Kỳ nữ KIM CƯƠNG

“KỲ NỮ” KIM CƯƠNG

Cây cổ thụ

trong làng Thoại Kịch

Có lúc người ta gọi chị là “kỳ nữ”, có lúc lại mang một cái tên “rất con trai” là Hoàng Dũng với những kịch bản đậm màu sắc xã hội. Bẵng đi một thời gian, người ta thấy chị đi cùng những đoàn cứu trợ xã hội, rồi thỉnh thoảng lại vào chùa học đạo… Người đó là nghệ sĩ tài danh Kim Cương.

Lên sân khấu từ trong bụng mẹ

Góp nhặt những lần được chuyện trò với nữ nghệ sĩ tài danh Kim Cương, tôi có thể tóm lược những nét chính về một khởi đầu sự nghiệp khá lạ của chị : trong vai Na Tra (vở Na Tra lóc thịt, kịch bản của nghệ sĩ Bảy Nam – tức mẹ ruột của chị), Kim Cương lên sân khấu miền Nam từ năm 7 tuổi cùng với mẹ và dì ruột là những nghệ sĩ Bảy Nam, Năm Phỉ nổi tiếng, được khán giả vỗ tay rần rần.

Thành quả đó khiến cô bé Nguyễn Thị Kim Cương tưởng đâu đời mình sẽ gắn liền với nghiệp ca hát mấy đời của gia đình. Nhưng không ! Sau khi cha mất trên đường lưu diễn ở Phan Thiết, cả mẹ Năm và mẹ Bảy cùng đưa ra quyết định không cho cô bé theo cái nghiệp quá bạc bẽo này. Kim Cương được gửi vào trường nội trú theo học văn hóa cùng các soeur…

“Sau này khi đã thành danh, nghệ sĩ Năm Châu kể lại rằng, thật ra tôi đã diễn từ trong bụng mẹ diễn ra, khi bà có mang tôi chưa được bao lâu. Khi diễn xuất với cái bầu, có lúc bà đứng dậy không nổi, bèn nhờ bạn diễn là nghệ sĩ Năm Châu đỡ dậy. Đến khi vài tháng tuổi, lại được ra Huế “đóng vai” đứa bé con của Thị Mầu trong vở Quan Âm Thị Kính nhân dịp sinh nhật bà Từ Cung là mẹ của vua Bảo Đại ở cung An Định. Nhưng “vai” này chỉ nằm yên trong chiếc khăn lông và một bình sữa để… khỏi khóc thôi !…”, nghệ sĩ Kim Cương kể.

Những ngày xa đoàn hát, xa gia đình để đi học, Kim Cương mới cảm thấy nỗi nhớ sân khấu là cái gì đó rất ghê gớm. Sự lên xuống của đoàn hát của mẹ luôn thể hiện rõ trong sự học của chị hồi đó. “Khi đoàn hát khá, có tiền thì lên học trường lớn ở Đà Lạt, khi diễn ế lại về học ở Tân Định. Đến lúc nghèo quá không đủ tiền, mẹ Bảy Nam lại gửi tôi vào cô nhi viện của nhà thờ Cha Tam trên Chợ Lớn…”, Kim Cương nhớ lại.

“Nỗi ám ảnh từ cái chết của cha”

Những tưởng sẽ xa mãi ánh đèn sân khấu, nào dè năm 17 tuổi, nhân dịp nghỉ hè, khi trở về đoàn hát giúp gia đình thì chị lại bị sân khấu mê hoặc. Năm đó, chị quyết định đi thăm mẹ đang lưu diễn cùng đoàn hát ở Châu Đốc. Đêm đầu tiên xảy ra sự cố quân Ngô Đình Diệm bắn nhau với quân các giáo phái (với Hòa Hảo). Dì Năm quyết định cứ diễn rồi khóa cửa rạp, đề phòng khách nhốn nháo chạy ra dễ dính đạn lạc. Vở diễn kết thúc, súng vẫn nổ, để cầm khách lại trong rạp, các nghệ sĩ trong đoàn phải thay phiên nhau lần lượt hát. Riết rồi cũng hết người mà súng vẫn còn nổ, má Bảy đã cho phép Kim Cương ra hát. Kim Cương hát bản tân nhạc Nụ cười sơn cước đã được khán giả nhiệt liệt tán thưởng. Đêm hát tân nhạc đó đã thay đổi cuộc đời chị và sau đó chị đã thành công với vai chính A Liễu trong vở cải lương Giai nhân và ác quỷ mà soạn giả Duy Lân đã viết riêng để giới thiệu Kim Cương.

Ở vị trí nào cũng xuất sắc

Những năm nghệ sĩ Bảy Nam không còn sức khỏe, Kim Cương lại thay mẹ gánh vác đoàn hát. Lúc nhiều tác giả kịch bản Sài Gòn chuyển qua viết tuồng cải lương, kịch nói “đói” vở diễn, Kim Cương lại xuất hiện dưới cái tên Hoàng Dũng và các kịch bản nổi tiếng sau đó ra đời như : Lá sầu riêng, Dưới hai màu áo…

Chẳng biết từ lúc nào, báo chí và dư luận đã tặng cho chị cái danh hiệu “kỳ nữ”, mà sau này trong một dịp giao lưu với khán giả, nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã giải thích “kỳ nữ” chính là tên được dành cho Mạnh Lệ Quân, một phụ nữ kỳ tài trong lịch sử Trung Quốc. Một Kim Cương nghệ sĩ, trưởng đoàn, viết kịch bản, và cả đạo diễn… ở vị trí nào chị cũng trở nên xuất sắc nên xứng đáng được ca ngợi như vậy lắm chứ ! Sau ngày 30/4, Kim Cương cũng như nhiều văn nghệ sĩ khác ở lại Sài Gòn và tiếp tục sự nghiệp. Đoàn kịch nói Kim Cương do chị quản lý lưu diễn khắp 3 miền với những thành công vượt bậc. Đó cũng là giai đoạn đáng nhớ nhất, thành công nhất của chị…

“Hơn 40 năm, có tất cả những vinh quang, đau khổ tôi mới hiểu ra vì sao gia đình ngày xưa đã không cho đi theo nghề hát. Danh vọng của nghệ sĩ, nhất là một nữ nghệ sĩ đã phải đánh đổi với một giá rất đắt. Một nửa cuộc đời mình phải sống cho người khác, luôn bị áp lực tinh thần rất nặng. Dư luận nhiều khi nói những chuyện oan ức nhưng chẳng thể giãi bày hoặc thậm chí có lúc họ ca ngợi mình lên mây, thì mình vẫn thấy chưa xứng đáng…”, một hôm ngồi với tôi ngoài vườn Trung tâm Nuôi dưỡng người già neo đơn ở Hội An, Kim Cương tâm sự.

Những câu chuyện trên đường cứu trợ

Một lần, tôi cùng chị và anh Phạm Phú Ngọc Trai đi ủy lạo những bệnh nhân tâm thần ở Tam Kỳ (Quảng Nam), xe vừa dừng đã thấy Kim Cương tất bật kéo xuống những bao tải lớn chứa đầy quần áo. Đó là phần đóng góp bằng hiện vật của riêng chị và bạn bè. Kim Cương gặp ai cũng hỏi xin quần áo cũ rồi tự giặt, ủi, phân loại, đóng gói mang theo trong những chuyến làm từ thiện…

Trong những lúc ngồi xe di chuyển từ nơi này đến nơi khác, tôi lại thấy một Kim Cương khác trẻ trung với những câu chuyện vui trên sàn diễn. Những chuyện của chị luôn làm cho những người cùng đi quên hết đoạn đường dài.

Chị kể, một lần cố nghệ sĩ Trần Văn Trạch lúc còn sống, vào vai đi tìm một tên cướp để giết. Hồi đó, khi diễn cảnh bắn súng thì trong hậu trường phải chuẩn bị 4-5 gói thuốc pháo để kích nổ khi nhân vật bóp cò. Trần Văn Trạch gặp cừu địch, liền rút súng ra rồi dõng dạc nói : “Mi là kẻ tàn ác, ta sẽ giết mi !”. Nhưng anh bóp cò liên hồi mà trong hậu trường vẫn im re không nghe tiếng súng nổ. Thế là Trần Văn Trạch nói : “Thôi hôm nay ta tạm tha cho mi !”. Nói rồi, vừa đút súng vào lưng thì tiếng nổ vang lên. Trần Văn Trạch lại lớn tiếng thị uy : “Ta phải bắn một phát để… mi sợ !”. Những chuyện vui phía sau sân khấu như vậy, Kim Cương có rất nhiều, mà chị hứa là sẽ viết thành sách.

Nhưng trong hàng trăm chuyện buồn, vui đã trải, có lẽ cái chết của người cha đã để lại vết thương lòng sâu nặng nhất trong lòng “kỳ nữ” Kim Cương. Chị kể lúc đó mới 6-7 tuổi, đi theo đoàn hát Đại Phước Cương của cha mình ra diễn ở Phan Thiết. Rất đông khán giả đến xem mỗi đêm. Ông chủ rạp do bán được nhiều vé đã thết đãi và ca ngợi cha chị hết lời.

“Nhưng một tháng khi đang diễn ở Mũi Né thì cha tôi lâm bệnh nặng. Mẹ tôi phải thuê xe bò chở cha về Phan Thiết tìm bác sĩ chữa chạy. Trong lúc tìm thầy, mẹ đưa cha tôi đến xin tá túc trong rạp hát cũ. Người gác gian xếp một chỗ trong góc rạp cho ông nằm, nhưng bị ông chủ đến la ó om sòm và đuổi chúng tôi đi vì sợ người chết trong rạp của mình sẽ để lại xui xẻo !…”. Lúc đó, bà Bảy Nam đã phải quỳ xuống vái lạy và nói rằng đoàn hát đã đem lại vinh quang cho ông chỉ mới tháng trước, sao bây giờ ông lại đối xử như vậy. Ông chủ rạp mặt lạnh như tiền, bảo làm ăn là làm ăn, thương là thương. Rồi ông yêu cầu sáng mai phải mang chồng con đi khỏi rạp.

Kim Cương nhớ như in, đêm đó chị đã ngồi chết lặng trong rạp và nhớ lại cảnh bao nhiêu người vỗ tay, đã ca ngợi cha mình và bây giờ là sự xua đuổi lạnh lùng đến tàn nhẫn. Hôm sau, cha chị được những người yêu mến đưa đến tá túc trong một ngôi chùa và ông đã tắt thở ở đó vì bệnh quá nặng… Chị tâm sự : “Với một đứa con nít mới 6 tuổi, đó là câu chuyện ám ảnh cả cuộc đời sau này. Nỗi ám ảnh về sự vô thường của cuộc đời !”.

“Tôi đã đến với Phật giáo từ những câu chuyện bình thường, hoặc những cuốn sách của các nhà văn Phật giáo Nguyễn Tường Bách, Cao Huy Thuần, Võ Đình Cường… mà tôi đã đọc”

Tu bằng cách yêu thương con người

Bắt đầu từ cải lương nhưng người ta luôn nhớ đến Kim Cương như một nghệ sĩ lớn của sân khấu thoại kịch với những vở để đời như Lá sầu riêng và Dưới hai màu áo. Cả với tư cách diễn viên lẫn tác giả kịch bản, đó là vở diễn để lại những kỷ niệm sâu đậm sau gần nửa thế kỷ của chị bởi nó đề cập đến tình mẫu tử.

“Trên thế gian này không có gì thiêng liêng bằng tình mẹ, đó là thứ tình cảm tự nhiên vì không bao giờ có sự trao đổi”. Sau này khi đến với những người nghèo chị lại nghiệm thấy điều đó. Chị gặp một bà mẹ 57 tuổi ở Thủ Đức phải nuôi 4 đứa con bại não, đứa lớn nhất đã gần 30 tuổi. “Sao không gởi cháu vào trung tâm nuôi dưỡng ?”, chị hỏi và người mẹ trả lời : “Người ta nuôi con mình không kỹ bằng mình, nên dù khổ cũng phải tự nuôi”. “Người mẹ ấy khác gì bồ tát !”, Kim Cương kết luận.

“Nhưng không phải vì cha tôi được nhà chùa giúp đỡ hay hình ảnh người mẹ khổ đau kia mà tôi theo đạo Phật”. Kim Cương bảo chị không phải là người giác ngộ sớm. Chị đã đến với Phật giáo bằng con đường đau khổ. Cái khổ của một nữ nghệ sĩ là không thể tả. Khổ đến nỗi nuốt vào trong lòng và cách đây 20 năm, có lúc chị đã muốn tự tử. Chị tìm đến một vị thượng tọa để giãi bày và được vị này chỉ bảo : “Vui buồn, hạnh phúc, khổ đau đều như một áng mây, ôm vào hay xua đi đều không được. Rồi nó sẽ qua như lẽ sanh diệt, hợp tan vậy !”. Một lần khác quá đau khổ vì tình chị cũng… đòi chết nữa, thì được dạy : “Trên đời này đâu phải ai muốn gì cũng được. Kim Cương muốn 10 điều thì đã được 7, vậy còn đòi gì nữa! Còn bao nhiêu người đau khổ hơn cô ở ngoài kia. Kim Cương phải biết chấp nhận trong đời có những cái mình muốn mà không bao giờ được !”.

Nhưng lời răn dạy đó đã giúp chị tỉnh ngộ, hiểu, chấp nhận và cố sống tốt đẹp hơn. Qua công tác từ thiện, chị kể rằng chị cũng học được nhiều hơn ở con người. Có nhiều tâm hồn rất đẹp nhưng không hề phô trương. Đối với nhiều người, làm điều lành là con đường không có chỗ dừng và cũng không bao giờ là muộn và với một tấm lòng thật sự cảm thông, thật sự chia sẻ. Như ngay sau vụ sập cầu ở Cần Thơ, chị đã có mặt tại chỗ và huy động được nhiều trăm triệu đồng để đến chia sẻ với những người chị, người vợ đang đau khổ vì mất người thân. Nhưng khi chị đến nơi cũng đã có nhiều con người nhân hậu khác. Sự có mặt và chia sẻ kịp thời đôi khi đã góp phần làm dịu đi phần nào nỗi đau của người khác. Một bà cụ suốt 10 năm nấu cháo hằng ngày mang đến bệnh viện ung bướu. Một chủ xí nghiệp có mặt kịp thời ở các tòa soạn báo mỗi khi có bão lụt ở đâu đó cần sự giúp đỡ. Nhiều em học sinh đập heo đất dành dụm bấy lâu để giúp các gia đình bị hỏa hoạn… Của cho không bằng cách cho. Tất cả họ đâu có ai cần nêu tên.

Trương Điện Thắng (Theo TNO)

TÔI LÀ NGƯỜI CỦA SÂN KHẤU

“Nói thiệt, nhớ sân khấu lắm chứ. Nhiều lúc nửa đêm bật dậy ôm bàn thờ má mà khóc mà la : Tôi nhớ má quá, nhớ sân khấu quá. Khóc vậy rồi thôi chứ tôi biết không thể níu kéo lại những gì đã qua”, Kim Cương bộc bạch.

Là con nhà nòi, mẹ là nghệ sĩ Bảy Nam và đặc biệt dì là đệ nhất tài danh sân khấu Năm Phỉ, dòng máu nghệ thuật đã chảy sẵn trong người Kim Cương. Định mệnh đã sẵn dành cho chị là một nghệ sĩ chứ không thể khác được. Chỉ mấy ngày tuổi, bé Kim Cương đã được mẹ bế lên sân khấu, tuổi đôi mươi của chị tỏa sáng rực rỡ trên sân khấu cải lương với biệt danh “kỳ nữ” do báo giới phong tặng, rồi trở thành một trong những ngôi sao điện ảnh đầu tiên và hàng đầu của nền điện ảnh non trẻ Việt Nam, rồi nhanh chóng gặt hái thành công khi “liều mình” khai phá mảnh đất hoang thoại kịch. Có cảm tưởng con người chị sinh ra là để thành công. Nghe vậy, chị cười : “Không đâu, con người tôi sinh ra là để dành cho nghệ thuật. Rời xa sân khấu tôi chỉ là một người phụ nữ bình thường thậm chí là dưới mức trung bình. Chỉ có trên sân khấu tôi mới có thể bộc lộ hết những phẩm chất, những thiên năng của mình”.

Trong suốt thời gian hoạt động nghệ thuật, chị đã viết 60 kịch bản (đã được Guiness Việt Nam công nhận là nữ tác giả kịch nói có nhiều tác phẩm nhất) trong đó có những vở diễn in dấu sâu đậm trong lòng khán giả cũng như làm nên phong cách “kịch Kim Cương” : Lá sầu riêng, Dưới hai màu áo, Tôi là mẹ, Hai mùa giáng sinh, Chiều cao vực thẳm, Bông hồng cài áo… Kịch Kim Cương đầy nữ tính với hình tượng trung tâm là những người mẹ, người vợ, người phụ nữ Việt Nam truân chuyên, chịu thương chịu khó.

Chị bảo : “Đã là con người thì ai cũng phải vất vả tranh đấu, trong đó phụ nữ bao giờ cũng vất vả hơn. Hình tượng người phụ nữ dễ khai thác, dễ “lấy nước mắt” khán giả hơn. Vả lại tôi viết cho mình diễn nên nhân vật nữ, nhất là hình tượng người mẹ, luôn chiếm vị trí quan trọng”.

Có thể nói “kỳ nữ” Kim Cương là một trường hợp đặc biệt khi thành công cùng một lúc với nhiều vai trò : tác giả, đạo diễn, diễn viên chính. Với chị, viết là để thỏa mãn đam mê sân khấu của mình, viết để nói những gì ngoài đời mình không nói được, viết để có thể trở thành những con người mà mình mong muốn hay đơn giản viết để làm những gì mình thích : “Tự dưng tôi thích được mặc đồ bà phước, được nếm trải cảm giác trong những nhà tu thì viết Hai mùa giáng sinh để mình làm… nữ tu. Lúc thích làm người điên, lúc thấy mặc áo bầu hay hay (dù rằng chưa có chồng con)… thì cũng viết ngay các kịch bản có những nhân vật như ý thích để được hóa thân và trải nghiệm cùng nhân vật”…

Sân khấu không nghiêm túc là không được

Dịu dàng, mềm mỏng, đầy nữ tính và cả nhạy cảm, mau nước mắt là những suy nghĩ thông thường của mọi người về nữ nghệ sĩ Kim Cương. Và quả thật, trên sân khấu chị khóc hay thật ! Thế nhưng ngoài đời lại là một Kim Cương thật bản lĩnh và cứng rắn, đặc biệt đối với đoàn kịch Kim Cương, chị còn cho mình là một người “độc quyền”. Từ căn bản của một gia đình giàu truyền thống, từ bản thân người nghệ sĩ trọng nghề nghiệp, Kim Cương đã “gò” cả đoàn kịch Kim Cương theo những nguyên tắc, kỷ luật của mình : nghiêm túc là yếu tố được đặt lên hàng đầu.

“Tôi luôn tâm niệm trong lòng lời dạy của má rằng : sân khấu không phải là nghề mà là một cái đạo làm người. Đây không phải là nơi để kiếm tiền mà là để đóng góp cho đời đẹp hơn. Nên với tôi, với đoàn kịch Kim Cương, sự nghiêm túc trên sân khấu luôn là yếu tố quyết định. Diễn viên dù có diễn xuất hay cách mấy mà không nghiêm túc cũng không được. Tôi thường nói với anh chị em diễn viên : Mỗi đêm diễn đều là một trận đánh chỉ có thắng hay thua mà thôi. Người nghệ sĩ mỗi khi lên sân khấu là phải “cháy” hết mình”.

Kim Cương còn tạo nên một không khí xem hát rất kỷ luật cho những khán giả đến với đoàn. Mỗi đêm diễn dưới khán phòng luôn có tám bảo vệ giữ trật tự bảo đảm không cho con nít khóc, không để người lớn nói chuyện. Mỗi khi mở màn đều có lời nhắn nhủ khán giả giữ trật tự tập trung thưởng thức trọn vẹn những gì mà người nghệ sĩ nỗ lực đem đến. Còn bên trong cánh gà, mỗi khi kéo màn là hậu trường tuyệt đối yên lặng hỗ trợ cho nghệ sĩ trên sân khấu.

Với chị, sự nghiêm túc trong hậu trường chính là sự hóa trang tâm hồn hỗ trợ để bên ngoài người nghệ sĩ thăng hoa và bên trong cũng chuẩn bị kỹ lưỡng cho những lớp diễn kế tiếp. “Tôi còn kỹ tính đến mức không cho phép hậu trường, nơi nghệ sĩ trang điểm bị dơ (bẩn). Tôi cho đóng các bàn trang điểm riêng dành cho nghệ sĩ, mỗi người một nơi và luôn bảo đảm gọn gàng. Bản thân mình phải làm gương, phải dọn mình cho các anh chị em theo đó mà thể hiện”, chị cho biết.

Là người “đứng mũi chịu sào”, bàn trang điểm của Kim Cương luôn được kê sát cánh gà để lỡ nghệ sĩ có cao hứng “cương” (diễn ra ngoài kịch bản) là chị nhào sát ra sân khấu nhắc nhở ngay. Chị thuộc lòng từng vai diễn, từng cái chấm phết, nắm được chỗ nào lên đèn, xuống đèn, từng cái dằn âm thanh… “Tôi còn nhớ một người thầy đã từng nói : người nghệ sĩ giống như que diêm, cái hay tột đỉnh là khi nó chết. Mỗi đêm hát với tôi rất thiêng liêng trong đó cần sự hỗ trợ của nhiều bộ phận: diễn viên, âm thanh, ánh sáng, hậu đài… và đặc biệt là của khán giả. Khán giả phải tôn trọng sân khấu, toàn tâm toàn ý thưởng thức nghệ thuật thì người nghệ sĩ mới có thể thăng hoa. Kịch Kim Cương đâu phải vở nào cũng hay nhưng sự nghiêm túc thì không khi nào được bỏ quên, đấy là phong cách và nó đã giúp kịch Kim Cương được khán giả yêu mến suốt bao nhiêu năm”.

Hỏi chị phải chăng việc tập hợp một ê-kíp chuyên nghiệp đến tập đúng giờ, tuân thủ nghiêm ngặt yêu cầu của đạo diễn, hết lòng trên sàn diễn chứ không mải nghĩ đến chuyện chạy sô… như khi xưa trong tình hình sân khấu hiện nay là điều không thể nên chị đã rút lui khỏi sân khấu dù vẫn còn sung sức ? Chị cười nhẹ nhàng: “Sân khấu ngày nay rất sôi động nhưng sự giao thoa và tôn trọng giữa nghệ sĩ, sân khấu với khán giả tôi lại không tìm được. Có lẽ sân khấu mỗi thời mỗi khác. Và thời gian của tôi lúc này cũng không còn thích hợp để dành cho sân khấu nữa”.

“Sân khấu tác động đến xã hội đôi khi còn ghê gớm hơn sách vở nhiều. Khi tôi diễn vở Bông hồng cài áo, ra ngoài đường gặp nhiều em nhỏ, tụi nó hồn nhiên : “Con ghét bà nội lắm, không thèm ngủ chung với bà nội đâu”, nghe mà giật mình. Nói gì thì nói, sân khấu phải làm người ta sống đẹp hơn. Là tác giả – tôi đòi hỏi cao ở nội dung thể hiện, là một nghệ sĩ – tôi cần sự nghiêm túc. Tôi cảm thấy khó chịu khi xem nhiều tiết mục tấu hài phổ biến hình ảnh vợ chửi chồng, cởi dép rượt chồng chạy vòng vòng, nói năng lăng nhăng thậm chí là tục tĩu. Chính những cái tưởng như vui cười vô hại ấy sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến các em nhỏ sau này…”, chị khẽ nói.

Theo Thể thao & Văn hóa

KIM CƯƠNG – THẨM THÚY HẰNG

Mỗi dịp ghé nhà thăm nữ nghệ sĩ Thẩm Thúy Hằng, mở đầu câu chuyện bao giờ chị cũng nhắc đến người bạn thân : Kỳ nữ kim Cương. Có lúc chị kể chuyện vui, ví von “bà Kim” (tên thân mật mà chị thường gọi Kim Cương) mang danh kỳ nữ đôi lúc… kỳ cục lắm.

Lúc chị lại kể chuyện buồn. Buồn vì một thời hiểu lầm nhau, tránh xa, lánh mặt tưởng “bứt” tình bạn, tình đồng nghiệp, chị em thắm thiết. Còn đối với Kim Cương, mỗi câu chuyện kể về người đẹp Bình Dương là một đúc kết sâu sắc của một mối quan hệ có đến 45 lăm gắn bó.

Vẻ đẹp mỹ miều, sang trọng của Thẩm Thúy Hằng đã từng được xem là vẻ đẹp đại diện cho điện ảnh Sài Gòn thập niên 60 – 70. Thời đó Hằng được Hãng phim Mỹ Vân chọn trong hàng trăm thí sinh tham dự cuộc thi tuyển vai chính trong bộ phim Người đẹp Bình Dương, Hằng đã vuợt qua tất cả để đánh dấu sự kiện đến với nghề diễn viên. Chị Kim Cương kể : “Thời đó đọc báo, nhìn qua ảnh tôi đã giật mình truớc nét đẹp yêu kiều của Hằng. Má tôi, Bảy Nam, đã nhận định : ”Cô này sẽ đem lại cho điện ảnh làn gió mới”.

Quả không sai, Hằng được khán giả hâm mộ bởi nét diễn mộc mạc, chân thật. Sự cạnh tranh của các hãng phim thời đó đã tác động đến tâm lý của những ngôi sao đương thời. Hễ ai đóng chốt cho hãng nào thì ra sức bảo vệ thương hiệu của mình. Tôi biết Hằng đã né tôi nhiều lần. Vì một số cây bút kịch trường thời đó đã tạo xì-căng-đan, so sánh giữa tôi với Hằng. Có lần tôi đến nhà mời tham gia đóng phim với Kim Cương tôi đưa cả kịch bản mời Hằng chọn vai. Ngay việc Hằng đóng chính, tôi đóng phụ cũng được, miễn sao hai chị em có mặt trong một bộ phim, thế nhưng Hằng từ chối. Sau này hãng Mỹ Vân – nơi Hằng ký hợp đồng độc quyền mời tôi tham gia đồng phim Tứ quái Sài Gòn, gồm có anh Tùng Lâm, Khả Năng, La Thoại Tân, Thanh Việt… Lúc đó tôi và Hằng mới có dịp đứng chung truớc ống kính ghi hình”.

Nhắc đến sự kiện bị chia rẽ bởi sự tác động của một số ký giả bẻ cong ngòi bút thời đó, nữ nghệ sĩ Thẩm Thúy Hằng cuời : “Còn trẻ mà, dễ bị tác động. Tôi “”quê”” nhất khi đọc những bài báo so sánh tôi diễn hơn thua với bà Kim. Thiệt tình mà nói Kim Cương là con nhà nòi, tôi là dân tay ngang đến với nghệ thuật, thì so sánh như thế sẽ khập khiễng. Thời gian và tình bạn đã giúp tôi hiểu, cuộc đời là đường trường. Rồi có lúc những trắc trở nghiệt ngã sẽ được hóa giải. Sau bộ phim Tứ quái Sài Gòn tôi đóng vai đào chính của một hãng phim, Kim đóng vai thôn nữ dưới tỉnh lên thành tìm người yêu. Chị em thân nhau, hỗ trợ nhau trên con đường làm nghề. Đến khi Kim tổ chức vở Lôi Vũ, chị em lại có đôi. Tôi đóng Phồn Y, Kim đóng Thị Bình. Nghĩ cũng lạ. Dường như số mệnh khắc khẩu giữa tôi với Kim cứ ám hai chị em, nên vai vế trên sân khấu cũng như lửa với nước. Ngập ngừng giây phút rồi chị Hằng chợt cười thật tươi : “”Kỳ nữ đôi lúc kỳ cục ở chỗ hay hờn mát. Nhiều chuyện không đâu cũng dỗi. Ngẫm nghĩ như lời má Bảy Nam đã nói: “Nghệ sĩ có cái cục tự ái hơn người bình thường”. Vậy chứ hoạn nạn không bỏ nhau được.

Kỳ nữ Kim Cương chỈ có một bé Tô Rô, còn người đẹp Bình Dương có đến năm người con trai. Ngày bé Tô Rô bị bắt cóc tống tiền, NSƯT Kim Cương như điên dại. Lúc đó Thẩm Thúy Hằng luôn bên cạnh chia sẻ, an ủi chị. Kim Cương xúc động : “Giữa chúng tôi như có một sợi dây vô hình buộc chúng tôi lại với nhau. Nhưng Hằng may mắn hon tôi, trong mái ấm gia đình còn có một người đàn ông làm trụ cột. Còn tôi, hơn 20 năm qua vừa làm cha, vừa làm mẹ đối với con trai mình. Cái bền vững nhất là tình bạn trong sáng giữa tôi và Hằng.

Trả lời câu hỏi “”điều gì giúp chị đủ sức sống với nghề khi hạnh phúc gia đình không mấy suôn sẻ ?””. Kim Cương trả lời : “”Tình bạn và lòng yêu nghề đã cho tôi sức mạnh để gắn bó với sân khấu””.

Bây giờ cả hai đều có tuổi, nhưng Thẩm Thúy Hằng và Kim Cương lại chung một sở thích : nghiên cứu Phật giáo, ăn chay, đi chùa, làm từ thiện. Cuộc sống riêng của Thẩm Thúy Hằng được 5 con trai bao bọc. Kim Cương đã có dâu, có cháu nội. “Bà” Kim vẫn lui tới thăm “”bà” Hằng. Bây giờ trong câu hỏi thăm thường xuyên có lời “than” : đau lưng, nhức mỏi ! Nhưng hai người không “”nhức mỏi”” khi nhắc lại với nhau một thủa sống cùng nghề

Theo Phụ nữ CN

KIM CƯƠNG VÀ ĐIỆN ẢNH

Có lẽ Kim Cương từ thoại kịch mới bước sang điện ảnh (trái lại Thẩm Thúy Hằng từ điện ảnh bước sang sân khấu thoại kịch), vì thế báo chí khi nói về nữ nghệ sĩ Kim Cương đều nói đến chị qua bộ môn kịch nghệ như một “cây cổ thụ” chưa ai có thể so sánh. Dù rằng trước đó đã có những ban kịch ra đời trước đoàn thoại kịch Kim Cương như ban Dân Nam, ban Vũ Huân Vũ Huyến hay Năm Châu từ cải lương chuyển thể, với những nữ nghệ sĩ đàn chị như Kim Lan, Kim Cúc, Bích Thuận, Bích Sơn, Kiều Hạnh v.v…

Và thật ra nếu so sánh giữa Kim Cương và Thẩm Thúy Hằng qua bộ môn điện ảnh, thì tên tuổi kỳ nữ Kim Cương không bằng. Lý do như đã nói, Kim Cương bước vào bộ môn nghệ thuật thứ bảy này sau Thẩm Thúy Hằng. Khi đó Thẩm Thúy Hằng đã đang là vơ-đét của nền điện ảnh miền Nam nói chung và Sài Gòn nói riêng; còn Kim Cương đang sống ở Pháp để “trốn” một “mối tình” không chờ mà đến.

Đây là một chuyện riêng tư có lẽ chỉ những trong cuộc mới rõ, hoặc có thêm là quái kiệt Trần Văn Trạch cùng nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông khi đó đang tổ chức Đại Nhạc Hội Một Cây tại rạp Thống Nhất hồi đầu thập niên 60 thế kỷ trước mới rõ. Vì “mối tình” này được hình thành từ lúc đó, khiến Kim Cương quá lo sợ mà qua Pháp ‘trốn” vài năm sau mới dám về lại quê hương, bắt đầu xây dựng đoàn kịch Kim Cương về sau.

Gần cuối thập niên 60, Kim Cương mới bước chân vào làng điện ảnh qua những cuốn phim do Quách Thoại Huấn bỏ tiền sản xuất. Trước đó Kim Cương cũng đóng nhiều phim cho hãng Alpha của ông Thái Thúc Nha. Đa số phim Kim Cương trong vai chánh thường đóng cặp với nam vai chánh là nghệ sĩ Thành Được, đôi khi với Vân Hùng (như Thẩm Thúy Hằng đóng cặp với La Thoại Tân, Trần Quang) như phim Hai mùa Giáng sinh, Mưa trong bình minh, Chiếc bóng bên đường, Lá soài riêng v.v…

Đường sự nghiệp điện ảnh của Kim Cương không nhiều, nên báo chí khi nhắc đến Kim Cương chỉ qua con đường sân khấu thoại kịch là thế.

Lê Hoàng Nguyễn.

Một bình luận

  1. […] thời Sài Gòn Kỳ nữ KIM CƯƠNG 05.01.2011“KỲ NỮ” KIM CƯƠNG Cây cổ thụ trong làng Thoại Kịch Có lúc […]

Bình luận về bài viết này