng thật không ngờ, ý tưởng này dường như chạm đến tình yêu dành cho nghệ thuật truyền thống của nhiều bạn trẻ.

Danh sách đăng ký tham gia ngày càng được nối dài. Sau hai tháng từ ngày khởi động, dự án Vẽ về hát bội đã thu hút sự tham gia của hơn 40 họa sĩ trẻ, gần 100 nhân sự đang hoạt động trong cộng đồng sáng tạo trẻ, cộng đồng nghệ sĩ mới, cộng đồng quảng cáo, sự kiện…

Họ cùng xem lại những vở hát bội kinh điển của Việt Nam như Hồ Nguyệt Cô hóa cáo, San Hậu, An Tư công chúa… để lấy cảm hứng cho những tác phẩm của mình.

Và càng xem, họ càng thấy mình bị “hút chặt” vào những giây phút thăng hoa của người nghệ sĩ trên sân khấu hát bội. Nhớ về những phút giây ấy, Liên kể bạn và nhiều họa sĩ vẫn không khỏi… rùng mình, nổi da gà bởi hóa thân quá xuất sắc của các nghệ sĩ hát bội Việt Nam.

Điều thú vị là bằng sự trẻ trung và máu lửa của mình, đam mê của những người trẻ này đã “cuốn” thêm rất nhiều nghệ sĩ ở các lĩnh vực khác nhau cộng hưởng cùng họ, mang đến một chương trình giàu tính nghệ thuật và đậm đà bản sắc.

Được thuyết phục bởi ý tưởng nhân văn, sáng tạo của những người trẻ này, nhà thiết kế Sỹ Hoàng đã tham gia chương trình bằng một bộ sưu tập áo dài cùng tranh thảm lấy cảm hứng từ nghệ thuật hát bội. Diễn viên Hồng Ánh không ngần ngại trở thành cầu nối giúp các bạn trẻ gặp gỡ với những nghệ sĩ hát bội nổi tiếng của miền Nam.

Để hát bội không bị lãng quên

NS Hữu Danh – một trong những “cây đa cây đề” của làng hát bội phía Nam – có lẽ lâu rồi mới lại có cảm giác… trẻ ra nhiều tuổi đến vậy khi các họa sĩ trẻ mời anh cùng tham gia trò chuyện về nghề hát bội, về những chiếc mặt nạ cầu kỳ mỗi lần lên sân khấu trang điểm không dưới một tiếng đồng hồ…

Anh tâm sự : “Lúc các em đến tìm tôi, tôi mừng lắm chứ ! Lâu rồi không còn ai nhắc đến nghệ thuật hát bội nữa. Ngay cả việc tìm lớp truyền nhân tiếp theo về hát bội, chúng tôi cũng đang gặp rất nhiều khó khăn vì khoa hát bội ĐH Sân khấu điện ảnh TP không có người theo học.

Nghề này không dễ, phải học 10 năm may ra mới làm được nghề, mà nhu cầu xã hội lại không còn đất cho hát bội… Mọi người hay hỏi tôi là hát bội liệu có mai một không?

Tôi nghĩ là có đó, nếu như thế hệ trẻ không còn quan tâm đến nó nữa. Tôi hay NS Đinh Bằng Phi không làm được mãi, chỉ có các bạn mới là tương lai sau này của bộ môn nghệ thuật truyền thống độc đáo này”.

Anh cũng vui mừng nói thêm: “Từ năm ngoái, sau khi chuyển địa điểm Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP từ đường Lý Tự Trọng (rạp Long Phụng) về rạp Thủ Đô (125A Châu Văn Liêm, Q.5), chúng tôi đang bàn bạc với nhau về việc diễn định kỳ mỗi tuần một vở, dù ít dù nhiều khán giả cũng phải diễn để duy trì rạp hát sáng đèn.

Hiện nay, các nghệ sĩ của nhà hát chủ yếu đi diễn ở đình, ở miếu, diễn các suất phục vụ công tác tuyên truyền cho sở mỗi tháng, nhưng để nói là có suất diễn cho khán giả xem, bán được vé thì không có”.

Khát khao của anh chắc cũng là mong mỏi của những người trẻ khi bắt tay tham gia lần này, đó là làm sao để hát bội không bị lãng quên!

Làm sao để lớp nghệ sĩ trẻ mạnh dạn ghi tên vào những nghệ sĩ kế cận của bộ môn nghệ thuật này. Một khao khát lớn, nhưng chẳng phải đã bắt đầu được nhen lên những tia hi vọng từ chương trình lần này hay sao?

Xem một số bức tranh tại triển lãm – Minh Trang chụp lại:

H1: Bức Đào Tam Xuân của hoạ sĩ sinh năm 1993 Cao Lê Diệu Phúc H2: Người trẻ đã thắp lên những niềm vui nhỏ cho nghệ thuật hát bội trong dịp cuối năm 2018 H3: Bức Lưu Kim Đính chiêu phu của hoạ sĩ Nguyễn Quỳnh Phương

H4: Tác phẩm của hoạ sĩ Nguyễn Minh Đức cho triển lãm Vẽ về hát bội H5: Một tác phẩm tham dự triển lãm Vẽ về hát bội lần này của hoạ sĩ Phùng Nguyên Quang H6: Hồ Nguyệt Cô hóa Cáo, tranh kĩ thuật số họa sĩ Phạm Quang Phúc H7: Quan Công của họa sĩ Huỳnh Kim Liên – tranh màu gouache (theo Minh Trang)

Ngọc Sương chuyển tiếp