TIẾNG SÁO TRƯƠNG CHI

TUỒNG ‘LAN VÀ ĐIỆP’

VÀ DĨA HÁT

‘HOA RƠI CỬA PHẬT’

– Ngành Mai

Đầu thập niên 1940, kể từ ngày vở hát “Lan và Điệp” của soạn giả Trần Hữu Trang, tức Tư Trang được trình diễn trên sân khấu Năm Phỉ thì phần lớn khán giả cải lương sành điệu, đã biết qua tình tiết lớp lang câu chuyện diễn tiến từ đầu tới cuối.

Buổi trình diễn khi vở hát mới ra đời ấy, do cô đào Năm Phỉ đóng vai Lan, kép Tư Út đóng vai Điệp, đôi nghệ sĩ tiền phong thượng thặng này đã mở đầu cho hai nhân vật chính Lan-Điệp trở thành bất tử với thời gian (nữ nghệ sĩ tài danh Năm Phỉ từng được huy chương của chính phủ Pháp, của Vua Miên, Quốc Vương Lào, và Hoàng Đế Bảo Đại).

Trong lịch sử nghệ thuật sân khấu chưa có vở hát nào được giới mộ điệu ưa thích, đến đỗi càng về sau câu chuyện càng mở rộng xâm lấn sang các lãnh vực văn nghệ khác.

Trước tiên, “Lan và Điệp” được hãng dĩa hát Asia thâu thanh với tên tựa “Hoa Rơi Cửa Phật” phát hành cùng khắp từ Nam chí Bắc.

Dĩa hát cũng được bán qua Miên, và theo theo như nhà phát hành lúc ấy cho biết, thì kiều bào xứ Chùa Tháp tiêu thụ dĩa hát này nhiều gấp 3, 4 lần đại lý dĩa hát ở Cần Thơ. Do ở đất Miên dễ làm ăn, người ta dám mua sắm, vả lại số người sang đây lập nghiệp đại đa số là người Nam Kỳ Lục Tỉnh, mà cổ nhạc cải lương đã gắn liền với đời sống tinh thần của họ.

Dĩa “Hoa Rơi Cửa Phật” cũng được đưa sang Lào và cả ở bên trời Tây, do vậy mà kiều ở Pháp vẫn còn những người lưu giữ các dĩa hát xưa ấy. Song song đó cuốn bài ca “Hoa Rơi Cửa Phật” cũng được ra đời bán ở các chợ miền quê, chợ nhỏ, lớn nào cũng có người bán.

Rồi cũng từ đó các gánh hát bầu tèo (gánh hát nhỏ) ở thôn quê đã sao chép lời ca, lời đối thoại, rồi thêm thắt vào dựng lên tuồng cải lương “Lan và Điệp” phục vụ bà con ở thôn quê và cũng được hoan nghinh.

Sau đó khi Tư Út rời gánh Năm Phỉ thì kép Thanh Tao nhảy vào đóng vai Điệp, cho đến khi cô Năm Phỉ qua đời thì kỳ nữ Kim Cương mới thay dì mình mà đóng vai Lan cùng với kép Sơn Minh thủ vai Điệp. Vợ chồng nghệ sĩ Văn Chung, Thanh Hương cũng đã có lần hát. Thành Được và Thanh Nga hát hai vai chánh này được mấy lần trong các buổi tổng hợp tài danh.

Riêng bộ dĩa “Hoa Rơi Cửa Phật” phát hành năm 1947, và cuốn bài ca cũng đến tay người mộ điệu cùng thời điểm này.

Dưới đây là đoạn đầu bộ dĩa hát “Hoa Rơi Cửa Phật,” lúc Lan giả trai lấy tên Điệp vào chùa tu, được hòa thượng trụ trì đặt tên là Huệ Minh.

Huệ Minh nói : Than ôi, cánh hoa rụng tả tơi vì gió dập, xác bướm khô ôm ấp bởi tình yêu. Như tôi đây nhìn hoa lan mà ruột quặn thắt trăm chiều, trông hồ điệp lệ sầu tuông mấy lượt. Kìa những kẻ không cầu sao lại được, tủi phận mình mong mỏi vậy mà sai, kể từ đây chốn am mây chôn lấp mạch cảm hoài, nghe kinh kệ phôi pha cơn khổ não.

Ca Nam Ai :

Hoa lan xác bướm mảnh tơ lòng,

Đành vùi chôn,

Kiếp bướm hoa lỡ làng rồi,

Nhưng còn một vật đổi trao nhau,

Càng thấy càng thêm nỗi khổ đau,

Phải chăng con dao này,

Nó đã dứt tình cùng ta,

Bấy lâu đeo giữ mãi bên mình,

Nay đành chôn giữa mả bướm hoa,

Ngăn đôi gian hà,

Cho nhẹ nhàng lòng ta.

Có lẽ khi trời xui phải chịu vậy,

Trần ai còn chi đâu mơ màng,

Trót đã ăn mặc nâu sòng,

Vui kinh kệ là xong.

Huệ Thông nói : Đó thấy không, huynh Huệ Minh phạm giới sát sanh, để tôi vào bạch tôn sư, cho huynh coi nghé.

Huệ Minh nói: Không, không phải đâu huynh Huệ Thông, vừa rồi tôi thấy con bướm nó chết khô cho nên tôi tội nghiệp bỏ vào hộp đem chôn vậy mà huynh.

Huệ Thông nói: Huynh nói dối, hôm trước tôi thấy con bướm ấy nó đậu trên chậu hoa lan đẹp lắm, huynh rình bắt rồi ép khô ở trong cuốn kinh, bây giờ huynh đem chôn, tại huynh bắt nó mới chết, tôi phải vào bạch lại với thầy.

Huệ Minh nói: Huynh, huynh Huệ Thông.

Huệ Thông nói: Thế nào tôi cũng vô tôi bạch.

Huệ Thường nói: Ôi, tu là cội phúc, tình là dây oan, nhưng tình chưa trọn thì tu làm sao cho thành. Đã đem thân nương chốn thiền môn, trót ba mươi năm có lẻ, một khoảng thời gian đăng đẳng, tấm lòng ta tưởng đâu đã nguội lạnh như mớ tro tàn, sự đời gác bỏ ngoài tai, trần ai không hệ lụy. Bất ngờ vừa rồi nghe mấy lời của tiểu Huệ Minh than thở, mà xúc động mối từ tâm, trông cử chỉ hành vi khiến cho ta phải bàng hoàng ngơ ngẩn. Đây, đây là nơi chôn chặt nỗi niềm tâm sự, nhưng vết thương lòng e khó nổi phôi pha. như ta ba mươi năm mà hận cũ vẫn chưa nguôi, thì tiểu Điệp ngày nay dẫu không tròn luật pháp nhà tu, ta cũng rộng lượng thứ tha mà tìm phương an ủi. (theo Ngành Mai)

Yên Huỳnh chuyển tiếp

TIẾNG SÁO TRƯƠNG CHI

“Đêm nay thu sang cùng heo may. Đêm nay sương lam mờ chân mây. Thuyền ai lờ lững trôi theo dòng. Như nhớ thương ai chùng tơ lòng”…

Thưa nhạc sỹ tài hoa nhưng yểu mệnh Đặng Thế Phong, con thuyền đang “lờ lững trôi theo dòng” kia là của một chàng ngư dân. Tên chàng là Trương Chi.

Đó là một “con thuyền không bến”. Gọi như thế là vì chàng ngư dân này lúc thì ở đây, lúc thì lại đến một nơi khác, thoắt hiện, thoắt biến. Chàng cứ ngày tháng ung  dung tự tại giữa trời nước mênh mông. Chẳng có chi trói buộc mái chèo của chàng cả.

Người đời vốn dĩ thích sự trói buộc nên mới đặt định ra bến bãi. Họ đâu biết rằng những bến bãi kia là mầm mống phát sinh đau khổ.

– Trăm năm đành lỗi hẹn hò,

Cây đa bến cũ con đò khác đưa.

– Thuyền về có nhớ bến chăng ?

Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền.

Những đợi những mong rồi những khắc khoải trách hờn. Cái vòng luẩn quẩn ấy chẳng khác chi mũi kim nhọn xuyên thấu trái tim con người  khiến cho những dòng lệ phải tuôn ra. Ấy thế mà con người nào đâu đã tỉnh, cho nên bến bãi cứ mãi mãi tồn lưu.

Còn chàng ngư dân Trương Chi thì thênh thang sông nước ngược ngược xuôi xuôi. Nơi chàng  không có bến bãi nào hết. Chân trời góc bể bón phương luôn luôn là tiếng mời gọi chan chứa mặn nồng và thủy chung  miên viễn.

Lênh đênh sóng nước, nhưng chàng chẳng hề cô đơn vì bên chàng lúc nào cũng có một người bạn tri kỷ : cây sáo trúc. Tiếng sáo của chàng thanh thoát. Nó lãng đãng như mây trời ngày tháng phiêu du. Nó ngọt ngào như mật ong rừng nguyên thủy. Nó là bàn tay mềm mại dìu hồn người vào cõi mộng có hoa muôn sắc, có bướm muôn màu, có giàn hợp xướng  diệu kỳ của muông chim.

Tiếng sáo phù thủy của chàng khiến những cánh cửa sổ lầu son khuê các không thể then cài  kiêu mị. Người ta thấy những đôi mắt  ươn ướt xa xăm bên cửa sổ.

Tiếng sáo mang vị thơm ngọt của lúa trổ đòng đòng trên những cánh đồng bát ngát dưới ánh trăng làm thổn thức bao trái tim thôn nữ..

Chàng ngư – dân – nghệ – sỹ  nào hay  nào biết. Chàng vẫn thản nhiên đặt sáo trúc lên môi mỗi hoàng hôn. Giữa bầu trời đêm thanh tĩnh, chàng đắm hồn trong cung bậc bổng trầm của thanh âm. Mái chèo buông lơi. “Lướt theo chiều gió, một con thuyền theo trăng trong…”. Con thuyền đi… Đi mãi…

Rồi, không hiểu do nguyên cớ nào mà bóng dáng chàng – ngư-dân – nghệ-sỹ  Trương Chi bỗng biệt tăm. Những cánh cửa sổ lầu son khuê các nghẹn ngào khép lại. Những vạt áo nâu non ngẩn ngơ  ngơ ngẩn

Có những tiếng sầm sì nổi lên. Người thì nói Trương Chi đã lạc vào một động tiên như Từ Thức ngày nào. Có kẻ lại bảo : tiếng tiêu của chàng đã khiến một cô con gái của một vị quan đại thần sinh bệnh vì tương tư. Vị quan đã cho mời bao nhiêu là lương y tài giỏi đến chữa bệnh cho cô con gái yêu, nhưng thảy đều bó tay. Cuối cùng, có một vị lương y kia tìm ra được bệnh của cô, nên đã bảo với gia chủ nên gọi chàng ngư dân- nghệ-sỹ đến cho cô gặp mặt thì cô mới hết bệnh. Quả nhiên, khi gặp mặt người trong mộng thì cô gái khỏi bệnh. Cô khỏi bệnh và vỡ mộng. Bởi chàng có dung mạo xấu xí quá..

Từ lúc gặp mặt mỹ nhân thì tiếng sáo của chàng không còn hồn nhiên thanh thoát nữa. Nó trở nên day dứt, nặng nề ngàn cân vì” ai oán thương ai tàn mơ màng”. Từ đó, thế gian mới bảo nhau rằng chàng đã nằm sâu dưới đáy nước mang theo dung nhan diễm tuyệt của giai nhân.

Đấy là miệng lưỡi thế gian – thứ lưỡi không xương nhiều đường lắt léo. Có thể nào tin được chăng ?  Tin hay không tin thì tiếng sáo vi vu huyễn hoặc kia cũng đã  mai một với thời gian. Và ngày hôm nay không còn ai biết đến sự hiện hữu của một thiên tài đã một thời đi vào lòng người  bằng tiếng sáo trúc huyền thoại.

Các làng chài ven biển miền Trung đang trong thời kỳ tang chế. Ngày cũng như đêm khắp nơi nơi vang lên tiếng khóc nỉ non, ai oán.  Y tang trắng toát cà một vùng rộng lớn. Già, trẻ, lớn, bé… con mắt trũng sâu. Những tấm thân cằn cỗi trông chẳng khác nào những thân cây héo quắt héo quơ giữa trời nắng hạn. Tiếng khóc kéo dài từ nhà ra tới bờ biển, rồi lại từ bờ biển đi vào trong nhà. Những thân cây khô liêu xiêu, vật vờ như những cô hồn không chốn đầu thai.

Trên bãi biển, những chiếc tàu đánh cá nằm chỏng chơ, mặc cho nắng mưa tha hồ làm mưa làm gió trên tấm thân tàn phế của chúng. Chúng bỗng dưng trở nên những ngôi mộ hoang. Chủ nhân của chúng hoặc đã bỏ thân ngoài khơi xa, hoặc bị bắt đem đi đến một nơi nào đó. Thủ phạm của những chết chóc kinh hoàng đó không ai ngoài các “tàu lạ” và “người lạ”. Không gì phi lý hơn việc giữa khi anh đang miệt mài kiếm sống trên mảnh đất của mình mà bị những kẻ “lạ mặt” hùng hổ xông vào bắn giết một cách tàn bạo và dã man.

Ấy vậy  mà chẳng tiếng nói phản kháng nào hết. Ngay cả gọi đích danh kẻ thù cũng không. “Tàu lạ”,  “người lạ”. Một cách miễn cưỡng và chiếu lệ cho qua chuyện. Thế thôi. Và thế là “Tàu lạ” và “Người lạ” cứ mặc sức tung hoành trên mặt biển quê hương như chỗ không người. Mà không người thật. Ôi ! Thảm thương thay !  Ở đầu thập niên của thế kỷ 21 này mà mảnh đất mang tên Việt Nam từ bao nhiêu thiên niên kỷ  lại trở thành mảnh đất hoang vu đến như vậy. Và thế là xác ngư dân Việt lènh bềnh ngoài khơi như những xác vô thừa nhận. Và thế là máu ngư dân Việt ngầu đỏ cả biển Đông..

Trên mảnh đất hoang vu này, người dân vạn chài chỉ còn biết than khóc cho thân phận cái kiến con sâu của họ chứ biết làm gì bây giờ ? Khi nào “Tàu lạ” và “Người lạ” còn nghênh ngang ngất ngưởng ngoài kia thì tiếng khóc của họ vẫn còn âm ỉ. Chừng nào “Tàu lạ” và “Người lạ” còn làm mưa làm gió trên biển quê ta thì chết chóc vẫn còn bao phủ những làng chài Việt Nam.

Trong bầu không khí u sầu ngạt thở đó, vào một buổi hoàng hôn, bỗng nhiên người ta nghe có tiếng sáo trúc vang lên. Người người ngó nhau ngơ ngác. Những dấu hỏi liên tiếp hiện ra. Không có câu trả lời.

Tiếng sáo nghe não nuột đến đứt ruột vỡ gan. Nó làm cho cả những ghè đá cũng phải ứa lệ. Sóng biển thôi rì rào. Trong oán than tiếng sáo, người ta thấy vất va vất vưởng oan hồn các ngư dân.

Dân vạn chài cản thấy được ủi an phần nào vì đã có người đến chia sẻ nỗi đau mất mát. Họ hướng mắt ra khơi xa để tìm chủ nhân tiếng sáo. Nhưng chẳng trông thấy gì cả. Chắc đây là một vị thần linh. Họ thì thào với nhau. Dù người phàm hay thần thánh, họ vẫn thầm cám ơn tiếng sáo. Nó vỗ về. Nó băng bó những vết thương lòng.

Tiếng sáo là đề tài duy nhất trong các bữa ăn, trong  những lần gặp mặt. Sầu muộn đã vơi đi phần nào trong ánh mắt. Thay vào đó là nỗi niềm đợi mong mỗi khi hoàng hôn xuống. Những cặp mắt lung linh hướng ra biển đợi chờ thứ âm thanh huyền nhiệm và huyền diệu.

Những ánh mắt của các vị trưởng lão thì có vẻ đăm chiêu hơn. Hình như các cụ có một thứ linh cảm nào đó. Thứ linh cảm này thoạt tiên chỉ là một thứ cảm giác mơ mơ hồ hồ, nghi nghi hoặc hoặc. Rồi, với thời gian, nó trở nên rõ nét dần lên. Những câu chuyện thần tiên cổ tích mà các cụ được nghe thời ấu thơ bắt đầu trở về trong trí nhớ. Mặc dù  không còn minh mẫn như hồi thanh xuân, nhưng các cụ vẫn hết sức cố gắng đi tìm cho bằng được câu giải đáp cho sự việc lạ kỳ đang xảy ra nơi các làng chài này. Thế rồi, vào một buổi nọ, các cụ đồng loạt vỗ trán và đồng thành kêu lên : “Đúng rồi ! Đúng rồi ! Đúng rồi !”. Mắt các cụ sáng lên rỡ ràng. Bờ môi  dúm dó của các cụ bỗng chốc trở thành những nụ hồng rực rỡ.

Sau đó, các con cháu làng chài biết được tên chủ nhân của tiếng sáo trúc kia. Trương Chi. Sự buồn đau tạm thời lùi đi dành chỗ cho sự thích thú về chàng ngư dân nghệ sĩ thuở xa xưa. Không hiểu tại sao mà trong lòng mỗi người vạn chài đều nảy sinh một niềm hy vọng, nhất là các cụ trưởng thượng.

Đêm nay là đêm rằm. Mặt trăng tròn trĩnh nằm vắt vẻo trên bầu trời. Ánh trăng  quấn quyện những giải khăn sô và ôm ấp những tiếng khóc than u uất. Màu trắng của y tang được bàn tay điệu nghệ của nữ họa sỹ Hằng Nga dệt thành một bức tranh có một không hai của nhân loại. Khách thưởng ngoạn cảm nhận một luồng khí lạnh chạy dài suốt cột sống lưng và lan tỏa khắp châu thân. Giữa đêm trường mà mồ hôi tuôn đổ như giữa trưa hè nắng hạn.

Trong màn đêm tang tóc ấy, tiếng sáo trúc lại cất lên. Nó ấm ức. Nó tức tưởi. Nó cào xé trái tim con người.

Bỗng im bặt tiếng sáo. Những cặp mắt đỏ hoe nhìn nhau và đồng hướng về phía khơi xa. Vắng ngắt. Lặng tanh. Một bầu không khí vô cùng nặng nề bao phủ làng chài. Những vành khăn sô chấp chới chấp chới… Thời gian như ngưng đọng. Đêm đã váo khuya.

Đột nhiên tiếng sáo lại vang lên. Vang lên đúng lúc để ngăn chặn tiếng thở dài thất vọng của dân làng. Lần này, nó không tức tưởi, không u uất nữa. Người ta cảm nhận được một trận cuồng phong đang ào ạt đổ xuống. Cái khối u sầu và căm phẫn ngàn cân bấy lâu đè nặng cõi lòng dân vạn chài được trận cuồng phong kia  cuốn trôi khiến những bờ môi he hé nụ cười.

Lần này tiếng sáo trúc không bay là là trên mặt biển, không vuốt ve từng đụn cát,  không ôm ấp từng mái nhà. Nó vút bay lên tận chín tầng mây rồi đổ ập xuống như những đợt sóng thần. Rồi dân vạn chài thấy ở ngoài khơi xa những đám lửa ngùn ngụt bốc lên từ thân những con “ tàu  lạ” cùng những tiếng nổ long trời lở đất.

Dân vạn chài ôm nhau nhảy múa khi từng… chiếc từng chiếc… chìm sâu đáy đại dương. Những giải khăn sô được tung lên không trung. Chúng quấn quyện vào nhau và lả lướt lượn bay như những áng mây trời.

Khi những đốm lửa cuối cùng tan biến trên mặt biển thì dân vạn chài dập dìu nhau khiêu vũ theo tiếng sáo trúc dặt dìu, êm ả. Tiếng sáo trúc nhỏ dần… nhỏ dần… nhỏ dần…rồi mất hút cuối chân mây. Phía non đoài,  mảnh trăng rằm chênh chếch.

Đêm đó, các làng chài im ắng. Nhà nhà chìm sâu trong giấc điệp. Một giấc ngủ thật an bình. Những ác mộng từ đây sẽ chỉ còn là quá khứ…

Uyên Sồ

TÁC GIẢ TÁC PHẨM

“SÀI GÒN ĐẸP LẮM”

NHẠC SĨ Y VÂN

– NGUYỄN VIỆT

Nhạc sĩ Y Vân tên thật là Trần Tấn Hậu, sinh năm 1933 tại Hà Nội nhưng quê gốc ở Thanh Hóa. Thuở thiếu niên ông từng theo học nhạc với giáo sư – nhạc sĩ Tạ Phước, và đã tập tành sáng tác từ rất sớm nhưng không mấy thành công. Mồ côi cha, nhà nghèo, mấy mẹ con dắt díu nhau nương náu trong một túp lều xiêu vẹo ở ngõ chợ Khâm Thiên. Chính vì thế, Trần Tấn Hậu rất thương mẹ và các em.

Lúc đó chàng nhạc sĩ nghèo chưa lấy nghệ danh Y Vân, ông phải đi dạy đàn để nuôi gia đình. Có một người bạn thân giới thiệu anh đến dạy đàn cho một tiểu thư khuê các – nàng tên là Tường Vân. Rồi giữa họ hé nở một mối tình đằm thắm. Nhưng… tình đầu tan vỡ cũng là lẽ thường, huống chi chàng chỉ là anh “Trương Chi” si tình khốn khổ, còn nàng lại là một “Mỵ Nương” danh gia vọng tộc. Không thành duyên nhưng… thành danh, một loạt các ca khúc của Y Vân (có nghĩa là Yêu Vân) ra đời từ đó như : Đò nghèo, Ảo ảnh, Nhạt nắng… với phong cách tha thiết, trữ tình rất được công chúng yêu thích.

Không chỉ có vậy, sáng tác của Y Vân còn rất đa dạng : vui tươi, sôi động với Sài Gòn đẹp lắm, lung linh, sang trọng với Tiếng trống cao nguyên, Những bước chân âm thầm (thơ Kim Tuấn) và nhất là ca khúc Lòng mẹ êm ái đầy xúc cảm…

Tác giả biết rất nhiều về anh em nhạc sĩ Y Vân và Y Vũ, nhưng có bài viết của Nguyễn Linh Giang mang thật nhiều ý nghĩa về người nhạc sĩ sáng tác ca khúc “Người em sầu mộng” phổ thơ của Lưu Trọng Lư. Bài viết mở đầu có nội dung :

Y VÂN VÀ MẸ

– Ai là người Việt Nam mà không biết bài “Lòng Mẹ” cua Y Vân, thậm chí còn có thể ngân nga ít nhất là hai câu đầu của bài hát : “Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào / Tình mẹ tha thiết như dòng suối hiền ngọt ngào…”. Bài hát tha thiết, êm ái và chân thành quá khien ai cũng có thể… vơ vào để tưởng tượng người mẹ trong bài hát là mẹ của mình, để rồi hát lên và… chảy nước mắt.

Y Vân tên thật là Trần Tấn Hậu, sinh năm 1933 và mất năm 1992, đúng 60 tuổi, y như bài nhạc twist “60 năm cuộc đời” mà ông đã viết thuở nào. Y Vân lúc nhỏ nhà nghèo lắm, sống xa bố, chỉ có mẹ hiền và bên ngoại đùm bọc. Có lẽ ông đã thừa hưởng dòng máu nghệ sĩ từ bên ngoại vì ông ngoại giỏi thơ văn và mẹ cũng rất giỏi thơ văn.

Năm 1954, ông cùng 2 em và mẹ di cư vào Nam với hai bàn tay trắng, lúc vừa 21 tuổi. Mẹ hiền buôn bán nuôi 3 con. Còn Y Vân thì đã thích nhạc từ nhỏ, học đàn, sáng tác, hòa âm từ trước năm 54 nên vào Nam đã có thể đi trình diễn giúp vui cho đồng bào di cư.

Giai thoại ca khúc Lòng Mẹ :

Sau một buổi trình diễn với Phủ Tổng Ủy Di Cư về, Y Vân bị mưa ướt như chuột lột, quần áo dơ hết. Mới di cư còn nghèo, chỉ có một bo đồ coi được nhất để trình diễn, Y Vân rất lo lắng vì ngay sáng hôm sau lại phải đi đàn nữa. Khuya hôm đó, mẹ ông đã đem bộ quần áo ra máy nước công cộng đầu hẻm giặt sạch rồi về nhà đốt than lên hơ cho chóng khô. Sáng hôm sau, Y Vân đã nghiễm nhiên có được bộ quần áo sạch  mặc đi diễn. Ông cảm động lắm và cảm hứng viết ca khúc đầu tay “Lòng Mẹ”, một bài hát đã đi vào lòng hằng triệu người dân nước Việt.

Và đó là khởi đầu cho sự nghiệp âm nhạc của một trong những nhạc sĩ tài hoa nhất của Việt Nam.

Người mẹ đã đóng một vai trò quan trọng trong suốt cuộc đời Y Vân. Mẹ là người nuôi nấng nên người từ khi còn nhỏ và săn sóc con khi đã lớn. Mẹ cũng chính là người dựng vợ cho con.

Một cô gái quen với Y Vân do bạn thân làm mối năm mới 16 tuổi. Cô không mê nhạc mà chỉ thích thơ. Y Vân về nói chuyện với mẹ. Bà cụ thân hành qua nhà cô để xem mặt. Để tìm hiểu về cô dâu tương lai, bà xin phép xuống nhà dưới đi vệ sinh nhưng mục đích chính là xem thử bếp nước như thế nào. Bà về nói với cô em gái :

– Được lắm! Bếp nước gọn gàng sạch sẽ.

Thế là Y Vân được vợ. Từ lúc quen đến lúc cưới chỉ vỏn vẹn 5 tháng. Ngày đám cưới, Y Vân đã viết bài “Người Vợ Hiền” tặng vợ.

Y Vân là một trong số ít những nhạc sĩ Việt Nam sống hoàn toàn bằng âm nhạc. Ngoài việc sáng tác và làm việc cho các đài phat thanh và truyền hình, ông còn đánh đàn contrebass và guitar tại các phòng trà ca nhạc ở Sài Gòn và các Club Mỹ. Là một nghệ sĩ, ông ít có đầu óc thương mại, thường bán đứt bản quyền các bài hát  ăn khách. Trong một thời gian ông và vợ có thực hiện một số băng nhạc lấy tên Trung Tâm Mây Hồng nhưng cũng không kéo dài lâu

Sau 1975, Y Vân trở nên nghèo túng như tất cả những người Sài Gòn lúc gạo châu củi quế. Và nhiều bài hát của các nhạc sĩ chưa được cho phép trình diễn, nên ông không hành nghề được phải sống bằng tiền dành dụm. Đến những năm 80, hoạt động âm nhạc mới trở lại, nhưng lúc này ông ít sáng tác mà chỉ làm nhạc phim và viết hòa âm cho các ca sĩ.

Nhạc sĩ Y Vân mất ngày 28/11/1992, sau một cơn mệt tim nặng. Bà Minh Lâm, vợ cố nhạc sĩ Y Vân tâm sự :

– “Nhiều người thêu dệt Y Vân thành một con người đa tình, trăng hoa. Là vợ chồng, mấy mươi năm đầu gối tay ấp nên tôi rất hiểu nhà tôi. Anh ấy là một người đàng hoàng, có gì cũng thật thà kể với vợ (kể cả những việc sâu kín như trường hợp lấy nghệ danh Y Vân). Anh ấy rất có hiếu với mẹ và thương yêu vợ con.

“Thời gian sau năm 1975, Y Vân tham gia Đoàn ca nhạc Hương Miền Nam, rồi nhận viết nhạc cho nhiều nguồn : phối nhạc cho Saigon Audio, viết nhạc phim, nhạc nền cho sân khấu… Anh làm việc cật lực bất kể ngày đêm. Ban trưa, nhìn anh xoay trần viết nhạc dưới mái tôn thấp nóng hầm hập, thấy thương vô cùng. Trời thương, nên giai đoạn đó anh được “đặt hàng” dồn dập, có thể nói là “ăn nên, làm ra”, nhờ đó mà gia đình chúng tôi xây lại được căn nhà tạm gọi là ngăn nắp, nhưng anh làm ra cho mẹ con chúng tôi hưởng, bởi chỉ một năm sau thì anh mất.

“Dạo ấy, đứng trước quan tài của anh đang được quàn tại Hội Âm nhạc TP.HCM, mẹ chồng tôi không hề khóc một tiếng. Có lẽ tất cả nước mắt để khóc thương con, bà cụ đã âm thầm nuốt ngược vào trong. Chúng tôi nghe bà cụ nói : “Người đời thường bảo: Con “đi” trước mẹ là bất hiếu, nhưng mẹ chẳng trách con đâu bởi con đã làm tròn chữ hiếu ngay từ lúc viết xong bài Lòng mẹ”… Con đi trước mẹ nhưng không nợ mẹ, vì mẹ nuôi con 20 năm nhưng con đã nuôi mẹ đến 40 năm.

10 tháng sau, mẹ ông mất. (trích bài Nguyễn Việt)

Lan Hương chuyển tiếp

Bình luận về bài viết này