QK TÙNG LÂM – NS TRÚC PHƯƠNG

MỘT THỜI… “QUÁI KIỆT”

– Đặng Tiền Giang

Với 77 tuổi đời, sức khỏe không còn cho phép nên “quái kiệt” Tùng Lâm rất ít xuất hiện trên sân khấu. Ông dành thời gian để vui chơi cùng con cháu, tập thể dục thể thao, gặp gỡ bạn bè, đồng thời sáng tác các tiểu phẩm, kịch bản cải lương hài. May mắn gặp ông tại nhà của “hề nhựa” Thanh Hoài – người bạn tri âm của ông hiện tại – tôi được nghe lại con đường nghệ thuật đầy khúc quanh co của ông với nhiều tình tiết bất ngờ, thú vị.

Thú vị từ một nghệ danh

Trong làng hài của Sài Gòn trước năm 1975, có một người không cần diễn, chỉ cần bước ra sân khấu là khán giả đã cười rần rần, đó là Tùng Lâm.

Năm 1958, lần đầu tiên tham gia đại nhạc hội “Minh tinh quái kiệt”, Tùng Lâm chính thức được quảng cáo là Tiểu quái kiệt Tùng Lâm. Từ đó về sau, ở các lĩnh vực từ hài, kịch, cải lương rồi phim ảnh, hễ có mặt Tùng Lâm là có… cười nghiêng ngả. Chính vì thế, công chúng yêu sân khấu tặng cho Tùng Lâm biệt danh “quái kiệt” và nó đã gắn với tên tuổi của ông đến bây giờ.

Nói về nghệ danh Tùng Lâm, ông bật mí : “ Tôi sinh năm 1934 tại Biên Hòa (Đồng Nai) tên thật là Lâm Ngươn Phẩm, cái tên này đọc không được suông cho lắm nên khi bước chân vào con đường nghệ thuật, tôi tự lấy tên là Văn Tâm. Nhưng tại tôi có chiều cao “khiêm tốn” quá nên bạn bè gọi đùa tôi là Tâm Lùn. Tôi thấy tên Tâm Lùn hơi … kỳ kỳ nên tôi đọc lái lại là… Tùng Lâm rồi trở thành nghệ danh luôn”.

Ít ai biết một danh hài thuộc loại “quái kiệt” như Tùng Lâm lại xuất thân là một… ca sĩ có đẳng cấp. Tham gia ca hát từ rất sớm, do có người chị thứ bảy rất giỏi đàn mandoline nên cứ mỗi lần chị đàn thì Tùng Lâm hát.

Năm 12 tuổi qua Đài phát thanh Pháp – Á tổ chức cuộc thi tuyển lựa ca sĩ, Tùng Lâm dự thi và đoạt giải nhất với bài An Phú Đông của nhạc sĩ Lê Bình. Người đoạt giải nhì là Thanh Giang (học trò của quái kiệt Trần Văn Trạch), giải ba thuộc về ca sĩ Bạch Yến (con dâu GS.TS Trần Văn Khê). Đến năm 1952, sau một thời gian đi hát đám cưới, Tùng Lâm lại đoạt giải nhất cuộc thi tuyển lựa ca sĩ của Đài phát thanh Sài Gòn với bài Tiếng dân chài của Phạm Đình Chương .

Ông đến với kịch cũng rất tình cờ. Lần ấy, ban kịch Dân Nam khai trương vở “Tàn cơn ác mộng”, kịch sĩ Vân Hùng đột ngột đòi trả vai (người cùi). Trước tình thế cấp bách, Tùng Lâm xung phong nhận vì bản thân kém sắc vóc, nhân vật này chỉ cần hóa trang, không để lộ gương mặt thật. Vai diễn thành công nên ông được giao tiếp vai cậu chủ trong vở “Mua chút tình thương”, Vân Hùng vào vai người ở.

Nhưng Vân Hùng lúc đó đang cạo đầu trọc không nhận vai nên vai người ở được giao lại cho Tùng Lâm. Do không chuẩn bị trước, anh mượn cái quần lửng của một nghệ sĩ múa trong đoàn mặc. Mới bước ra sân khấu, khán giả cười rần rần. Sau thành công với vai hài khác trong “Cây đàn bỏ quên”, Tùng Lâm chính thức chuyển sang hài .

Một thời gian sau, ông được mời làm nghệ sĩ chuyển âm (bây giờ gọi là lồng tiếng) các phim Nhật, Ấn Độ của các hãng Mỹ Phương, Mỹ Vân, Lido … Nhờ đó, ông được mời đóng liên tục các vai hài trong phim Năm hiệp sĩ bất đắc dĩ, Năm vua hề về làng, Tứ quái Sài gòn, Như hạt mưa sa, Con ma nhà họ Hứa…“ Xập xám chướng ” và sê ri “Hai Nhái”

Năm 1960, Tùng Lâm mở Ban tạp lục, và Đại nhạc hội, biểu diễn nhiều thứ, từ ca múa, nhạc, kịch, cải lương, ảo thuật… Ngoài việc làm bầu sô, ông kiêm luôn vai trò MC. Năm 1962, ông dẫn đoàn đi diễn ở miền Trung. Thường sau mỗi đêm diễn, các nghệ sĩ và cả bầu sô hay tụ tập lại chơi bài xập xám. Không biết gặp vận hạn đen đủi gì suốt hai tháng trời, ông không biết thắng là gì, đêm nào cũng thua cháy túi. Nợ nần chồng chất, ông phải mượn tiền của bà bầu Kim Chung 200.000 đồng để trả nợ và trả tiền nghệ sĩ.

Thanh toán hết nợ nần, chỉ còn lại 1000 đồng, ông buồn quá mua một chai bia và ôm cây đàn ngồi hát nghêu ngao : “ Xập xám chướng … xập xám chướng … Bà con hãy nhớ tránh xa thứ này …” Và ông đã thề rằng từ nay sẽ không đụng đến cờ bạc nữa. Bài Xập xám chướng ra đời như để khuyên răn những người mê đánh bài hãy tránh xa “thú vui” nguy hiểm này,  như chính bản thân ông đã trải nghiệm. Không ngờ sau đó, bài hát được hãng đĩa Sóng Nhạc thu và phát hành bán chạy như tôm tươi, đi đâu cũng nghe “Xập xám chướng … xập xám chướng. Mười ba cái chướng xấu nhất trên đời…” của Tùng Lâm hát.

Năm 1983, Tùng Lâm về làm Phó đoàn Văn công Hậu Giang (sau này là Tiếng ca Sông Hậu), đến năm 1992 thì về hưu. Khoảng thời gian này, danh hài Văn Chung đang rất nổi tiếng qua một loạt tiểu phẩm mang tên “Tư Ếch” nên Tùng Lâm cũng muốn tạo ấn tượng với khán giả nên đã sáng tác và thực hiện các bộ phim video hài : Hai Nhái khoái thịt ngựa , Hai Nhái khoái vợ bé , Hai Nhái khoái rượu đế , Hai Nhái khoái số đề, Hai Nhái kén rể, Hai Nhái bắt cướp… được khán giả yêu mến không thua gì  “Tư Ếch”.

Người còn lại của “Tứ quái sài gòn”

Năm 1974, Hãng phim Lido thực hiện bộ phim hài Tứ quái Sài Gòn với các nghệ sĩ Khả Năng, Thanh Việt, La Thoại Tân, Tùng Lâm đã tạo nên một làn sóng hâm mộ nơi khán giả. Bộ phim còn được phụ đề bằng nhiều thứ tiếng, phát hành khắp các nước châu Á. Có một kỷ niệm trong quá trình đóng bộ phim này mà Tùng Lâm không bao giờ quên. “Số là tôi vào vai một tay bơi lội rất giỏi, bản thân tôi ngoài đời cũng là một tay bơi có hạng nhưng vì lần ấy, tôi vừa bị gãy tay mới lành, cảnh quay đòi hỏi phải quay đi quay lại nhiều lần nên tôi bị đuối. Lần cuối cùng, tôi bơi một lúc rồi… chìm luôn. Anh bạn Khả Năng diễn chung cứ tưởng tôi muốn làm cho khán giả đang đứng xem cười chơi nên không quan tâm. Đợi mãi không thấy tôi trồi lên anh mới hốt hoảng gọi mọi người xuống tìm. Khi tôi tỉnh dậy thì thấy mình đang nằm trong… bệnh viện. Hú hồn, tôi thoát chết trong gang tấc…” – Tùng Lâm kể.

Nếu như trước đây, Tùng Lâm từng đối mặt với cái chết qua những tình huống khi đóng phim thì từ năm 2005 đến nay, ông đã 4 lần bị đột quỵ vì chứng bệnh cao huyết áp. Một lần khi ông đang lưu diễn ở Điện Bàn (Quảng Nam) phải đưa lên vùng biên giới Lao Bảo (Quảng Trị) chạy chữa. Lần thứ hai ông ngã xuống khi đang diễn ở Buôn Ma Thuột tưởng không qua khỏi. Lần đột quỵ thứ ba khi ông đang diễn ở Khu du lịch Tân Cảng vào dịp Noel.

Lần mới nhất là khi ông cùng đoàn nghệ sĩ Việt Nam sang Mỹ lưu diễn, nhiều kiều bào đã khóc khi chứng kiến cảnh ông nằm viện suốt một tuần không nói một lời. “ Nhưng có lẽ tôi cao số nên nhiều lần thoát chết . Nhóm nhóm Tứ quái Sài Gòn với tôi, Khả Năng, Thanh Việt, La Thoại Tân đã “đi” hết rồi, giờ chỉ mình tôi còn sống …”. Nói đến đây, mắt ông đỏ hoe.

Chuyên chọc cho khán giả cười, nhưng có lần Tùng Lâm đã khóc ròng trong cánh gà sân khấu. Đó là lần ông lỡ ký hợp đồng theo một đoàn tạp kỹ xuống Cần Thơ biểu diễn, trong lúc mẹ ông lâm bệnh nặng. Đang diễn thì ông nhận được điện thoại của gia đình báo tin mẹ ông mất. Ông phải nuốt nước mắt chọc cười khán giả, hoàn tất xong lớp diễn ông chạy vội vào hậu trường ôm danh hài Phú Quý khóc ngon lành. Bầu sô đoàn tạp kỹ đã cho xe đưa Tùng Lâm về Sài Gòn ngay trong đêm để kịp lo hậu sự cho mẹ.

Tùng Lâm cho biết: “Thật ra, chọc cho khán giả cười được nhiều khi còn khó hơn làm cho họ khóc. Người nghệ sĩ hài phải biết chắt chiu ngôn từ để không sa vào cái hài vụn vặt, rẻ tiền”.

Trong sự nghiệp làm “quái kiệt”, Tùng Lâm đã đoạt 4 HCV trong các mùa hội diễn, liên hoan sân khấu hài. Ông cũng là người đã lăng xê thành công các gương mặt tên tuổi hôm nay như Trang Thanh Lan, Trang Kim Yến,  Trang Kim Phụng,  Giang Tử, Phượng Mai , Tuấn Phương (danh hài Duy Phương hiện nay) …

Đặng Tiền Giang

Mời xem phim “Tứ Quái Sài Gòn” xin lần lượt bấm vào đường dẫn :

Tập 01 | Tập 02 | Tập 03 | Tập 04 | Tập 05

MỜI NGHE 26 NHẠC PHẨM

CỦA NS TRÚC PHƯƠNG

Nghe 26 bản nhạc hay của Trúc Phương tại đây :

http://qhvn.org/music/nhacviet-tacgia/trucphuong.html

Nhạc sĩ Trúc Phương tên thật là Nguyễn Thiện Lộc. Ông sanh năm 1939 tại xã Mỹ Hoà, quận Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh (Vĩnh Bình) ở vùng hạ lưu sông Cửu Long, miền Nam Việt Nam. Cha ông là một nhà giáo sống thầm lặng và nghiêm khắc. Nhưng tâm hồn của chàng trai Thiện Lộc thì rất lãng mạn, …

Yêu thích văn nghệ nên đã tự học nhạc, và bắt đầu sáng tác những bài hát đầu tiên lúc vừa 15 tuổi. Xung quanh nhà ông có trồng rất nhiều tre trúc, nên từ nhỏ ông đã yêu mến những âm thanh kẽo kẹt của tiếng tre va chạm với nhau và sau này đã chọn tên là Trúc Phương để nhớ về thời thơ ấu của ông với những cây tre trúc. Cuối thập niên 1950, ông sinh hoạt văn nghệ với các nghệ sĩ ở ty Thông Tin tỉnh Vĩnh Bình một thời gian ngắn, rồi lên Sài Gòn dạy nhạc và bắt đầu viết nhạc nhiều hơn. Bài hát “Chiều Làng Quê” được ông sáng tác vào thời gian này để nhớ về khung cảnh thanh bình ở làng xóm của ông ,một bài khác cũng rất nổi tiếng với giai điệu trong sáng, vui tươi là “Tình Thắm Duyên Quê”.

Không tiền bạc và không một ai thân quen ở đô thành Sài Gòn, ban đầu Trúc Phương ở trọ trong nhà một gia đình giàu có bên Gia Định và dạy nhạc cho cô con gái của chủ nhà. Không bao lâu sau thì cô gái này đã yêu chàng nhạc sĩ nghèo tạm trú trong nhà, vì con tim cô ta đã dần dần rung động trước tài năng của Trúc Phương. Biết được chuyện này, ba mẹ của cô gái bèn đuổi Trúc Phương đi nơi khác. Sau chuyện tình ngang trái này, Trúc Phương càng tự học thêm về âm nhạc và càng sáng tác hăng hơn. Nhưng những bài hát sau này lại nghiêng về chủ đề tình yêu đôi lứa với những nghịch cảnh chia lià.

Trúc Phương sáng tác rất dễ dàng, nhưng với bản tính trầm lặng, bi quan và khép kín sau những cuộc tình dang dỡ, những bài hát sau này của ông thường mang âm điệu u buồn, thê lương như phảng phất nỗi sầu của cổ nhạc miền Nam. Nổi tiếng nhất là “Nửa Đêm Ngoài Phố” với tiếng hát liêu trai Thanh Thúy. Sau đó là “Buồn Trong Kỷ Niệm” với những câu hát đớn đau, buốt nhói tim gan người nghe như “Đường vào tình yêu có trăm lần vui, có vạn lần buồn. Đôi khi nhầm lẫn đánh mất ân tình cũ, có đau chỉ thế, tiếc thương chỉ thế. Khi hai mơ ước không chung lối về …”. Có người cho là bài hát này ông đã viết ra sau khi bị thất tình một cô ca sĩ lừng danh thời đó.

Nhạc của Trúc Phương có một giai điệu rất đặc biệt của riêng ông, mà khó lầm lẫn với người khác được.Nhạc của ông có âm hưởng cổ nhạc miền nam,Nó có vẻ trầm buồn, ray rức, ưu tư trước thời cuộc dạo đó (là chiến tranh triền miên) và buồn phiền vì những mối tình dang dở, trái ngang. Nên khi soạn hòa âm cho những bài hát của Trúc Phương, nhạc sĩ hòa âm phải sử dụng ít nhất là một trong vài loại nhạc khí cổ truyền của miền Nam như đàn bầu, đàn tranh, hay đàn cò (hoặc violon) thì mới có thể diễn tả hết cái hay của giòng nhạc Trúc Phương và người nghe lại càng thấm thía với nỗi muộn phiền, nhức nhối tim gan của ông sau này.

Điều trớ trêu là tuy tên tuổi và tài năng sáng chói, nổi bật so với những người viết nhạc thời bấy giờ, nhưng tình duyên của nhạc sĩ Trúc Phương thì vô cùng lận đận. Khoảng năm 1970, Trúc Phương được một thiếu nữ vô cùng xinh đẹp, cao sang đài các đem lòng yêu thương ông, do sự rung cảm truyền đạt từ tài năng và những tác phẩm tuyệt vời của ông. Kết cuộc là cả hai đã nên duyên chồng vợ. Tuy sống trong cảnh nghèo nàn, nhưng đời sống của họ rất là nghệ sĩ. Đó là những năm tháng hạnh phúc nhất trong cuộc đời của Trúc Phương và sức sáng tạo nghệ thuật của ông càng sung mãn hơn bao giờ hết với hàng chục bài hát ra đời mỗi năm. Nhưng niềm vui của đôi uyên ương này lại không kéo dài được lâu bền. Bởi vì sau một thời gian chung sống với nhau, những tình cảm ban đầu trở nên phai lạt dần theo năm tháng và hai người đã lặng lẽ chia tay nhau. Câu hát ngày nào lại rơi đúng vào trường hợp này “khi hai mơ ước đã không cùng chung hướng về” và “đường vào tình yêu có trăm lần vui, nhưng có vạn lần buồn” ? Giờ thì nhạc sĩ Trúc Phương âm thầm đau khổ trong cô đơn và lại vùi đầu vào men rượu để sáng tác thêm nhiều bài hát trong nỗi đau thương cùng cực, pha chút chán chường cho nhân tình thế thái.

Bạn bè thường gặp ông ngồi yên lặng bên những ly rượu nơi một quán nhỏ ở đường Tô Hiến Thành, quận 10, gần nhà của ông. Có lẽ đó là một cách làm cho nhạc sĩ tạm quên đi những cay đắng của tình đời. Đó cũng chính là lúc bài hát “Thói Đời” được sáng tác với những câu như “Bạn quên ta, tình cũng quên ta, nên chung thân ta giận cuộc đời, soi bóng mình bằng gương vỡ nát, nghe xót xa ngùi lên tròng mắt”… và “Người yêu ta rồi cũng xa ta … “Cỏ ưu tư” buồn phiền lên xám môi …”. Thực ra phải nói là “cỏ tương tư” tức “tương tư thảo” là tên gọi văn hoa của thuốc lá. Khi những người đang yêu nhau, nhớ nhau, hẹn hò nhau thì châm điếu thuốc thả khói mơ màng, nhìn rất thơ mộng và nghệ sĩ [ngó trên tay thuốc lá cháy lụi dần, anh nói khẽ gớm sao mà nhớ thế (Hồ Dzếnh)]. Nhưng đối với Trúc Phương trong “Thói Đời” thì điếu thuốc lá “cỏ tương tư” lại biến thành ra “cỏ ưu tư” làm cho đôi môi trở nên màu xám xịt qua những nỗi đau thương, nhung nhớ ngập tràn. Những giọt rượu nồng của cõi “trần ai” này lại càng gợi thêm “niềm cay đắng” để cho nỗi ưu tư “in đậm đường trần” và ông đã than thở “mình còn ai đâu để vui ? khi trót sa vũng lầy nhân thế ”?

Bài hát “Thói Ðời” đã gây xúc động cho hàng triệu con tim cùng chung số phận nghiệt ngã của cuộc đời. Với riêng bản thân Trúc Phương thì “Thói Đời” lại như là một lời tiên tri thật chính xác cho quãng đời còn lại của ông suốt gần 25 năm sau đó (1971-1995).

Sau năm 1975 thì sự nghiệp sáng tác nhạc của ông dừng lại, tất cả những ca khúc của ông đều bị cấm phổ biến và trình diễn.. Không có nghề nghiệp gì trong tay, ông làm đủ mọi việc để sinh sống.Với hai bàn tay trắng, ông trở về quê cũ sống nhờ vả bạn bè, mỗi nơi một thời gian ngắn. Có người hỏi sao ông không về quê ở hẳn với thân nhân, Trúc Phương đã trả lời “Má của tôi thì già yếu đang ở dưới quê Cầu Ngang (Trà Vinh), nhưng bà nghèo quá, lại phải nuôi đám cháu nheo nhóc, không đủ ăn … nên tôi không thể về đó để làm khổ cho bà thêm nữa .”

Ở dưới tỉnh nhà Trà Vinh với bạn bè xưa cũ một thời gian, Trúc Phương lại tìm đường về Sài Gòn. Ban ngày ông làm thuê, làm mướn đủ mọi thứ nghề và lang thang khắp nơi. Buổi tối ông đón xe về xa cảng miền Tây để thuê chiếc chiếu $1 ngả lưng qua đêm, như ông đã trả lời phỏng vấn trong đoạn video clip hiếm hoi mà vô cùng quý giá vào năm 1995. Trung tâm ca nhạc đã thu thanh, thu hình những bài hát của Trúc Phương ở hải ngoại.

Nhưng chắc chắn là ít có người đã biết tin ông âm thầm từ giã cõi đời trong cảnh nghèo nàn, bi đát và cô đơn trong căn phòng trọ tồi tàn, nhỏ hẹp ở quận 11, Sài Gòn vào ngày 18/9/1995. Ông được những người quen, lối xóm chôn cất ở nghĩa trang Lái Thiêu.

Huỳnh Văn Yên (tổng hợp)

Bình luận về bài viết này