ĐI TÌM MỘ CỤ NGUYỄN HIẾN LÊ

MỘ CỤ NGUYỄN HIẾN LÊ

NẰM LẶNG LẼ TẠI LẤP VÒ

Tôi chạy hơn 150 km bằng xe Honda đến Ðồng Tháp để tìm mộ cụ Nguyễn Hiến Lê. Tôi đi chỉ để thắp một nén nhang trước linh cữu con người đáng kính ấy. Ðọc sách, tôi biết mộ cụ nằm ở Lai Vung. Với một người có nhiều đóng góp cho nền văn hóa như cụ, tôi tin người dân ở đó sẽ chỉ cho tôi mộ cụ dễ dàng như trở bàn tay.

 “Mộ Nguyễn Hiến Lê hả ? Chị không biết. Chị chưa nghe cái tên này bao giờ” – chị D. lắc đầu. Nhìn sâu vào mắt chị, tôi biết chị nói thật. Tôi cứ nghĩ một học giả tài đức vẹn toàn như cụ thì ai từng cắp sách đến trường đều biết. Huống hồ chị – người công tác trong lĩnh vực văn hóa.

Câu nói chân thật của chị D. không khiến tôi suy suyển. Tôi cẩn thận ghi tên cụ vào giấy rồi đưa chị đọc. Cuối cùng, chị trả lại mảnh giấy với nụ cười e lệ : “Chị không biết thật rồi. Ðể chị giới thiệu cho em một người khác nhé !”.

Sau khi nghe nguyện vọng của tôi, người này nhún vai nói chắc nịch : “Anh chưa nghe tên ông ấy bao giờ. Em có lầm với ai không ?”. Tôi cố nở nụ cười méo xệch : “Anh không biết ông ấy thật à ?”. “Thật mà. Ông ấy là ai vậy em ?”. Anh hỏi lại tôi hết sức bình tĩnh như đang chờ được cung cấp thông tin về một con người xa lạ.

Nhìn chiếc máy tính nối mạng của anh, tôi dè dặt hỏi nhờ tra cứu thông tin về cụ. Google sổ ra cả một núi thông tin về cụ, nhưng chi tiết về mộ cụ hiện ở đâu thì không hề thấy. Anh đứng cạnh tôi nheo mắt đọc chăm chú. Cuối cùng anh a lên một tiếng : “Ông này cũng nổi tiếng dữ !”.

Câu nói của anh khiến tôi đau nhói. Ngồi xuống chiếc ghế đá lạnh lẽo chiều mưa, tôi tự hỏi mình còn cách nào để tìm ra mộ cụ. Tôi cảm tưởng mình đang phiêu lưu trong khu rừng rậm rạp để truy tìm kho báu.

Chợt nhớ cô giáo dạy văn cấp ba quê ở Lai Vung, tôi liền bấm số điện thoại của cô, hy vọng tìm được đôi chút thông tin. Nhưng cô giáo tôi không biết. Cô hứa sẽ gọi điện hỏi thăm bà con ở Lai Vung xem thử có ai biết mộ cụ ở đâu không.

Tôi lại không ngần ngại bấm số điện thoại của một nhà văn. Anh là người miền Tây, chắc sẽ có những thông tin hay. Kết quả là anh biết rất rõ về cụ, nhưng cái vụ mồ mả của cụ thì anh bí. Tôi lại lục trí nhớ để để tìm số điện thoại của một nhà báo. Sau khi nghe tôi hỏi, anh cười sặc sụa và mạch lạc trả lời là anh… không biết.

Không bó tay, tôi bèn bấm số 1080 và nghe giọng nhẹ nhàng của một nữ điện thoại viên. Tôi dám chắc là cô đã phải nhịn cười. Mất năm phút tra cứu thông tin, cô nói tổng đài chưa cập nhật thông tin này và mong khách hàng thông cảm.

Tôi thông cảm. Cụ Nguyễn Hiến Lê mất đến nay đã tròn 25 năm, không ai nghĩ đến chuyện nghiên cứu về cụ, một vị học giả dành cả đời đóng góp vào tàng thư dân tộc những tác phẩm giá trị nhất.

Mở đầu cuốn Ðông Kinh Nghĩa Thục, Nguyễn Hiến Lê viết : “Mà có bao giờ người ta nghĩ đến việc thu thập tài liệu trong dân gian không ? Chẳng hạn khi một danh nhân trong nước qua đời, phái một người tìm thân nhân hoặc bạn bè của người đã mất, để gom góp hoặc ghi chép những bút tích về vị ấy, rồi đem về giữ trong các thư khố làm tài liệu cho đời sau. Công việc có khó khăn tốn kém gì đâu, mà lại có lợi cho văn hóa biết bao”. Thật không ngờ, điều cụ luôn canh cánh trong lòng, đến khi mất lại vận vào chính đời cụ.

Vỡ òa niềm vui

Tôi đứng ở Lai Vung và biết mộ cụ cũng chỉ nằm đâu đó quanh đây. Chợt nhớ đến người thầy đã dạy cho tôi biết về Nguyễn Hiến Lê, lòng tôi vỡ òa như đứa trẻ. Tôi cuống quýt gọi điện cho thầy. Thầy cười rồi gửi tin nhắn. Tin nhắn không dấu. Một người dân đoán nơi tôi cần đến là chùa Phước Ân, gần ngã tư Cai Bường, Vĩnh Thạnh, huyện Lấp Vò.

Người địa phương nhìn tôi dặn dò : “Từ Lai Vung, con đi thêm khoảng 10 km nữa dọc theo quốc lộ 80 là sẽ tới ngã tư Cai Bường. Tới đó con hỏi chùa Phước Ân ai cũng biết hết”.

Mưa bắt đầu nặng hạt quất vào mặt, vào mũi, vào áo mưa ràn rạt nhưng tôi không cảm thấy rét buốt. Có điều gì đó cựa quậy trong lòng, vừa đê mê vừa phấn khởi. Con đường trắng xóa trong màn mưa như những bông tuyết bay lững lờ trong không trung. Giọt mưa nào ngọt ngào rớt lên môi mắt tôi. Giọt mưa nào tắm mát tâm hồn tôi. Tôi phóng xe trên con đường thênh thang, lòng rộn ràng như đã đặt được bước chân vào chốn cần tìm.

Nơi an nghỉ của người nổi tiếng

Vĩnh Thạnh nghèo nàn và ướt át. Tôi phải hỏi tới người thứ tư mới biết chính xác đường vào chùa Phước Ân. Từ ngã tư Cai Bường rẽ tay trái vào hơn 1 km đường đất nữa mới tới. Con đường len lỏi qua những vườn cây ăn trái xanh mướt và một cây cầu gỗ bắc ngang con kênh. Nhà dân nằm im lìm dưới tán lá như trái chín giấu mình sau vòm lá. Không khí thuần khiết hòa vào hương xoài dịu êm khiến tôi ngẩn ngơ. Gia quyến cụ Nguyễn Hiến Lê phải cực kỳ tinh tế và hiểu ý cụ mới đem cụ về an nghỉ chốn bình yên này.

Chùa Phước Ân hiện ra trước mắt tôi vừa trang nghiêm vừa thân thiện. Ngôi chùa đơn sơ ẩn hiện sau lớp lá bồ đề lóng lánh nước mưa. Không một bóng người. Không gian im ắng. Tôi dắt xe chầm chậm qua sân chùa. Một bà cụ mặc áo nâu sòng, mái tóc hoa râm xuất hiện. Biết tôi muốn tìm mộ cụ Nguyễn Hiến Lê, bà chậm rãi trả lời. “Trong chùa này chỉ có thầy trụ trì với bà biết ông ấy thôi”.

Bà dẫn tôi vào chánh điện. Sau lớp kính mờ ảo của khung ảnh, nụ cười cụ Nguyễn Hiến Lê vẫn tươi rói và đôi mắt dường như vẫn dõi theo trần gian, đôi mắt như thăm thẳm một niềm an lạc. Di ảnh cụ được treo bên cạnh người vợ thứ hai là bà Nguyễn Thị Liệp. Sau khi cụ mất, bà xuất gia đi tu và mong muốn được an nghỉ tại chùa Phước Ân cùng chồng.

Mộ cụ Nguyễn Hiến Lê nằm lọt thỏm trong khoảng 20 ngôi mộ khác. Ngôi mộ của một con người lỗi lạc nhỏ nhắn và giản dị đến nỗi bát nhang không một nén. Nhưng tôi biết, cụ rất ấm cúng khi nằm chung với toàn thể gia quyến trong một khu mộ.

Không hoành tráng lộng lẫy. Không bia đá trường cửu. Không khoa trương diễm lệ. Cụ nằm đó bên ngôi chùa trầm mặc nghe kinh kệ là một diễm phúc hiếm ai nghĩ tới. Có lẽ đây là lối đi mãn nguyện nhất đối với một tâm hồn vốn giản dị và thanh sạch.

Trong gian phòng ấm cúng bên ly trà nóng, bà cụ hỏi tôi có thân thích gì với cụ Lê không mà lại đi thăm mộ lúc trời mưa gió. Tôi thưa thật, tôi chỉ là người đọc sách của cụ. Tôi tìm mộ cụ chỉ để thắp một nén nhang trước hương hồn cụ để tỏ lòng cảm phục.

Bà chưa đọc sách cụ nên hỏi tôi rằng cụ viết sách hay lắm sao mà mất lâu thế vẫn có người nhắc đến. Bà nói nhỏ : “Con đã tìm được đến đây thì làm cách nào đó cho mọi người cùng biết nhé”.

Tôi cắm vào lư hương trên mộ cụ một nén nhang thành kính. Hương trầm tỏa bay làm cay cay khóe mắt.

(Trung Thu báo Pháp Luật)

Ðôi nét về cụ Nguyễn Hiến Lê

Nguyễn Hiến Lê (1912-1984) quê ở làng Phương Khê, phủ Quảng Oai, tỉnh Sơn Tây, nay thuộc huyện Ba Vì, Hà Nội. Ông được biết đến như một nhà văn, học giả, dịch giả, nhà giáo dục.

Xuất thân từ một gia đình nhà Nho, ông học tại Hà Nội. Năm 1934, ông tốt nghiệp Trường Cao đẳng Công chính Hà Nội, sau đó làm việc tại Nam Bộ. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, ông đi dạy học ở Long Xuyên. Năm 1952, ông chuyển lên Sài Gòn mở nhà xuất bản và biên dịch sách, sáng tác, viết báo.

Nguyễn Hiến Lê đã dành trọn phần đời còn lại của mình để miệt mài viết sách. Ông có khoảng 120 tác phẩm sáng tác, biên soạn, dịch thuật thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như giáo dục, văn học, ngữ học, triết học, lịch sử, du ký, gương danh nhân, chính trị, kinh tế…

Ông làm việc đều đặn 13 tiếng đồng hồ mỗi ngày, gồm sáu tiếng đọc tài liệu và hơn sáu tiếng để viết. Nhờ áp dụng nghiêm ngặt thời gian biểu này, ông đã hoàn thành một khối lượng tác phẩm đồ sộ. Nhiều tác phẩm của ông trở thành cuốn sách gối đầu giường của thanh niên trẻ.

(TH.C sưu tầm theo Wikipedia)

Nguyễn Văn Danh post

NHẠC SĨ ĐỖ LỄ

(1941-1997)

Trường hợp mất đi của nhạc sĩ Đỗ Lễ cũng khá thương tâm. Ông đã cống hiến hầu hết cuộc đời tài hoa của mình cho âm nhạc, cho tình yêu và đã để lại cho đời những bài hát thật tuyệt vời về những cuộc tình trái ngang, phụ phàng, cay đắng. Nhưng cuối cùng ông lại tự kết liễu đời mình bằng một liều thuốc độc trong một căn phòng khách sạn khi từ Mỹ trở về thăm quê hương (tháng 3 năm 1997)

Tên thật của ông là Đỗ Hữu Lễ, sinh ngày 12/10/1941 tại Hà Nội. Học tiểu học trường Hàng Vôi, trung học Chu Văn An (1952), Cao Đẳng Mỹ Thuật Sài Gòn (1953), Cao Đẳng Mỹ Thuật Gia Định (1954), Đại Học Khoa Học Sài Gòn (1959), Đại Học Luật Khoa Sài Gòn (1963).

Tự học nhạc năm 1951 và bắt đầu sáng tác từ năm 1956 khi vừa tròn 15 tuổi. Tuyệt vọng vì yêu một ca sĩ (Lệ Thanh) nhưng không được đáp lại và khi nàng lên xe hoa thì ông sáng tác bài Sang Ngang rất nổi tiếng sau này và đã làm cho biết bao nữ sinh rơi nưóc mắt.

“Thôi nín đi em / Lệ đẫm vai rồi / Buồn thương nhớ ai…

Mai bước sang ngang / Lòng thêm nát tan / Tình đã dở dang…

Thôi khóc làm gì / Đã lỡ duyên thề / Thương nhau làm chi…

Nỗi buồn ai hay / Khi mình chia tay / Xa cách nhau rồi …”

Lúc đó có nữ ca sĩ (Y. X ) đã trình bày lần đầu tiên bài hát này ở các phòng trà và sau đó đã trở thành bà Đỗ Lễ. Tuy nhiên cuộc tình của họ chỉ kéo dài được 6 năm và tan vỡ sau khi họ có với nhau ba mặt con (Sau này người vợ của nhạc sĩ đã ôm cầm sang thuyền khác và đã định cư ở Mỹ).

Trước đó nhạc sĩ Đỗ Lễ có phụ trách một chương trình ca nhạc trên đài Truyền Hình ở Sài Gòn hàng tuần mang tên là “Thời Trang Nhạc Tuyển”. Chương trình này quy tụ các ca sĩ như Hoàng Oanh, Khánh Ly, Thanh Lan, Phương Hồng Hạnh, Ngọc Minh, Thanh Tuyền, Giao Linh, Hương Lan, Caroll Kim, Hoài Xuân, Xuân Đào, tam ca Sao Băng, 3 Con Mèo, 3 Trái Táo… Đặc biệt là chính Đỗ Lễ lại là người hoạ sĩ vẽ trang trí cho sân khấu những show truyền hình của ông, nên ông được nhiều người gọi là họa sĩ “Sang Ngang” như tên một bài hát của ông.

Sau khi chia tay với người vợ đầu, thời gian cô đơn này nhạc sĩ Đỗ Lễ quá đau thương, nên ông đã sáng tác nhiều bản nhạc nghe rất não lòng như Tình Phụ. Chính bản nhạc này đã được hãng phim của Thẩm Thúy Hằng chọn làm nhạc chủ đề cho phim “Nàng” với tiếng hát của Carol Kim. Trong chương trình Asia 55, bài hát này đã được Nguyên Khang và Y Phương trình bày rất điêu luyện qua từng lời ca than oán và nét mặt ưu sầu của họ đã đã diễn tả rất chính xác tâm trạng đau buồn của nhạc sĩ và hàng triệu người khác có cùng chung một tâm sự suốt mấy chục năm qua.

Sau năm 1975, nhạc sĩ Đỗ Lễ sinh sống bằng cách mở lớp dạy nhạc tại Sài Gòn. Đến năm 1994 nhạc sĩ Đỗ Lễ được thân nhân bão lãnh qua Mỹ định cư tại thành phố Philadelphia, tiểu bang Pennsylvania. Nhưng đời sống nơi xứ lạ này không làm ông yên tâm hay thoải mái như bao nhiêu người khác, mà ông lại một mình quay về chốn cũ, với nhiều kỷ niệm xưa để tự kết liễu đời mình ở đó trong cô đơn, thất vọng não nề như những lời tiên tri trong các bài hát của ông ?

Mời nghe các nhạc phẩm của Đỗ Lễ : Sang ngang, Tuyệt tình, Tình phụ. Xin bấm vào đường dẫn dưới đây :

http://youtu.be/xMeIvdzFxdk

http://youtu.be/A9nXLicOy0g

http://youtu.be/F5V5mH4I2-4

NHẠC SĨ THĂNG LONG

(1937- 2008)

http://youtu.be/B4kkKHciMLA

Nếu không có những người phóng viên của Trung Tâm Asia và đài truyền hình SBTN về tận Việt Nam tìm kiếm và quay phim, phỏng vấn nhạc sĩ Thăng Long thì ít ai còn biết đến tung tích của ông. Mới biết ông qua đời vào ngày 30/3/2008.

Tuy là một nhạc sĩ nổi tiếng cùng thời và cùng lứa tuổi với những nhạc sĩ khác như Duy Khánh, Lam Phương, Thanh Sơn, Trúc Phương… nhưng hầu như sau này ít ai còn nhớ đến tên của nhạc sĩ Thăng Long. Có lẽ vì đời sống của ông khá bình dị và ông thích kiếp sống giang hồ như những bài hát của ông sáng tác cách đây hơn 40 năm như Kiếp Giang Hồ, Giã Từ Gác Trọ, Trở Về Gác Trọ …

Cuộc đời của ông thật quá phong trần. Vì ngay sau khi chào đời vào năm 1936 ở tỉnh Hải Dương, miền Bắc thì ông đã mồ côi mẹ . Năm 15 tuổi thì chàng thanh niên tên Nguyễn Văn Thành lại mồ côi cha. Một mình lưu lạc vào Nam, ông phải lang thang kiếm sống bằng cây đàn với một nhạc sĩ mù hát dạo khắp đô thành. Vậy mà năm 1963 ông đã thành trưởng ban của một ban nhạc mang tên Hồ Gươm, chuyên trình diễn trên đài phát thanh Tiếng Nói Quân Đội ở Sài Gòn với nhiều ca sĩ tên tuổi đương thời. …

Nhìn tấm hình chụp của nhạc sĩ Thăng Long vào năm 1965 qua dáng dấp trẻ trung, nhưng đượm nét phong trần với túi hành lý quảy một bên vai và bên vai kia là cây đàn guitar rất nghệ sĩ. Nhưng không ngờ, cho đến bây giờ trong đoạn phim video clip, ông vẫn còn giữ lại cây đàn yêu quý như một tài sản độc nhất theo ông suốt hơn 40 năm nay. Không được may mắn như những nhạc sĩ khác cùng thời với ông (như Thanh Sơn, Nguyễn Ánh 9) có được một việc làm nơi chốn đô thành, nhạc sĩ Thăng Long phải về ẩn cư nơi vùng quê nghèo nàn của miền Tây là một làng nhỏ (Phú Lộc) của tỉnh Sóc Trăng.

Thấy ông phải vất vả với số tuổi 70 để dạy từng bài học âm nhạc cho những thanh niên trong xóm, mà cảm xúc dâng trào, thương nhạc sĩ lão thành này quá đổi. Tuy vậy, khi được hỏi về bài hát “Quen Nhau Trên Đường Về” thì cặp mắt của nhạc sĩ Thăng Long sáng hẳn lên. Ông say mê nói về những cảm xúc của hơn 40 năm trước nơi bùng binh chợ Sài Gòn, với những âm thanh và hình ảnh của thời quá khứ xa xăm đã tạo nên nguồn cảm hứng để cho ông viết ra bài hát rất nổi tiếng này .

Thật ngạc nhiên khi thấy tài năng độc đáo và cảm xúc đầy nghệ sĩ tính của người nhạc sĩ này, vì khi ngồi nghỉ chân nơi công viên, ông chỉ thoáng nghe một điệu kèn đám ma ò e như “ tàng tang tang táng tạng táng tang tàng tang …” mà cái làn hơi (air) đó, cộng với cảnh hẹn hò tâm sự bên nhau của đôi trai gái xa lạ, đã khiến ông tạo nên giai điệu mượt mà quyến rũ, giàu tình cảm quê hương với những lời ca như:

“Chiều này có phải anh ra miền Trung .. / Về thăm quê mẹ cho em về cùng

Rồi ta sẽ đi chung chuyến tàu / Về đến sông Hương núi Ngự / Để nhìn trăng soi cuối thôn …”

Ngoài ra khi thấy chàng quân nhân trẻ tuổi đang bịn rịn giã từ cô gái để đi về hướng nhà ga xe lửa chạy ra Trung phần, ông đã gởi gấm những lý tưởng và chí hướng thật cao đẹp cho chàng thanh niên trẻ ra đi phục vụ quê hương, giữ yên bờ cõi (đặt nợ nước trước tình nhà), với những lời ca như:

Thương anh không phải vì “tình yêu” ..

không phải vì “sang giàu”

Mà vì “cùng chung chí hướng” …

Thương anh, thân dãi dầu nắng mưa

Băng rừng sâu núi đồi, mang về khúc hát “khải hoàn” …”

Ôi những lời hát ngày xưa, sao nghe thật đậm đà và có quá nhiều ý nghĩa chân thành, tha thiết với giai điệu nhẹ nhàng êm ái mà cũng rất trữ tình, lãng mạn. Tất cả như quyện vào nhau giữa tình yêu đôi lứa và tình yêu mến quê hương đất nước.

Không biết nơi quê nhà nhạc sĩ Thăng Long có dịp xem được chương trình Asia 55 trong DVD hay không ? Nhưng ở khắp mọi nơi, có lẽ đã có nhiều khán thính giả rưng rưng nước mắt cảm động khi lần đầu tiên được thấy và nghe tâm sự của ông và nhất là được thưởng thức giọng hát “vang tiếng một thời” của danh ca Minh Hiếu.

Đây là một tiết mục rất đặc sắc của chương trình Asia 55, được nhiều người chú ý và khen ngợi. Nhứt là việc kết hợp bài hát đã một thời gắn liền với người “Hạ Sĩ Nhất Danh Dự” trong quân lực VNCH ngày nào với dàn nhạc đặc sắc của Trung Tâm Asia bên cạnh chiếc xe xích lô quen thuộc của đô thành Sài Gòn xa xưa.

Giờ đây nơi quê nhà hẻo lánh, sống chuỗi ngày còn lại bên cây đàn mang theo bên mình suốt hơn 40 năm qua, không biết người “nhạc sĩ giang hồ” Thăng Long có biết được những bài hát của mình vẫn được trân trọng đón nhận và ghi khắc trong tâm tư của nhiều thế hệ người Việt lưu vong khắp nơi.

Mời nghe các nhạc phẩm của Thăng Long : Nỗi buồn gác trọ (Phương Dung) – Quen nhau trên đường về (Minh Hiếu) xin bấm vào đường dẫn dưới đây :

http://youtu.be/xDt_hBJerP0

http://youtu.be/-PuPKCqmDn0

Quế Phượng (tổng hợp)