BẠN BIẾT GÌ VỀ NGƯỜI HOA ? (2)

LỊCH SỬ NGƯỜI HOA

Ở SÀI GÒN

(BÀI 2 – HẾT)

Khác với đoàn thuyền của cựu tổng binh Zhèng Chénggong (hay Yang Andi  hay Dương Ngạn Địch) đi tới một nơi không có đồn lũy của nhà Nguyễn được ghi rõ lại trong sử (dù rằng người Việt đã tới sinh sống tại đây từ trước, do đó triều đình Huế mới chỉ định chỗ đến). Đoàn thuyền của cựu tổng binh Chen Shang Chuan (Trần Thượng Xuyên) đi qua cửa Cần Giờ, vào đến Bến Nghé, không thể nào không tiếp xúc với người Việt đang sinh sống ở đó, nơi có hai cơ sở hành chánh là hai trạm thu thuế đã được Chúa Sải lập từ năm 1623, một ở  Bến Nghé (Quận I, hồi đó có tên là Kas Krabei, sau là Bến Nghé), và một ở Phiên Trấn (Quận 5, hồi đó có tên là Prei Nokor, sau là Sài Gòn rồi Chợ Lớn). Người Việt sống tại đây được một đồn dinh bảo vệ, được lập cùng năm, tên là đồn binh Tân Mỹ, gần chợ Thái Bình ngày nay. (Có thể ví bậy như trại lính Mỹ tại Okinawa chăng ?). Khu vực giữa Kas Krobei và Prei Nokor là nơi các thương nhân Việt Nam sinh sống, khi họ đi làm ăn với các nước Xiêm, Chân Lạp…

Mười chín năm sau đó, tức vào năm 1698, ngay tại vùng Phiên Trấn này, đã thấy hình thành làng Minh Hương đầu tiên tại Việt Nam.

oOo

Đến đây, ta có thể đặt ra câu hỏi : “Tại sao làng Minh Hương đầu tiên không được thành lập tại Cù Lao Phố (Biên Hòa), một nơi cưc kỳ phồn hoa đô hội, hay vùng Mỹ Tho là nơi dân Minh Hương đang canh tác, và phát triển nông công ngư nghiệp ?”.

Câu trả lời có thể,  đây là đầu cầu liên lạc chính thức giữa những người Minh Hương và người Việt. Đó là nơi mà người Minh Hương đã gặp quan Chưởng Cơ Nguyễn Hữu Cảnh (1650-1700) vào Nam lập phủ Gia Định (1698), xác nhận quyền sở hữu chính trị của người Việt, để xin thành lập làng Minh Hương ngay trên vùng lãnh thổ mới khai sinh.

Những nhân vật đại diện người Minh Hương tại đây phải là những người cự phách, được sự tin cẩn của mọi bang hội người Minh Hương, không những từ trong hai nhóm của hai cựu tổng binh, mà còn từ nhóm ông Mạc Cửu (鄚玖,hay Mạc Kính Cửu (鄚敬玖): 1655 – 1735), đã đến Hà Tiên từ năm 1671 nữa.  Những người dân tại đây khá giả, phong lưu, như câu ca dao nói về phong hóa làng Minh Hương :

Gỏi chi ngon bằng gỏi tôm càng

Đố ai lịch sự cho bằng làng Minh Hương.

oOo

Theo thiển ý, khu vực chung quanh Làng Minh Hương (vùng Sài Gòn, tức Prei Nokor) đó đã là cột mốc, cái nền đầu tiên để tạo dựng ra Chợ Lớn sau này. Lý do chính trị, hành chánh đã được đưa ra. Nhưng lý do kinh tế coi mòi cũng quan trọng không kém.

oOo

Đó là đất Phiên Trấn (tạm gọi khu đất nằm trong vùng đất tên Prei Nokor, dân Việt gọi là Sài Gòn, rồi đổi tên thành Chợ Lớn) nằm gần ngay một con rạch rất thuận tiện (không rõ tên gọi lúc đó, nhưng vào thời vua Gia Long trị vì, đã có tên là rạch An Thông, sau đó được vét lại rồi mang tên Kinh Tàu Hũ, Pháp gọi là Arroyo Chinois). Diện tích vùng đất, vào lúc phát triển sau này, để trở thành khu phố chợ cho người Hoa vào khoảng hơn 1 cây số vuông.

Mới đầu, người ta đặt tên hành chánh vùng đất đó là Phiên Trấn, sau người Tầu gọi là, Tài Ngọn (Đề Ngạn), Thầy Ngọn, Xi Coón, Sài Côn, Tây Cống (nhưng người Việt luôn gọi là Sài Gòn), để phân biệt với khu người Việt sinh sống là Bến Nghé.

oOo

Có rất nhiều xác suất, chính nhóm của ông Trần Thượng Xuyên đã nhìn ra địa lợi đầu tiên của vùng đất mang tên Chợ Lớn sau này (sau khi tên Sài-Gòn được đem đặt  cho Bến Nghé), tương tự như lý do tại Biên Hòa, nhóm này đã chuyển từ Bàn Lân lên Cù Lao Phố, để lập nghiệp.

Lý do chính là Bàn Lân là nơi rừng rú, lúc đó còn nhiều hươu nai ở, người Việt sống tại đây săn bắn với làm nông, rẫy là chính (Lộc Dã chính là chữ Hán để dịch nghĩa cánh đồng có nhiều nai,  Đồng Nai tiếng Việt, người Tầu đọc ngọng thành Nông Nại). Ở chung với người Việt một thời gian, những người Tầu gốc Đông Nam Trung Quốc, thạo nghề công nghiệp, và nhất là mua bán, phát hiện ra một nơi mà người Việt gọi là phố cù lao, sau này họ gọi là Cù Lao Phố.

Đó là một bãi cát do sông Hương Phước (một đoạn sông Đồng Nai) bồi lên. Chiều dài khoảng 3 cây số, chiều ngang khoảng 2 cây số.

Tuy Cù Lao Phố khá xa biển, nhưng nhờ đường sông sâu, rộng, nước chẩy hiền hòa có thể đi ra biển qua nẻo Cần Giờ, hoặc bắt đường bộ sang Miên, hay lên miền Bắc khai thác lâm sản. Không mấy lâu sau, đại đa số người Hoa dời ra sống trên Cù Lao Phố, làm ăn buôn bán phát đạt. Khu này mau chóng biến thành một trung tâm kinh tế đầu não cho cả vùng Đông Nam Bộ, lên đến Miên.

Nhưng Cù Lao Phố không thể thành một trung tâm hành chánh, hay kinh tế cho cả Miền Nam. Vị trí của nơi này phải là nơi giao điểm của những giao thương quốc nội, và quốc tế. Bến Nghé đã là nơi của Chúa Nguyễn giành cho người Việt, nhưng Phiên Trấn lại nhờ con rạch nhỏ (có thể sau này có tên là An Thông, rồi đào lớn thành Kinh Tàu Hủ, có người  gọi là Kênh Cổ Hủ, và cho là vì hình dạng như cổ cái hũ, to rồi thắt lại), mà có thể là nơi giao lưu đi khắp nơi, tầu từ Trung Hoa, Mã Lai, Ấn Độ, Hòa Lan … ghé cảng Bến Nghé, xuống hàng hay nhận hàng tại đó. Rồi theo những đường sông rạch mà qua các tỉnh miền đông và miền tây.

Lý luận trên chỉ có lý khi lúc đó có một con rạch nối từ sông Sài Gòn (tức khu Bến Nghé) đến Prei Neikor, mà sau này được đào rộng ra thành con Kinh Tàu Hủ. Theo như tác giả Vương Hồng Sển, thì trong địa đồ của ông Trần Văn Học vẽ về tỉnh Gia Định (trước năm 1815) thì không thấy con rạch đó. Theo thiển ý, tác giả Lê Ngọc Trụ đã không sai khi cho rằng có một con lạch nhỏ, đúng như Trịnh Hoài Đức đã ghi lại trong bộ Gia Định Thông Chí. Nhưng có lẽ đến lúc ông Trần Văn Học vẽ địa đồ, nó đã gần như bị lấp, nên sau  đó vua Gia Long cho lệnh phải đào rộng ra thành con Kênh Tàu Hủ.

Đừng quên rằng hệ thống kinh rạch đã biến đổi rất nhiều với thời gian. Nhiều con rạch đã bị lấp như con rạch Chợ Lớn, ngày xưa từng là đường giao thông thịnh vượng.

Những thức ăn, mỹ phẩm, đồ cúng kiếng, vật liệu xây cất … từ bên Tầu có thể dễ dàng theo đường biển vào tới sông Sài Gòn, mượn cảng Bến Nghé xuống con lạch nào đó, chẳng hạn rạch Bến Nghé, rồi  được chuyển tới những kho chứa hàng để sau đó tản đi mọi nơi.

oOo

Tuy nhiên, để cho khu Phiên Trấn (Sài Gòn) trở thành một khu chợ khổng lồ của người Minh Hương và Hoa Kiều, còn cần phải thêm nhiều máu và nước mắt.

Vào năm 1747, tức 68 năm sau khi hai ông cựu tổng binh họ Dương và họ Trần cùng 3000 di thần, di dân nhà Minh, quyết để tóc dài, không chịu thắt bím, thà làm người dân thường đất Nam (An Nam Dzành), chứ không hàng nhà Thanh. Có một nhóm khách thương người Phúc Kiến, đã muốn “tạo riêng một góc triều đình Trung Quốc” tại Cù Lao Phố.  Họ thường đi đi về về qua khu phố sầm uất này buôn bán, bàn luận với nhau, bỗng nổi lòng tham, một phần thấy tài sản đâm mù lý trí, một phần coi thường triều đình Huế ở quá xa. Lý Văn Quang họp trên dưới cả trăm người gốc Hoa, đánh úp dinh Trấn Biên (tức Biên Hòa sau này), giết chết Cẩn Thành Hầu (Nguyễn Cư Cẩn), là viên quan người Việt cai quản dinh. Sau đó Lý Văn Quang tự xưng vua, lấy tên là Giản Phố Đại Vương. Vũ Vương Nguyễn Phúc Khoát nghe tin báo, ra lệnh cho Cai Cơ Tống Phước Đại (tước Đại Thắng Hầu) đem quân đi dẹp. Từ Mô Xoài, quân nhà Nguyễn kéo vào Trấn Biên, phá tan và bắt giam Lý Văn Quang, cùng đồng bọn 57 người.

Cù Lao Phố chịu nhiều thiệt hại, nhưng tai hại nhất là lộ ra tính bất an ninh của vị trí. Dân chúng tại đây, có thể tin vào phong thủy không tốt của vùng đất bồi, thu góp tài sản đi tìm một nơi an ninh, văn minh hơn để sống. Họ thấy, không đâu bằng khu Phiên Trấn gần Bến Nghé, nơi có đồn binh Chúa Nguyễn đóng kề. Hơn nữa, rất có thể, bây giờ đã có tiền, có của, họ chọn nếp sống thị thành, chuyên thương mãi, làm tiểu công nghiệp, dễ sống, đỡ mệt thân hơn.

oOo

Vào thời Cù Lao Phố bị loạn, chính sự của triều đình Huế cũng đã không còn tốt đẹp như trước. Vũ Vương tham lam, đánh thuế dân với một hệ thống nhiêu khê, phức tạp. Thuế thổ sản đánh trên hàng ngàn thứ, chi li bần tiện. Quan lại cấp dưới, nhân vào đó, mà tham nhũng, ức hiếp dân nhiều hơn. Thượng Bất Chính Hạ Tắc Loạn là câu người Tầu thường dùng để nói về việc “dột từ nóc dột xuống” của một cơ cấu chính trị, hành chánh, rất ứng vào giai đoạn này.

Cho đến khi Vũ Vương chết (1765), tức thì xẩy ra vụ Trương Phúc Loan chuyên quyền, giết cha của Nguyễn Ánh, triều chính rối ren, quân Trịnh từ Bắc đánh vào, lại đến chiến tranh giữa Tây Sơn  và  nhà  Nguyễn (bắt đầu vào năm 1771), làm đời sống người dân Miền Nam rối bù.

Lúc đầu, đa số người Hoa Kiều hầu như đứng ngoài mọi biến cố chiến tranh và chính trị của người Việt. Cho đến lúc có lực lượng người gốc Hoa như đạo quân của Lý Tài, Tập Đình tham gia lực lượng Tây Sơn.  Đặc biệt là đội  Hòa Nghĩa Quân (Harmony Army) do Lý Tài chiêu mộ, trong những người Hoa miền Nam Trung Bộ, được thành lập từ năm 1773, từ đó mới bắt đầu  lộ sự khác biệt giữa những người Việt “thuần”, với người gốc Hoa.

Trong khi đó, tướng Đông Sơn Đỗ Thanh Nhân, gốc Minh Hương (Hương Trà, Thừa Thiên), lại phò quân nhà Nguyễn.

Tập Đình bỏ cuộc rất mau, chỉ thất bại có một trận dưới tay quân Trịnh, đã tìm đường chạy về Tàu. Lý Tài cũng bị đánh bại liên tiếp, cho đến khi chịu làm phó tướng, nhường chức đại tướng chỉ huy cho Nguyễn Huệ, mới thắng được trận Phú Yên.

Tuy nhiên, Lý Tài đâm ra bất mãn, thù hận và nghe theo lời chiêu dụ, về đầu hàng tướng nhà Nguyễn là Tống Phước Hiệp. Vì cùng ham mê quyền hành tối cao, hai ông tướng gốc Hoa là Đỗ Thanh Nhân và Lý Tài tranh chấp, đem quân tàn sát nhau ngay sau khi Tống Phước Hiệp chết. Mới đầu Đỗ Thanh Nhân yếu thế hơn, phải về trấn giữ Bến Nghé, Lý Tài đóng ở núi Châu Thới. Nhưng sau đó, Lý Tài, đánh thua quân Nguyễn Huệ, chạy về ngang Ba Giồng, bị quân của Đỗ Thanh Nhân đón đường giết chết (1777). Tuy vậy, một số tàn quân Nghĩa Hòa của Lý Tài vẫn tiếp tục ủng hộ ngầm Nguyễn Ánh.

oOo

Năm 1778, sau khi bị Tây Sơn phá hủy Cù Lao Phố (Biên Hòa), người Hoa đành chạy về vùng Phiên Trấn (tức Prei Nokor hay Sài Gòn), tức khu đã có làng Minh Hương, để sống gần đồng hương.

Ngờ đâu, vụ Lý Tài phản Tây Sơn và các tướng Minh Hương như Trần Thượng Xuyên và Dương Ngạn Địch đều là tướng nhà Nguyễn, lại trở thành tai họa cho người Việt gốc Hoa, thật ra, vào lúc đầu, đa số muốn đứng ngoài cuộc chiến tranh.

Trong khoảng những năm 1776-1779, trong mấy lượt quân Tây Sơn vào đánh Miền Nam, Cù Lao Phố nhiều lần bị tàn phá trong các cuộc giao tranh. Một số tác giả sau này, dựa vào sách của Trịnh Hoài Đức, cùng lời kể từ ông cha họ, cho biết nhà cửa dân chúng, tiệm buôn, phố xá, kho chứa hàng bị thiêu đốt nhiều không thể kể. Các cơ sở thủ công bị gỡ phá, vật liệu quí báu cũng bị cướp. Dân chúng bị ức hiếp, thậm chí tàn sát.

Trịnh Hoài Đức mô tả : “Nơi đây biến thành gò hoang, sau khi trung hưng người ta tuy có trở về nhưng dân số không được một phần trăm lúc trước” (Gia Định thành thông chí).

Những người Minh Hương còn sống sót bồng bế nhau lánh nạn về Bến Nghé, và Phiên Trấn. Họ hợp với nhóm người Hoa Kiều tỵ nạn họa Tây Sơn từ Mỹ Tho, và những vùng khác, thành đợt di cư lớn, vào năm 1788, tới vùng mà sau này gọi là Chợ Lớn (trước là quận 5 quận 6). Họ lập chợ, biến vùng này thành trung tâm thương mại lớn nhất Miền Nam sau này, khi Cù Lao Phố tàn tạ, còn Mỹ Tho dần bị Việt hóa, dù nền sản xuất nông – ngư sản và kinh doanh hàng hóa địa phương ở thời điểm đó đã có những bước phát triển ngoạn mục, đặc biệt là ngành buôn bán, giao thông đường thủy.

oOo

Khi về đến Bến Nghé – Phiên Trấn, những người Hoa Kiều bao gồm Minh Hương còn phải chịu một trận “tai trời ách nước” chia chung số phận với người Việt khắp Đàng Trong.

Cuộc tranh chấp  bằng võ lực giữa ba anh em nhà Tây Sơn và Nguyễn Ánh càng kéo dài, số người Minh Hương ngả hẳn theo phe Nguyễn Ánh càng nhiều. Lý do, không những vì họ là con cháu của 3000 người đã được Chúa Hiền thu nạp, và bảo vệ. Mà vì quân Tây Sơn đánh xuống Miền Nam, không với mục đích thâu phục nhân tâm dân xứ này, nói chung, vì biết là không được. (Tháng 2 năm 1776, Nguyễn Lữ kéo vào đánh Gia Định, chỉ giữ được 3 tháng, phải kéo về lại Qui Nhơn với 200 con thuyền chở lúa cướp từ kho Gia Định). Họ chỉ muốn lùng giết mọi tàn tích của triều đình Nguyễn tộc, và đánh cướp kho tàng, lương thực, vật liệu…, để chở về Qui Nhơn mà thôi.

Nhưng oái oăm thay, cũng qua các cuộc tấn công của Tây Sơn, mà thương cảng Bến Nghé trở thành quan trọng, trù phú hẳn lên. Để phòng thủ, quan quân hội cả ở trấn Phiên An, thuyền buôn cũng dời về đậu ở sông Tân Bình (sông Sài Gòn).

Người Việt đánh nhau là một chuyện, việc mua bán với nước ngoài, và bên trong nước vẫn tiếp diễn. Người Hoa Kiều đương nhiên vẫn cần thiết để lo phần vụ không thể thiếu của họ, trong những hoạt động kinh doanh và kinh tế cho xã hội, càng lúc càng trở nên phức tạp.

oOo

Vào khoảng tháng Ba năm 1781, Nguyễn Nhạc  nghe tin Nguyễn Ánh giả bệnh sai mời Đỗ Thanh Nhân đến, rồi phục võ sỹ, đâm chết. (Vì quần thần đàm tấu cho rằng Đỗ Thanh Nhân quá hống hách, lạm quyền).

Nghe tin này Nguyễn Nhạc họp bàn tướng sỹ nói : “Thanh Nhơn chết rồi, các tướng khác không đáng sợ nữa”, rồi cùng Nguyễn Huệ dẫn đại binh đánh thẳng vào cửa Cần Giờ. Nguyễn Ánh đại bại trận thủy chiến trên sông Ngã Bảy, phải bỏ thành Gia Định (Sài Gòn sau này) chạy về Ba Giồng, rồi lánh sang rừng Romdoul, Chân Lạp (tháng 2 qua tháng 3, năm 1782).

Quân Tây Sơn truy đuổi quân Nguyễn Ánh đến 18 thôn Vườn Trầu, bị phục kích thua thảm bại. Một viên tướng lớn, được Nguyễn Nhạc thương yêu, là hộ giá Phạm Ngạn bị tử trận. Lính của Nguyễn Nhạc thoát về, khai nhận ra nhóm phục kích, gồm nhiều người gốc Hoa, trong đạo quân Hòa Nghĩa của Lý Tài, đã phản Tây Sơn và ẩn trốn Đỗ Thanh Nhân, nay nghe tin Đỗ Thanh Nhân bị giết, họ lại quay về ủng hộ Nguyễn Ánh. Vì đoàn quân này hiểu rõ cách hành quân của Tây Sơn, nên đã có thể phục kích hữu hiệu như vậy.

Nguyễn Nhạc, nổi giận đã ra một lệnh tàn ác, thất đức : “phàm người Tầu, không kể mới, cũ đều cho phép giết cả, trả thù cho hộ giá Ngạn”. Quân Tây Sơn được lệnh thi nhau chém. giết những người Hoa, dù thắt bím hay không, miễn mặc quần áo Tầu, nói tiếng Tầu là “phập”.  Theo như nhiều nguồn (trong đó có Trịnh Hoài Đức) kể lại, có khoảng 10,000 người Hoa bị giết từ Bến Nghé đến sông Sài Gòn. Tử thi quăng xuống rạch làm nước không chảy nổi. Nước bị ô nhiễm đến độ, cách 2-3 tháng sau, người dân không dám ăn cá tôm bắt từ sông Tân Bình lên. Sự “bài Hoa” của quân Tây Sơn ghê đến mức, các dụng phẩm như vải sô, lụa Hàng-Tô Châu, trà Tầu, thuốc Bắc, nhang đèn, hàng mã, giấy bổn, giấy viết, nhất thiết mọi thứ hàng Tầu … đều được người dân, vì sợ hãi, quăng xuống sông, liệng ra đường. Người đi đường thấy nhều món còn tốt cũng không dám lụm mót đem về.

oOo

Sau này, có sử gia cho rằng, có thể một trong những lý do mà Nguyễn Nhạc ra lệnh tàn sát đó, là để tàn phá bộ máy kinh tế của Miền Nam, đa số nằm trong tay người Minh Hương, luôn phục vụ cho Nguyễn Ánh.

Sự thật là, những vụ cướp bóc, giết người, ít nhiều mang tính “kỳ thị chủng tộc” của quân Tây Sơn đó, đã khiến một số nhỏ người Minh Hương bực tức và có những thái độ trả đũa. Ở một vài nơi, nghe nói đã có những vụ người Hoa tỵ nạn trong rừng gặp người Việt là đánh giết trả thù (nguồn tin này do các cha đạo người Tây Phương, thuở đó ghi chép lại, người viết đọc được ở đâu đó, nhưng nay đã mất bản gốc, chỉ xin đăng lại đây để dành kiểm chứng lại). Tuy nhiên chắc chắn đã không có vụ chem. giết vì lý do chủng tộc, giữa người Việt và người Hoa nào được ghi lại. Ngược lại sử kiện này cho thấy người dân Việt không chấp nhận “sự kỳ thị chủng tộc”, dù mang mặt nạ gì chăng nữa).

Trường hợp Võ Trường Toản cho thấy sự hội nhập hoàn toàn của người Minh Hương vào xã hội người Việt. Ông chọn nơi cư trú tại khu người Việt sinh sống là khu Hòa Hưng. Học trò ông gồm cả Việt lẫn người gốc Minh Hương. Học trò của ông khá đông và nhiều người nổi tiếng như Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tịnh, Lê Quang Định, Ngô Tùng Châu, Phạm Đăng Hưng, Lê Bá Phẩm, Phạm Ngọc Uẩn…  Ngay cả sau vụ quân Tây Sơn tàn sát người gốc Hoa, Võ Trường Toản đã không vì thế tham gia chính sự, mặc dầu Nguyễn Ánh rất mến mộ ông, mỗi khi ghé Gia Định thường triệu ông đến để đàm đạo, nhờ giảng sách. Nhiều người trong đám học trò ông trở thành đại công thần cho triều Nguyễn. Riêng ông, ông khéo từ chối mọi lời mời của Nguyễn Ánh, chỉ tiến chúa Nguyễn 10 điều về phương lực cứu quốc và kiến quốc.

Trong lúc Nguyễn Nhạc tàn ác với người Hoa vì một vài viên tướng phản mình, Nguyễn Ánh vẫn tin tưởng lưu dụng những viên tướng của cánh quân Đông Sơn, ngay cả sau khi đã giết Đỗ Thanh Nhơn, và nhiều tướng thuộc hạ cũ của Đỗ Thanh Nhơn trở thành kẻ thù của Nguyễn Ánh. Điển hình là Nguyễn Huỳnh Đức (tên thật là Huỳnh Tường Đức), đã từng là thuộc hạ của Đỗ Thanh Nhân. Ngay cả sau khi Nguyễn Huỳnh Đức đã bị Nguyễn Huệ bắt vào năm 1783, thu dùng mang ra Bắc đánh, rồi trốn về. Nguyễn Huỳnh Đức, sau làm đến chức Tổng Trấn Bắc Thành (1810), rồi Tổng Trấn Gia Định (1816), cùng với Trịnh Hoài Đức, cai quản cả Miền Nam.

oOo

Trở lại đề tài chính của bài viết là sự hình thành của Chợ Lớn. Từ sau biến cố 1782, không thấy sử ghi chép nhiều về khu Phiên Trấn. Ngoại trừ Trịnh Hoài Đức có kể lại rằng : “Qua năm sau, thứ trà xấu một cân giá bán lên đến 8 quan, 1 cây kim bán 1 quan tiền, còn các loại vật khác cũng đều cao giá, nhân dân cực kỳ khổ sở”. Điều này cho thấy, vào năm 1783, tại khu Bến Nghé và Phiên Trấn, người dân đã bắt đầu tìm cách sinh sống lại bình thường, dù đời sống cơ cực.

Cho đến thời kỳ mà Trịnh Hoài Đức gọi là trung hưng, tức vào năm 1788, sau khi người duy nhất còn lại trong “Gia Định Tam Hùng” là Võ Tánh (cả ba tướng Châu Văn Tiếp, Đỗ Thanh Nhân, và Võ Tánh đều gốc Minh Hương), đem 1 vạn quân, từ Gò Công, về hợp tác với Nguyễn Ánh, được chúa phong cho chức Tiên phong dinh Khâm sai chưởng cơ, và được chúa gả cho em gái là Ngọc Du, thì thế lực của Chúa Nguyễn mạnh hẳn lên. Nguyễn Ánh lấy lại được Gia Định. Cùng năm 1788, Nguyễn Ánh cho lập kho Bốn Trấn làm kho chung cho các trấn Phiên An, Biên Hòa, Vĩnh Thanh, và Định Tường để thu thuế và làm ngân quỹ cấp lương bổng cho quan lại. Ít nhất đã có Trịnh Hoài Đức, Ngô Tòng Châu là hai người gốc Minh Hương đã được Nguyễn Ánh sung vào vị trí quan trọng, cùng với 10 người nữa, để thành 12 ông quan điền toán, đi khắp 4 trấn lo việc đôn đốc việc sản xuất nông nghiệp.

Đương nhiên là khu Phiên Trấn (làng Minh Hương) lại có dịp phát triển trở lại, nhờ ba yếu tố chính là vị trí thuận lợi,  các kho hàng chứa gạo đã có sẵn, và các thương gia gốc Minh Hương đã nắm vững mối riềng kinh doanh, gom thu sản phẩm nông-ngư,  từ thời Dương Ngạn Địch còn sống.

oOo

Có rất nhiều xác suất, hay nói một cách khác, người ta có thể đặt giả thuyết là, có một con kinh hay con rạch lúc đó, đột nhiên trở nên một sinh mạch quan trọng, và cần chỉnh trang lại hai bên bờ đê của nó. Cùng với việc hai sỹ quan Pháp Theodore Lebrun, và de Puymanel thiết kế thành Gia Định theo kiểu Vauban, với tổng số nhân công là 30,000 người, với vật liệu xây cất là đá granite. Có thể vào khoảng thời gian này  người ta đã cho đắp đê cao lên hai bờ con kênh, và cẩn  đá hai bờ rạch một vài đoạn chính, vì ảnh hưởng bởi công trình xây thành Gia Định. Vì người Việt quen gọi vùng này là Sài Gòn, họ nhân đó đặt luôn tên theo âm Hán Việt là “Đề Ngạn” (堤岸), đọc theo giọng Quảng Đông là “Thầy Ngồn” (Tài Ngọn) để phiên âm hai chữ Sài Gòn, tức ngược với thuyết của Aubaret và Francis Garnier mà đã được hai ông Vương Hồng Sển và Thái Văn Kiểm đồng ý. Chúng ta đã biết cách người Hoa Kiều đặt tên, họ thường lấy những tên đã có tại cố hương bên Tầu mà đặt. Tên “Đề Ngạn” mới quá, thông tục quá, mà nghĩa thì không nói lên được gì, vì “đề” là “Bờ đê, đắp đê phòng nước tràn vào. Tục viết là ”, “ngạn” là “Bờ. Như Đê Ngạn 堤 岸 Bờ Đê”; quá chung chung, khác hẳn những tên thường thấy bên Trung Hoa, như “Tiểu Hà”, “Đại Hà”…, ví con kênh như sông lớn, sông bé.

Còn lý do tại sao lại có tên Sài Gòn thì giả thuyết đưa ra bởi Trương Vĩnh Ký được nhiều người cho là hợp lý nhất, vì theo ngôn ngữ học, Prei Nokor (hay Brai Nagara theo tiếng Phạn mà người Miên mượn), có nghĩa là “Thị trấn ở trong rừng”, “Prei” hay “Brai” là “rừng”, “Nokor” hay “Nagara” là “thị trấn”. Theo tiến trình của ngôn ngữ, Prei hay Brai biến thành Rai, thành “Sài”, Nokor bị bỏ “no” thành “kor”, và từ “kor” thành “gòn”. (có nghĩa là người Miên  bình dân đọc tắt Prei Nokor là Rai kor, người Việt nghe thành nghe Sài Gòn)

oOo

Riêng với con kênh Tàu Hũ, thì sau khi được đào xong vào năm 1819, nó mau chóng trở thành con đường huyết mạch giúp cho Chợ Lớn (lúc đó còn mang tên Sài Gòn) sau này giầu thêm nhiều. Con kênh này nối sông Sài Gòn với sông Tiền qua Kênh Ruột Ngựa, sông Rạch Cát hay sông Chợ Đệm, sông Vàm Cỏ, kênh Bà Bèo (kênh Tháp Mười sau này). Sông Tiền hay Tiền Giang  là một trong hai nhánh sông Cửu Long trước khi đổ ra Thái Bình Dương.

Trong “Ký ức lịch sử về Sài Gòn và các vùng phụ cận (năm 1885)”, Trương Vĩnh Ký viết : “Hai bên bờ rạch Chợ Lớn là hai dãy nhà phố lớn bằng gạch gọi là Tàu Khậu để cho người Hoa từ Trung Quốc hàng năm đi ghe biển tới thuê. Họ đem hàng hoá chứa trong các phố đó, hoặc để bán sỉ hoặc để bán lẻ khi lưu trú tại Sài Gòn”. Theo Huỳnh Tịnh Của thì Tàu Khậu là giọng người Triều Châu phát âm từ Thổ khố, tức là khu nhà lớn bằng gạch để chứa hàng hoá, sau đọc trại ra thành Tàu Hũ.

oOo

Đến đây, có lẽ chúng ta đã phân biệt được hai chữ gốc Minh Hương và gốc Hoa Kiều. Tuy đều từ Tầu qua, nhưng người Minh Hương qua vì tỵ nạn chính trị, đa số nhận nước Việt làm quê hương, mau chóng hội nhập và thành người Việt 100%.  Đợt di dân qua Việt Nam lớn nhất do hai tổng binh Dương Ngạn Địch và Trần Thượng Xuyên vào năm 1679. Theo như đã chứng minh, họ chính là những người đã đặt nền móng xây nên Chợ Lớn mà ngày đó mang tên Sài Gòn. Đó là lý do  giải thích việc Đình Minh Hương tại Chợ Lớn ngày nay lại thờ thống suất Nguyễn Hữu Cảnh, đô đốc tướng quân Trần Thượng Xuyên, và  hai ông quan thượng thư gốc Minh Hương Trịnh Hoài Đức và Ngô Nhân Tịnh.

Hoa Kiều là những người Trung Hoa qua Việt Nam sinh sống, họ có thể qua vì nhiều lý do như thương nghiệp, hàng hải, nghề nghiệp, gia đình… Nhưng họ không qua vì lý do “kháng Thanh, phục Minh”.  Họ lưu dân ở khắp nơi trên thế giới và thường là thương nhân, luôn hướng về đất tổ như Đài Loan (phe chống Cộng), Hồng Kông (do Anh quốc cai trị) Ma Cao (do Bồ Đào Nha cai trị) và Trung Hoa lục địa. Khi đó cả bôn nơi này còn là một quốc gia thống nhất, bị chia cắt sau thế chiến thứ I và thứ II.

Huỳnh Thị Mỹ Nhàn post (tài liệu trên Net)

Bình luận về bài viết này