CÀ PHÊ SÀI GÒN XƯA

Chuc nam moi 1

9-1 Ly Ca phe 1CÀ PHÊ CŨ

Tôi thích cà phê ngay từ khi chưa được uống một giọt cà phê nào. Ở nhà, “cụ giáo” của tôi rất nghiêm khắc không cho con cái đụng tới nó, hình như vì một bài viết trong tờ Sélection cho là cà phê có hại. Vì thế, cà phê không được tiến vào qua cái ngưỡng cửa nhà chúng tôi. Nhưng hồi học năm đầu của trung học, mỗi lần đi học về qua một cửa tiệm trên đường Nhân Vị, Chợ Lớn (bên kia là Cơ Thể Học Viện), tôi đều ngừng lại xem một ông già người Hoa rang cà phê trước cửa nhà ông để hít lấy cái mùi kỳ diệu của những hạt cà phê nâu đen trong cái chảo trên cái bếp than của ông.

Thế rồi chuyện phải đến (?) đã đến : tôi uống lén được ly cà phê đầu tiên cùng với một điếu Bastos xanh hôm đi tập thể dục với một người bạn học lớp đệ lục (năm thứ hai trung học đệ nhất cấp), bạn tôi người tài không đợi tuổi, đã mỗi ngày hút 2 điếu Mélia vàng.

Người Sài Gòn oai hơn người Hà Nội. Ở Hà Nội hồi trước di cư, phải sang lắm mới biết uống cà phê. Nhưng ở Sài Gòn, gần như ai ai cũng uống cà phê. Ông xích lô, ông lái taxi, ông thư ký, mấy ông già, đàn ông, đàn bà đủ mọi hạng tuổi đều uống cà phê. 9 Ca phe 1Có một cách uống cà phê mà chỉ ở Sài Gòn mới có, đó là uống ngồi kiểu nước lụt, tức là ngồi chồm hổm, cà phê được đổ ra cái đĩa và… húp xì xụp. Cảnh uống cà phê như thế trông không quí phái lắm nhưng cách uống đó rất có lý: buổi sáng trời lạnh, ngồi co ro như vậy cho ấm. Ly cà phê nóng đổ ra đĩa sẽ nguội đi, dễ uống hơn.

Mãi đến năm học thi Tú Tài 1 thì chuyện uống cà phê (lén) của tôi mới là chuyện thường xuyên. Mỗi ly cà phê bít tất hồi ấy có 2 đồng bạc. Gần như hôm nào tôi cũng đến một quán cà phê trên đường Hai Bà Trưng gần nhà thờ Tân Định để uống cà phê với Đinh Ngọc Mô (người phụ trách chương trình Đố Vui Để Học của Trung Tâm Học Liệu bộ Giáo Dục sau này) và cũng để ngắm cô hàng cà phê tên là Y. (ngó em hổng dám ngó lâu / ngó qua một chút đỡ rầu rồi thôi).

Cà phê trở thành một phần của đời sống của tôi từ đó. Sau trung học, tôi đi học xa khỏi Việt Nam và cà phê càng không rời tôi mặc dù cà phê ở ngoài Việt Nam không thể nào ngon bằng cà phê phin Việt Nam, thua xa những ly cà phê đầu đường xó chợ mà tôi uống ở Sài Gòn hồi học trung học.

Sau mấy năm, về lại Sài Gòn, tôi lại trở về với cà phê Sài Gòn nhưng chuyện cà phê của tôi có đổi khác. Không còn là học sinh… nghèo nữa. 9 Ca phe 2Chúng tôi thay đổi phần nào nơi uống cà phê. Chỗ chúng tôi hay ngồi là quán Cái Chùa, tên thật là La Pagode ở góc đường Tự Do và Lê Thánh Tôn. Đó là chỗ để ngồi đấu hót thì đúng hơn, để gặp bạn, đủ các thứ bạn, còn cà phê thì nói cho ngay, không đáng kể lắm nếu không nói là dở. Chúng tôi đến đó là vì những lý do khác. Cũng như thế, cà phê ở Givral, Brodard và Continental… đều không có gì đáng nói. Những nơi như thế chỉ để ngồi chứ không vì cà phê.

Chính những tiệm cà phê không tên tuổi, không bảng hiệu lại là những nơi có cà phê ngon nhất. Hai nơi chúng tôi hay tới đều ở trong hai con đường nhỏ, một ở khu Bàn Cờ và một ở Tân Định. Ở trong con hẻm từ đường Cao Thắng rẽ vào, là căn nhà nhỏ của gia đình cụ Phong mà chúng tôi vẫn gọi là cà phê Phong. Tiệm không có bàn, chỉ có mấy cái ghế thấp, khách khứa bao giờ cũng chỉ năm, sáu người. Cà phê phin của cụ rất ngon. Chủ tiệm bao giờ cũng ngồi trên chiếc ghế xích đu. Khi có khách gọi cà phê thì ông cụ gọi vọng vào nhà trong, và cũng chẳng buồn đứng dậy. Ông cụ ngồi xích đu nghe lỏm đủ các thứ chuyện của khách, thỉnh thoảng góp vài câu với khách thường bằng câu “Cậu không bằng tôi…” bất kể khách nói gì, làm gì. Thỉnh thoảng có một người khách rất đặc biệt ghé vào, trong cả những buổi tối mưa ướt lướt thướt, gọi một ly cà phê đen không đường,9 Ca phe 3 không sữa ngồi uống một mình, uống xong lại lặng lẽ ra về trong mưa, hệt như bài Déjeuner du Matin của Jacques Prévert:

…Il s’est levé

Il a mis

Son chapeau sur sa tête

Il a mis son manteau de pluie

Parce qu’il pleuvait

Et il est parti

Sous la pluie

Sans une parole

Sans me regarder… (1)

Đó là ông Đinh Hùng. Tôi chưa kịp làm quen để chào ông một câu thì ông qua đời. Năm ấy là năm 1967.

Tiệm cà phê kia nằm trên đường Lý Văn Phức từ đường Hiền Vương rẽ vào. Chủ nhà là một phụ nữ khoảng ngoài bốn mươi. Tiệm cũng không bàn ghế như những tiệm cà phê khác. Cũng chỉ vài cái ghế đẩu thấp. Chủ nhà rất tiết kiệm lời nói nhưng bù lại cà phê rất ngon. Chắc chắn còn nhiều người nhớ tên của bà: cà phê Thái Chi.

Trong khi có người uống cà phê với rất nhiều đường, thì cũng có người không uống với đường, vì vị ngọt (quá đáng) có thể làm mất đi mùi cà phê. Tôi uống đủ các thứ cà phê từ cà phê bít tất đến cà phê bột, cà phê dở và nhạt như nước mắt ma của 7-Eleven đến cà phê Ả Rập, cà phê espresso của Ý, của Pháp, cà phê Áo, cà phê kiểu Thổ Nhĩ Kỳ… và cà phê Starbucks…

Nhưng cho tới khi đọc một tùy bút của Võ Phiến tôi mới học được cách gọi cà phê ít sữa 9 Ca phe 4hay cà phê nhiều sữa một cách giản dị và dễ dàng, lại không thể lầm lẫn. Chú phổ ky ở cái tiệm mì nhỏ có cách gọi rất vắn tắt : “một cà phê sữa, một sữa cà phê” là có ngay hai ly cà phê đúng ý của hai ông khách khó tính từ Sài Gòn xuống miền Tây công tác.

Cạnh tiệm phở Tầu Bay trên đường Lý Thái Tổ có một ông cụ bán cà phê bên một gốc cây to. Cà phê đá của cụ rất ngon tôi thường ghé trong những sáng chủ nhật trước khi lên ngồi cà phê cái chùa.

Bây giờ những ngày không đi làm tôi pha cà phê lấy ở nhà bằng những cái ấm cà phê tôi góp nhặt suốt nhiều năm qua. Cái của Ý, cái của Đức, Áo… thỉnh thoảng thay đổi cho đỡ chán. Nhưng hệt như người ta không bao giờ quên hẳn mối tình đầu, những ly cà phê thời tuổi trẻ vẫn trở lại hoài hoài. Tôi vẫn yêu những ly cà phê uống với những người bạn trung học. Tưởng tượng làm sao có cách nào trở lại với những ly cà phê rẻ tiền mà ngon đến thế.

Nhưng giấc mơ trở lại với những ly cà phê ấy chắc không bao giờ làm được nữa. Tuần qua một bài báo ở Sài Gòn viết về cà phê ở trong nước hiện nay, theo đó cà phê mà người dân Sài Gòn uống hiện nay được làm bằng 30% cà phê, còn 70% là đậu đỏ, đậu xanh pha cùng với một hai thứ hóa chất có nhiều phần độc hại khác cho khách.

Nhớ những ly cà phê ở mấy cái quán bình dân thời ấy biết là bao nhiêu nhưng nay làm thế nào còn tìm thấy được. Có phải lúc ấy đời sống hiền lành và giản dị hơn bây giờ như một câu trong bài Memories của Barbra Streisand không ?

“…can it be that it was all so simple then…” (2)

Bui Bao Truc(1)-Người ấy đứng dậy

Người đặt

Chiếc mũ của người lên đầu

Người mặc vào chiếc áo mưa của người

Vì trời mưa

Và người ra đi

Dưới cơn mưa

Không một lời nói

Không nhìn đến tôi …

(2)- có thể nào hồi đó mọi cái lại đơn giản đến thế…. (theo Bùi Bảo Trúc)

Logo van de

9 Tien hoc le 1TIÊN HỌC L

Hôm nay tôi xin ghi lại vài “cảm nhận” sau khi lướt mạng đọc và biết chút ít chuyện đời đang xẩy ra hiện nay.

Chuyện kể một ông nội từ Hà Nội vào thăm cháu trai đích tôn ở Sàigòn. Đây hẳn là một danh gia vọng tộc bởi vì đứa cháu nội được học trường Quốc Tế, dĩ nhiên tốn kém bạc triệu là chuyện nhỏ. Chuyện kể rằng :

“Vào thăm gia đình con trai ở Sài Gòn, tôi thấy cháu mình xa lạ quá. Buổi chiều, thằng cháu đích tôn đi học về, thấy mẹ ra mở cổng, nó liến thoắng “hello mama”, nhảy lên hôn mẹ một cái rồi chạy thẳng vào phòng riêng, mặc kệ ông nội đứng chơ vơ ngay bậc tam cấp. Tôi buồn !

Cứ cho là nó không nhớ ông nội (vì mấy năm rồi không gặp) nhưng thấy người lạ, người lớn tuổi trong nhà thì phải chào hỏi chứ. Tre em 1Thêm một nỗi buồn nữa là cháu không thèm quan tâm tại sao tôi lại có mặt trong nhà. Tắm rửa xong, cháu đi thẳng ra phòng khách bật tivi xem phim hoạt hình, không thèm nhìn tôi lấy một cái.

Tôi lại gần, đem quà ông mua từ Hà Nội cho cháu. Nó nhìn tôi xa lạ rồi nói một câu nửa tiếng Anh, nửa tiếng Việt khiến tôi không hiểu, phải cầu cứu đến con dâu. Con dâu tôi giải thích là do thằng cháu học trường quốc tế nên hạn chế dùng tiếng Việt mà chỉ dùng tiếng Anh. Trường quốc tế dạy theo kiểu Tây để các cháu sau này hội nhập với thế giới nên cháu không biết chuyện thưa gửi… Thì ra thế !”

Câu chuyện kết có hậu vì với nhận xét hợp lý của bố chồng, người con dâu này đã xin chuyển trường cho con chỉ vì đi học trường quốc tế cháu bé sẽ quên hết lễ nghĩa. Chị tâm sự :

“Vợ chồng tôi đều đã có thời gian đi tu nghiệp ở châu Âu nên việc dạy con rất thoáng. Thoáng nên mới cho bé đi học ở trường quốc tế để cháu được giáo dục tính tự lập, sự sáng tạo và có cơ hội phát huy hết năng khiếu của mình. Không ngờ mới hết lớp 1, tôi thấy bé thay đổi hẳn, không biết “trên dưới” là gì. Bé nói chuyện với người lớn cứ như bạn đồng trang lứa, không “dạ – thưa” mà cũng không biết nhún nhường.

Trong mọi tình huống, mọi hoàn cảnh bé luôn thể hiện mình là trung tâm, mình hiểu biết hơn người khác. 9 Tien hoc le 3Đặc biệt, tôi phát hiện ở bé một tính xấu: cái gì cũng nghĩ đến mình trước tiên, sau đó mới đến người khác. Ví dụ: tôi gọt một quả xoài, bé sẽ giành ăn hai cái má xoài, còn hai bên hông mới chia cho em gái. Khi tôi phân công việc nhà, bé cũng giành làm việc nhẹ nhàng, còn việc nặng nhọc để phần em gái. Tôi đã góp ý với nhà trường về mục tiêu giáo dục, họ trả lời thẳng là họ dạy cho học sinh quốc tế, học sinh đa văn hóa chứ không phải học sinh Việt Nam”.

Hết phần lượm lặt trên mạng, hết phần nói xấu quê nhà Việt Nam. Bây giờ chúng ta hãy xem tình trạng giới trẻ ở hải ngoại như thế nào.

Tôi sẽ không chứng minh được bằng kiểm tra và thống kê (chuyện có thật hay không, nếu có thì bao nhiêu phần trăm) mà xin để quý vị tự kiểm nghiệm, tôi chỉ nêu lên một giả định, còn đúng hay sai xin miễn bàn. Nếu chúng ta thay cháu bé ở Việt Nam bằng những người lớn hải ngoại quãng 30 tuổi đi, họ có công ăn việc làm, có nhà có xe, có thể cũng đã có gia đình riêng… nhưng họ đối với cha mẹ, ông bà chắc cũng giống cháu bé trong truyện mà thôi.

Điểm tôi xin nhấn mạnh là họ không biết “trên dưới”, và luôn luôn nghĩ đến mình trước tiên. Khi phạm lỗi, may mắn là chúng vỗ vai, xoa lưng người trên (xem như bằng vai, đồng trang lứa) mà lí nhí “I’m sorry”. Đúng ra là chúng phải chắp tay, cung kính xá mà thưa gửi đàng hoàng : “Thưa ông nội, con xin lỗi đã vô lễ với ông”. Tất cả chỉ là vì chúng nó không được “tiên học lễ”, cái học đầu tiên là phải biết lễ phép cái đã, tóm lại chúng nó đã thành bọn “mất dạy” cả rồi ! Tre em 6

Tôi không chủ trương phải áp đặt 5 điều xa xưa gọi là ngũ thường, đó là:

Nhân: có lòng thương người khác, không phải chỉ biết nghĩ đến mình

Nghĩa: phải biết ơn những điều mình thụ hưởng được từ người khác, nhất là công nuôi dạy mình

Lễ: phải biết trên dưới, giữ phép tắc mà xã hội, tập tục đã đề ra

Trí: dĩ nhiên phải mở mang trí tuệ để mà biết sống với đời

Tín: Tạo được sự tin tưởng nơi người khác, trung thực, không dối trá

Bởi thế:

Người không có Nhân thì sẽ thành kẻ độc ác.

Người không có Lễ thì sẽ thành kẻ vô phép.

Người không có Trí thì sẽ thành kẻ ngu ngốc.

Người không có Tín thì sẽ thành kẻ giả dối.

Tr thay tro 6Tại sao lại lẩm cẩm chuyện này ? Tại vì tôi già rồi, sống nay chết mai, nếu tôi có làm cho thế gian này đẹp đẽ thêm chút nào thì cũng là chuyện nên làm.

Ý kiến độc giả : Từ thời Pháp thuộc cho đến tháng 4 năm 1975, rất nhiều gia đình ở miền Nam VN đã cho con đi học “trường Tây” từ thuở bé con, chúng hấp thụ văn hóa Pháp và nói tiếng Pháp ngon lành như tiếng Mẹ đẻ… ấy thế mà chúng vẫn là người Việt biết lễ độ và lịch sự, bao nhiêu quan chức thời bấy giờ dù nói rành tiếng Pháp và cư xử như Tây, nhưng sự lễ độ cổ truyền của văn hóa Việt nơi họ không hề phai lạt hay mất mát.

Vậy tại sao con cái của thời đại bây giờ, cho đi học “trường quốc tế” thì lại mất dạy và chẳng biết lễ độ đối với người lớn và có thói quen ích kỷ như vậy ? Phải chăng giáo dục của trường quốc tế khác với các “trường Tây” của thời trước năm 1975 ?

Không phải thế !! Ở trong các trường “Tây” và “trường quốc tế” người ta cũng không dạy lễ độ như chúng ta tưởng, họ không chú trọng đến châm ngôn “Tiên học lễ, hậu học văn” của văn hóa cổ truyền Việt. Muốn duy trì sự lễ độ cho con cái thì phải ý thức rằng : Tiên học lễ ở nhà, hậu học văn ở trường. Giáo dục lễ độ là phải do cha mẹ dạy cho con cái ở ngay trong gia đình để chúng có thói quen và nề nếp chứ không “bán cái” cho người ngoài.

Tre em 3Tục ngữ VN có câu “Dạy con từ thuở lên ba“. Sự mất dạy của con cái chính là cái sai sót lỗi lầm của bậc cha mẹ không chú ý dạy dổ chúng khi còn tấm bé. Thuở còn măng non, dù chúng nó ra đường học hư mà về nhà được cha mẹ răn dạy kỹ lưỡng thì chúng nó vẫn biết lễ độ và vâng lời. Chỉ khi nào xã hội đã tước đi quyền dạy dổ của cha mẹ lên con cái, (chẳng hạn ở Mỹ, cha mẹ đánh con khi chúng gan lì thì bị cảnh sát cảnh cáo và phạt…) thì khi đó cha mẹ mới nên than phiền mà thôi.

Biết bao nhiêu gia đình ở VN cũng như ở hải ngoại vẫn có con cái ngoan hiền và lễ độ… thì phải chăng công lao này là do giáo dục nhà trường hay là do sự tận tâm giáo hóa của bậc cha mẹ ?

Nói chung, chỉ vì cha mẹ quá bận rộn kế sinh nhai cho nên phó mặc con cái của mình cho giáo dục của xã hội (hoặc là quá ngu cứ tưởng cái gì của nước ngoài đều hoàn hảo), và hậu quả là họ đã rước sự “vô giáo dục” của xã hội vào gia đình của mình.

Kiều Văn tổng hợp chuyển tiếp

9 Ke ghet 2CƯ XỬ VỚI

NHỮNG KẺ GHÉT MÌNH 

Trong một ngôi chùa cũ nát, sau khi tiểu đệ tử cứ phàn nàn hoài không ngớt, vị lão hòa thượng hỏi một câu, đã giúp cậu bừng tỉnh : “Chăn bông sưởi ấm cho người hay là người sưởi ấm cho chăn bong ?”…

Trong một ngôi chùa cũ nát, tiểu hòa thượng chán nản, thất vọng nói với lão hòa thượng : “Trong cái chùa nhỏ bé này chỉ có hai hòa thượng chúng ta, lúc con đi xuống núi hóa duyên, mọi người đều nói những lời ác với chúng ta, còn thường xuyên gọi con là hòa thượng hoang. Họ cho chúng ta tiền hương khói càng ngày càng ít đến thê thảm”.

Tiểu hòa thượng nói tiếp : “Hôm nay con đi khất thực, trời lạnh như vậy mà không có một ai mở cửa cho con, đến cơm bố thí cũng được ít. Chùa Bồ Đề chúng ta muốn thành một ngôi chùa ngàn gian, tiếng chuông vang xa không ngớt như Sư phụ nói, con e là không thể”.

Lão hòa thượng khoác lên mình chiếc áo cà sa không nói lời nào, chỉ nhắm mắt lại 9 Ke ghet 1lẳng lặng nghe, tiểu hòa thượng cứ nói và cằn nhằn liên miên… Cuối cùng lão hòa thượng mở mắt to hỏi : “Bây giờ bên ngoài gió bấc thổi mạnh, lại có băng tuyết ngập trời, con có thấy lạnh không ?”.

Tiểu hòa thượng toàn thân run rẩy nói : “Con lạnh, hai chân con đều tê cóng cả rồi !”.

Lão hòa thượng nói : “Vậy chi bằng chúng ta đi ngủ sớm đi”. Lão hòa thượng và tiểu hòa thượng tắt đèn chui vào trong chăn ngủ.

Một giờ sau, lão hòa thượng hỏi : “Bây giờ con có thấy ấm không ?”.

Tiểu hòa thượng trả lời : “Đương nhiên là con thấy ấm rồi, giống như ngủ dưới ánh mặt trời vậy !”.

Lão hòa thượng nói : “Khi nãy, chăn bông để ở trên giường là lạnh, thế nhưng khi có người nằm vào lại trở nên ấm áp. Con thử nói xem, là chăn bông sưởi ấm cho người hay là người sưởi ấm cho chăn bông đây ?”.

Tiểu hòa thượng nghe xong liền nở một nụ cười nói : “Sư phụ, người thật là hồ đồ đó,9 Ke ghet 3 chăn bông làm sao có thể sưởi ấm cho người được, phải là do con người làm chăn bông ấm lên mới đúng chứ !”.

Lão hòa thượng hỏi : “Chăn bông đã không cho chúng ta sự ấm áp lại còn cần chúng ta đi sưởi ấm nó, như thế thì chúng ta còn đắp chăn bông làm gì ?”.

Tiểu hòa thượng nghĩ nghĩ một lát rồi nói : “Mặc dù chăn bông không sưởi ấm cho chúng ta, nhưng chăn bông dày lại có thể giữ hơi ấm cho chúng ta, khiến cho chúng ta ngủ được thoải mái”.

Trong bóng tối, lão hòa thượng hiểu ý cười cười : “Chúng ta là hòa thượng tụng kinh rung chuông, chẳng phải là giống người nằm dưới chăn bong ? Còn những chúng sinh kia chẳng phải họ là một cái chăn bông dày đó sao ? Chỉ cần chúng ta một lòng hướng thiện, thì chiếc chăn bông lạnh như băng kia cuối cùng cũng sẽ được chúng ta 9 Ke ghet 4sưởi ấm. Lúc đó “cái chăn bông” dày kia cũng sẽ biết giữ ấm cho chúng ta. Chúng ta ngủ trong “cái chăn bông” như vậy, chẳng phải rất ấm áp sao? Ngôi chùa ngàn gian, tiếng chuông chùa ngân vang không ngớt, còn có thể là trong mơ được sao ?”

Tiểu hòa thượng nghe xong liền bừng tỉnh mà hiểu ra hết.

Bắt đầu từ ngày hôm sau, tiểu hòa thượng đều dậy rất sớm đi xuống núi hóa duyên. Tiểu hòa thượng cũng vẫn gặp phải những lời ác như trước đây. Thế nhưng tiểu hòa thượng trước sau gì đều giữ vững thái độ nho nhã và lễ độ đối xử với mọi người.

Mười năm sau…

Kỳ thực trên thế giới này, chúng ta đều là đang nằm trong chăn bông, người khác chính là chăn bông của chúng ta. Khi chúng ta dụng tâm đi sưởi ấm chăn bông thì chăn bông cũng sẽ giữ ấm cho chúng ta. Ngủ… đắp… cả một đời, vậy mà hôm nay mới biết…

Hóa ra mối quan hệ giữa người và chăn bông là như vậy, thật là có đạo lý phải không ? (Hạ Ly sưu tầm theo Xây Dựng)

Phan Tất Đại chuyển tiếp

Logo thu gian

Thu gian– Album khúc nhạc ngày Xuân (1:27’)

https://youtu.be/aElS85-vIFw

– Tuyệt phẩm nhạc tr tình (1:36’)

https://youtu.be/_CffgsAlPmI

– Hài Kịch : Lầm

Hoài Linh, Chí Tài trong Paris By Night

https://youtu.be/_FQZLrIfmlg

– Hài Kịch : Nỗi Oan Thị Mầu

Hoài Linh, Chí Tài & Kiều Oanh

https://youtu.be/08yfa3B4guU

Quế Phượng chuyển tiếp