Nhạc sĩ DZŨNG CHINH

NỔI TIẾNG VỚI 2 NHẠC PHẨM BUỒN

Những đồi hoa sim & Tha la xóm đạo

– Lê Hoàng Nguyễn

Khi nói về Dzũng Chinh, một nhạc sĩ không sáng tác nhiều ca khúc lắm, nhưng lại rất nổi tiếng qua 2 nhạc phẩm “Những đồi hoa sim” phỏng tác theo thơ Hữu Loan (Màu Tím hoa sim) và “Tha la xóm đạo” phổ thơ của Vũ Anh Khanh.

Và tất nhiên nói về thân thế của nhạc sĩ Dzũng Chinh hầu như gần bằng con số không, bởi anh đã chết rất trẻ trong một trận chiến trước 1975.

Trước khi nói về sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Dzũng Chinh, chúng ta nên tìm hiểu qua chất liệu mà người nhạc sĩ đã lấy cảm hứng sáng tác ra 2 nhạc phẩm nói trên, và nổi tiếng trong giới yêu chuộng tân nhạc từ xưa đến nay.

Tâm sự tác giả  bài thơ “Màu tím hoa sim”

… Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo, hồi nhỏ không có cơ duyên được cắp sách đến trường như bọn trẻ cùng trang lứa, chỉ được cha dạy cho dăm chữ bữa có bữa không ở nhà. Cha tôi tuy là tá điền nhưng tư chất lại thông minh hơn người, nhờ ông mà năm 1938 – lúc đó tôi cũng đã 22 tuổi – tôi chơi ngông vác lều chõng ra Hà Nội thi tú tài, để chứng tỏ rằng con nhà nghèo tự học cũng có thể đỗ đạt như ai. Tuyệt nhiên tôi chẳng có ý định dấn thân vào chốn quan trường. Ai cũng biết thi tú tài Pháp thời đó (còn gọi lấy bằng Thành chung) rất khó khăn. Số người đỗ trong kỳ thi đó rất hiếm, hiếm đến nỗi 50, 60 năm sau những người cùng thời còn nhớ tên những cậu khóa ấy, trong số có Nguyễn Đình Thi, Hồ Trọng Gin, Trịnh Văn Xuân, Đỗ Thiện và tôi… (theo Lê Thọ Bình, báo Pháp Luật số Xuân Giáp Thân)

Với mảnh bằng tú tài Tây trong tay, tôi rời quê nhà lên Thanh Hóa dạy học. Nhãn mác con nhà nghèo học giỏi của tôi được bà Tham Kỳ chú ý, vời về nhà dạy kèm cho hai đứa con nhỏ. Tên thật của bà Tham Kỳ là Đái thị Ngọc Chất, bà là vợ của ông Lê Đỗ Kỳ, tổng thanh tra canh nông Đông Dương, sau này đắc cử dân biểu quốc hội khóa đầu tiên. Ở Thanh Hóa, bà Tham Kỳ có một cửa hàng bán vải và sách báo, tôi thường ghé lại xem và mua sách, nhờ vậy mới được bà để mắt đến (theo Lê Thọ Bình, báo đã dẫn).

Bà Tham Kỳ là một người hiền lành tốt bụng, đối xử với tôi rất đàng hoàng tử tế, coi tôi chẳng khác người nhà. Nhớ lại ngày đầu tiên khoác áo gia sư, bà gọi mãi, đứa con gái – lúc đó mới 8 tuổi – mới chịu lỏn lẻn bước ra khoanh tay miệng lí nhí: “Em chào thầy ạ!”. Chào xong, cô bé bất ngờ mở to đôi mắt nhìn thẳng vào tôi. Đôi mắt to, đen láy, tròn xoe như có ánh chớp ấy đã hằn sâu vào tâm trí tôi, theo tôi suốt cả cuộc đời. Thế là tôi dạy em đọc, viết. Tên em là Lê Đỗ Thị Ninh, cha làm thanh tra nông lâm ở Sài Gòn nên sinh ở trong ấy, quen gọi mẹ bằng má. Em thật thông minh, dạy đâu hiểu đó nhưng ít nói và mỗi lần mở miệng là cứ y như một “bà cụ non”. Đặc biệt em chăm sóc tôi hàng ngày một cách kín đáo : em đặt vào góc mâm cơm chỗ tôi ngồi ăn lúc thì vài quả ớt đỏ au, lúc thì quả chanh mọng ướt em vừa hái ở vườn; những buổi trưa hè, nhằm lúc tôi ngủ trưa, em lén lấy áo sơ mi trắng tôi treo ở góc nhà đem ra giếng giặt…

Có lần tôi kể chuyện “bà cụ non” ít nói cho hai người anh của em Ninh nghe, không ngờ chuyện đến tai em, thế là em dỗi ! Suốt một tuần liền, em nằm lì ở buồng trong, không chịu học hành… Một hôm bà Tham Kỳ dẫn tôi vào phòng nơi em đang nằm thiếp đi. Hôm ấy tôi đã nói gì, tôi không nhớ nữa, chỉ nhớ là tôi đã nói rất nhiều, đã kể chuyện cho em nghe; rồi tôi đọc thơ… Trưa hôm ấy, em ngồi dậy, ăn một bát to cháo gà và bước ra khỏi căn buồng. Chiều hôm sau, em nằng nặc đòi tôi đưa lên khu rừng thông. Cả nhà không ai đồng ý :

– “Mới ốm dậy, còn yếu lắm, không đi được đâu !”

Em không chịu, nhất định đòi đi cho bằng được. Sợ em lại dỗi nên tôi đánh bạo xin phép ông bà Tham Kỳ đưa em lên núi chơi…

Xe kéo chạy chừng một giờ mới tới được chân đồi. Em leo đồi nhanh như một con sóc con, tôi đuổi theo muốn đứt hơi! Lên tới đỉnh đồi, em ngồi xuống và bảo tôi ngồi xuống bên em. Chúng tôi ngồi thế một hồi lâu, chẳng nói gì. Bất chợt em nhìn tôi, rồi ngước mắt nhìn ra tận chân trời. Không biết lúc đó em nghĩ gì. Bất chợt em hỏi tôi :

– Thầy có thích ăn sim không ?

Tôi nhìn xuống sườn đồi : tím ngắt một màu sim. Em đứng lên, đi xuống sườn đồi, còn tôi vì mệt quá nên nằm thiếp đi trên thảm cỏ… Khi tỉnh dậy, em đã ngồi bên tôi với chiếc nón đầy ắp sim. Những quả sim đen nhánh, chín mọng.

– Thầy ăn đi !

Tôi cầm quả sim từ tay em đưa lên miệng và trầm trồ :

– Ngọt quá !

Như đã nói, tôi sinh ra trong một gia đình nông dân, quả sim đối với tôi chẳng lạ lẫm gì, nhưng thú thật chưa bao giờ tôi được ăn những quả sim ngọt đến thế !

Cứ thế, chúng tôi ăn hết quả này đến quả khác. Tôi nhìn em, em cười. Hai hàm răng em đỏ tím, đôi môi cũng đỏ tím, hai bên má thì… tím đỏ một màu sim. Tôi cười phá lên, em cũng cười theo !

Cuối mùa đông năm ấy, bất chấp những lời can ngăn, hứa hẹn can thiệp của ông bà Tham Kỳ, tôi lên đường đi theo kháng chiến. Hôm tiễn tôi, em theo mãi ra tận đầu làng và lặng lẽ đứng nhìn theo. Tôi đi…  lên tới bờ đê, nhìn xuống đầu làng, em vẫn đứng đó, nhỏ bé và mong manh. Em giơ bàn tay nhỏ xíu như chiếc lá sim ra vẫy tôi. Tôi vẫy trả và lầm lũi đi… Tôi quay đầu nhìn lại… Em vẫn đứng yên đó…Tôi lại đi và nhìn lại cho tới khi không còn nhìn thấy em nữa…

Những năm tháng ở chiến khu, thỉnh thoảng tôi có nhận được tin tức từ quê lên, cho biết em vẫn khỏe và đã khôn lớn. Sau này, nghe bạn bè kể lại, khi em mới 15 đã có nhiều chàng trai đến ngỏ lời cầu hôn nhưng em cứ trốn trong buồng, không chịu ra tiếp ai bao giờ…

Chín năm sau, tôi trở lại nhà… Về Nông Cống tìm em. Hôm gặp em ở đầu làng, tôi hỏi em, hỏi rất nhiều, nhưng em không nói gì, chỉ bẽn lẽn lắc hoặc gật đầu. Em giờ đây không còn là cô học trò Ninh bướng bỉnh nữa rồi. Em đã gần 17 tuổi, đã là một cô gái xinh đẹp…

Yêu nhau lắm nhưng tôi vẫn lo sợ vì hai gia đình không “môn đăng hộ đối” một chút nào. Mãi sau mới biết việc hợp hôn của chúng tôi thành công là do bố mẹ em ngấm ngầm “soạn kịch bản”.

Một tuần sau đó chúng tôi kết hôn. Tôi bàn việc may áo cưới thì em gạt đi, “không đòi may áo mới trong ngày hợp hôn”, bảo rằng là: “Yêu nhau, thương nhau cốt cái tâm và cái tình bền chặt là hơn cả”. Tôi cao ráo, học giỏi, làm thơ hay lại… đẹp giai nên em thường gọi đùa là ông chồng độc đáo.

Đám cưới được tổ chức ở ấp Thị Long, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa của gia đình em, nơi ông Lê Đỗ Kỳ có hàng trăm mẫu ruộng. Đám cưới rất đơn sơ, nhưng khỏi nói, hai chúng tôi hạnh phúc hơn bao giờ hết !

Hai tuần phép của tôi trôi đi thật nhanh, tôi phải tức tốc lên đường hành quân, theo sư đoàn 304, làm chủ bút tờ Chiến Sĩ. Hôm tiễn tôi lên đường, em vẫn đứng ở đầu làng, nơi chín năm trước em đã đứng. Chỉ có giờ đây em không còn là cô bé Ninh nữa mà đã là người bạn đời yêu quý của tôi. Tôi bước đi, tôi lại quay đầu nhìn lại… Nếu như chín năm về trước, nhìn lại chỉ cảm thấy một nỗi buồn man mác thì lần này, tôi thật sự đau buồn. Đôi chân tôi như muốn khuỵu xuống.

Ba tháng sau, tôi nhận được tin dữ : vợ tôi qua đời ! Em chết thật thảm thương : hôm đó là ngày 25 tháng 5 âm lịch năm 1948, em đưa quần áo ra giặt ngoài sông Chuồng (thuộc ấp Thị Long, Nông Cống), vì muốn chụp lấy tấm áo bị nước cuốn đi nên trượt chân té xuống sông chết đuối ! Con nước lớn đã cuốn em đi vào lòng nó, cướp đi của tôi người bạn lòng tri kỷ, để lại cho tôi nỗi đau không gì có thể bù đắp nổi! Nỗi đau ấy, gần 60 năm qua, vẫn nằm sâu thẳm trong trái tim tôi.

Nỗi đau ấy tôi phải giấu kín trong lòng, không được cho đồng đội biết để tránh ảnh hưởng đến tinh thần chiến đấu của họ. Tôi như một cái xác không hồn… Dường như càng kìm nén thì nỗi đau càng dữ dội hơn. May sao sau đó có đợt chỉnh huấn, cấp trên bảo ai có tâm tư gì cứ nói ra, nói cho hết. Chỉ chờ có thế, cơn đau trong tôi được dịp bung ra. Khi ấy chúng tôi đang đóng quân ở Nghệ An, tôi ngồi lặng đi ở đầu làng. Hai mắt tôi đẫm nước, tôi lấy bút ra ghi, chép. Chẳng cần phải suy nghĩ gì, những câu những chữ mộc mạc cứ trào ra :

Nhà nàng có ba người anh đi bộ đội

Những em nàng có em chưa biết nói

Khi tóc nàng đang xanh…

…Tôi về không gặp nàng…

Về viếng mộ nàng, tôi dùng chiếc bình hoa ngày cưới làm bình hương, viết lại bài thơ vào chiếc quạt giấy để lại nhà một người bạn ở Thanh Hóa. Anh bạn này đã chép lại và chuyền tay nhau suốt những năm chiến tranh. Đó là bài thơ “Màu Tím Hoa Sim”.

Đến đây, chắc bạn đọc đã biết tôi là Hữu Loan, Nguyễn Hữu Loan, sinh ngày 2/4/1916, ở làng Nguyên Hoàn – nơi tôi gọi là chỗ “quê đẻ của tôi đấy” thuộc Xã Mai Lĩnh, huyện Nga Sơn tỉnh Thanh Hóa.

Em Ninh rất ưa mặc áo màu tím hoa sim. Lạ thay nơi em bị nước cuốn trôi dưới chân núi Nưa cũng thường nở đầy những bông hoa sim tím. Cho nên tôi mới viết nổi :

Những câu chiều hành quân

qua những đồi hoa sim

những đồi hoa sim

những đồi hoa sim dài trong chiều không hết

màu tím hoa sim

tím chiều hoang biền biệt và chiều hoang tím có chiều hoang biết

chiều hoang tím tím thêm màu da diết.

Mất nàng, mất tất cả, tôi chán đời, chán kháng chiến, bỏ đồng đội; từ giã văn đàn về quê làm ruộng, một phần cũng vì tính tôi “hay cãi, thích chống đối, không thể làm những gì trái với suy nghĩ của tôi”. “…. Tôi chẳng cần, mặc kệ ! Tôi thương, tôi nhớ Hoa Sim của tôi quá rồi! …

Sau bao nhiêu năm trời ngậm cay nuốt đắng, tôi đã được dịp phơi bày tâm sự trong hai kỳ phỏng vấn của phóng viên đài BBC tiếng Việt phát thanh trong hai ngày 5 và 12/10/2002…. tôi nói về nguồn gốc của “Màu Tím Hoa Sim” và những hệ lụy của bài thơ đối với tôi và gia đình tôi :

….Tôi khóc người vợ tử tế với mình, người bạn đời hiếm có của mình. Lúc đó khóc như vậy… Y như trong thơ nói đấy : tôi lấy vợ rồi đi Bộ đội, mới lấy nhau được có hơn tháng, ở nhà Bà ấy đi giặt rồi chết đuối ở sông… Tôi thấy đau xót, tôi làm bài thơ ấy tôi khóc. Bài thơ ấy lúc bấy giờ được cho là ủy mị, vì làm thơ là phải không được khóc cho cái đau riêng của mình… Nhưng cái đau khổ riêng của con người tại sao lại không được khóc !?

Làm thơ phải có cái tâm mà phải là cái tâm linh thật thiêng liêng thì mới có thơ hay. Thơ hay thì sống mãi. Làm thơ mà không có tình, có tâm thì chả ra gì !

…Cuộc đời đẩy đưa, định mệnh dắt tôi đến với một người phụ nữ khác, sống cùng tôi đến ngày hôm nay. Bà tên Phạm Thị Nhu, cũng là một người phụ nữ có tâm hồn sâu sắc.

Lúc bấy giờ tôi đi tìm người ở một xã thuộc huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa, cách xa tôi ở độ mười lăm cây số, trước đó có một gia đình rất giầu, nắm trong tay gần năm trăm mẫu tư điền. Gia đình này lại giầu lòng nhân đạo, rất yêu nước thương người. Ông thấy bộ đội của tôi thiếu ăn nên ông thường cho tá điền gánh gạo tới chỗ đóng quân để ủng hộ. Bây giờ chỉ nghe nói gia đình ông bà đã tan nát bởi chiến tranh, chỉ còn có một cô con gái 17 tuổi đang sống lây lất ở đâu đó. Biết chuyện thảm thương giáng xuống gia đình ông bà giầu lòng nhân ái kia mà tôi hằng nhớ ơn, tôi trở về đó xem cô con gái của họ sinh sống ra sao, vì trước kia tôi cũng biết mặt cô ta. …

Lúc gần tới nơi, may sao tôi gặp cô ta áo quần rách mướp, mặt mày lem luốc, đang lom khom tìm lượm vài củ khoai mà dân bỏ sót nhét vào túi áo, rồi chùi vội một củ vào quần đưa lên miệng gặm. Quá xúc động, nước mắt muốn ứa ra, tôi lại gần hỏi thăm và được cô ta kể lại rành rọt hôm cha mẹ cô chết ra sao. Tôi nghe mà lấy làm thương tâm quá, trong lòng vô cùng xúc động. Suy nghĩ rất nhiều, tôi quyết định đem cô ta về quê, tôi đã lấy cô ta làm vợ. Rất may là sự quyết định của tôi đã không nhầm. Khi xưa, quê tôi nghèo, nhà tôi cũng nghèo nên không có tiền. Nhưng hai vợ chồng cố gắng chịu đựng đùm bọc nhau bữa đói bữa no… Cho đến ngày nay, bà ấy đã cho tôi 10 người con ngoan, 6 trai, 4 gái và cháu nội cháu ngoại hơn 30 đứa ! …

Giới thiệu về nhà thơ Vũ Anh Khanh

Ông tên thật là Võ Văn Khanh sinh năm 1926 tại Mũi Né, Bình Thuận.
Sách của ông không nhiều vì cuộc sống của nhà văn ngắn ngủi, hơn nữa trong lúc văn thi tài đang lên như diều gặp gió, thì năm 1950 ông đột ngột từ bỏ thành đô hoa lệ, sau một chuyến viếng thăm Tha La xóm đạo, một làng quê êm đềm thơ mộng như chính quê hương Mũi Né, với những rặng dừa xanh ẻo lã, chạy song song với đồi cát trùng trùng, ngày tháng nép mình ôm ấp biển xanh.
Đó chính là lý do làm cho ông đã từ bỏ tất cả để dấn thân vào cuộc kháng chiến chống Pháp đang bùng nổ dữ dội khắp nước, dù lúc đó rất nổi tiếng, đang có nhiều sách bán chạy như chuyện dài BẠC XÍU LÌN, được Tiếng Chuông xuất bản năm 1949, chỉ trong 2 tháng đã bán hết 10.000 cuốn, sau đó phải tái bản nhiều lần vẫn không cung ứng nhu cầu của người ái mộ.

Nói chung theo giáo sư Nguyễn văn Sâm viết trong “Văn Chương Nam Bộ và cuộc kháng Pháp 1945-1950”, thì hầu hết tác phẩm của Vũ Anh Khanh rất có giá trị và tiêu biểu trong dòng văn chương đấu tranh thời đó, dù là thơ như CHIẾN SĨ HÀNH (Tân VN, Sài Gòn 1949), Truyện dài NỬA BỒ XƯƠNG KHÔ gồm 2 tập (Tân VN, Sài Gòn 1949), CÂY NÁ TRẮC (Tân Việt, Sài Gòn 1947), truyện ngắn NGŨ TỬ TƯ (Tân VN, Sài Gòn 1949), ĐẦM Ô RÔ (Tiếng Chuông, Sài Gòn 1949), SÔNG MÁU (Tiếng Chuông, Sài Gòn 1949) và BÊN KIA SÔNG (Tân VN, Sài Gòn 1949).

Riêng bài thơ “Tha La Xóm Đạo” của ông, sau này được nhạc sĩ Dũng Chinh, tên thật là Nguyễn văn Chính, cũng là người Phan Thiết, phổ nhạc và rất được mọi người ưa thích, giống như bài “Hoa trắng thôi cài trên áo trắng” của thi sĩ Kiên Giang. Ngoài ra soạn giả cải lương nổi tiếng Viễn Châu cũng đã mượn ý của Vũ Anh Khanh để viết tình khúc tân cổ giao duyên “Tha La xóm đạo”.

Vài nét về bài thơ Tha La xóm đạo:

Xã An Hòa, thuộc huyện Trãng Bàng Tha La là một địa danh thuộc Trảng Bàng, Tây Ninh, cách Trảng Bàng khoảng 3 cây số, có 8 ấp, dân số 12,000, nhìn trên bản đồ thấy hình dạng bầu dục, nằm dọc theo rạch Trãng Bàng mà đầu nhọn là ấp An Thới vươn ra tận Vàm Trãng bên bờ sông Vàm Cỏ Đông. Đây là vùng đất phì nhiêu, trù phú do phù sa sông bồi nên có lẽ từ lâu lắm rồi.. Ngoài đồng ruộng, nương rẩy ra, khung cảnh còn thấy có những lò gạch nung đất sét, rồi trại mộc trại cưa, hay những nhà máy xay lúa. Ngành thủ công thịnh hành nhất là nghề đan lát các sản phẩm gia dụng bằng tre, trúc hay nứa. Ấp An Phú được xem là giàu có là nơi có chợ chính của xã, quán xá sung túc, nơi tọa lạc trụ sở xã và có trường trung học địa phương công lập. Trong xã có 3 ngôi chùa, và ngôi chùa cổ hay lâu đời nhất là chùa tại ấp An Phú.

Phần lớn dân trong những xã này nói chung theo đạo Phật hay đạo gia tiên thờ cúng ông bà. Nhưng nổi tiếng và gây ảnh hưởng nhiều nhất vẫn là xóm đạo Tha La. Xóm đạo nằm trong địa phận hai ấp An Hội 1 và An Hội 2. Hơn ba ngàn giáo dân ở đây là người cố cựu đã định cư lâu đời, chỉ có 4 gia đình người thuộc gốc Bắc di cư 54. Sau năm 1863, khi Pháp chiếm 3 tỉnh miền Nam Nam kỳ thì hoàn cảnh thuận tiện hơn. Việc truyền đạo Chúa được nhà cầm quyền Pháp khuyến khích và giúp đỡ. Giáo dân gom tụ lại Tha La đông hơn và họ đạo Tha La được chính thức thành lập, trực thuộc Toà Thánh La Mã.

Nhà thờ có nơi cố định, đầu tiên được xây cất, với vật liệu đơn sơ. Từ điểm nầy, các vị cha tiếp nối đi đến các địa phương khác để truyền đạo và lập thêm xứ đạo mới. Ngày nay ở Tây Ninh, đạo Công Giáo vẫn phát triển song hành với các tôn giáo khác. Đi đâu cũng thấy nhà thờ, ngay cả vùng thánh địa Cao Đài cũng có.

Bài thơ “Tha La xóm đạo” của Vũ Anh Khanh đã đi vào lòng người bao nhiêu năm qua phải nói là có sự đóng góp của hai nhạc sĩ Dũng Chinh và Sơn Thảo đã phổ bài thơ thành hai ca khúc: “Tha La xóm đạo”và “Hận Tha La” khiến cho bài thơ càng bay bổng vang xa hơn.

Thơ Vũ Anh Khanh : Tha La Xóm Đạo

Đây Tha La xóm đạo,

Có trái ngọt, cây lành.

Tôi về thăm một dạo,

Giữa mùa nắng vàng hanh,

Ngậm ngùi, Tha La bảo:

– Đây rừng xanh, rừng xanh,

Bụi đùn quanh ngõ vắng,

Khói đùn quanh nóc tranh,

Gió đùn quanh mây trắng,

Và lửa loạn xây thành.

Viễn khách ơi ! Hãy dừng chân cho hỏi

Nắng hạ vàng ngàn hoa gạo rưng rưng

oOo

Đây Tha La, một xóm đạo ven rừng.

Có trái ngọt, cây lành im bóng lá,

Con đường đỏ bụi phủ mờ gót lạ

Ngày êm êm lòng viễn khách bơ vơ !

Về chi đây ! Khách hỡi! Có ai chờ ?

Ai đưa đón ?

– Xin thưa, tôi lạc bước !

Không là duyên, không là bèo kiếp trước,

Không có ai chờ, đưa đón tôi đâu !

Rồi quạnh hiu, khách lặng lẽ cúi đầu,

Tìm hoa rụng lạc loài trên vệ cỏ.

Nghìn cánh hoa bay ngẩn ngơ trong gió

Gạo rưng rưng, nghìn hoa máu rưng rưng.

Nhìn hoa rơi, lòng khách bỗng bâng khuâng

Tha La hỏi : – Khách buồn nơi đây vắng ?

– Không, tôi buồn vì mây trời đây trắng !

– Và khách buồn vì tiếng gió đang hờn ?

Khách nhẹ cười, nghe gió nổi từng cơn.

Gió vun vút, gió rợn rùng, gió rít,

Bỗng đâu đây vẳng véo von tiếng địch :

– Thôi hết rồi ! Còn chi nữa Tha La !

Bao người đi thề chẳng trở lại nhà

Nay đã chết giữa chiến trường ly loạn !

Tiếng địch càng cao, não nùng ai oán

Buồn trưa trưa, lây lất buồn trưa trưa

Buồn xưa xưa, ngây ngất buồn xưa xưa

Lòng viễn khách bỗng dưng tê tái lạnh

Khách rùng mình, ngẩn ngơ người hiu quạnh

– Thôi hết rồi ! Còn chi nữa Tha La !

Đây mênh mông xóm đạo với rừng già

Nắng lổ đổ rụng trên đầu viễn khách.

Khách bước nhẹ theo con đường đỏ quạch.

Gặp cụ già đang ngắm gió bâng khuâng

Đang đón mây xa… Khách bỗng ngại ngần :

– Kính thưa cụ, vì sao Tha La vắng ?

Cụ ngạo nghễ cười rung rung râu trắng,

Nhẹ bảo chàng : “Em chẳng biết gì ư ?

Bao năm qua khói loạn phủ mịt mù !

Người nước Việt ra đi vì nước Việt

Tha La vắng vì Tha La đã biết,

Thương giống nòi, đau đất nước lầm than”.

oOo

Trời xa xanh, mây trắng nghẹn ngàn hàng

Ngày hiu quạnh. ờ…Ơ…Hơ… Tiếng hát,

Buồn như gió lượn, lạnh dài đôi khúc nhạc.

Tiếng hát rằng :

Tha La hận quốc thù,

Tha La buồn tiếng kiếm.

Não nùng chưa! Tha La nguyện hy sinh

ờ… Ơ… Hơ… Có một đám Chiên lành

Quỳ cạnh Chúa một chiều xưa lửa dậy

Quỳ cạnh chúa, đám Chiên lành run rẩy:

– Lạy đức Thánh Cha !

Lạy đức Thánh Mẹ !

Lạy đức Thánh Thần

Chúng con xin về cõi tục để làm dân…

oOo

Rồi… cởi trả áo tu,

Rồi… xếp kinh cầu nguyện

Rồi… nhẹ bước trở về trần…

Viễn khách ơi! Viễn khách ơi!

Người hãy ngừng chân,

Nghe Tha La kể, nhưng mà thôi khách nhé !

Đất đã chuyển rung lòng bao thế hệ

Trời Tha La vần vũ đám mây tang,

Vui gì đâu mà tâm sự?

Buồn làm chi cho bẽ bàng !

ờ… Ơ… Hơ…ờ… ơ Hơ… Tiếng hát;

Rung lành lạnh, ngân trầm đôi khúc nhạc,

Buồn tênh tênh, não lòng lắm khách ơi!

Tha La thương người viễn khách quá đi thôi !

oOo

Khách ngoảnh mặt nghẹn ngào trông nắng đổ

Nghe gió thổi như trùng dương sóng vỗ.

Lá rừng cao vàng rụng lá rừng bay…

Giờ khách đi. Tha La nhắn câu này :

– Khi hết giặc, khách hãy về thăm nhé !

Hãy về thăm xóm đạo

Có trái ngọt cây lành

Tha La dâng ngàn hoa gạo

Và suối mát rừng xanh

Xem đám Chiên hiền thương áo trắng

Nghe trời đổi gió nhớ quanh quanh…

Nhạc sĩ Dzũng Chinh

Nhạc sĩ Dzũng Chinh tác giả 2 nhạc phẩm bất hủ “Những đồi hoa sim” và “Tha la xóm đạo” được giới yêu âm nhạc yêu thích nhất.

Dzũng Chinh chỉ là bút danh còn tên thật là Nguyễn Bá Chính. Đi quân dịch vào năm 1965. Vài năm sau khi ra trường, có lẽ chán nản với cấp bực trung sĩ, anh xin học khóa sĩ quan nhưng rồi nghe tin Dzũng Chinh chết tại Qui Nhơn (Có tài liệu ghi, khi vào đời lính, anh được điều xuống miền Tây, và trong một chuyến công tác, xe anh bị trúng mìn trên QL 4, lúc đó Dzũng Chinh mang cấp bậc chuẩn úy, được đưa về nghĩa trang quân đội Gò Vấp với bia ký là “Cố Thiếu úy Nguyễn Bá Chinh”). Nên tài liệu về người nhạc sĩ vắn số này rất ít, anh chỉ để lại đời nhạc phẩm “Những đồi hoa sim” và “Tha La xóm đạo” cùng một số nhạc phẩm khác không được nổi cho lắm.

Lời ca : “…mấy lúc xông pha ngoài trận tuyến không hẹn được ngày về, và đường về… thênh thang… màu hoa tím loang dài trong bóng tối…” đã giống như định mệnh của người nhạc sĩ tài hoa không may mắn với đời. Trên những đồi cát chập chùng nắng gió Qui Nhơn, màu hoa sim của Hữu Loan miền Bắc đã thấm vào hồn của Dzũng Chinh miền Nam để sống mãi trong lòng mọi người. Khi người ta yêu, cũng giống như khi người ta chết, có một thời họ ủ đau thương trên dòng mực của mình.

Ngày Dzũng Chinh phổ biến bản nhạc này, lúc đó anh đang còn là sinh viên ĐH Luật khoa Saigon, khoảng 1961-62 qua tiếng hát của “con nhạn trắng Gò Công” Phương Dung. Ngoài bản nhạc “Những đồi hoa sim”, anh còn phổ một số bài khác như “Tha La xóm đạo” (thơ Vũ Anh Khanh), “Các anh đi” (tác giả Hoàng Trung Thông), v..v…

Nhạc phẩm “Những Đồi Hoa Sim” của Dzũng Chinh

Những đồi hoa sim ôi những đồi hoa sim tím chiều hoang biền biệt / Vào chuyện ngày xưa nàng yêu hoa sim tím khi còn tóc búi vai ! / Mấy lúc xông pha ngoài trận tuyến / Ai hẹn được ngày về rồi một chiều mây bay / Từ nơi chiến trường đông bắc đó / lần ghé về thăm xóm hoàng hôn tắt sau đồi

Những chiều hành quân ôi những chiều hành quân / tím chiều hoang biền biệt / Một chiều rừng mưa được tin em gái mất / chiếc thuyền như vỡ đôi!
Phút cuối không nghe được em nói / không nhìn được một lần dù một lần đơn sơ / Để không chết người trai khói lửa / mà chết người em nhỏ hậu phương tuổi xuân thì

Ôi ngày trở lại nhìn đồi sim nay vắng người em thơ / ôi đồi sim tím chạy xa tít tan dần theo bóng tối / Xưa xưa nói gì bên em . . . / Một người đi chưa về mà đành lỡ ước tơ duyên / Nói nói gì cho mây gió / Một rừng đầy hoa sim nên để chiều đi không hết

Tím cả chiều hoang nay tím cả chiều hoang / đến ngồi bên mộ nàng / Từ dạo hợp hôn nàng không may áo cưới / thoáng buồn trên nét mi / Khói buốt bên hương tàn nghi ngút /Trên mộ đầy cỏ vàng / Mà đường về thênh thang / Đồi sim vẫn còn trong lối cũ / Giờ thiếu người xưa ấy đồi hoang mới tiêu điều !

Tha La Xóm Đạo – Sáng tác ca khúc của Dzũng Chinh

Đây suối rừng xanh đồn quanh  / Đây mây trắng nghìn hoa với cây lành  / Còn gì viễn khách về đây chi hỡi người / Đất Việt giặc tràn lan  / Biết Tha La hận căm  / Nhẹ bước gặp cụ già, / ngạo nghễ đang ngóng gió / Em chẳng biết gì ư / Cười run run dấu trắng

Đã từ bao năm qua khói loạn khu mịt mù  / Khách về chi đây, / nghe tiếng hát khách hận do đây buồn / Tiếng hờn ai oán, / cởi ra áo một chiều thu lửa dậy / Nghe não nùng chưa, / Tha La buồn tiên kiếp, / Tha La giận mùa thu / Ôi khi hết giặc xong / Hãy về thăm Tha La / có trái ngọt cây lành / Cây lá ngẩn ngơ / nằm trên nghìn hoa máu / làm hoen cả ven rừng / Lòng người viễn khách
bỗng dưng tê tái lạnh / với rừng già mong manh

Đám mây tan phủ quanh, / trời tối về bàng hoàng / Lạnh dài đôi khúc hát / Vang giữa chiến trường xa, / giặc đang gieo tan tóc / Từng đoàn trai ra đi / đã thề chẳng về nhà

12 bình luận

  1. Trong bài viết này có nhắc đến bài “Các anh đi” (tác giả Hoàng Trung Thông) là của Dzung Chinh, nhưng thực tế tôi không tìm thấy bài hát này, mà chỉ thấy “Các anh đi” của Văn Phụng – Hoàng Trung Thông.
    Vậy tác giả bài viết cho tôi hỏi, có sự nhầm lẩn hay sai sót gì không? Thực sự phần nhạc của bài “Các anh đi” là của nhạc sĩ nào?

  2. Saigon cuối thu 2011- Phan Đồi Thông
    Tôi nhớ khi được tin nhạc sĩ Dzũng Chinh mất,tôi có bài thơ đăng báo “Thơ cho người” -Gửi hương hồn Dzũng Chinh ngườ tôi không hề quen .:
    1- Về cao nguyên thắp sáng hồn/Giọt mưa rớt nhẹ mấy cồn cát hoang
    Tuổi thơ lớn dậy muộn màng/Ngó trời,ngó đất,ngó đèn nhang câm
    2-Mấy đồi sim tím xa xưa /Người theo cát bụi cho vừa nước non
    Tháng ngày bên vó ngựa mòn/Tôi rơi nước mắt khóc hồn người ơi!…

  3. Vào thập niên 60 lúc ở trọ tại con hẽm Nguyễn thiệt Thuật Sài Gòn tôi có quen biết một số Anh chi người Mũi Né : chị Tuyết ,chị Tứ,Đồng,Dể v.v tôi đã được nghe một bài hát cũng của Dzũng Chinh tựa đề ” hai màu hoa” bài hát rất dể thương ,tôi chỉ còn nhớ loáng thoáng như sau:
    vì tình yeu chưa tha thiết với người,dòng đời ly tan sao chưa hết khôn nguôi
    Trách chi kiếp người vì cuộc sống trăm đường ,xa mặt cách lòng là chuyện đời hư không”
    Bài hát này tôi đã cố gắng tìm mãi mà ko được,không biết các Anh chị Mũi Né có ai còn nhớ bài hát này ko?

  4. Vậy anh có thể cho biết là DZũng Chinh có ở Phan Thiết lúc còn trẻ không ? Còn ca sỹ Thanh Thúy cũng có sống ở Phan Thiết khi còn trẻ có đúng khổng ?

  5. […] VỀ NHẠC SỸ DZŨNG CHINH (Cập nhật 17.08.2014, nguồn: https://cafevannghe.wordpress.com, […]

  6. […] thêm : Nhạc sĩ DZŨNG CHINH nổi tiếng với 2 nhạc phẩm buồn : “Những đồi hoa sim & Tha la xóm đạo” […]

  7. […] thêm : Nhạc sĩ DZŨNG CHINH nổi tiếng với 2 nhạc phẩm buồn : “Những đồi hoa sim & Tha la xóm đạo” […]

  8. toi la chau cua nhac si Dzung Chinh , bai viet nay khong chinh xac o cho nhac si tu tran o nui Cha Bang o Phan Rang va chon cat o Nha Trang

  9. Cố nhạc sĩ Dzũng Chinh hy sinh trong lúc thực thi nhiệm vụ với cương vị thiếu uý trung đội trưởng, chốt chặn Việt Cộng tại núi Chà Bang thuộc tỉnh Bình Thuận ( cũng là tỉnh nhà của ông).

    Ông là nhạc sĩ có cá tính “ba gai “, vì quá ba gai nên bị kỷ luật ” đì ” đi tác chiến cho bỏ cái thói ” nhảy dù không phép”.nếu không có cái ngày định mệnh đó : ” hứng nguyên băng ak- 47 của Việt Cộng vì nhìn gà hoá cuốc,tưởng phe nó là phe mình, đọc ám hiệu trước VC “.

    Trước khi hy sinh 1 tuần đã có ” điềm báo ” như sau :
    Ông lên gặp đại uý ban quân lương nói : – Đại uý cho tui tạm ứng lương tháng sau nha đ/uý !
    – giỡn chơi mầy ! Mầy xài tiền kiểu gì như voi ăn mía dzậy thằng quỉ ?
    – Đ/uý thông cảm,cho em lĩnh trước, đ/uý đừng sợ em xù, có gì tiền Tử của em cũng đủ bù cho đ/uý mà ….
    ( tuy nói vậy nhưng đ/uý quân lương cũng linh động giải quyết cho Dzũng Chinh tạm ứng chút chút…)

    Dzọt về Phan Thiết, Dzũng Chinh nhậu li bì chén anh chén chú với bạn bè …có xảy ra xô xát với du đãng địa phương, Dzũng Chinh nào ngán thằng du đãng nào khi đường đường mình là thiếu uý có ” chó lửa ” trong người …Đoàng…đoàng… đoàng !

    Réc…réc…réc…Chúng tôi là quân cảnh sư đoàn 23, yêu cầu ông thiếu uý về đồn làm việc…( Dzũng Chinh về đồn hẹn 10 ngày sau trình diện vì có sự vụ lệnh đặc biệt ), vừa ra khỏi đồn anh văng luôn :
    – Đm ! Lần này tao đi luôn chứ trình diện cái …con …cờ…ắc…

    Vậy là anh ” đi luôn ” thiệt, lúc đó anh là thiếu uý trung đội trưởng, thuộc trung đoàn 44 sư 23/bb.

    ( Tôi viết những dòng chữ này để cung cấp thông tin cho bạn đọc về nhạc sĩ Dzũng Chinh, tác giả nhạc phẩm ” Những Đồi Hoa Sim ” lại chết ngay trên đồi Hoa Sim quê hương mình : chân núi Chà Bang tỉnh Bình Thuận. )

    Vô cùng thương tiếc anh người nhạc sĩ tài hoa có nhuốm chút máu anh hùng Lương Sơn Bạc…nên ra cớ sự… Vĩnh biệt anh…

    Người hâm mộ anh.

    • Làm ơn cho tôi hỏi tư liệu này ông lấy từ lâu hay ông cũng là người bạn chiến đấu của cố nhạc sĩ Dũng Chinh. Dù sao tôi cũng cám ơn về thông tin này.

  10. […] thêm : Nhạc sĩ DZŨNG CHINH nổi tiếng với 2 nhạc phẩm buồn : “Những đồi hoa sim & Tha la xóm đạo” […]

Bình luận về bài viết này