Nhà văn HOÀI ĐIỆP TỬ

NHỚ VỀ NHÀ VĂN “TRÁI CẤM”

–  NGUYỄN VIỆT

Hôm naynhư mỗi ngày và có lẽ chỉ trừ ngày chủ nhật, muốn tìm nhà văn, nhà thơ, nhà báo Trương Đạm Thủy thật dễ, muốn gặp ư ? Cứ tới CLB Văn Nghệ nằm trên đường Trần Quốc Thảo sẽ gặp ngay một người nhỏ nhắn, mái tóc hớt cua “muối nhiều hơn tiêu” đang ngồi nhâm nhi với các thân hữu bên ly bia, nói chuyện tào lao rồi về ngủ.

Cuộc sống của nhà văn Trương Đạm Thủy như thế, tôi mới đi tìm anh để báo lại, nhiều người hỏi về cuộc đời sự nghiệp sáng tác thơ văn của anh, tôi đã viết một bài về anh trên trang blog mienyeuthuong và đăng lại trên guyenlequan.blogspot.com. Và ở đây anh cũng vui mừng báo cho tôi biết “Chị Mai, vợ Hoài Điệp Tử cũng mới gọi điện thoại về cho anh, giọng chị ấy rất cảm động khi biết anh còn khoẻ mạnh đang ở Sài Gòn”; cuối cùng anh thở dài và nói tiếp trong luyến nhớ, ngày xưa nhóm Sông Hậu có sáu người là Hoài Điệp Tử, Dương Trữ La, Ngô Tỵ, Phương Triều, Phan Yến Linh, giờ chỉ còn mình anh. Nhớ đến họ mà anh quên cuộc đời và tiểu sử nhiều người thật đáng tiếc, Dương Trữ La, Phương Triều mới mất còn dễ tìm đọc lại đôi hàng mọi người viết về họ, còn Hoài Điệp Tử bị chết oan ức nơi xứ người, muốn có một chút gì để viết lại những kỷ niệm về những người bạn cố tri của một thời Sài Gòn, của một thời nhóm Sông Hậu xưa, mà không có nhiều dữ liệu.

Và tôi cũng muốn viết về anh Hoài Điệp Tử, một người anh văn nghệ khi xưa của tôi qua sự giới thiệu của nhà văn Trương Đạm Thủy. Tuy tôi không nhiều kỷ niệm như anh Trương Đạm Thủy nhưng rất được anh Hoài Điệp Tử quý mến. Khi tôi đang cộng tác trên các báo ở Sài Gòn thời bấy giờ, lâu lâu anh em gặp nhau, như khi anh ra cuốn “Trái Cấm” vừa đăng feuilleton xong trên báo Tiếng Dân là có người mua ngay bản quyền để in, và anh tặng tôi một quyển làm kỷ niệm. Và cũng từ tác phẩm này tên tuổi của nhà văn Hoài Điệp Tử mới thật sự nổi bậc trên văn đàn, mọi người chú ý đến anh nhiều hơn trước.

Rồi sau ngày 30/41975, cũng như mọi người lo cơm áo gạo tiền cho gia đình bằng mọi cách, anh ra Nguyễn Huệ đứng bán thuốc tây mấy năm liền. Một hôm tôi đi ngang, anh nói nhỏ bên tai “em muốn cùng anh đi vượt biên không ?”. Thật sự  đời sống lúc đó phải sống bằng tem phiếu, cơm trộn bobo hàng ngày, nên ai mà không muốn tìm đến thiên đường. Nhưng lực bất tòng tâm, tôi đành lắc đầu.

Vậy mà anh đi trót lọt ngay lần đầu, trong lúc nhiều người ra đi dỡ khóc dỡ cười đôi khi tài sản tiêu tan mà vẫn còn ở lại.

Rồi chỉ vài năm sau, tôi chợt nghe tin nhà văn Hoài Điệp Tử qua đời, anh chết vì súng đạn, vì thủ phạm cho rằng anh thân Cộng (?!), tôi cũng chẳng hiểu sự thật như thế nào.

Bởi thế khi nhà văn Trương Đạm Thủy muốn nhớ về Hoài Điệp Tử, một người bạn năm xưa trong nhóm Sông Hậu, tôi cố công tìm tòi đôi chút về nhà văn Hoài Điệp Tử để có các tài liệu sau đây :

Tiểu Sử Hoài Điệp Tử

Nhà văn Hoài Điệp Tử tên thật Phạm Văn Tập, sinh năm 1942 tức năm Tân Tỵ, tại Bạc Liêu. Ông dùng nhiều bút hiệu khác nhau như Điệp Yên Hà, Lê Thăng, Kép Độc, Kiều Linh Khanh. Ông bắt đầu làm thơ từ năm 14 tuổi, chính thức viết văn vào năm 1958 với truyện dài đầu tiên “Mớ tóc gái Phù Sa” viết trên nhật báo Chuông Mai của ông Huỳnh Hoài Lạc.

Lần lượt nhà văn Hoài Điệp Tử cộng tác với các nhật báo tuần san như Chuông Mai của Huỳnh Hoài Lạc, Tiếng Chuông của Đinh Văn Khai, Dân Đen của Nguyễn Duy Hinh, Tiếng Dân, Tia Sáng của Nguyễn Trung Thành, Tiếng Nói Dân Tộc của Lý Quý Chung, Độc Lập của Hoàng Châu, Tin Sáng của Ngô Công Đức, Thách Đố của Đặng Văn Bé v.v…

– Năm 1966 sáng lập Nhà xuất bản Sông Hậu cùng với các thân hữu như Trương Đạm Thủy, Ngô Tỵ, Phan Yến Linh, Phương Triều, Tâm Đạm Dương Trữ La.

– Khi sang Mỹ từ năm 1981, nhà văn Hoài Điệp Tử làm chủ nhiệm kiêm chủ bút tuần báo Mai (Nam California) từ năm 1982 đến 1987.

Trước năm 1975, ông học Đại Học Văn Khoa Sài Gòn, sau làm việc tại nhật báo Tiền Tuyến cho đến ngày 30/4/75.

Sau năm 1975, nhà văn Hoài Điệp Tử buôn bán ở chợ Nguyễn Huệ. Vượt biên bằng đường biển đến đảo Pulau Bidong năm 1980 và định cư tại Hoa Kỳ vào tháng Sáu năm 1981. Tại hải ngoại, khởi đầu ông cộng tác cho tờ Saigon News của Du Miên. Năm 1982, ông làm chủ nhiệm kiêm chủ bút tuần báo Mai. Ông bị sát hại tại tòa soạn trên đường Westminster (Nam California) lúc 2 giờ 15 sáng chủ nhật ngày 9 tháng 8 năm 1987. Vụ án mạng đến nay vẫn chưa được làm sáng tỏ.

Các tác phẩm đã xuất bản tại Việt Nam :

– Vũng Lầy (1964) – Trái Cấm – Tuổi Tình Yêu, nhà xuất bản Sống Mới phát hành, 1965. – 16 Phiên Buồn (1966) – Lửa Đạn Về Thành – Tình Biển (1968) – Đỉnh Núi Sương Mù – Còn Xanh Kỷ Niệm (1969) – Bến Đục – Giọt Máu Cho Cánh Đồng Mùa Hạ (1970) – Tặng Phẩm Của Đêm – Bụi Thành Phố (1971) – Mặt Trời Mọc Cho Ai – Hành Lang Đen (1972) – Cao Ốc Số 8 (1973) – Sóng Hoang, nhà xuất bản Sông Hậu phát hành (1974)…. và một số thơ cùng truyện ngắn.

Tác phẩm đã xuất bản tại Mỹ :

– Truyện dài: Trên Đầu Sóng, nhà xuất bản Hải Ngoại phát hành, 1982.

Sẽ ấn hành truyện dài :

– Dấu Chân Chim Trên Khắp Mặt Địa Cầu – Còn Một Thời Để Nhớ…

Một số bài viết về cái chết

của nhà văn Hoài Điệp Tử

Tóm lược tin tờ Dân Chúng ra ngày 5 /8 /1995 viết “Ai giết Hoài Điệp Tử Chính Trị ? Tiền ? Hay Tình ?”

Ai giết nhà văn Hoài Điệp Tử ? Câu hỏi có trọng lượng của một trái bom cỡ lớn đang vang động trong cộng đồng Việt, trên báo chí Việt và Anh ngữ. Thêm một lần ! Đúng thế, phải nói đây là trái bom hai lần nổ. Ngay từ khi nhà thơ, nhà văn Hoài Điệp Tử bị hạ sát cách đây 8 năm (1987).

Tám năm trôi qua, chuyện tưởng như đã chìm vào quên lãng, nhưng từ tuần lễ cuối tháng 7 cho tới nay, báo chí người Việt ở Hoa Kỳ phản ảnh những biến chuyển mới, nhất loạt đề cập đến vụ án “ám sát” nhà văn Hoài Điệp Tử. Nói lên biến cố mới : Cơ quan an ninh Liên Bang Mỹ (FBI) đã mở lại hồ sơ, phỏng vấn những nhân chứng. Bà Trần Thị Mai tức quả phụ nhà văn Hoài Điệp Tử, ông Trương Thiện Hoàn chủ nhân nhà in Mekong Printing; ông Trần Công Đỉnh Chủ Nhiệm tuần báo Mới, đều được mời phỏng vấn.

Sáng 2/8, tờ báo Mỹ hàng đầu ở miền Nam California tờ Los Angeles Times, cũng làm tin “Hồ Sơ Vụ nhắc lại vụ nhà văn Hoài Điệp Tử nguyên cố chủ nhiệm tuần báo Mai, bị chết trong đêm tòa soạn bị đốt cháy. Đám cháy tương đối nhỏ nhưng nhà văn lại vĩnh viễn ra đi. Vào thời điểm ấy, một tổ chức mang tên Diệt Cộng Hưng Quốc Đảng tự nhận là thủ phạm. Họ gởi một văn thư xác nhận đến các báo Việt ngữ ở đây. Và nguồn tin bên lề cho rằng, thời đó tờ Mai của Hoài Điệp Tử vì đăng quảng cáo cho một vài hãng bên Canada buôn bán với Việt Nam nên mới xảy ra án mạng.

Từ sự kiện có những cuộc phỏng vấn đang diễn ra đưa tới câu hỏi : Tại sao có những cuộc phỏng vấn này ? Phải chăng vụ án mạng Hoài Điệp Tử được mở lại hồ sơ ? Chính tờ Los Angeles Times cũng nêu câu hỏi và cũng thử trả lời.

Từ mấy hôm nay có những người cho rằng bà Mai – vợ Hoài Điệp Tử là động lực đó. Phải chăng bà Mai đã cung cấp cho cơ quan FBI những dữ kiện mới đủ mạnh để làm cho cơ quan này mở lại cuộc điều tra. Đó chỉ là một giả thuyết, vì bà Mai đã phủ nhận giả thuyết này (lúc đó bà còn ở VN). Giả thuyết khác được nhiều người nói đến, là FBI có một số dữ kiện mới, nhưng từ đâu mà ra chỉ có cơ quan này biết được và dữ kiện mới này đã làm vụ án mạng được điều tra trở lại.

Tuy vậy tờ Los Angeles Times nghi ngờ nguyên nhân thúc đẩy việc mở lại hồ sơ về cái chết của nhà văn Hoài Điệp Tử, là từ “Ban Bảo Vệ Ký Giả” (Committee To Protect Journalists) có trụ sở ở New York kêu gọi FBI nổ lực điều tra về 10 ký giả di dân chết trên đất Mỹ, trong số có cố Chủ nhiệm tuần báo Mai.

Trong một tương lai gần người ta có thể biết án mạng có những yếu tố của nó, trước hết “như thế nào” trong đó bằng vũ khí nào.

Tám năm trước (1987) dư luận cho rằng nhà văn Hoài Điệp Tử – Chủ Nhiệm báo Mai – đã chết cháy do tòa soạn bị đốt, và vì nhà văn đang nằm ngủ trong tòa soạn chết vì ngộp khói. Hôm nay (1995) có nguồn dư luận cho hay, dường như Chủ nhiệm báo Mai không chết vì ngộp khói mà có thể đã chết trước khi nhà bị đốt.

Ông Trương Thiện Hoàn, bạn thân của nhà văn Hoài Điệp Tử cho báo Mỹ hay, vào thời điểm đó không khí chống Cộng ở Hoa Kỳ đang rất mạnh mẽ, đăng quảng cáo cho hãng buôn làm ăn với VN rất nguy hiểm (Ông Hoàn đi cùng chuyến thuyền với nhà văn Hoài Điệp Tử khi vượt biên, và sau này chính ông lo cho vợ con nhà văn Hoài Điệp Tử sang Mỹ sinh sống). Và ông Hoàn vẫn cho rằng chính trị là nguyên nhân chính của cái chết nhà văn Hoài Điệp Tử, vì sau khi chết cháy người ta còn tìm thấy trong tòa soạn tiền, nữ trang và vàng còn nguyên vẹn, trị giá 80 ngàn đô la, nên loại bỏ giả thuyết án mạng vì tiền.

Cũng trên số báo này mục “

SỔ TAY NGUYÊN SA” đã viết :

Nhà văn, nhà thơ Hoài Điệp Tử nằm trong nhà quàn ở đường Beach, mớ tóc được chải gọn gàng, khuôn mặt, vành môi được sửa soạn cẩn thận. Cặp mắt anh nhắm nghiền như người đang ngủ. Cặp mắt đó bỗng nhiên mở trừng, lòng trắng hiện ra thật nhiều, gần như chỉ còn nhìn thấy lòng trắng không có lòng đen. Một người nào đó vừa đi ngang linh cửu của anh. Sự hiện diện của một người trong dương thế, thủ phạm chăng, làm kinh động đến hồn người ở thế giới bên kia ? Một phản xạ của cơ thể có nguyên nhân là một mũi nhọn, một sự va chạm làm rung động, một cánh cửa vừa mở làm ùa vào một luồng ánh sáng? Trong mọi trường hợp, cặp mắt đầy ắp lòng trắng của nhà thơ đã mở lớn không khép lại mặc dù những người lo việc an táng của anh dã làm đủ mọi cách, dùng tay ấn cặp mắt xuống, xoa đầu, lễ lạy, cầu nguyện. Sau chót, người ta dùng băng keo để dán chặt lại hai bờ của đôi mắt mà những người thân của anh nhìn thấy sự uất nghẹn muốn bùng lên.

Đó là những hình ảnh chuyển về VN mà chị Hoài Điệp Tử và gia đình đã nhìn thấy cách đây 8 năm khi còn ở Việt Nam. Đôi mắt uất nghẹn bật mở tung được dán chặt lại giống như cánh cửa hy vọng bị đóng lại trong cuộc đời chị Hoài Điệp Tử, tên là Mai giống như tên tờ báo của anh Hoài. Bị đóng lại tưởng như vĩnh viễn cánh cửa xuất ngoại, cánh cửa đoàn tụ. Cánh cửa ngăn cách cõi âm và dương thế cho một nhà thơ là cánh cửa vĩnh viễn ngăn cách sự đoàn tụ của chị Mai và các cháu với anh, dù cho nhà thơ Hoài Điệp Tử đã xúc tiến thủ tục xin cho vợ con đoàn tụ gia đình kết quả đã gần kề. Ở bên này đại dương là cái chết của con người, bên kia là cái chết của những tâm hồn mẹ góa con côi mất đi cánh tay, bờ vai nương tựa.

Tám năm trôi qua, cái chết của nhà văn nhà thơ chìm vào im lặng có dáng vẻ như an bài trong dĩ vãng và lãng quên, bỗng nhiên, nói theo danh từ của báo chí, nổ lớn. Tin “Hồ Sơ Vụ Án Hoài Điệp Tử mở lại” được báo chí loan tải và loan truyền đi như một trái bom. Tin Vụ Án Hoài Điệp Tử Mở Lại với nhiều người ở quận Cam làm mờ đi những tin Hội Nghị các nước trong Hiệp Hội Đông Nam Á, tin bom nổ ở Paris và cả tin vụ án Simpson.

Người ta hỏi nhau cơ quan nào mở lại cuộc điều tra, phải có dữ kiện mới thì mới mở lại cuộc điều tra. Chứ sao, vụ án xử đã xếp hồ sơ phải có gì người ta mới mở lại chớ, có nhiều người bị phỏng vấn, ai, mấy người, có khai quật tử thi để giảo nghiệm không, hỏa thiêu à, sao không chôn mà hỏa thiêu, nghi vấn chỉ có làn khói mỏng mà chết sao, phải chăng nạn nhân đã bị giết hay bị đánh thuốc mê trước khi tòa báo, nơi anh chết bị đốt, động lực nào, tiền, tình, chính trị.

Giả thuyết chính trị người ta nói tới nhiều hồi đó, hôm nay, người ta nói nhiều hơn đến giả thuyết tình và tiền. Chính trị, tình và tiền đều không ngăn được những bước tiến của công lý trên xứ sở tự do và pháp trị này. (NGUYÊN SA 5/8/1995)

oOo

Nếu chúng ta chỉ biết nhà văn Hoài Điệp Tử qua những tác phẩm truyện ngắn, truyện dài đăng feuilleton trên báo rồi được in thành tiểu thuyết. Ít người biết ông còn là nhà thơ. Sau đây chúng tôi xin trích đăng ca khúc “Hồn khói thuốc” thơ Hoài Điệp Tử do Hoàng Thanh Tâm phổ nhạc :

HỒN KHÓI THUỐC

Định mệnh nào xui em ở lại

Phép lạ nào đưa tôi ra đi

Giữa hai đứa giữa niềm đau lớn dậy

Buồn nào nhiều hơn…em hay tôi?

Em còn đó một quê hương nắng cháy

Thành phố bụi mờ nhưng thành phố có em

Tôi ở đây chiều xuống hết lang thang

Vắng quán hàng đêm bên vệ đường ghế thấp…

Lá vẫn đổ những mùa thu hiu hắt

Và mặt trời một chút nắng ban trưa

Tâm hồn tôi hồn khói thuốc bơ vơ

Trên xa lạ nổi vật vờ đâu đó…

Thả dùm tôi vài hơi khói Việt Nam

Thăm dùm tôi từng góc phố khuôn viên

Lang thang dùm tôi qua những đường phố cũ

Ấm lòng chưa trong ngày lạnh cuối năm

Định mệnh nào xui em ở lại

Phép lạ nào đưa tôi ra đi

Giữa hai đứa giữa niềm đau lớn dậy

Buồn nào nhiều hơn, em hay tôi?

NGUYỄN VIỆT

Một bình luận

Bình luận về bài viết này