Những người viết truyện ma

SÁCH  MA KINH DỊ

– bài QUẾ PHƯỢNG

Mấy lúc gần đây báo chí Sài Gòn hay nhắc đến loạt truyện kinh dị, đa số đều lên án, bởi mấy người viết này cho rằng “mang tính giật gân để câu khách” hoặc “chuyện ma kinh dị nhảm nhí” ?!

Net vang

Trong khi đó không nói đến nội dung của hàng loạt cuốn phim nhựa, phim truyền hình nhiều tập chiếu trên tivi hằng ngày, sản xuất từ trong nước và nước ngoài, còn kinh dị, nhảm nhí gấp bội phần (vì hình ảnh sống động hơn chữ viết), như thế có công bằng không ?

Theo người viết bài này được biết, đây thuộc hành động “ném đá giấu tay” của các nhà sách “không có đầu sách”, mướn người viết để “hạ bệ” lẫn nhau theo kiểu “trâu cột ghét trâu ăn”.

Những người viết truyện ma

Bởi nhìn vào “lịch sử” những người viết truyện ma hiện giờ chỉ đếm trên đầu ngón tay, mà mỗi người viết ấy đã có “sân riêng”. Chúng ta hãy nghe lời tâm sự của một nhà văn, nhà báo nói trên “mienyeuthuong.wordpress,com” như sau :

“…Trong thời gian từ năm1965 đến năm 1968, nhà báo Nguyễn Việt còn viết sách và trông coi kỹ thuật ấn loát cho hai ông “trùm làm sách lá cải” là ông Bạch Vân và ông Bê, bằng các cuốn truyện bằng tranh do họa sĩ Nguyễn Thọ và Trường Tồn (nay đã đổi tên họa sĩ Nguyễn Tài và Chinh Phong) vẽ qua các tựa liên hoàn như Con quỷ truyền kiếp, Lão tướng số, Cuộc đời của bé Phước, Con quỷ một giò v.v… và viết tiểu thuyết ma thường dày hơn 100 trang khổ 14 x 20cm ký dưới bút hiệu chung là Người Khăn Trắng, Khách Giang Hồ, gồm các người viết “ruột” như Nguyễn Việt, Hoàng Phương Hùng, An Dạ Thảo, Vương Mộng Linh, Thể Hà Vân cùng một số tác giả vãng lai khác.

“Bây giờ vào những năm từ 2007 trở về sau, loại truyện ma kinh dị bắt đầu xuất hiện trở lại trên các nhà sách, chỉ còn hai nhà văn nhà báo Nguyễn Việt và Hoàng Phương Hùng (đã đổi tên Thượng Hồng) viết. Về sau có thêm vài tác giả khác. Nhà văn Thượng Hồng ưu tiên giữ bút hiệu Người Khăn Trắng, còn nhà văn Nguyễn Việt ký với Nguyễn Lê Quan hoặc Khách Giang Hồ….”

Nên truyện ma kinh dị đã xuất hiện trên 40 năm qua tại Sài Gòn. Và như đã nói những người viết truyện ma đều tự nhận các sáng tác của mình thuộc vào hàng sách “lá cải” do những ông trùm “sách lá cải” đặt hàng. Bởi khi muốn kinh doanh vào ngành hàng nào, người đầu tư phải tìm hiểu thị trường mới mong có lợi nhuận.

Thuong Hong 2Những người đầu tư vào truyện ma khi xưa là ông Bê và Bạch Vân họ đã thành công từ truyện tranh cho đến tiểu thuyết; những người về sau thuộc hàng đại gia giàu tiền và có đủ phương tiện nằm trong Tổng Phát Hành Sách Báo thời bấy giờ là Đồng Nai, Nam Cường, Nguồn Sống muốn chen chân cũng không có người viết, hoặc có cũng không thể để tên Người Khăn Trắng hay Khách Giang Hồ, vì đã trở thành” thương hiệu độc quyền” của mấy ông trùm sách lá cải này.

Sách văn học ?

Chúng ta hãy đọc một vài đoạn mà các báo ở Sài Gòn vừa lên tiếng “phê bình” loại truyện ma, kinh dị nói trên :

“Loại sách này xuất hiện trên thị trường khoảng năm 2007, ban đầu chỉ có NXB Thanh Hóa xuất bản với khoảng trên 20 đầu sách dưới chủ đề truyện kinh dị chọn lọc, tuyển tập “ma nữ đa tình”. Thấy loại sách này “hốt bạc”, có ít nhất ba NXB : NXB Lao Động, NXB Thanh Niên và NXB Đà Nẵng đã nhảy vào, chen chân với  số lượng lên đến hàng trăm tựa, núp dưới danh nghĩa sách văn học. (lời người viết : chưa tác giả nào dám tự nhận loại sách này thuộc sách văn học !)

“Xem qua đề dẫn của những quyển sách này thì rất “nhẹ nhàng”: những truyện (ma, kinh dị) trong quyển sách này là do quá trình sưu tầm, hay “đó là những câu chuyện hoàn toàn hư cấu… với mục đích mong mọi người sống thiện, sống đúng đạo lý, đừng bao giờ hại đến ai”.

“Có NXB còn ngụy biện “không có chủ trương tuyên truyền mê tín dị đoan. Đây là tác phẩm văn học hư cấu trong không gian huyền ảo với mục đích mang đến cho bạn đọc giá trị nghệ thuật cũng như giá trị giáo dục”… Tuy nhiên, nếu những ai từng đọc qua những quyển sách này có thể sẽ bị ám ảnh bởi những câu chuyện quỷ nhập, đi đêm gặp ma, xác chết không đầu  và những trò mê tín dị đoan như gọi hồn, làm phép, yểm bùa trừ ma quỷ… Để câu khách hơn, trong một số truyện còn khai thác  cả chuyện phòng the, chuyện dung tục… trái thuần phong mỹ tục. ..”

Không biết người viết phê bình này đúng hay sai, có thể vì một vài người viết mới gia nhập vào làng viết sách truyện ma, đã quá tay khi diễn tả chuyện phòng the cho thêm phần gây cấn giật gân để câu khách, trái với lối dựng truyện của hai tác giả kỳ cựu là Người Khăn Trắng và Khách Giang Hồ khi xưa và bây giờ. Mặc dù cũng có những đoạn ái tình nhục dục cho câu chuyện thêm phần linh động, cuốn hút người đọc nhưng chưa bao giờ họ viết trái thuần phong mỹ tục, bởi họ là những người viết chuyên nghiệp, cũng từng là người biên tập trong ngành sách báo.

Có nhảm nhí không ?

Chúng ta hãy đọc một vài lời dẫn truyện sau đây của Khách Giang Hồ và Người Khăn Trắng, nhằm đánh giá truyện ma được viết như thế nào :

40 Sach ma NLQuan 1

Trong chúng ta có lẽ ai cũng đã nghe qua hoặc xem sách báo phim ảnh, nói về các loài ma quỷ thường xuất hiện đi phá quấy hay xâm hại đến tâm linh con người. Nhất là trong thời đại văn minh, màn ảnh và truyền hình thường quảng bá những bộ phim kinh dị nói về các loài ma quỷ một cách kinh dị gớm ghiết.

“Thật sự trên thế gian này có ma quỷ hay không ?

“Ở phương Tây, đa số người biết đến ma quỷ là loài ma cà rồng, thứ ác quỷ hữu hình có răng nanh chuyên đi hút máu, sống trà trộn cùng loài người. Nhưng trong thực tế ma cà rồng hoàn toàn không có thật, nó chỉ là truyền thuyết sau trở thành huyền thoại, bởi sự hư cấu của các nhà văn châu Âu từ đầu thế kỷ 19 trở lại đây.

“Còn trong thế giới tâm linh phương Đông, không ai nói đến ma cà rồng, thứ ác quỷ hữu hình nói trên; mà chỉ nhắc đến những loài ma quỷ vốn vô hình vô sắc, thường xâm nhập vào phần xác con người rồi dùng linh hồn ma quỷ để chi phối con người đi thực hiện những chuyện tàn bạo ác nhân thất đức. Hay rùng rợn hơn khi nói đến quỷ nhập tràng, ma sói, tương tự như loài ma cà rồng nơi phương Tây vừa nói mà thôi.

“Nhưng dù là ma hay quỷ, hữu hình hay vô hình, nhưng chưa ai đã thấy được hình dáng của ma quỷ, nếu có là chỉ do óc tưởng tượng mà hình thành trong tâm trí mọi người. Nên có người cho rằng, ma quỷ xuất hiện chỉ do ảo giác sinh ra ảo ảnh, hay dùng triết lý để nói “người cũng là ma, ma cũng là người”, vì cái tâm của người khi không tốt là chính linh hồn của loài ma quỷ đang dựa vào phần xác để thực hiện những thứ tội ác mà “trời không dung, đất không tha” kia thôi.

“Mà tại sao lại có hiện tượng ma báo oán?

“Nếu bạn đã xem bộ phim “Oan hồn” chiếu trên màn ảnh nhỏ, kể về một thanh niên bị giết oan ức, vì thế linh hồn anh ta không thể siêu thoát, phải trả xong mối thù tức phải báo oán, đồng thời làm thêm điều thiện, cuối cùng linh hồn của anh cũng đã được giải thoát lên cõi vĩnh hằng.

“Cuốn phim trên rất tương hợp với cuộc đời thường, do nội dung và hình ảnh đã diễn đạt đến hiện tượng : ma luôn ở cạnh mọi người, nhưng người lại không bao giờ thấy được ma hoặc chỉ có những nhà ngoại cảm, người sống trong thế giới tâm linh mới thấy ma luôn xuất hiện xung quanh chúng ta. Vì thế, nếu không có thù sẽ không có oán để hồn ma đến trả hận.

“Cho nên, nếu chúng ta không tham sân si thì không bao giờ phải gặp ma, dù chỉ do ảo giác, ảo ảnh từ tâm linh sinh ra những tưởng tượng đến mê tín”.

Hay một đoạn giới thiệu sách sau đây :

“Từ cổ thiên kim, trên cõi dương gian có biết bao nhiêu câu chuyện được thêu dệt mờ ảo về cõi âm. Cõi huyền bí, hư hư, ảo ảo ấy cho đến nay cũng là những câu chuyện từ cõi ngườn mà ra.

“Bởi vậy, hầu như những chuyện ma quái lưu truyền trong dân gian, hay viết thành sách nỗi tiếng như “Liêu trai chí di” (Trung Quốc), “Truyền kỳ mạn lục” (Việt Nam) và nhiều cuốn sách khác đều như thể là hiện thân phía âm bản của thế giới con người. Cuộc đấu tranh giữa cái ác và cái thiện, cái thấp hèn và cái cao thượng, những khát vọng công lý với lẽ sống công bằng, mơ ước về một cuộc sống hạnh phúc… đều là những chủ đề lớn trong những câu chuyện kinh dị ấy. Do đó, sau những lớp áo khói sương vô hình mang màu sắc tâm linh lại chính là những điều gần gủi, thiết cốt với con người.

“Những tập truyện mà của tác giả Người Khăn Trắng cũng không ngoài những chủ đề này. Từ những câu chuyện lưu truyền đâu đó trong dân gian, tác giả Người Khăn Trắng bằng hư cấu văn học đã xây dựng những câu chuyện ma không chỉ “đọc chơi cho vui” mà còn mang ý nghĩa nhân văn khá sâu sắc, cùng những bài học khá thấm thía về lẽ sống, về cách làm người…

“Trong một số tập tác giả đã thể hiện rõ tính đấu tranh giai cấp. Những kẻ gieo rắc cái ác, thường là bọn cường hào ác bá, sau khi thoả mãn nhục dục, đã giết hại các cô thiếu nữ trong trắng rủ bỏ trách nhiệm. Hồn ma các nàng hiên về trả thù. Đó cũng là khát vọng của nhân dân, trong khi chưa được pháp luật trừng phạt thì hãy dùng phép mầu của tâm linh trừng trị bọn chúng…”

QUẾ PHƯỢNG